Đức Mẹ và kinh nghiệm của ta về Thập Giá

 

Chúng ta có thể nói về sự cứu độ dưới hai góc độ: khách quan [về phía Chúa, không phụ thuộc vào ta] và chủ quan [về phía chúng ta, cần sự cộng tác của ta]. Xét về góc độ khách quan, sự cứu độ của chúng ta chính là công trình của một mình Chúa Kitô. Chỉ có Chúa Giêsu, con Thiên Chúa làm người, mới có thể dâng hiến lễ hy sinh không tì vết vì tình yêu vâng phục lên Chúa Cha và chuộc tội cho dòng giống sa ngã chúng ta. Còn sự cứu độ về góc độ chủ quan hay cách công cuộc cứu độ của Chúa Giê-su đến và hoạt động được nơi mỗi linh hồn là công việc của cả Chúa Kitô và Giáo Hội. Nghe có vẻ khó tin nhưng đó là chân lý phúc âm thực sự đưa ra.

Chúa Giê-su đã ủy thác công việc loan báo Tin Mừng cho chúng ta, Giáo Hội của Người: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ, còn ai không tin thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16); “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 37-38). Chân lý này đã khiến thánh Phaolô thưa lên rằng: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10, 14). Về góc độ chủ quan, Chúa Giêsu thực hiện công cuộc cứu độ nơi mỗi người qua công việc tông đồ của Giáo Hội Người. Trong tay Ngài, chúng ta là công cụ cứu rỗi cho người khác (1 Cr 7, 13-16; 1 Pr 3, 1-2; 2 Cr 5, 20; 1 Tm 4, 16; Gđ 22–23).[1] Có lẽ một chân lý còn khó tin hơn nữa đó là Chúa Giêsu dùng chính những đau khổ của chúng ta để thực hiện điều này. Đó là một thực tại siêu nhiên được gọi là đau khổ cứu chuộc, và khi nhìn thấy cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong sự nối kết với việc Người nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta lại càng hiểu sâu sắc hơn về chân lý này.

Khởi đầu cuộc đời làm mẹ, Đức Maria đã hiểu rằng những đau khổ của Chúa Kitô cũng sẽ là chính đau khổ của Mẹ. Khi Chúa Giê-su được tròn 40 ngày tuổi, Mẹ đã nghe tiên tri Si-mê-on nói Chúa Giê-su là dấu hiệu cho người đời chống báng – và một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà – vì thế những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra (Lc 2, 34-35). Sự đau khổ đã ập đến với Mẹ và Chúa Giê-su ngay từ lúc các ngài phải trốn sang Ai Cập để bảo toàn mạng sống (Mt 2, 13-15). Cuộc đời cứ thế thăng trầm trong suốt 30 năm và đỉnh cao là cái chết trên thập giá. Như Thánh Kinh có viết Chúa Giê-su cũng phải “trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5, 8), và với Đức Mẹ cũng vậy. [2] 

Mẹ đã ngước nhìn lên Con Mẹ bị treo trên thập giá, để hiến dâng cho Chúa Cha cả thịt và máu Ngài đã nhận nơi Mẹ. Một lần nữa, Trái Tim Mẹ tiếp tục cất tiếng Xin Vâng với Thánh Ý của Thiên Chúa (Lc 1:28). Vết đâm thâu nơi Trái Tim Chúa Kitô cũng là vết đâm thâu nơi Trái Tim Đức Maria; cái chết của Người cũng là cái chết của Mẹ.

Mẹ Maria đã hiến mình cho Chúa Cha ngang qua, cùng với và trong Con của Mẹ; và chẳng ai dâng một lễ vật đầy lòng thành lên Thiên Chúa mà Ngài không đáp lại bằng lượng ân sủng dồi dào của Ngài. Giống như Simon người thành Sy-ren, chúng ta đôi lúc có thể cảm thấy bị ép buộc khi phải phục vụ. Nhưng hãy nhớ rằng Chúa đã sử dụng việc ông Simon vác Thánh Giá để biến đổi ông và đến cả các con của ông nữa (Mc 15:21; Rm 16:13). 

Kinh nghiệm của Thánh Phaolô.

Hãy cùng nhìn lại tường thuật về “cái dằm đâm vào da thịt” của Phaolô. Dù Phaolô không nói rõ nỗi khó khăn đó là gì, nhưng một số nhà chú giải cho rằng ông mắc bệnh mãn tính về thể chất. Thánh Phaolô lại cho rằng đó như “một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2Cr 12). Thánh Phaolô đã kêu cầu lên Chúa hãy rút bỏ cái dằm này không chỉ một mà đến tận ba lần. Cũng giống như ba lần cầu nguyện của Chúa Giêsu, lời cầu khẩn của thánh Phaolô không phải để xoa dịu nỗi đau mà là để tiếp thêm sức mạnh cho ngài. Thiên Chúa phán với ông: “Ơn Ta đủ cho con và sức mạnh của Ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Sau mặc khải này, thánh Phaolô đã có thể thốt lên rằng: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12, 9-10).

 

Những nỗi truân chuyên trong cuộc sống có nhiều nguồn gốc khác nhau, đó có thể xuất phát từ sự dạy dỗ của Chúa Cha, từ sự bách hại vì Đức Ki-tô hay chính từ nơi thế gian tội lỗi. Thánh Phaolô đã kinh qua đủ mọi thách đố: phải chịu roi vọt, bị tống ngục, bị đắm tàu, bị cháy nắng, bị đói kém, bị đánh đòn và cuối cùng là bị chặt đầu (2Cr 11, 23-27); Gl 4, 13; 2 Tm 4, 10-16). Như người có viết trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô “chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô” và chia sẻ với các môn đệ ở Á châu rằng “chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14, 22). Ngài ưa thích những đau khổ của mình và sẵn sàng đổ máu làm thành hy tế dâng trên bàn thờ (Xh 29, 40-41; Ds 28,7; Pl 2, 17; 2 Ti-mô-thê 4,6).

Qua tất cả những điều này, Chúa Thánh Thần đã dạy cho Phaolô biết vai trò của sự đau khổ trong đời ông, đó không phải nằm trong sự cứu độ ở góc độ khách quan do Chúa Kitô đã thực hiện, mà ở trong sự cứu rỗi ở góc độ chủ quan [nơi mỗi người] do ân sủng của Chúa Kitô đến và hoạt động được nơi các linh hồn. Thánh Phaolô có viết trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24). Chịu đau khổ vì Chúa Kitô cũng là chịu đau khổ vì Thân Thể Ngài. Chúa Kitô và Thánh Giá của Người thánh hóa và chuyển ban giá trị siêu nhiên cho lễ vật của chúng ta. (Mt 23, 19; Dt 13,10; 15-16). “Nếu sự vâng phục của Chúa Kitô với những nỗi khổ đau Ngài phải mang lấy đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, thì những khổ đau của Ngài nơi chúng ta – niềm phó thác tin tưởng vào Chúa Cha mà Ngài thắp lên trong tâm hồn chúng ta – cũng có thể mang lại ân sủng cứu chuộc cho anh chị em của chúng ta. Đấng Cứu Thế có thể biến những nỗi khổ đau của các chi thể Ngài trở thành ơn cứu độ.” [3]

Như Đức Giêsu đã mặc lấy thịt và máu của Mẹ Maria để hiến thân cho sự cứu độ của nhân loại, Ngài cũng mặc lấy thân phận của chúng ta và dâng những khổ đau của chúng ta lên Chúa Cha. Khi chúng ta kết hợp những đau khổ của mình với những đau khổ của Chúa Kitô, những thử thách và khổ đau của chúng ta sẽ trở thành nguồn ơn cứu độ; bởi vì Thiên Chúa đáp lại sự phó thác của chúng ta cho thánh ý Ngài bằng ân sủng tràn đầy, đến mức nó “tràn ra” từ tâm hồn chúng ta tới những tâm hồn của các anh chị em khác. Giống như với Đức Maria, Chúa muốn dùng sự trung thành của chúng ta trong gian truân, để “những ý nghĩ từ nhiều tâm hồn”- của gia đình và bạn bè – “sẽ lộ ra” (Lc 2:35), và họ được lôi kéo đến với Đấng đã chịu đóng đinh vì họ. 

 

Nguồn: Catholic Exchange – Tác giả: Shane Kapler

Chuyển ngữ: Bảo Trâm | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

 

[1] Tim Staples, Behold Your Mother (El Cajon, CA: Catholic Answers Press, 2014), 247-8.

[2] Raniero Cantalamessa, Mary: Mirror of the Church (Collegeville, MN: The Liturgical Press, 1992), 82.

[3] Shane Kapler, James: Jewish Roots, Catholic Fruits (Kettering, OH: Angelico Press), 64.

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …