Đừng bỏ rơi tuổi già!

Có nhiều câu nói để nói về tuổi già. Ví như: người đầu bạc thì khôn ngoan và đẹp lòng Chúa. Lại có lời khuyên bậc con cái: khi cha mẹ về già, con chớ có coi khinh các ngài. Cũng có lời khác rằng: kính lão đắc thọ. Nhiều người nói thêm: tuổi già lại trở về giống tuổi thơ. Người ta thường ước mơ cuộc đời trường thọ, nhưng đồng thời người ta cũng mong muốn mình vẫn mạnh khỏe trẻ đẹp. Như thế, có hàng loạt quan niệm và ước mơ khó lòng có thể trở thành hiện thực.

Có một cụ bà gần trăm tuổi. Mắt vẫn đủ sáng để đọc báo. Chân đủ mạnh để đi lại chầm chậm. Tai đủ thính để nghe người khác nói. Miệng lưỡi vẫn lanh lẹ để kể chuyện. Trí khôn hãy còn rất minh mẫn để phân tích điều này điều nọ, để kể lể từ truyện vui sang truyện buồn, để nói gần nói xa. Cụ cũng có cả chục đứa con. Các cháu rất đông vui. Các con của cụ đều rất đàng hoàng tử tế. Mỗi Chúa nhật, các con cháu tập trung lại một nhà, cùng ăn cùng uống cùng vui chung với mẹ với bà. Ấy thế, mà cụ vẫn đượm buồn. Hỏi thăm và chúc mừng, cụ mới bộc bạch rằng, đúng là Chúa ban ơn rất nhiều cho gia đình cụ, đúng là cụ được nhận tất cả những điều tốt đẹp. Cụ cũng chẳng thiếu thốn gì. Nhưng cụ vẫn buồn.

Tôi hỏi sao cụ buồn, cụ nói: Giờ các anh các chị còn trẻ, các anh các chị chưa hình dung được sức nặng của tuổi già đâu. Giờ như tôi đây, muốn làm gì cũng không được, vì hầu hết mình không thể tự làm được nữa. Muốn đi đâu, cũng cần có người đưa đi, mà thường thì đâu có ai. Chỉ có Chúa nhật là có con cháu về chơi, chứ còn các ngày kia, thì cứ ngồi hết góc này đến ngồi góc kia. Giờ bạn bè cũng chẳng còn ai. Người thân duy nhất là các con cháu. Ngay cả con cháu: mấy đứa trẻ con thì nó thích đi chơi ham chơi, mấy đứa lớn hơn, mấy đứa đã lập gia đình thì nó ham làm ăn. Chúng nó vừa có ít thời gian, vừa không thích thú gì khi nói chuyện với người già.

Trở về nhà hưu của các cha già trong nhà Dòng, tôi càng cảm nhận rõ hơn sức nặng của tuổi già. Đúng là các ngài hy sinh rất nhiều trong âm thầm. Hằng ngày chỉ đọc kinh cầu nguyện. Đến giờ ăn thì đi ăn, giờ ngủ thì đi ngủ, những giờ khác chỉ đi lại loanh quanh những hành lang và căn phòng. Ngoài những anh em trong Dòng và các nhân viên y tế, hầu như chẳng có ai thăm viếng. Hầu như không có người thân. Cũng hầu như không có người dân nào tới thăm.

Có thầy già, cách đây hơn 1 năm, khi tôi mới tới, thầy còn nhớ được nhiều điều, còn nhớ được mặt nhớ được tên tôi. Vài tháng nay, thầy chẳng còn nhớ được ai nữa. Tính tình thầy cáu gắt hơn. Chuyện đi vệ sinh, giờ đây thầy cũng không còn tự chủ được nữa. Còn điều duy nhất vui vui mà thầy vẫn giữ được, đó là thầy rất thích chào hỏi mọi người.

Có thầy già khác. Trước đây thầy hãy còn vui vẻ hòa đồng, luôn thăm hỏi mọi người. Giờ đây, thầy cũng bắt đầu dễ buồn dễ vui bất chợt giống như các em bé. Chẳng biết rồi đây thầy còn sống được bao lâu nữa. Sau hơn một năm, đã có 5 cha già về với Chúa. Tất cả các ngài đều ra đi trong thầm lặng, chứ không có những đám tang lớn như ở Việt Nam. Thánh lễ an táng chỉ có mấy chục người trong Nhà Dòng và dịch vụ mai táng. Dù rất muốn, nhưng đến khi các ngài chết, tôi vẫn chưa nhớ được tên của các ngài, vì mỗi tên gọi của mỗi nước mỗi ngôn ngữ lại khác nhau, rất khó đọc khó nhớ. Nếu không có tình yêu mến, nếu không có đức tin, nếu thiếu niềm tin vào sự sống đời đời, có lẽ tuổi già sẽ rất vô nghĩa, trống rống và nặng nề!

Trong số các cha già còn minh mẫn. Có cha mới mấy tháng trước hãy còn đi lại nhanh nhảu, chuyên giúp đỡ người khác. Bây giờ cha bắt đầu phải ngồi xe lăn rồi. Còn cha khác, tuy làm giáo sư mấy chục năm, nhưng khi về già lại mắc bệnh tâm lý. Cha ấy cứ nghĩ chắc chắn rằng, mình không thể đi lại được. Thế là cha ngồi xe lăn. Nhưng biết được mánh. Các cha trong nhà tìm đủ mọi cách, và nhiều tháng trời trôi qua, mọi người đã thành công. Cha già ấy vượt được nỗi sợ tâm lý của mình, cha ấy bắt đầu đứng lên và có thể đi lại chầm chậm.

Một cha già khác thì mắc bệnh tâm lý cách hiện đại hơn. Cha ấy chuyên thích dùng một cái xe nho nhỏ điều khiển bằng điện. Nhưng mới đây, cha ấy cũng bắt đầu bỏ chiếc xe điện ấy. Có lần tôi đi bộ cùng cha. Bình thường tôi đi khoảng 3 phút là hết đoạn đường ấy. Thế mà đi cùng cha ấy, mất cả 30 phút. Tuổi già, dù cảm giác thời gian đã chậm, mà làm cái gì cũng chậm nữa, nên thời gian dường như dài vô tận. Nếu có lần bạn bị ốm bệnh, thì bạn sẽ cảm nhận dễ hơn. Một tuần bị cảm sốt hoặc một tuần nằm trong bệnh viện, có thể cảm giác như một tháng hoặc nhiều tháng khi sống trong nhịp sống thường ngày.

Các cha già khác nữa, mỗi người mỗi tính. Có cha hầu như hoàn toàn mất trí nhớ. Có cha gần như hoàn toàn không nói. Có cha cả ngày có lẽ nói vài câu. Có cha biết mọi sự nghe mọi điều, nhưng miệng không thể nói, mà dùng cách viết trên giấy để giao tiếp với người khác. Lại có cha bị tật nói nhiều, nói luyên thuyên và liên thanh như cái đài phát thanh. Cha ấy có thể nói liên tục nhiều tiếng đồng hồ mà không thể dừng lại, và cũng chẳng để cho ai nói.

Niềm vui của các cha già nhiều lúc rất đơn sơ. Các ngài chỉ cần có người chào hỏi, nói chuyện đôi ba câu. Khi các ngài dâng thánh lễ, có người tham dự là các ngài thích thú rồi. Các ngài cũng không nói chuyện trên trời dưới đất nữa, mà là những câu chuyện hết sức bình dị, câu chuyện của gia đình thời tuổi thơ, câu chuyện giải thích tại sao các ngài đi tu, những kỷ niệm buồn vui trong đời phục vụ. Các ngài cũng hỏi thăm về những thay đổi của xã hội và giáo hội hiện tại. Các ngài bình thản biết rằng, nhiều điều tuổi trẻ không hiểu các ngài, và nhiều điều các ngài không hiểu tuổi trẻ.

Cuộc sống cứ thế trôi, và lời cầu nguyện vẫn tiếp tục nối kết qua các thế hệ. Lạy Chúa Giêsu rất đáng yêu mến, nguyện xin bình an của Chúa luôn ở cùng chúng con. Amen.

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Để đức tin thấm vào văn hóa

Hội nhập văn hóa (inculturation) là thuật ngữ không mới trong từ điển truyền giáo …

Chăm Sóc Các Loài Thụ Tạo – Ý Cầu Nguyện Tháng 9 Của Đức Thánh Cha

  “Liệu chúng ta có nghe thấy nỗi đau của hàng triệu nạn nhân của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *