Đức Giêsu, Sơn Tùng M-TP và cái tôi ném đá

Tản mạn của Quang Minh, S.J.

 

“Con rắn ngơ ngác” hay “lòng người dáo dát”?

 

 

 

Ngày nọ, một người bạn trên facebook mà tôi cũng chẳng nhớ là ai, chia sẻ cho tôi bức ảnh trên. Nhìn thoáng qua, tôi chép miệng nói khẽ: “Thôi rồi, lại một con rắn được phong thần nữa.” Sau vài tháng, câu chuyện đã khép lại. Tôi cũng đã tò mò xem nhiều hình chụp khác quanh câu chuyện con rắn được coi là linh thiêng ở Quảng Bình, cũng trồi rồi sụt với dư luận, nhưng bức ảnh này làm tôi suy nghĩ mãi. Bởi hình ảnh con rắn ngơ ngác bò quanh những viên đá phản ánh chính tình trạng cõi lòng dáo dát của rất nhiều người Việt hôm nay.

 

Bức ảnh cho tôi một cảm giác pha trộn rất lạ. Lạ bởi những biểu tượng văn hoá đồng hiện diện trong một không gian bé xíu như vậy. Những nén nhang vốn được coi là dấu chỉ kinh điển của một nơi thờ tự hay một nghi lễ thiêng liêng trong văn hoá Á Châu, lại chen lẫn với một chai nước khoáng, – một sản phẩm của thời tiêu thụ hiện đại. Kỳ thực, những mâm oản truyền thống tại các đình miếu giờ đây được thay bằng những tháp nước Lavie hay bánh Chocopie sặc sỡ. Lạ lẫm hơn nữa là ở đây có cả những điếu thuốc cắm vào cây que, vốn thường chỉ cúng cho thần tài hay ông địa, để “điếu đóm” cầu may. Trong những bức hình khác có cả những đĩa tiền lẻ, vốn hay thấy được nhét trong vòng tay tượng Phật, giờ cũng im ắng điểm trang không gian của chú rắn tội nghiệp. Nhưng đáng kể nhất là phía sau tất cả những lễ vật ấy, lại là một nhóm thanh thiếu niên, rất trẻ và một cô gái đang giơ điện thoại lên chụp. Sự thánh thiêng, cứ tạm gọi vậy, giờ đây không còn nằm trong tâm hồn tín ngưỡng nhưng cứ trôi tuồn tuột trước ống kính truyền thông.

 

Nói cách hoa mỹ, bức ảnh trên mô tả sự giao thoa giữa các yếu tố văn hoá trong nhận thức hiện nay của nhiều người, từ sự nhạy bén về điều thiêng thánh vốn có trong văn hoá nước nhà từ nghìn xưa đến tâm tình tín ngưỡng vụ lợi, đổi chát thời kinh tế thị trường và cả óc hiếu kỳ đến độ biến những sự kiện xã hội thành những tấn tuồng giễu nhại vô tiền khoáng hậu. Còn nếu nói “phàm phu” hơn thì đó là một mớ hỗn độn “nhức mắt”. Nhưng mô tả trên đồng thời chỉ ra một điều quan trọng trong kinh nghiệm nhận thức hiện nay của số đông: sự thiếu vắng một trật tự để sàng lọc thông tin.

 

Cách nào đó, tri thức trong dòng chảy xã hội thường được điều tiết bởi thể chế, cho dù đó là một xã hội thần trị, toàn trị, hay dân trị nào. Sự yếu nhược của thể chế đẩy dòng nhận thức của cộng đồng vào một tình trạng mất định hướng. Chuyện này không chỉ xảy ra ở Việt Nam nhưng còn có thể thấy được ít nhiều trong các quốc gia Tây Phương. Media- phương tiện truyền thông chỉ đóng vai trò như tên gọi của nó, là phổ cập và nhân rộng những dữ liệu xã hội. Nó không có chức năng tạo nên những tiêu chuẩn hình thành một tri thức đúng. Nhưng nếu thể chế đã thoái thác vai trò này thì ai hay điều gì sẽ đảm nhận đây? Trong khi đi tìm một lý thuyết về tri thức cho thời kỹ thuật số, điều cần thiết hiện tại là mỗi cá nhân, với tư cách là chủ thể tri thức sẽ phải tự đảm nhận việc sàng lọc tri thức cho mình. Nói khác đi, mỗi người cần một đầu óc trật tự để tự trang bị cho mình một lối nhận thức thích hợp cho bản thân.

 

Từ “alternative facts” đến “communicative friendship”

 

Ngày ông Trump nhậm chức tổng thống cũng là ngày khai mở một giai đoạn mới về định dạng tri thức xã hội, được hình thành từ khái niệm do một cố vấn của ông bày ra: thời của những “dữ liệu thay thế” (alternative facts). Không bàn cãi sự mâu thuẫn tự tại của khái niệm này, chúng ta có thể hiểu nó cách đơn giản như sự “kèn cựa” của nhiều kiểu dữ liệu xung quanh một sự kiện, mỗi kiểu đọc sự kiện đều lao nhao nói rằng ta đây mới là tri thức đích thật. Người tiếp nhận thông tin “hoa mắt”, không biết phải tiếp nhận cái “alternative” nào!

 

Đã hẳn, các bạn trẻ trong bức ảnh trên có thể rất dễ dàng tra google để nhận ra rằng đây chỉ là một con rắn nước bình dị, nhưng tại sao các bạn ấy lại có thể xách xe máy chạy nhiều cây số để nhét quanh nó tờ 2.000 đồng như ngày Tết đi lễ chùa, và sau đó “upload” lên mạng rằng đã đi gặp “rắn thần”? Hay phải có câu trả lời nào thoả đáng xem bạn Sơn Tùng, trong MV mới ra, xúc phạm tôn giáo hay chỉ là tự do sáng tạo nghệ thuật? Sự đa nguyên của “dữ liệu” đòi người tiếp nhận thông tin không gì khác hơn là tự đặt cho mình câu hỏi: tôi muốn tiếp nhận và tiếp nhận bằng cách nào giữa một núi thông tin ngang dọc như vậy?

 

Hành vi “communicate” – truyền thông, hiểu cách đơn giản, chính là đi tìm sự thống nhất, “nên một” (“comme un” – “như là một” trong tiếng Pháp) giữa bên cung cấp và tiếp nhận thông tin. Có một sự “đồng thuận” giữa hai bên, tạo nên một kết quả mà ta gọi là tri thức có kiểm chứng, hay sự thật. Nó diễn ra trong lòng của người tiếp nhận. Nói như câu đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp ngày quốc tế truyền thông năm nay: “Truyền thông là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta và là phương thức chủ yếu cho ta trải nghiệm được tình bằng hữu.” Nói cách khác, truyền thông, trong tư thế của người tiếp nhận thông tin không gì khác hơn là làm thế nào để các thông tin xuất hiện, chui vào tâm hồn mình, “nên một” và thông tin đó “friendly”, trở nên thân thiện và dễ chịu trong tâm hồn ta, chứ không gây hoang mang, khó chịu và làm cho ta có nhu cầu “ném đá”! Ta không thể triệt tiêu tính chất “alternative” trong thông tin hôm nay, nhưng nên tiếp nhận cái nào gây “thiện cảm” cho tâm hồn mình.

 

Mời Sơn Tùng đến gặp Đức Giêsu

 

Gác qua những suy nghĩ lý thuyết vừa kể, chúng ta có thể làm một bài tập mà qua đó chúng ta học được cách “sàng lọc thông tin” từ Chúa Giêsu. Các bước của bài tập này được cảm hứng từ chính một tình huống mà Đức Giêsu đã trải qua, và không gì khác hơn là người ta muốn lôi Ngài vào chuyện có nên ném đá một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (Ga 8, 1 -11) hay không. Và chúng ta có thể giải bài tập “sàng lọc thông tin” này với một đề tài cụ thể đang “hot” trong tâm hồn nhiều bạn trẻ Công giáo hiện nay: Có nên ném đá bạn Sơn Tùng M-TP trong sản phẩm âm nhạc “Chạy ngay đi” hay không?

 

  • Bước 1: Rút tay ra khỏi bàn phím

 

Khi dư luận đòi Đức Giêsu phán xét xem có phải ném đá người phụ nữ này không thì Đức Giêsu đã dùng kế “hoãn binh”. Ngài lui lại một bước, không manh động, dùng thời gian để suy nghĩ. Hành vi vẽ trên cát của Ngài cũng giống như cách Ngài bảo chúng ta: Rút tay ra khỏi bàn phím! Để suy xét sự việc sâu xa hơn.

 

Áp dụng:

Bạn khoan dùng bàn phím để phản ứng về chuyện Sơn Tùng. Hãy bỏ máy qua một bên suy nghĩ đã.

 

  • Bước 2: Đối thoại với hai “cái tôi”

 

Có hai cái tôi. Một cái tôi theo dư luận và muốn ném đá. Một cái tôi khác ngược lại, không ném đá, muốn mình tự tìm cho mình một lập trường. Đức Giêsu đã đối thoại với hai cái tôi ấy qua hai cách nói “Hãy ném đá cô ấy nếu bạn thấy mình vô tội” và “Còn tôi, tôi không lên án chị…”

 

Áp dụng:

  • Nhìn các lý lẽ của cái tôi muốn ném đá của mình: nào là Sơn Tùng xúc phạm tôn giáo, bôi bác biểu tượng, gây chia rẽ cộng đồng, v.v…
  • Nhìn các lý lẽ của cái tôi không muốn ném đá: Anh ấy là nghệ sĩ, anh ấy tự do sáng tạo nghệ thuật, tự thâm tâm hình ảnh chỉ là để diễn tả cách biểu tượng sự “thất tình” đến tuyệt vọng của anh ấy thôi, v.v…

 

Sau khi bạn tìm cho hết trong trí khôn của bạn mọi lý lẽ để lên án hay bênh vực thì chuyển sang bước thứ ba.

 

  • Bước 3: Đem “người trong cuộc” đến gặp Đức Giêsu

 

Trong câu chuyện của Tin Mừng, sau khi nói một câu đối với dư luận, Đức Giêsu lại vẽ trên cát. Tiếp đó, Ngài để cho những lao nhao của dư luận tan đi hết, để chỉ còn lại Ngài và người phụ nữ. Ngài thấy người phụ nữ này trên cả hình ảnh một người phạm tội. Ngài thấy cô ấy cũng là một người con của Thiên Chúa. Và vì thế Ngài trực diện với chị: “Tôi không lên án chị đâu. Chị hãy về và đừng phạm tội nữa.” Ngài không “ỡm ờ” nhưng có lập trường. Ngài không ném đá, nhưng Ngài bày tỏ cái nhìn của mình bằng lời cầu chúc, bằng niềm hy vọng.

 

Áp dụng:

Bạn sẽ tự nói với mình: Tôi sẽ chẳng ném đá cũng chẳng bênh vực Sơn Tùng. Tôi tưởng tượng Đức Giêsu sẽ xử sự thế nào nếu Ngài đối diện với bạn ca sĩ này. Như Đức Giêsu, tôi sẽ chọn cho mình cách thức và thái độ của Ngài. Ví dụ, chúng ta có thể nói: “Là con cái Thiên Chúa, chúng tôi không lên án bạn đâu, Sơn Tùng ạ. Vì chúng tôi nhìn thấy nơi bạn nhiều hơn là một người xúc phạm tôn giáo. Bạn là một người trẻ, một nghệ sĩ đầy tài năng. Nhưng trên hết chúng tôi thấy nơi bạn hình ảnh một người con của Chúa. Vì thế, chúng tôi mong ước bạn sống và sáng tạo nghệ thuật như một người nghệ sĩ chân chính.”

 

  • Bước 4: đặt tay trở lại bàn phím

 

Người phụ nữ ra về, Chúa Giêsu lại lên đường. Bạn có thể quay trở lại bàn phím. Người Kitô hữu không chỉ nhìn nhận sự việc từ góc nhìn của Thầy Giêsu và tạo cho mình một thái độ như Ngài. Chúng ta còn dấn thân, tiếp tục hành động như con cái Thiên Chúa.

 

Áp dụng:

Thay vì nhảy vào những cuộc “ẩu đả”, đấm đá hay thoá mạ trên mạng, bạn có thể “còm” bằng sự thân thiện và cầu chúc như trên cho Sơn Tùng. Hay bạn có thể tạo hashtag “Pray for ST” để gieo rắc hoà bình! Ít ra trong chuyện này, bạn cho Sơn Tùng thấy trái tim của những fans của cậu ấy và đồng thời là con cái Thiên Chúa.

 

Làm như thế, bạn trở thành người “xây dựng hoà bình” mà Đức Giêsu ao ước hay nói như Đức Thánh Cha Phanxicô: Để nhận diện sự thật, chúng ta cần phải phân định được những gì không hướng đến việc cách ly, chia rẽ, và chống đối nhưng động viên sự hiệp thông và cổ vũ điều thiện nơi mọi sự. Và bạn có thể áp dụng các bước này mỗi khi bạn thấy có một vấn đề cần “sàng lọc” thông tin nơi mình.

 

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *