Dụ ngôn hạt giống và hạt cải
(Mc 4, 26-34)
26 Người nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.”
30 Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”
33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe.34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
***
- Ngôn ngữ “dụ ngôn”
Sau khi kể lại một loạt dụ ngôn mà Đức Giê-su đã dùng trong lời giảng của mình, dụ ngôn người gieo giống, dụ ngôn cái đèn, dụ ngôn đấu đong, dụ ngôn hạt giống và dụ ngôn hạt cải, thánh sử Mác-cô kết luận:
Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn.
Câu nói này của thánh Mác-cô rất là triệt để và chúng ta cần lưu tâm cách đặc biệt; bởi lẽ theo đó, dụ ngôn không chỉ là một trong những cách thức giảng dạy của Đức Giê-su, nhưng còn là chính cách thức giảng dạy của Người; hay ít nhất chúng ta có thể nói rằng, một mình cách giảng dạy bằng dụ ngôn đủ để diễn tả toàn bộ lời giảng của Đức Giê-su. Một nhà chú giải còn đi xa hơn khi nói rằng, Đức Giêsu là “Dụ Ngôn của Thiên Chúa” cho con người. Trong bài tin Mừng hôm nay, thánh sử Mác-cô, trong bài Tin Mừng hôm nay còn nói:
Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau,
thì Ngài giải thích hết.
Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự khó hiểu của các dụ ngôn, cũng giống như các môn đệ xưa; và vì thế chúng ta cảm thấy có nhu cầu học hỏi. Đúng là phải học, nhưng điều này vẫn chưa đủ, thậm chí không phải là yếu tố quyết định; bởi lẽ lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta rằng chúng ta cần ở lại với Đức Giê-su (thay vì thấy khó rồi bỏ đi), im lặng lắng nghe chính Ngài giải thích. Chính tương quan thiết thân với Đức Kitô, và sự hiểu biết Đức Kitô mà thánh Phaolô nói tới trong thư Phi-líp-phê mới là quyết định để hiểu các dụ ngôn: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi” (Phil 3, 8)
Những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường và từ thiên nhiên. Nhưng các dụ ngôn lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời. Chúng ta được mời gọi nhớ lại bao nhiêu có thể những dụ ngôn mà Đức Giêsu đã kể trong các Tin Mừng và xin Chúa dẫn chúng ta vào “những điều kín ẩn” ở bên dưới các dụ ngôn, như thánh sử Mát-thêu nói:
Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.
(Mt 13, 33-34)
- Dụ ngôn hạt giống và hạt cải
Khi nói đến Nước Thiên Chúa, chúng ta thường nghĩ ngay đến năng lực của con người: con người yếu đuối, tội lỗi, bất lực; thế giới và xã hội chúng ta đang sống đầy hỗn mang, lệch lạc, ô nhiễm… Nhưng, để giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, lời của Đức Giêsu lại mời gọi chúng ta chiêm ngắm năng lực của thiên nhiên, đúng hơn là năng lực của một trong những điều nhỏ bé nhất của thiên nhiên, để nhận ra điều kì diệu vượt qua mọi nỗ lực của con người: “
Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất… Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.
(c. 26 và 31)
Đó là năng lực của hạt lúa, đó là năng lực của hạt cải. Đúng là trong hai dụ ngôn nhỏ này, Đức Giê-su hình như xem nhẹ công sức của con người. Tuy nhiên, đó lại là sự thật của muôn đời: dù con người có cố mấy đi nữa cũng không thể thay thế được sức sống của thiên nhiên, dù hiểu biết khoa học của con người có tiến bộ mấy đi nữa cũng không thấu hiểu được thiên nhiên, nhất là sự sống trong thiên nhiên. Nhưng xét cho cùng, với những dụ ngôn này, Đức Giêsu không muốn dạy chúng ta về thế giới thực vật, nhưng Ngài mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm thiên nhiên để cảm nghiệm được năng lực ẩn dấu nhưng thật mạnh mẽ và kì diệu của Nước Thiên Chúa, của Hạt Giống Giê-su, ngang qua mầu nhiệm Vượt Qua, nẩy mầm, thành cây, trỗ đòng đòng và thành “bông lúa nặng trĩu hạt”.
Thật vậy, hai dụ ngôn hạt giống và hạt cải thật nhỏ bé và rất tự nhiên (nghĩa là không có những yếu tố “lạ thường” mà các dụ ngôn thường có), nhỏ bé và tự nhiên như chính hình thức (rất ngắn) và nội dung của dụ ngôn (hạt giống và hạt cải nhỏ bé khiêm tốn). Tuy nhiên, niềm hy vọng mà hai dụ ngôn này có thể khơi dậy nơi tâm hồn người nghe thì rất to lớn và rất siêu nhiên:
Niềm hy vọng to lớn. Bất chấp tất cả, bất chấp Sự Dữ, bất chấp những hoàn cảnh khó khăn hay bất lợi, bất chấp những giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của loài người, của người khác, của anh em, của chị em và của chính chúng ta, bất chấp hạt giống rất nhỏ bé mong manh đang có trong thế giới, trong cộng đoàn và trong lòng chúng ta, Nước Trời mà chúng ta hy sinh cả đời để xây dựng trong đời sống dâng hiến, tất yếu sẽ hiện hữu, lớn mạnh và đạt tới sự viên mãn. Hình ảnh đồng lúa trĩu hạt và chín vàng và hình ảnh cây cải cành lá sum suê đến độ chim trời làm tổ trên cành được diễn tả sự viên mãn tất yếu của NT.
Niềm hy vọng siêu nhiên. Bởi vì đó chỉ có thể là công trình của Thiên Chúa, công trình kì diệu diễn ra trước mắt chúng ta. Thật ra, ngay trong tiến trình lớn lên tự nhiên của hạt lúa và hạt hạt cải đã có điều gì đó là siêu nhiên rồi, trong mức độ con người không thấu suốt và làm chủ được hoàn toàn.
Điều mà hai dụ ngôn này muốn diễn tả, đang được thực hiện cho cộng đoàn chúng ta, cho từng người chúng ta mỗi ngày ngang qua việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, ngang qua Thánh Lễ được cử hành và ngang qua ngày sống được nuôi dưỡng bằng Lời và Mình của chính Đức Ki-tô. Từng ngày và từng ngày, dù bất cứ điều gì đã xẩy ra trong nội tâm của chúng ta, tất cả chúng ta, từng người và cả cộng đoàn, đã được Chúa gieo hạt giống. Hạt giống thật nhỏ bé và mong manh, nhưng tất yếu sẽ tạo nên mùa màng bội thu và trở nên to lớn và bền vững. Bởi vì đó là sức mạnh tất yếu của Lời Chúa. Hạt giống chính là Lời Chúa. Như chính Đức Chúa đã tuyên bố:
Lời TA, một khi xuất phát từ miệng ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.
(Is 55, 11)
- Hạt Giống “Giê-su”
Trong bữa tiệc li, theo Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nói: « Anh em là bạn của Thầy » và « Không có ai có tình yêu lớn hơn người từ bỏ sự sống cho những người bạn của mình » (Ga 15, 13-14). Qua hành vi trao bánh và rượu cho các môn đệ, qua hành vi rửa chân của các ông, Đức Giêsu muốn Phê-rô và tất cả chúng ta hiểu ra rằng Ngài không chỉ muốn gieo Lời của Ngài, nhưng còn muốn gieo chính bản thân của Ngài. Vì Lời của Ngài và Ngôi Vị của Ngài là một. Hạt giống là chính Đức Giê-su, là Sự Thiện và Sự Sống nơi Người, mạnh hơn Sự Dữ và Sự Chết, chính vì vậy mà sự viên mãn của Nước Trời là tất yếu.
Trong thiên nhiên, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa được ghi khắc, và không chỉ mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, nhưng đỉnh cao của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, nghĩa là mầu nhiệm Vượt Qua, cũng được khi khắc trong thiên nhiên, khi Đức Giêsu nói:
Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
(Ga 12, 24)
Đức Giê-su ví lời của mình và chính bản thân mình với hạt giống. Như thế, trong thiên nhiên, còn ghi khắc mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Và nếu trong thiên nhiên, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và mầu nhiệm Vượt Qua được ghi khắc thật rõ nét, thì trong lịch sử loài người, trong thế giới và xã hội chúng ta đang sống và trong chính cuộc đời của mỗi người chúng ta, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và mầu nhiệm Vượt Qua còn được ghi khắc rõ nét hơn biết bao. Có thể nói, cuộc đời của chúng ta như thế đó cũng là một dụ ngôn nói về Nước Thiên Chúa, về mầu nhiệm Vượt Qua.
Xin cho con tim chúng ta bừng cháy, khi nhận ra “điều kín ẩn” này và quảng đại mở lòng ra để cho Chúa Thánh Thần hoàn tất mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và mầu nhiệm Vượt Qua nơi cuộc đời của chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc