Madonna della strada – Đức Mẹ Trên Đường trong nhà thờ Gesù, Rô-ma.
Lễ kính theo lịch Phụng Vụ của Dòng Tên: 24.5.
Đức Mẹ là ai đối với thánh I-nhã và Đức Mẹ đóng vai trò quan trọng như thế nào trên hành trình tâm linh của thánh I-nhã?
Cha Maurice Giuliani Dòng Tên chia sẻ với chúng ta như sau: “Suốt đời, Thánh I-nhã vẫn giữ một lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ. Những người sống bên cạnh ngài còn để lại cho chúng ta vô số những chứng từ sống động. Theo cha Laynez, ngay trước khi Thánh I-nhã nhận được ơn soi sáng đặc biệt ở Manrêsa, thánh nhân đã dạt dào yêu mến Mẹ Maria.
Từ ngày còn mang áo hiệp sĩ, với tâm hồn đơn sơ, Thánh I-nhã đã suýt phạm một tội giết người chỉ vì muốn bênh vực danh dự của Đức Mẹ. Từ khi có những thị kiến huyền diệu, thánh nhân được thấy Đức Mẹ bằng con mắt nội tâm. Khi tới đỉnh cao của đời thần nhiệm, Đức Mẹ đặt thánh nhân bên Chúa Con. Và trọn đời Thánh I-nhã mang trong mình hình ảnh dịu hiền của Đức Maria.
Thánh nhân ít nói về Đức Mẹ (trong các thư từ, chúng ta chỉ đọc thấy có 2, 3 lần), nhưng khi phải bước vào một giai đoạn quyết định của đời sống, ngài luôn đặt mình dưới sự bảo trợ của Mẹ. Đoan nguyện sống khiết tịnh cho Đức Mẹ, canh thức hiệp sĩ trước tượng Đức Mẹ ở Montserrat, khấn ở Montmartre vào lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 1534, dâng thánh lễ mở tay ở Đền thờ Đức Bà Cả ở Rôma, khấn trọng tại bàn thờ kính Đức Mẹ tại đền thánh Phaolô ngoại thành, v.v… chúng ta có thể nói mọi năm tháng trong cuộc hành trình thiêng liêng của Thánh I-nhã đều diễn ra trước mặt Đức Mẹ Maria rất thánh”.[1]
Ngay cả trụ sở đầu tiên của Dòng Tên cũng ghi dấu lòng tôn kính Đức Maria của thánh I-nhã và các anh em Giê-su hữu đầu tiên. Trụ sở có tên “Nhà Đức Mẹ Trên Đường”.
Theo sử liệu[2], đó là một ngôi nhà thờ nhỏ được một người Rô-ma giàu có, tên là Julius de Atallis, cho xây dựng vào thế kỷ XII với mục đích đánh dấu lòng tôn kính và tạ ơn của ông về những ơn lành ông đã nhận được, khi ông cầu nguyện với một bức ảnh Đức Mẹ trên một hốc tường ở tại một góc phố mà có lẽ ông thường đi ngang qua. Vì thế, sau khi xây nhà thờ xong, ông cho đặt bức ảnh Đức Mẹ này vào nhà thờ nhỏ này. Từ đó người ta quen gọi là nhà thờ Đức Mẹ trên đường.
Khi thánh I-nhã đến Rô-ma vào năm 1537, thánh nhân thường đến nhà thờ Đức Mẹ Trên Đường để cầu nguyện và từ từ ngài có lòng tôn kính đặc biệt bức ảnh Đức Mẹ Trên Đường. Sau đó ngài thuê một căn nhà kế bên nhà thờ và đưa các bạn về ở. Với thời gian lòng sùng kính bức ảnh Đức Mẹ Trên Đường mạnh mẽ hơn, nên thánh I-nhã xin cha xứ của nhà thờ là Pietro Codazzo (Peter Codacius) tặng ngài bức ảnh đó, để nếu Dòng Tên có nhà thờ đầu tiên ở Rô-ma, ngài sẽ đặt bức ảnh Đức Mẹ Trên Đường trong nhà thờ để tôn kính. Lúc đầu cha xứ Codazzo từ chối, nhưng có lẽ vì không thể cưỡng lại lời khẩn cầu của thánh I-nhã, nên cuối cùng cha xứ đã hiến tặng cả ngôi nhà thờ này cho thánh I-nhã.
Sau đó, vào ngày 26.4.1542, Đức Thánh cha Phaolo III chính thức trao nhà thờ Đức Mẹ Trên Đường cho Dòng Tên coi sóc. Từ đó, nơi đây trở thành trụ sở đầu tiên của Dòng. Thánh I-nhã cùng các bạn đầu tiên đã dùng nhà thờ một cách rất hữu ích, bằng cách giảng dạy Lời Chúa và dạy giáo lý trong nhà thờ, để giúp mọi người tìm đến được với Chúa. Sau đó càng có nhiều người hơn tìm đến để lắng nghe các bài giảng, cũng như cầu nguyện và tôn kính Đức Mẹ Trên Đường.
Vào năm 1575, một ngôi nhà thờ lớn khác của Dòng Tên được xây ở Rô-ma. Đó là nhà thờ Il Gesù theo lối kiến trúc Ba-rốc, như là hoa trái của Công Đồng Trento và câu trả lời đối với phong trào cải cách của Luther.
Và bức hình Đức Mẹ Trên Đường được đặt trên một bàn thờ bằng đá cẩm thạch rất trang trọng trong Vương Cung Thánh Đường Il Gesù cho đến bây giờ.
Nhưng bức ảnh Đức Mẹ Trên Đường được vẽ vào khoảng thời gian nào?
Các nhà chuyên môn không thể xác định thời gian chính xác. Tuy nhiên, theo những nét được thể hiện trên bức ảnh, người ta nhận ra bức ảnh này không theo kiểu Hy-lạp, mà theo kiểu La-mã. Vì thế người ta phỏng đoán bức ảnh có thể được vẽ vào thế kỷ thứ 5, như một số bức ảnh khác được tìm thấy trong các Vương Cung Thánh Đường ở Roma được vẽ sau thời gian của Đại Đế Constantinus (270 – 337), cũng như một số bức ảnh được vẽ trên tường trong các Catacombe ở Rô-ma.
Chiêm ngắm bức ảnh Đức Mẹ Trên Đường[3], chúng ta thấy nền màu xanh lẫn với màu trắng là biểu tượng của bầu trời cũng như mang ý nghĩa hy vọng. Chúng ta cũng nhận ra những vệt đen xen lẫn màu xanh và trắng như là dấu vết của thời gian cổ xưa của bức ảnh.
Chiêm ngắm Mẹ Maria, chúng ta thấy Mẹ được hoạ sĩ “mặc” vào màu vàng của vinh quang và cao thượng. Từ triều thiên toả ra quanh đầu mẹ đến vương miện của Mẹ, và cả khăn choàng đầu cũng như áo choàng Mẹ đều mang màu vàng sang trọng và cao thượng. Khăn choàng đầu bên trong và áo trong của Mẹ có màu xanh nhạt tương hợp với màu của nền bức tranh làm cho màu vàng ở nơi Mẹ được “tô đậm” hơn nữa.
Đôi mắt nhân hậu hiền lành và đầy trìu mến của Mẹ đang nhìn đến những ai chiêm ngắm Mẹ và hướng lòng về Mẹ, vì Mẹ luôn yêu thương chú tâm chăm sóc và nâng đỡ phận người yếu hèn của chúng ta và cầu xin Chúa giúp đỡ cho chúng ta như trong tiệc cưới Ca-na.
Tay trái Mẹ đang bế và đỡ Chúa Giê-su Hài Đồng. Chúng ta thấy rõ các ngón tay của Mẹ đang giữ Chúa Giê-su diễn tả sự chăm sóc đầy yêu thương dịu hiền của người mẹ dành cho con thơ của mình. Điều này l àm ta nhớ lại lời thánh vịnh: “Như trẻ thơ nép mình lòng Mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2).
Tay phải của Mẹ giơ ra phía dưới chúng ta như để trao ban ơn lành là chính Chúa Giê-su Hài Đồng cho chúng ta, cũng như đang mời gọi chúng ta hãy đến với Chúa Cứu Thế, Con của Mẹ. Chúng ta không thấy các ngón tay của bàn tay phải, có lẽ khi lấy bức ảnh này từ trên hốc tường ở ngoài đường phố, một số phần xung quanh bức tranh đã hư hỏng.
Chiêm ngắm Chúa Giê-su Hài Đồng, chúng ta thấy:
Hào quang trên đầu Chúa cũng mang màu vàng tràn đầy vinh quang và cao thượng của vua chúa, nhưng thêm vào đó là hình Thánh Giá màu đỏ được đưa vào trong hào quang. Màu đỏ là màu của tình yêu, của hiến dâng thân mình cho người mình yêu. Như thế, vinh quang của Chúa Giê-su luôn đi đôi với Thánh Giá hiến dâng và hy sinh. Đó cũng là điều mà thánh I-nhã ý thức sống và đã chia sẻ trong bài chiêm niệm “Tiếng gọi của vua đời tạm”: “Chúa Ki-tô phán: Ý Ta muốn chinh phục cả thế gian và mọi kẻ thù địch, và nhờ thế mà vào trong vinh quang của Cha Ta; bởi vậy, ai muốn theo Ta, phải khó nhọc cùng Ta, để khi đã theo Ta trong đau khổ, cũng được theo Ta trong vinh quang” (Linh Thao số 95).
Áo choàng của Chúa Cứu Thế cũng là màu đỏ diễn tả sứ mạng của Chúa Giê-su trên trần gian là sứ mạng của tình yêu trao ban, tình yêu hiến dâng, tình yêu cứu độ nhân loại chúng ta.
Tay trái Chúa đang cầm cuốn sách Lời Chúa, là Tin Mừng từ trời cao mà Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng được xức dầu, đưa xuống cho nhân loại chúng ta, như Tin Mừng Luca đã thuật lại: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Chúa Giê-su là Đấng loan báo Tin Mừng, là Thầy dạy nhân loại những huấn lệnh của Thiên Chúa và con đường chúng ta cần đi. Chúng ta nhớ đến Bài Giảng Trên Núi (Mt 5-7) chất chứa biết bao điều cao đẹp giúp cho con cái của Thiên Chúa sống đúng tinh thần Chúa muốn và đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu.
Tay phải của Chúa giơ lên với cử chỉ chúc lành nhân loại chúng ta. Đúng thật, Chúa Giê-su là phúc lành từ trời cao cho nhân trần. Ngài nhập thế và mặc lấy thân phận loài người để ban phát phúc lành của Thiên Chúa cho những phận người yếu hèn, đau ốm, tội lỗi…
Phúc lành của Chúa ban được toát ra từ chính đôi mắt rất hiền lành của Chúa đang nhìn đến những phận người đang chìm mình trong khổ đau và tội lỗi. Đó là Gia-kêu, là người phụ nữ bị bệnh băng huyết 12 năm, là Lê-vi thu thuế, là chị phụ nữ tội lỗi khóc sướt mướt đến nỗi tưới ướt chân Chúa, là anh mù Bác-ti-mê kêu xin lòng thương xót, là chị phụ nữ tội lỗi bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và nhận bản án của lòng thương xót Chúa ban: “Tôi không kết án chị đâu”, là tông đồ Phê-rô chối Chúa và đón nhận ngay ánh mắt thương xót thúc đẩy ông khóc lóc ăn năn và cuối cùng là anh trộm lành trên Thánh Giá nhận được hồng ân lớn lao là thiên đàng nhờ ánh mắt và trái tim từ nhân thương xót của Chúa.
Cuối cùng, chiêm ngắm Đức Mẹ Trên Đường chúng ta tự hỏi xem mình rút ra được những điều ích lợi thiêng liêng nào.
Trước hết, chúng ta cảm nhận được một chiều sâu của mầu nhiệm Nhập Thể với hình ảnh: “Mẹ Maria – con đường Chúa đến với con người”. Đúng thật Thiên Chúa Ngôi Hai là Chúa Giê-su Ki-tô đã đến với nhân loại và thế giới chúng ta qua một cô trinh nữ thành Na-da-rét là Mẹ Maria. Chúa đã được Mẹ cưu mang trong lòng chín tháng và như ĐTC. Phanxico nói trong bài giảng ngày lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa: “Trái tim của Chúa bắt đầu đập trong lòng Mẹ Maria; Thiên Chúa của sự sống đã hít lấy oxy từ Mẹ. Kể từ đó, Mẹ Maria đã kết hợp chúng ta với Thiên Chúa vì trong Mẹ, Thiên Chúa đã ràng buộc mình vào xác thịt của chúng ta, và Người không bao giờ rời bỏ nó”.[4]
Thiên Chúa đã “cắm lều” ở giữa thế giới chúng ta với chính thân xác của chúng ta, nhưng phần chúng ta làm sao đến được với Thiên Chúa. Một con đường thật tuyệt chúng ta có thể chọn. Đó là: “Mẹ Maria – con đường con người đến với Chúa”. Về điều này ĐTC. Phanxico chia sẻ tiếp như sau trong bài giảng: “Mẹ Maria không chỉ là nhịp cầu nối chúng ta với Chúa; còn hơn thế. Mẹ là con đường mà Chúa đã đi qua để đến với chúng ta, và là con đường mà chúng ta phải đi để đến được với Chúa. Qua Mẹ Maria, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa theo cách Người muốn chúng ta thực hiện: trong tình yêu dịu dàng, trong tình thân mật, trong thân xác.”
Vì thế, mà biết bao vị thánh trong đó có thánh I-nhã đã luôn chạy đến với Mẹ Maria để Mẹ dẫn bước và giúp đỡ các ngài đến với Thiên Chúa.
Một trong những tước hiệu trong dung mạo của thánh I-nhã luôn được nhắc tới như là nét đặc trưng của ngài. Đó là: I-nhã là người lữ hành trên đường hay I-nhã người hành hương. Sau biến cố hoán cải ở Pamplona vào năm 1521, thánh I-nhã bước vào con đường hành hương đi tìm Chúa. Cả cuộc đời của ngài chỉ mong sao tìm được Chúa ở trong mọi sự, được sống trong Chúa và với Chúa, được sống với mục đích duy nhất là tất cả làm cho vinh danh Chúa hơn. Trên hành trình của người lữ hành, thánh I-nhã đã chọn Mẹ Maria Trên Đường là Đấng Bảo Trợ, là Đấng Đồng Hành và trên hết thánh I-nhã đã khấn dâng hiến hoàn toàn cho Mẹ Maria và cho Con của Mẹ là Chúa Giê-su. Cuối cùng thánh nhân đã sống toàn vẹn lời khấn hứa cam kết trọn đời của mình.
Từ đó, các Giê-su hữu, con cái của thánh I-nhã luôn tiếp tục được mời gọi ““tín thác vào sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh trong nhiệm vụ và hoạt động họ được ủy thác, và mọi nơi phải cho thấy ngày càng rõ hơn vai trò của Đức Mẹ trong công cuộc loan báo ơn cứu độ. Vì trong Hội Thánh và trong truyền thống, Đức Trinh Nữ Maria ‘có vị thế cao nhất sau Chúa Ki-tô, nhưng lại rất gần gũi với chúng ta’.” (Tổng hội 31 của Dòng Tên vào năm 1966).
Để kết bài chia sẻ này, chúng ta để lời tôn vinh Mẹ Maria của một vị thánh Dòng Tên thuộc về thế hệ nối tiếp với thế hệ của thánh I-nhã là thánh Phêrô Canisiô (1521-1597) vang lên:
“Mọi Giêsu hữu phải có một lòng sùng kính trổi vượt đối với Đức Maria, Mẹ của chúng ta, Bà Chủ và đấng bảo trợ của chúng ta…
Không ai tinh tuyền cả xác và hồn hơn, hay vô nhiễm và hoàn hảo hơn, cũng không ai được đầy ân sủng, gần gũi, kết hiệp và làm vừa lòng Thiên Chúa hơn Đức Maria. Không có người mẹ nào có nhiều con hơn, và không ai được chúc phúc và trung tín hơn Mẹ. Chưa từng ai thánh thiện, tuyệt đẹp, đáng kính và được đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần như Mẹ. Không người Mẹ nào yêu con hơn Mẹ…
Mẹ của sự sống, tràn đầy ấn sủng, người sinh ra sự sống, Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của chúng ta, luôn yêu chúng ta và vì tình yêu đó, Mẹ luôn cầu xin và bầu chữa cùng Thiên Chúa cho chúng ta. Bà Chủ của vũ trụ, nữ vương thiên đàng và các thiên thần, Mẹ đầy lòng thương xót, nơi ẩn náu của những kẻ tội lỗi, đấng bầu chữa và là cửa thiên đàng.”[5]
Lạy Đức Mẹ Trên Đường, xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con. Amen.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Tham khảo:
[1] Maurice Giuliani SJ., Đức Maria trong Linh Thao. Nguồn: https://linhthao.net
[2] Tham khảo tài liệu “The Madonna Della Strada. A new feast for the society” trong Woodstock Letters, Volume XIX, Number 2, 1 June 1890. Trang 233-236.
[3] Bức tranh mới được làm mới lại vào năm 2006 và mọi người có thể đến viếng và cầu nguyện ở trong nhà thờ Gesù.
[4] ĐTC. Phanxico, bài giảng thánh lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, ngày 01.01.2021.
[5] Trích từ bài “Đức Maria – Mẹ Dòng Tên” Gia Bảo chuyển dịch và biên tập từ cuốn Jesuit Saints and Martyrs của cha J.N. Tylenda SJ.