Đức Giêsu Phục sinh với hai môn đệ trên đường Emmau

Sau khi thầy Giêsu sống lại, người ta thấy thầy Giêsu hiện ra với nhiều người, nhiều lần khác nhau. Thầy hiện ra lần đầu với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, những lần hiện ra với các môn đệ, lần hiện ra tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a, v.v. Hôm nay chúng ta cùng với Chúa Giêsu Phục sinh về một làng quê cách Giêrusalem chừng 11 cây số. Đó là làng Emmau. Trên con đường ấy, Thầy đã chuyện trò với hai môn đệ để giúp các ông nhận ra Chúa phục sinh. Chỉ có Tin Mừng  Luca quay lại thước phim thú vị này (Lc24, 13-35).

Còn nhớ mới đây thôi, hai ông cũng như nhiều người đổ về Giêrusalem vì nghe biết thầy Giêsu là Đấng Mê-si-a, là vua người Do Thái đang mong chờ. Thầy đã đến, họ cũng đã gặp và muốn kết thân với Thầy với hy vọng Thầy sẽ giải phóng dân, cho họ được tự do thái bình.

Bỗng chỉ sau một đêm nơi Vườn Dầu, sau một tòa án bất công, họ mất hết hy vọng. Giấc mơ của họ tan thành mây khói. Chính mắt họ thấy Thầy chết trên thập giá, được chôn cất trong một ngôi mộ còn mới của ông Giô-xếp thành A-ri-ma-thê. Mọi ước mơ hoài bão họ đặt nơi Thầy đều bị chôn vùi tựa thân xác Thầy trong mồ vậy. Do đó, Giêrusalem không còn là nơi hấp dẫn họ ở lại. Với họ lúc này, khăn gói về quê là con đường tốt nhất. Dầu sáng nay hai ông cũng kinh ngạc nghe các bà kể chuyện các thiên thần bảo Đức Giêsu đã sống lại.

Trên đường về Emmau, chắc hai ông cũng vẫn bàn tán về câu chuyện đó thực hay hư, đúng hay sai và chắc chắn họ còn chuyện trò quanh đề tài thầy Giêsu đã chết. Đang lúc chuyện trò bàn tán thì đức Giêsu tiến lại gần và cùng đi với họ. Câu chuyện về ba người trên đường lúc này thêm phần hấp dẫn hơn.

Vì mắt họ còn bị ngăn cản nên chưa nhận ra Thầy đã phục sinh. Người hỏi họ đang bàn tán về chuyện gì vậy? Họ dừng lại với vẻ mặt buồn sầu thất vọng. Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay?” Ông nói chính xác vì tất cả mọi người trong thành đều biết về câu chuyện một ông Giêsu Nazarét bị các thượng tế và thủ lãnh người Do Thái nộp cho Philatô và họ đã đóng đinh Người vào thập giá.

Thầy mỉm cười và tiếp tục khơi gợi câu chuyện để họ giãi bày tâm sự. Dĩ nhiên là người trong cuộc, nên Thầy biết hết. Là Đấng phục sinh, Thầy có thể làm mọi sự, phán một lời để họ tin vào Thầy đã phục sinh. Nhưng Thầy chọn cung cách hành xử là đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, chúc lành và trao ban để giúp người ta từ từ nhận ra Thầy. Phải chăng đây cũng là lối nẻo và là sức năng động mà Thầy muốn chỉ cho người loan báo Tin Mừng cần đi vào cuộc sống, văn hóa, tâm tư tình cảm của con người; từ đó giúp họ tự do đón nhận Thầy Giêsu phục sinh.

Con đường về làng Emmau còn dài phía trước, nên Thầy cùng họ bước đi, đồng thời chia sẻ với họ về tất cả những lời các sách Cựu ước đã giải thích liên quan đến thầy Giêsu. Khi Thầy nói chuyện và giải thích kinh thánh thì lòng họ bừng cháy, nhưng mắt họ vẫn chưa nhận ra người đàn ông này là Thầy của họ. Họ cần thời gian và thầy Giêsu cho họ cơ hội để tự trong sâu thẳm của tâm hồn, họ có thể nhận ra Thầy.

Con đường phía trước dần ngắn lại bởi biết bao lời giải thích của Thầy. Thầy Giêsu muốn đi qua khỏi ngôi làng ấy, nhưng họ nài ép và mời Người ở lại với họ, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn. Lời mời ấy tôi vẫn được thôi thúc để nói với Thầy trong cuộc sống hằng ngày: “Xin Thầy ở lại với con, vì trời đã xế chiều, bóng đêm đang buông dần. Có Thầy, con an tâm hơn.”

Thế là họ vào nhà để nghỉ ngơi và dùng bữa tối sau những giờ đi đường mệt mỏi.

Chiều hôm nay là dấu mốc cho ngôi làng Emmau được nổi danh vì có Chúa Phục sinh đã hiện ra. Thầy vào bàn ăn cùng với hai môn đệ. “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc24, 30). Lúc này mắt họ liền mở ra và nhận thấy thầy Giêsu bằng xương thịt đang ngồi đây. Thầy đã sống lại từ cõi chết. Chính lúc ấy thầy Giêsu cũng biến mất, để lại trong lòng hai ông ngọn lửa bừng cháy tin yêu vì thầy Giêsu đã phục sinh.

Làng Emmau vẫn yên bình như ngày nào, trước giờ vẫn thế. Chỉ khác là sau biến cố lần này, làng bỗng trở nên nổi tiếng khắp thế giới, du khách kéo về thăm quan hành hương nhiều hơn. Hiện trong làng có nhà của Cleopas, nhà thờ chánh tòa, dòng các sơ người Đức, dòng Phanxicô và nhiều di tích lịch sử khác.

Lập tức họ đứng dậy, chạy nhanh vào thành gặp nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp với nhau tại phòng Tiệc Ly. Thấy hai ông trở lại, cả nhóm vui mừng kể cho hai ông biến cố thầy Giêsu phục sinh đã hiện ra với Si-mon. Còn hai ông thuật lại tất cả câu chuyện với thầy Giêsu trên con đường về làng, và khi Thầy bẻ bánh, họ mới biết là Thầy đã phục sinh. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Thế là câu chuyện phục sinh mỗi lúc một lan nhanh, nhanh như lúc thầy Giêsu bị dẫn vào thành chịu chết vậy. Lúc này các ông bắt đầu một hành trình mới mà thầy Giêsu phục sinh sẽ vạch ra cho các ông.

Xin Chúa Phục Sinh cũng đồng hành với mỗi người chúng ta trên con đường Emmau của mỗi người. Ước sao mỗi người mời Thầy ở lại và cùng với Thầy Giêsu chia sẻ mọi chuyện vui buồn. Từ đó, lòng mỗi người bừng lên niềm vui Phục Sinh và nhận được sức sống cho chính mình và trao ban tin vui ấy cho người khác. Được như thế, chặng đường theo Chúa của chúng ta chắc dễ dàng hơn, hy vọng hơn và thú vị hơn.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *