Đức tin Công Giáo giúp gì giữa cơn dịch Corona?

Vài bạn hỏi tôi: “Làm thế nào để bình an, thanh thản trước cơn đại dịch corona lần này?” Hỏi như thế vì hằng giờ chúng ta đón nhận biết bao thông tin về số người chết và người nhiễm bệnh. Chưa hết, chuyên viên các nước cũng cảnh báo về mức độ nguy hiểm của con virus corona. Cách đây vài ngày, một người bạn làm trong ngành y tế cũng chia sẻ với tôi về tình trạng này. Dường như người ta không tin vào sự kiểm soát bệnh dịch của nhà nước. Có vẻ người ta thấy virus mỗi ngày gần đến đất nước, thôn làng và gia đình mình hơn. Tất cả thông tin ấy khiến người ta hoang mang, lo lắng và phập phồng.

Là người Công Giáo, chúng ta không thất vọng hoặc mất niềm tin dù trong hoàn cảnh nào. Nhất là thời khắc khó khăn, Thiên Chúa, Giáo Hội mời gọi con cái mình chạy đến với Thiên Chúa. Tin tưởng nơi Ngài, Ngài sẽ ra tay. Đó là sức mạnh vô hình mà không phải ai, nhất là người trẻ, cũng nhận ra. Bài học trong Tin Mừng, trong lịch sử Giáo Hội cho thấy đức tin lúc nào cũng là bệ đỡ vững vàng cho con người vượt qua mọi thách đố.

Trong Tân Ước, Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào thầy”. Có lần Phêrô hồ hởi đi trên mặt nước giữa phong ba bão táp. Vì yếu lòng tin, vì chút hoang mang ông đã lặn chìm trong biển nước. Đức Giêsu cứu ông với lời trách yêu: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” (Mt 14,22-33). Trong cuộc thương khó cũng thế. Thầy Giêsu chết, các ông hoang mang cực độ, mọi cánh cửa đều đóng kín. Họ mất niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh. Trong căn phòng năm xưa, chính Chúa Giêsu hiện ra và trao bình an cho các ông. Từ đó, với lòng tin thầy mình đã sống lại, các ông mở toang cửa đến với muôn dân. Kết quả là Giáo Hội phát triển và đưa nhiều người về với Thiên Chúa.

Sở dĩ những ngày này, Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về với Thiên Chúa, vì mỗi người tin rằng có Thiên Chúa là có bình an, sáng suốt và hy vọng. Mỗi nhà thờ, mỗi thánh lễ, mỗi bài giảng, Giáo Hội tha thiết kêu gọi con cái mình trở về với Thiên Chúa. Dù giữa cơn dịch bệnh đang cướp đi biết bao sinh mạng, nhưng Chúa bảo chúng ta không được yếu lòng tin. Người nào hoang mang, lo lắng thái quá, dường như Thiên Chúa cũng vắng bóng trong tâm hồn họ.

Viết tới đây, tôi nặng lòng hướng về người dân Trung Hoa. Nơi đó, “Giáo Hội thầm lặng” dường như đang là nguồn nâng đỡ lớn lao. Số là tình hình Giáo Hội Trung Hoa trong nhiều thập kỷ qua, đức tin đang mỗi ngày vắng bóng. Tôn giáo là điều gì đó xa xỉ trong xã hội này. Trên mạng chúng ta thấy những thánh lễ người Trung Hoa cử hành trong nước mắt. Họ khóc cho dân tộc, khóc cho lầm than của biết bao người trong cơn dịch. Quan trọng hơn, họ đang khóc than với Thiên Chúa, để cầu xin những phép màu. Tạ ơn Chúa vì còn những con người vững lòng tin để nâng đỡ anh chị em đồng bào.

Với đức tin, chúng ta thấy tương lai tươi sáng hơn. Nơi đó, Thiên Chúa vẫn đang hoạt động để cùng với các nhà khoa học tìm ra phương thuốc. Nơi đó, Chúa vẫn thôi thúc các nhà chức trách phải có nghĩa vụ và trách nhiệm với dân. Nơi đó, Chúa mời gọi tôi trở về để: “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cor 13,7). Hóa ra giữa cơn dịch này, các tín hữu phải nên nguồn động viên tinh thần lớn lao. Chúng ta có Thiên Chúa, Đấng an bài mọi sự. Chúng ta có đức tin, là món quà để giúp người ta vượt qua mọi bão táp phong ba. Giả như mỗi người gieo một chút đức tin cho mình, cho người thân, xã hội (cả trên Internet), khi ấy, chắc là ai cũng được an bình trước bức tranh ảm đạm này.

Hẳn nhiên ai cũng hy vọng dịch corona chấm dứt càng sớm càng tốt. Bởi chúng ta thấu hiểu được những nạn nhân đau đớn trong cơn dịch này. Mỗi con số người chết, người nhiễm, người nghi mắc bệnh, đều là nhân mạng. Đó không phải là con số vô hồn! Họ là anh chị em đồng loại của ta. Do đó, thái độ thờ ơ thật không đẹp chút nào.

Đã đến lúc người Công Giáo càng tin tưởng vào Chúa. Vì chúng ta biết rằng: Đức tin thì chắc chắn vì được đặt nền tảng trên Lời của Chúa, Đấng không hề nói dối. “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” (Từ Điển Công Giáo). Đừng quên Giáo Hội cũng nhắc rằng để sống, lớn lên và kiên trì trong đức tin, tín hữu cần nuôi dưỡng đức tin bằng Lời Chúa, cầu nguyện, đức mến, đức cậy và vâng phục giáo huấn của Hội Thánh.

Chúng ta đừng bỏ qua hoặc thờ ơ với món quà đức tin. Mỗi người chung tay, cùng nhau hướng về Chúa, tin tưởng nơi Ngài, hy vọng cơn dịch sớm chấm dứt. Nhắc nhau tin vào Chúa cũng là điều đáng làm. Cầu nguyện cho mỗi người giữ vững đức tin cũng là hành động đẹp. Giúp nhau phòng chống dịch cũng là điều cần thiết. Và trên hết, đừng để con virus corona làm tê liệt “đường hô hấp đức tin” của bạn. Bởi, mất đức tin, mất niềm tin là mất tất cả. Như thế thì nguy hiểm lắm!!!

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thêm niềm tin cho chúng con trong lời nguyện cầu này[1]:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh,

chúng con tuyên xưng Chúa là Đấng toàn năng

và là Cha giầu lòng thương xót.

Nay chúng con đến trước nhan Chúa,

xin Chúa thương xót nhân loại chúng con trong cơn dịch bệnh,

đang lan rộng nhiều nơi trên thế giới

cũng như trên đất nước chúng con.

Xin Chúa ban cho các nhà cầm quyền và các nhân viên y tế,

ơn khôn ngoan và can đảm,

tìm ra những phương thế ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này.

Xin Chúa an ủi và chữa lành những anh chị em bị nhiễm bệnh,

và nâng đỡ gia đình họ trong lúc khó khăn.

Xin Chúa đón nhận những anh chị em đã qua đời vì dịch bệnh,

 và đón nhận họ vào nhà Chúa muôn đời.

Sau cùng, xin ban Thánh Thần Chúa xuống trên chúng con,

biến chúng con thành khí cụ bình an của Chúa,

để chúng con góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh,

đem tình thương và ơn lành của Chúa đến cho muôn người.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa,

hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

       * Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu – Cầu cho chúng con.

       * Tổng Lãnh Thiên Thần Raphaen – Cầu cho chúng con.

       * Thánh Rôcô – Cầu cho chúng con.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

1] Kinh Xin Ơn Chữa Lành (ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm chuẩn ấn ngày 14.02.2020)

Kiểm tra tương tự

4 vị thánh giúp bạn đối phó với nỗi lo âu

Ngoài việc các thánh là những người bạn của chúng ta trên thiên đàng, các …

Để đức tin thấm vào văn hóa

Hội nhập văn hóa (inculturation) là thuật ngữ không mới trong từ điển truyền giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *