Lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa đã thúc đẩy Ngài hành động, đồng thời đã cho chúng ta chìa khoá để hiểu các hành động ấy, nay trở nên gần gũi con người đến nỗi chúng mang dáng dấp của một con người, tên là Giêsu, tức là Ngôi Lời đã thành xương thành thịt. Trong Tin Mừng thánh Luca, Đức Giêsu mô tả tác vụ cứu thế của mình bằng những lời lẽ của Isaia, cho chúng ta biết ý nghĩa tiên tri của năm toàn xá: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, công bố ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù sáng mắt, giải phóng những ai bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19; x. Is 61,1-2). Như thế, Đức Giêsu đã tự xếp mình vào hàng ngũ những người hoàn tất, không phải chỉ vì Người đã thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa và những gì dân Isarel chờ đợi, mà sâu xa hơn còn vì, biến cố mang tính quyết định trong lịch sử, quan hệ của Thiên Chúa với con người đã được thực hiện nơi Đức Giêsu. Vì thế, Người mới dám tuyên bố: “Ai thấy Ta là đã thấy Cha” (Ga 14,9). Nói cách khác, Đức Giêsu chính là bằng chứng để chúng ta thấy tận mắt Thiên Chúa đã hành động quả quyết thế nào đối với con người.
Tình yêu thôi thúc Đức Giêsu thi hành sứ vụ giữa loài người chính là tình yêu Người đã nghiệm thấy khi kết hợp mật thiết với Chúa Cha. Tân Ước giúp chúng ta đi sâu hơn trong kinh nghiệm mà Đức Giêsu đã từng sống và truyền đạt cho chúng ta, kinh nghiệm về tình yêu của Chúa Cha, mà Người gọi là “Abba, Cha ơi!”, và từ đó, giúp chúng ta đi vào chính trung tâm đời sống Thiên Chúa. Đức Giêsu loan báo tình thương giải phóng của Thiên Chúa cho những ai Người gặp trên đường của mình, trước hết là những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề, những người tội lỗi. Người mời gọi tất cả mọi người đi theo Người vì Người là người đầu tiên tùng phục kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, và Người làm việc này một cách hết sức đặc biệt như người sứ giả được Thiên Chúa sai đến thế gian.
Việc Đức Giêsu ý thức mình là Con là một biểu hiện của kinh nghiệm ưu tiên đó. Con được Cha ban cho mọi thứ và được ban cho một cách hoàn toàn tự do: “Mọi sự của Cha đều là của Thầy” (Ga 16,15). Đến lượt mình, sứ mạng của Người là làm cho mọi người chia sẻ hồng ân ấy và chia sẻ quan hệ con cái ấy: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa vì tôi tớ không biết việc chủ làm; nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe thấy nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).
Đối với Đức Giêsu, nhận ra tình yêu của Chúa Cha có nghĩa là phải uốn nắn các hành vi của mình theo lòng thương xót và vô vị lợi của Thiên Chúa; chính những điều này làm cho sự sống mới được khai sinh. Hay có nghĩa là trở nên tấm gương và khuôn mẫu cho các môn đệ từ chính sự hiện hữu của mình. Những ai đi theo Đức Kitô được kêu gọi hãy sống như Người, và sau khi Người vượt qua cái chết và sống lại, còn phải sống trong Người và nhờ Người, dựa vào một hồng ân hết sức phong phú là Chúa Thánh Thần, còn gọi là Đấng An Ủi, Ngài sẽ tìm cách đưa nếp sống riêng của Đức Kitô vào trong tâm hồn con người.
(Công Lý và Hòa Bình, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, (Bản dịch tiếng Việt của linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và nhóm dịch thuật), số 28-29)
Cầu nguyện
CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Ðầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên. (Tv 23)
(Ban Tông đồ Xã hội)