Đức Kitô và Lề Luật – Mt 5, 38-42

Giuse Nguyễn Văn Lộc

Thứ hai, sau CN XI TN

Mt 5, 38-42

– Bài TM chúng ta vừa nghe, là một trong năm minh họa ĐGS đưa ra để giúp chúng ta hiểu cách Ngài hoàn tất lề luật: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (c. 17). Lề Luật được lập ra, và sau đó, cứ như thế mà tuân giữ. Nhưng, tại sao Lề Luật cần phải được ĐGS hoàn tất?

– Bởi vì, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: để ngăn chặn sự dữ, dừng lại ở hành vi thôi chưa đủ, dừng lại ở hành vi giết người hay hành vi ngoại tình thôi chưa đủ, bởi vì nguồn gốc của hành vi chính là cõi lòng của con người. Trước khi giết người khác, người ta đã loại bỏ người ấy ở trong lòng của mình rồi; trước khi có hành vi ngoại tình hay nhưng hành vi phạm lỗi khác, người ta đã ham muốn trong lòng rồi.

– Vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Luật Lề khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”. Do đó, hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

– Chẳng hạn, trong bài TM chúng ta vừa nghe, ĐGS nói về luật ngang bằng, nghĩa là luật “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Luật ngang bằng không phải là luật báo thù như chúng ta vẫn thường nghĩ, nhưng ngược lại, đó là luật ngăn cản bản năng báo thù. Luật này là một cột mốc quan trọng trong quá trình tiến bộ của xã hội loài người. Tuy nhiên, luật ngang bằng lại nằm ở giữa đường, mà đầu đường bên này là báo thù và đầu đường bên kia là yêu mến tha nhân. Vì thế luật ngang bằng cũng là một thứ “không có và cũng chẳng không”; thế mà ĐGS mời gọi chúng ta: có thì nói có, không thì nói không. Và trong thực tế, luật ngang bằng chứa đựng ý muốn báo thù vốn có ở trong lòng con người. Luật ngang bằng rốt cuộc chỉ là cái đê mong manh ngăn cản sức mạnh kinh hồn của lòng báo thù.

– Qua những ví dụ, Đức Giêsu mời gọi chúng ta chọn hẳn một chuyển động khác, không kém mạnh mẽ, như chính Ngài sẽ sống đến cùng trong cuộc Thương Khó, đó là lựa chọn yêu mến, được diễn ta qua việc thực hiện hơn cả điều người khác muốn:

  • Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.
    • Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.
    • Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.
    • Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

– ĐGS mời gọi chúng ta sống theo, có thể nói, sự điên rồ của tình yêu. Bởi vì, sức mạnh của sự dữ không thể bị chặn đứng bởi Lề Luật, nếu có thì chỉ tạm thời mà thôi, nhưng chỉ bị chặn đứng và bị đánh bại bởi một sức mạnh khác, đó là sức mạnh tình yêu. Và nhất là khi sống như thế, chúng ta mới sống đúng căn tính của mình là hình ảnh của TC, là con TC, như Đức Giê-su Ki-tô.

Kiểm tra tương tự

3 bước cho cuộc trò chuyện thú vị cùng các cô gái

  Nếu bạn sắp có một buổi tối dành riêng cho các cô gái và …

Hành hương Kansas: 5 địa điểm không thể bỏ qua

  Nếu bạn tình cờ ghé thăm Wheat State hoặc định cư tại tiểu bang …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *