Nơi đâu có Thiên Chúa, ở đó luôn mang đến cho con người bình an hạnh phúc. Ở đâu có Mẹ Maria ở đấy cũng không thiếu hạnh phúc bình an. Bởi thế ta không ngạc nhiên ở nhiều nơi, Hội thánh Công giáo luôn tôn kính ảnh tượng Chúa Giêsu và Đức Mẹ như sự hiện diện hữu hình của Đấng Tối Cao giữa cuộc sống con người.
Nếu ai sống tại vùng đất Phước Long tỉnh Bình Phước, hoặc có dịp thăm quan nơi này, hẳn là biết đến ngọn núi Bà Rá; nơi đó có trung tâm hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Thác Mơ. Tương truyền từ xa xưa, người Stiêng nhìn về ngọn núi vút cao giữa núi rừng với tiếng gọi thành kính: “Bơnom Brah”, nghĩa là “Ngọn núi Chúa”. Từ khi người Kinh theo dòng kinh tế mới đến lập nghiệp nơi đây, ngọn núi này được gọi theo tiếng Việt là núi Bà Rá. Dù sao dưới chân Ngọn núi Chúa này hằng có bóng dáng của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Hằng năm vào những dịp đặc biệt, dòng người hành hương về bên Mẹ Thác Mơ (xa xa tượng Đức Mẹ là Thác Mơ) ngày thêm đông đúc.
Từ những năm 1960, Mẹ Thác Mơ luôn ước mong đồng hành với con của Mẹ giữa rừng thiêng nước độc. Với người sắc tộc Stiêng, họ tôn kính Mẹ như một Đấng luôn yêu thương và giúp họ yêu mến Thiên Chúa. Còn nhớ thời thiếu vắng các linh mục và những nhà truyền giáo, đồng bào Stiêng vẫn rủ nhau về nơi đây để cùng với Mẹ hướng lên ngọn núi Chúa cầu xin van nài. Họ khẩn cầu Đức Mẹ đừng xa rời buôn làng của họ, đừng để thú dữ hay bệnh tật tàn phá buôn sóc của họ. Bởi thế, giữa rừng thiêng nước độc năm xưa, họ vẫn bình an vô sự nhờ sự che chở của Mẹ Thác Mơ.
Từ những thập niên 1990 tới nay, chắn hẳn Mẹ Thác Mơ đang vui mừng vì biết bao người dân trong buôn làng được rửa tội. Nhớ những năm đó, chính quyền gắt gao cấm đoán những nhà truyền giáo không được bén mảng đến đây. Tuy nhiên, trong âm thầm và tín thác, người loan tin mừng vẫn nỗ lực đồng hành với bà con sắc tộc, chung chia cuộc sống nghèo nàn với buôn làng, và kể cho họ nghe Tin mừng của Thiên Chúa. Thi thoảng họ âm thầm rủ nhau lên đỉnh núi Bà Rá để dâng thánh lễ. Xong thánh lễ, họ xuống dưới chân Mẹ Thác Mơ để vũ điệu cồng chiên. Một nhà truyền giáo Dòng Tên kể rằng: “Khi nhà nước thống kê dân số từng buôn làng, họ ngỡ ngàng vì rất nhiều bà con sắc tộc được rửa tội!” Bởi vậy, số tín hữu tại vùng đất núi rừng này hằng năm về với Đức Mẹ Thác Mơ thêm vui như trẩy hội!
Với người Công giáo Phước Long, Mẹ Thác Mơ không thể thiếu vắng trong trái tim của mỗi người. Dù bận rộn tới đâu, ngày mùng 3 tết, ngày 8 tháng 12 và những dịp đặc biệt, họ luôn ưu tiên về bên Mẹ để cùng nhau ngợi khen Thiên Chúa. Với Mẹ và nhờ Mẹ, họ cầu xin cho gia đình mình được bình an, mùa màng được hoa lợi, mưa thuận gió hòa và muôn ơn lành xuống cho từng người. Nhờ thế mà cuộc sống người dân nơi đây mỗi ngày thêm sung túc, số tín hữu mỗi ngày gia tăng.
Là những người con của Mẹ Thác Mơ, chúng con cầu khẩn sao cho cuộc sống của mỗi người ngày thêm giống Đức Mẹ. Là Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ mong cho chúng con không xa lầy vào con đường tội lỗi, không dối gian lọc lừa. Mẹ muốn chúng con sống tín thác dù trong hoàn cảnh khó khăn. Mẹ nhắn nhủ chúng con đừng mất đi lòng cậy trông Thiên Chúa. Trong mọi nơi mọi lúc, Mẹ vẫn che chở và đồng hành cùng chúng con. Mẹ ở bên Thiên Chúa, Mẹ có Chúa Giêsu, Mẹ có tình yêu và vị thế đặc biệt trong lòng Thiên Chúa, nên những ai chạy đến với Mẹ chắc chắn được thỏa lòng mong ước.
Là con cái của Mẹ Maria, chúng con ước cho mình dõi theo con đường trong trắng của Mẹ. Một lòng với Thiên Chúa và hết mực với chính Đạo; để từ đó chúng con thấy cuộc sống này ý nghĩa biết bao! Với Mẹ và cùng với Thiên Chúa, chúng con không thiếu vắng niềm vui. Hơn nữa, chúng con luôn đong đầy hạnh phúc vì có Thiên Chúa và Đức Mẹ ở cùng.
Nguyện xin Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội luôn tỏa bóng mát trên cuộc đời chúng con. Nhờ đó, chúng con ước mong có được tâm hồn trong trắng cho Thiên Chúa ngự vào. Xin Mẹ giúp chúng con xua tan những bóng dáng của ích kỷ nhỏ nhen, của muôn vàn tội lỗi, để dù nơi đâu chúng con cũng có thể làm chứng cho người ta thấy: “Chúng tôi sống hạnh phúc vì có Thiên Chúa ở cùng, có Đức Mẹ chăm sóc chở che!”
Mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, 8-12-2016
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ