Dòng Tên đã từng bị giải thể: Nguyên nhân và Bài học

Thưa Quý vị độc giả, ngày 7 tháng 8 sắp tới Dòng Tên toàn thế giới kỷ niệm 200 năm (1814-2014) Dòng được tái lập sau 41 năm  (1773 – 1814) bị giải thể. Nhân kỷ niệm sự kiện này, chúng tôi xin gửi đến Quý vị trình bày của ĐGM. Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J. trong buổi thuyết trình tại Học viện Dòng Tên.

BẢY NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN VIỆC GIẢI THỂ DÒNG
VÀ BẢY BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Bảy nguyên nhân dẫn đến việc giải thể Dòng

Thế kỷ thứ ba có hai sự kiện lớn: năm 1773, Dòng bị giải thể và được tái lập năm 1814. Có thể nói, trong thế kỷ thứ ba này, Dòng Tên thua trên mọi mặt trận. Có bảy nguyên nhân dẫn đến sự thua cuộc này.

Dòng Tên thất bại trước phái Jansen. Phái này chủ trương sống khắt khe, phần lớn dựa vào truyền thống và tư tưởng của thánh Âu Tinh. Pascal là một trong số những người thuộc phái Jansen. Ông là người tài ba xuất chúng nhưng lại ít hiểu biết về thần học. Ông có tài viết văn nên ảnh hưởng sâu rộng đến tầng lớp tri thức và giáo triều. Ông cũng là một trong những người chống đối Dòng cách mãnh liệt. Dòng Tên cũng chẳng nhân nhượng những giáo thuyết của phái Jansen; và chính Giáo Hội cũng kết án phái này. Tuy nhiên, phái Jansen lại có tầm ảnh hưởng quá lớn nên dù họ bị Giáo Hội kết án, Dòng Tên cũng chẳng làm gì được phái này. Ngược lại, đứng trước những làn sóng tấn công vô cùng dữ dội của phái Jansen, Dòng Tên cơ hồ không thể đứng vững nữa. Thời bấy giờ, đa số mọi người đều đứng về phe Jansen và loại trừ Dòng Tên.

Dòng Tên thua các triết gia, đặc biệt là các triết gia theo chủ nghĩa duy lý. Thời Trung Cổ, mọi người suy nghĩ theo nếp của Giáo Hội. Từ thế kỷ 16 trở đi, người ta muốn thoát ra khỏi những cung cách suy nghĩ ấy. Descartes với khẩu hiệu “cogito ergo sum” đã khai mào cho chủ nghĩa duy lý phát triển. Trong khi đó, khoa học cũng không ngừng tiến bộ. Ở Pháp lại xuất hiện nhóm Bách khoa. Nhóm này đề cao những thành quả khoa học và những suy tư mới. Và khi lý trí được đề cao quá mức sẽ dẫn đến việc phủ nhận đức tin. Những trào lưu này ảnh hưởng mạnh trên tầng lớp tri thức. Dòng Tên dường như thua cuộc, không thể giúp Giáo Hội chống đỡ nổi những cuộc tấn công này. Có lẽ Dòng thua vì học thức còn kém cỏi; nhưng cũng còn vì thái độ tự mãn, kiêu căng của một số anh em Giêsu Hữu lúc bấy giờ. Ở Pháp, một trong những người chống đối Hội Thánh rất mạnh mẽ là Voltaire. Mặc dù ông là học trò Dòng Tên và có lòng yêu mến Dòng tha thiết nhưng lại cực lực chống phá Giáo Hội. Và vì thế, muốn Giáo Hội sụp đổ thì phải phá bỏ Dòng Tên như là thành trì bảo vệ Giáo Hội. Có thể nói, Dòng chỉ đào tào được những con người rất giỏi giang nhưng chưa truyền tải được tinh thần thiêng liêng cho họ.

Trên mặt trận chính trị, từ thế kỷ 17, ý thức về tinh thần quốc gia được đề cao. Trong khi đó, Giáo Hoàng và các phẩm trật trong Giáo Hội có nhiều quyền hành, chi phối mọi quốc gia. Các giám mục dạy bảo được dân chúng trong khi tiếng nói của vua một nước đôi khi lại ít người nghe. Vì thế, các quốc gia muốn thoát ra khỏi giáo quyền, muốn giành lại quyền hành và cả tài sản từ tay Giáo Hội.

Thời bấy giờ, dòng họ Bourbon đang làm bá chủ Châu Âu và muốn thu vén mọi quyền lực trong tay mình. Dòng họ ấy toàn là những phó vương và công tước, lại được hỗ trợ bởi Đại học Sorbonne danh tiếng. Về giáo thuyết, đại học này ủng hộ phái Jansen, còn về chính trị thì lại ủng hộ các quốc gia, tức là muốn thoát ra khỏi quyền hành của Giáo Hội. Thế mà, Dòng Tên chống Jansen về giáo thuyết và lại ủng hộ Đức Giáo Hoàng, bênh vực Giáo Hội. Thời ấy, nhiều người nói rằng, Giáo Hội như là một thành trì cũ kỹ mà Dòng Tên đang ra sức bảo vệ. Do đó, muốn thoát khỏi Giáo Hội thì phải phá đổ Dòng Tên.

Về Linh Đạo, Dòng xem trọng cả hai chiều kích siêu nhiên và nhân bản. Phái Jansen chống Dòng vì Dòng đề cao con người, coi trọng chiều kích nhân bản. Các triết gia chống đối Dòng vì Dòng đặt nặng chiều kích siêu nhiên, xem Chúa là tuyệt đối. Về mặt chính trị, các quốc gia chống đối Dòng vì Dòng ủng hộ Đức Giáo Hoàng, bênh vực Giáo Hội. Đứng trước những chống đối tư bề ấy, Dòng dường như rơi vào sự cô đơn, lạc lõng.

Có sự lủng củng, bất hoà trong nội bộ Dòng. Thời ấy, cha bề trên González ủng hộ thuyết cái nhiên hơn. Trong khi đó, đa số anh em trong Dòng thì theo thuyết cái nhiên. Thế là, lúc bấy giờ, đã có sự chia rẽ, không am hợp giữa bề trên và bề dưới. Cha bề trên một đàng, anh em lại một nẻo. Cha bề trên được Đức Giáo Hoàng ủng hộ; anh em lại càng lâm vào tình trạng khốn đốn, khó khăn. Ngày nay, thuyết cái nhiên hơn đã bị loại bỏ. Nhưng thời ấy, chỉ có Dòng Tên suy nghĩ như vậy. Cho nên, một mình giữa tiền tuyến, Dòng không khỏi cảm thấy bơ vơ. Bên cạnh đó, lại có những bất đồng lớn trong một số xứ truyền giáo của Dòng về các vấn đề như: nghi lễ Trung hoa, các ấp ở Paraguay… Sự chia rẽ đã ở ngay trong nội bộ của Dòng rồi. Mặt khác, lúc ấy Dòng cũng thiếu những người xuất sắc về khoa học, triết học cũng như thiếu những bề trên giỏi và mạnh mẽ. Như thế, Dòng không đủ sức để chống đỡ những công kích từ bên ngoài.

Trong hoạt động tông đồ ở các xứ truyền giáo, Dòng là ngọn cờ tiên phong và thâu lượm được những thành công đáng kể. Tuy nhiên, Dòng lại thiếu “dân vận,” tức là người ta không hiểu gì về Dòng cả hoặc có hiểu thì lại hiểu sai. Vả lại, từ những thành công vẻ vang của những hoạt động tông đồ, Dòng cũng không tránh khỏi thái độ tự mãn và bị nhiều người ghen tị. Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục, lúc ban đầu, chỉ là nhiệm vụ của các trợ sĩ. Nhưng càng ngày hoạt động này càng lôi kéo nhiều thành viên của Dòng, kể cả những thệ sĩ. Hiện trạng đó làm cho Dòng mất đi tính cơ động vốn có của mình. Đang thành công, tự mãn nên Dòng cũng chẳng cần nghĩ đến những thay đổi chỉnh sửa. Quy chế học tập của Dòng đã có từ thời thánh I Nhã mà chẳng thấy điều chỉnh gì hết. Trong khi đó, ở bên ngoài người ta đã thay đổi rất nhiều. Làm tuyên uý cho vua cũng gây ra nhiều khó khăn. Khi làm tuyên uý, các thành viên trong Dòng không chỉ là dâng lễ, giải tội nhưng còn cố vấn cho vua trong việc phong chức giám mục. Mỗi lần có giám mục mới, Dòng chỉ có thêm được một người bạn mà lại có rất nhiều thù. Đó chính là những người không được chọn làm giám mục. Như vậy, có thể nói rằng Dòng Tên bị giải thể là vì quá nổi tiếng; vì được vua yêu mến; vì được Giáo hoàng sủng ái; vì tự kiêu và bị thù hằn ghen ghét.

Qua việc phân tích bảy nguyên nhân dẫn đến giải thể Dòng, ta có thể tạm kết luận như thế này: Trong thế kỷ thứ ba, Dòng Tên như một toán lính xông pha tả hữu vì dân, vì nước, vì vua nhưng lại bị quân thù bao vây tứ phía. Trong khi ấy, Dòng lại thiếu những người lính giỏi, những vị chỉ huy tài ba và bị giáo triều dường như bỏ rơi. Trong tình cảnh ấy, Dòng “chết” (bị giải thể) cũng là điều dễ hiểu.

2. Bảy bài học quý báu

Tuy nhiên, lịch sử Dòng trong giai đoạn “thế kỷ thứ 3” này cũng cho chúng ta những bài học giá trị. Với ý thức về giới hạn của mình, mỗi thành viên trong Dòng tâm niệm rằng sống chính là để phụng sự Chúa trong lòng Hội Thánh. Nhìn tổng thể bối cảnh của thời kỳ này, ta có thể liên tưởng đến câu Kinh Thánh (Mt 22,23): “Của Ceasar, trả cho Ceasar; của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa.” Trong đó, vế đầu được các triết gia ủng hộ một cách thái quá đến nỗi bỏ qua vế còn lại. Ngược lại, phái Jansen lại đặt nặng vế thứ hai mà gạt bỏ vế đầu. Trong khi đó, Dòng Tên luôn giữ vững quan điểm của mình là tôn trọng cả hai vế của câu Kinh Thánh trên. Về mặt đời, Dòng đồng ý với các triết gia; về mặt đạo, Dòng đồng tình với phái Jansen. Tuy nhiên, anh em Dòng Tên muốn giữ sự quân bình, không bỏ qua vế nào. Nói cách khác, Dòng muốn phụng sự Thiên Chúa ngay giữa dòng đời; để mỗi thành viên trong Dòng trở nên người của Chúa, người của tha nhân. Mặc dù vậy, để sống tinh thần ấy một cách vững chắc, Dòng cần rút ra những bài học từ thực tế gặp phải trong giai đoạn “thế kỷ thứ ba” này của Dòng.

Bài học đầu tiên chính là tránh thái độ tự mãn. Dòng Tên thời kỳ này có được thành công về nhiều mặt. Điều này kéo theo sự ưu ái của nhiều bậc vị vọng, có thế giá cả trong và ngoài cơ cấu phẩm trật Hội Thánh. Thái độ tự mãn có thể hình thành khi những thành viên của Dòng quá tự hào về những thành công của mình; tự hào về cách đào tạo người trong Dòng, tự hào về thời gian huấn luyện tri thức, hay tự hào thái quá về những thành công trong hoạt động tông đồ. Bên cạnh đó, những thành công của Dòng cũng chính là dịp để những thái độ ghen tỵ, ác cảm hình thành. Thực vậy, nếu anh em Dòng Tên tự mãn về những thành công mình có được, Dòng sẽ phải đối mặt với những thế lực, những con người coi Dòng là một thứ gì đó đáng ghét hoặc đáng ghê sợ. Do vậy, tránh thái độ tự mãn, học hỏi sự khiêm nhường của Đức Kitô sẽ giúp Dòng tránh được cái gọi là “Dòng Tên dễ sợ” nhưng thay vào đó là một “Dòng Tên dễ thương.”

Bài học thứ hai Dòng thu lượm được trong giai đoạn này là sự cần thiết phải làm triển nở linh đạo Dòng Tên. Điều đầu tiên có thể kể đến chính là phát triển Linh Thao để giúp ích một cách thiết thực hơn cho các linh hồn. Bên cạnh đó, linh đạo Dòng cũng hướng đến việc đào tạo nhân lực. Thánh Canisio đã tiên phong mở trường để truyền đạt không chỉ kiến thức nhưng còn mang lửa đức tin đến những học viên của mình. Nhờ đó, Dòng có thể giúp tha nhân hiểu hơn về Dòng và về Hội Thánh, tránh được những hiểu lầm không cần thiết. Ngoài ra, linh đạo Dòng Tên còn mở ra với chiều kích hội nhập văn hóa. Qua chiều kích này, Dòng hoàn thành vai trò là người tiên phong, mở đường cho Hội Thánh, giúp nhiều người nhận biết Chúa hơn. Cũng vậy, một điều không thể không nhắc đến trong linh đạo Dòng Tên là việc thăng tiến công bình. Chúng ta hoàn toàn có thể nhắc đến kinh nghiệm đẩy mạnh thăng tiến công bình ở Paraguay của anh em Dòng Tên. Mặc dù thất bại, nhưng việc Dòng ủng hộ thăng tiến công bình ở đây đã trở thành một nỗ lực tiên phong, mở ra một con đường mới cho Hội Thánh.

Song song với hai bài học trên, Dòng còn rút được bài học lớn về việc đối thoại. Dòng cần huấn luyện mỗi thành viên học biết cách đối thoại. Đối thoại ở đây được mở rộng ra với nhiều đối tượng: đối thoại với các nhà khoa học, các triết gia; đối thoại trong nội bộ Dòng giữa các anh em với nhau; đối thoại với các Dòng khác, với Đức Thánh Cha, với giáo triều; đối thoại với các tôn giáo bạn; và đối thoại với các nền văn hóa, với chính quyền,…Chính việc đối thoại này sẽ giúp Dòng sống hòa hợp, tránh được các xung khắc không cần thiết.

Bài học thứ tư Dòng nhận được chính là sự cần thiết của tinh thần chiêm niệm trong hoạt động. Như kinh nghiệm của thánh I Nhã được nhắc đến trong Linh Thao, ngài thấy Ba Ngôi Thiên Chúa, nhìn từ trên cao xuống thấy con người đau khổ, đã bàn bạc và quyết định Ngôi Hai nhập thể cứu chuộc nhân loại; tinh thần chiêm niệm và hoạt động cần hòa quyện và thúc đẩy nhau tăng tiến. Anh em Dòng Tên cần sống triển nở hai chiều kích nhân bản và siêu nhiên: sống cho là người hơn và sống là để phụng sự Thiên Chúa hơn. Muốn làm được điều đó, mỗi thành viên phải học sống chiều kích nhập thể, luôn đổi mới và thích nghi với mỗi hoàn cảnh sống cụ thể.

Một bài học không kém phần quan trọng là việc một lòng với Hội Thánh. Đây không chỉ là việc trung thành mà còn là sự can đảm, dám tiên phong mở đường mới cho Mẹ Hội Thánh về mọi chiều kích. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là mặc dù Dòng làm công tác mở đường nhưng lại không được tạo khoảng quá xa gây ra những hiểu lầm không tốt. Bài học này cho thấy Dòng cần làm tốt vai trò là người mở đường, giúp Hội Thánh thi hành sứ mạng trong hoàn cảnh mới luôn thay đổi.

Bài học thứ sáu có liên quan chặt chẽ với Dòng Tên Việt Nam. Trong bối cảnh tục hóa và toàn cầu hóa đang lấn lướt, chính quyền lại theo lối chủ nghĩa duy vật vô thần. Bài học mà Dòng cần chú tâm học hỏi là sự cần thiết phải đào tạo thành viên một cách chu đáo cả về nhân bản lẫn thiêng liêng, có kiến thức vững chắc về Thánh Kinh, Triết Học và Thần Học. Dòng cũng cần lưu ý chuẩn bị nhân lực có kiến thức tốt về khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn. Ngoài ra, Dòng còn cần giúp Hội Thánh đẩy mạnh hội nhập văn hóa và thăng tiến công bình. Đây là bài học mà Dòng cần lưu ý trong một hoàn cảnh nhạy cảm và cụ thể như ở Việt Nam.

Bài học sau nữa đề cập đến chiều kích đồng hành thiêng liêng với Đức Kitô. Trong mọi sự, mỗi thành viên trong Dòng luôn ý thức mình cùng với Chúa để phục vụ. Đây chính là hằng số cuộc đời của mỗi người. Điều này không gì khác hơn là bài học từ Linh Thao qua bài Tiếng Gọi Của Vua Hằng Sống và Chiêm Niệm Để Được Tình Yêu. Nhờ xác tín được đồng hành cùng Chúa trong mọi sự, mỗi anh em Dòng Tên trở nên người môn đệ truyền giáo vui tươi, giản dị, gần gũi với mọi người, sẵn sàng gặp gỡ, đối thoại và thương cảm như thầy Giêsu của mình.

Có thể nói, một điều có thể được coi như một quan niệm sống là sự đơn sơ. Chúng ta cần đơn sơ như bồ cu để được tự do. Khi ấy, chúng ta không cần quan tâm mình sẽ chết khi nào; chỉ cần biết mình đang ở với Chúa; thế là đủ! Chính khi đơn sơ, chúng ta sẽ sống hết mình phụng sự Chúa và nếu có chết thì là việc tốt vì chúng ta được về với Chúa. Những bài học từ giai đoạn “thế kỷ thứ ba của Dòng” sẽ là gợi hứng để chúng ta sống được điều đó.

Kết luận

  1. Mỗi một giai đoạn có những khó khăn riêng thách đố riêng của nó. Vấn đề là làm sao chúng ta có thể biết cách để vượt qua những thách đố đó. Thế nhưng, biến cố năm 1773 là một thách đố mà Dòng đã không vượt qua được. Đây là một bài học đáng để cho chúng ta ngẫm nghĩ. Nhìn về cuộc đời mình, anh em cũng có thể có những thách đố, những khó khăn riêng. Nếu chúng ta cậy nhờ vào ơn Chúa và sự trợ giúp của Dòng, chúng ta có thể vượt qua được. “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai.” Chúng ta cần phải chấp nhận những thách đố bởi lẽ cuộc đời chúng ta tựa như một cuộc leo núi. Mỗi một lần ta bước chân lên là mỗi một lần ta đối diện với thách đố. Thế nhưng, mỗi khi chúng ta càng bước lên chúng ta lại càng lên cao; mỗi khi chúng ta bước lên một bậc là mỗi lúc chúng ta lên cao hơn một chút. Cứ như thế chúng ta sẽ lên đến đỉnh núi. Ở đó, ta có thể chiêm ngưỡng được những cảnh sắc tuyệt đẹp. Cũng vậy, khi bước theo Chúa Giêsu ta cũng gặp nhiều thách đố và khó khăn. Thế nhưng càng bước theo Ngài ta lại càng ở gần Ngài hơn, được cùng Ngài lên đỉnh Canvê.
  2. Khi so sánh với một láng giềng quá lớn là Trung Hoa, có lẽ nước Việt Nam chỉ được ví như “cô gái lọ lem.” Thế nên chúng ta có thể thấy Giáo Hội và cả Dòng Tên nữa đang hướng về Trung Hoa, đang chọn Trung Hoa là một ưu tiên quan trọng. Dù với thân phận là “cô gái lọ lem”, đất nước của chúng ta vẫn kiên cường và phát triển, chẳng hạn: Giáo Hội Việt Nam hay các dòng tu vẫn đang phát triển phong phú tại Việt Nam. Dầu vậy, chúng ta vẫn cần phải chấp nhận rằng trong cái nhìn của Giáo Hội, Trung Hoa vẫn được ưu tiên hơn. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là chúng ta không cần cố gắng hay phấn đấu. Trái lại, chúng ta cần phải cố gắng, bươn chải để tự mình vượt qua những khó khăn và thách đố. Chính khi chúng ta dám vượt qua khó khăn thì lúc đó chúng ta được lớn lên.
  3. Khi biết tin Tòa Thánh bổ nhiệm tôi làm giám mục, có người đã hỏi liệu tôi có thấy vinh dự khi là tu sĩ dòng Tên Việt Nam đầu tiên được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục không. Tôi đã trả lời rằng: “tôi không thấy vinh dự, tôi chỉ thấy sứ mệnh.” Trong tư cách là một người dòng Tên, anh em cũng hãy nhìn việc học hiện nay như là một sứ mệnh; nhìn tất cả những gì bề trên giao phó là sứ mệnh.
  4. Chắc chắn nhiều người trong chúng ta rất mong được sai đi truyền giáo. Nhưng truyền giáo không phải là điều hoàn toàn dễ dàng. Chẳng hạn, có một thầy xin phép đi truyền giáo tại một địa phận, thế nhưng khi được nghe kể về những công việc sắp phải làm, thầy đã xin về dù chỉ mới đi với cha xứ được nửa đường. Thế nên, ngày xưa thánh Inhaxiô muốn rằng nếu người nào muốn đi truyền giáo phải cấm phòng 10 ngày để duyệt xét lại ý hướng và ao ước đó thật cẩn thận. Bản thân tôi cũng đã từng ao ước được đi truyền giáo ở Châu Phi. Thế nhưng, sau đó bề trên lại sai đi làm linh hướng tại Đại chủng viện Hà Nội. Không chút chần chừ, tôi đã chấp nhận sau khi biết đó là sứ vụ của Dòng còn việc đi Châu Phi chỉ là ước muốn của cá nhân. Mỗi người chúng ta đều có quyền mong ước về sứ vụ mà mình sẽ phục vụ nhưng Chúa định thế nào thì ta cần sẵn sàng.
  5. Nhìn về lịch sử Dòng, chúng ta không thể không ghi nhận những hào quang trong quá khứ ấy. Quả thực, Dòng đã làm được nhiều điều, đã có bao nhiêu anh em giỏi giang phục vụ trong nhiều lãnh vực. Thậm chí, việc Dòng bị giải thể và tái lập cũng có khi được xem như một thứ hào quang nào đó để chúng ta tự hào. Thế nhưng điều quan trọng không phải là vinh dự mà là sứ mệnh. Chúng ta đừng mãi ở lại trong ánh hào quang quá khứ nhưng trong hoàn cảnh của mình chúng cần tiếp bước gương dấn thân phục vụ của các bậc tiền bối, cần viết tiếp trang sử mà các ngài đã khởi sự. Chúng ta cần can đảm học bài học từ quá khứ, dù bài học đó có thể là những thất bại. Chúng ta học bài học của quá khứ để lần sau chúng ta không bị đi vào vết xe đổ.
  6. Nhìn về giai đoạn Dòng bị giải thể, Dòng chúng ta đã “thua trên mọi mặt trận”. Vì thế, học lại bài học từ lịch sử chính là để chúng ta không bị thua nữa. Nói khác đi chúng ta không đi tìm chiến thắng kiểu “con bọ xít” tức là hung hăng thắng người ta nhưng chúng ta quyết tâm dấn bước phục vụ Hội Thánh như lời Chúa mời gọi chúng ta.
  7. Có thể có những lúc chúng ta bị rơi vào kinh nghiệm bị bỏ rơi như chính kinh nghiệm của Dòng khi bị giải thể. Quả thực Dòng đã bị bỏ rơi hoàn toàn khi bị chính Giáo triều quay lưng, khi những người do Dòng đào tạo lại chống đối Dòng.v.v. Thế nhưng, có lẽ chính trong những kinh nghiệm bị bỏ rơi, Thiên Chúa đang thử thách, đang huấn luyện chúng ta, dẫu cho đôi lúc những kinh nghiệm đó tưởng chừng như vượt quá sức của chúng ta. Ở đây, chúng ta hãy chiêm ngắm chính kinh nghiệm bị bỏ rơi của Chúa Giêsu trên thánh giá. Chính Chúa Giêsu cũng đã đau buồn tột độ khi ngài cảm thấy như bị Chúa Cha bỏ rơi. Thay vì gọi Thiên Chúa là Cha như quen gọi, Ngài đã gọi “lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con” khi ở trong kinh nghiệm bị bỏ rơi tột cùng này. Thế nhưng, trong chính lúc tưởng như bị bỏ rơi đó, Chúa Giêsu lại được Chúa Cha đón trở về. Chúng ta hãy tin rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta nhưng Ngài đón chúng ta bằng cách thức riêng của Ngài.
  8. Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ về La Storta, nơi mà tôi đã có dịp hành hương và cầu nguyện một mình trong nhà nguyện nhỏ bé mà xưa kia thánh I Nhã đã cầu nguyện và được Chúa Cha đặt với Chúa Con. Xin được đặt với Chúa Con chính là khao khát mãnh liệt mà thánh I Nhã hằng cầu xin với Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ. Vì thế, chúng ta hãy noi gương thánh I Nhã xin cho chúng ta luôn luôn được đặt ở với Chúa trên thánh giá. Cả Dòng chúng ta hãy cùng xin ơn đó như thánh I Nhã đã xin, hãy can đảm như thánh Gioan Soan ôm lấy cây thập giá khi bị đưa ra pháp trường. Đây là cách để giải quyết mọi vấn đề của chúng ta, từng cá nhân cũng như của toàn thể Dòng.

Ghi chép của Anh Phương S.J., Chí Thành, S.J. và Chỉnh Trần S.J.

Kiểm tra tương tự

Tại sao lễ Chúa Hiển Linh được coi là lễ hội ánh sáng?

  Lễ Chúa Hiển Linh tập trung cách đặc biệt vào thực tại Chúa Giêsu …

Facebook năm thứ 20: Tình Bạn đang thay đổi thế nào?

  Giống như khi một người hàng xóm lâu năm làm ta ngạc nhiên, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *