Đường đến đỉnh vinh quang

jesus

Hằng ngày, chúng ta đi lại trên nhiều con đường khác nhau. Mục đích của việc đi lại ấy nhằm đặt chân được đến tiêu điểm mà chúng ta mong muốn. Đôi khi, chúng ta cũng bị lạc đường vì nhiều lý do. Mỗi khi bị lạc, mỗi người chúng ta sẽ có những cảm giác hoặc lo sợ, hoặc bực mình, hoặc tiếc nuối… Cảm giác nào cũng không bình an. Kitô hữu được mời gọi bước trên một con đường duy nhất: Đường về quê trời. Con đường ấy được xây dựng vững chắc bằng chính Thân Mình của Đức Giêsu. Bước vào con đường ấy là bước vào chính Cung Lòng Ngài, là tháp nhập vào Ngài, nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết để phục sinh khải hoàn. Vương quyền và danh dự của Ngài đã được khôi phục: Ngài là Vua trên các vua, thống lãnh mọi sự. Một khi chúng ta được nên một với Ngài, chúng ta cũng được khôi phục quyền làm con, nghĩa là được trở nên nghĩa tử của Vua Giêsu. Chúng ta đừng chần chừ nữa! Hãy bắt đầu cuộc hành trình của mình trên con đường Giêsu – đường đến đỉnh vinh quang.

Hành trình thứ nhất: Phép rửa trong Chúa Thánh Thần

Kitô hữu đã được chịu phép rửa để thuộc về Chúa Kitô. Phép rửa ấy hầu như được thực hiện khi chúng ta lọt lòng mẹ. Do đó ý thức được ý nghĩa của phép rửa còn rất non kém. Nhiệm vụ của cha mẹ đỡ đầu cũng không được chu toàn. Cần lắm thay sự hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi mỗi người chúng ta để phép rửa được thành hiện thực. Điều đó đòi hỏi mỗi Kitô hữu phải gắn bó liên lỉ với Chúa Thánh Thần.

Chúng ta sống được là nhờ hơi thở mà Chúa Thánh Thần ban cho. Chúng ta hoạt động hằng ngày dưới sự điều khiển của não bộ do chính Chúa Thánh Thần tác động. Chúng ta thể hiện tình cảm bằng trái tim mà Chúa Thánh Thần trao ban. Chúng ta được hướng lòng, vươn tới những điều thiện hảo là do chính tiếng nói lương tâm mà Chúa Thánh Thần là tác giả. Trên hết mọi sự là sự hiện diện của Ngài trong từng biến cố của mỗi Kitô hữu. Nếu chúng ta có làm điều gì sai trái với lương tâm tức là chúng ta đã gạt Chúa Thánh Thần ra khỏi cuộc sống của mình. Chúa Thánh Thần để cho chúng ta sự tự do quyết định. Làm sao để biết được quyết định nào thuộc về Thiên Chúa hay quyết định nào thuộc về ma quỷ? Chúng ta chỉ có thể biết được khi gắn bó hoàn toàn với Chúa Thánh Thần. Gắn bó trước hết là sự cầu nguyện liên lỉ. Không phải là cầu nguyện chỉ để xin điều này hay điều khác theo ý mình, mà chúng ta hãy tha thiết cầu xin Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Khi có Chúa Thánh Thần, chúng ta chẳng lo sợ chúng ta sai đường.

Hãy nhìn lại một ngày sống của bạn! Mỗi sáng, bạn có thói quen thức dây vào một thời điểm cố định. Dù có đặt báo thức hay không thì cứ đến giờ đó bạn phải thức dậy. Người ta cho là chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể bạn đã điều khiển hoạt động này của bạn. Vậy, bạn sẽ giải thích thế nào khi có những ngày bạn thức dậy muộn hơn mà hoàn toàn không phải vì lý do bạn mệt hay bạn thiếu ngủ? Như vậy, chẳng thể khẳng định rằng hoạt động này của bạn được điều khiển bởi cái gọi là đồng hồ sinh học được. Việc bạn thức hay bạn ngủ hoàn toàn được điều khiển bởi Chúa Thánh Thần. Càng gắn bó với Ngài, bạn càng có kinh nghiệm nhiều về điều ấy. Thế nên, chúng ta hiểu được câu nói của tiên tri Isaia: “Mỗi sáng, Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn” (Is 50, 4). Hơn nữa, chúng ta có biết bao việc phải giải quyết trong một ngày. Nhiều người thường bắt đầu cảm thấy rối tung khi có phát sinh thêm nhiều sự việc khác thường. Dễ dàng để chúng ta có một sự so sánh giữa hai trạng thái của hai con người: Một đàng thì quay quắt, còn một đàng thì bình thản. Một đàng không biết sẽ phải bắt đầu từ đâu và một đàng thì suy xét giải quyết từng sự việc một. Một đàng thiếu vắng Chúa và một đàng theo sự hướng dẫn của Chúa. Não bộ của chúng ta tự nó không thể bồi bổ sự sáng suốt hay thông minh. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới ban cho chúng ta điều ấy. Đành rằng ngày nay khoa học đã tìm mọi cách từ việc ăn uống cho đến luyện tập, thậm chí dùng mọi biện pháp để bồi bổ trí não ngay từ lúc trẻ vừa được hoài thai trong lòng mẹ; thế nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong việc cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Tất cả là do sự điều khiển của Chúa Thánh Thần. Vì lẽ đó, Kitô hữu càng gắn bó nhiều với Chúa bao nhiêu thì càng thấy bình an bấy nhiêu. Bình an vì mọi việc chúng ta làm đều là sự quan phòng của Thiên Chúa. Bình an vì chúng ta đang theo sự hướng dẫn của Ngài. Bình an vì chúng ta tin chắc chúng ta ở trong đường lối của Ngài.

Nghiệm qua một ngày sống như thế, chẳng có lý do gì để chúng ta gạt Chúa Thánh Thần qua một bên được. Chúng ta hãy biết nài nỉ Ngài để Ngài ở lại với chúng ta như các tông đồ khi xưa đã sẵn sàng mở tung cánh cửa, là rào cản của mọi nỗi lo sợ, để bước vào con đường Giêsu. Các Ngài đã đón nhận phép rửa trong Chúa Thánh Thần là thế!

Hành trình thứ hai: Dưỡng nuôi linh hồn

Chúa Giêsu đã sinh chúng ta qua sự phục sinh của Ngài và cho chúng ta được sống bằng chính Thịt Máu Ngài. Của ăn Ngài ban cho chúng ta không như những thức ăn dễ bị hư nát ở trần gian này, mà đó là chính Ngài. Ngài muốn con cái của Ngài phải trở nên như Ngài, phải làm một với Ngài và phải có được sự sống trường tồn cùng Ngài. Vậy mà đã nhiều lần, chúng ta đã thờ ơ với ân huệ cao quý này.

Nhiều bạn trẻ ngày nay xem việc dự lễ và đón rước Mình Thánh Chúa hằng ngày là việc của những ông già, bà lão, những người vô công rỗi nghề… Các bạn có thể dành cả hai mươi bốn giờ để ăn, ngủ, làm việc với facebook; nhưng dành thời gian một tiếng cho Chúa là không thể. Tất cả đều xuất phát từ lý do duy nhất: Đức tin.

Chẳng dễ dàng để chúng ta rước một tấm bánh nho nhỏ với một niềm xác tín: Tôi đang được nuôi dưỡng bởi chính Mình Chúa Giêsu. Nhiều khi, chúng ta lên rước lễ như một thói quen, như một sự “ăn chắc mặc bền” và cũng có khi vì những lý do tế nhị khác nữa. Buồn thay, những giây phút vô cùng linh thiêng ấy lại bị tục hóa bởi nhiều nguyên nhân khác nhau! Có bao giờ chúng ta đặt mình trong tâm tình của một người con đang đói khát, chờ đợi miếng ăn từ tay mẹ? Dường như chúng ta chưa bao giờ ý thức được điều ấy. Quả thật, chúng ta đang sống trong tình trạng đói khát. Đói khát tình yêu vì chúng ta đã không đến với nhau cách chân thật. Đói khát hạnh phúc vì chúng ta không biết xây dựng bằng cách nào. Đói khát niềm vui vì chúng ta chỉ biết gieo nỗi buồn. Đói khát công bằng vì chúng ta luôn cư xử bất công. Đói khát chân lý vì chúng ta luôn làm điều gian ác. Đói khác thiện hảo vì chúng ta luôn gian tà… Tất cả những thứ đói khát ấy không thể nào được nuôi dưỡng bởi của ăn trần gian được. Chỉ có Thiên Chúa mới làm cho chúng ta no thỏa mà thôi.

Tôi có một kinh nghiệm về sự biến đổi của mình kể từ lúc tôi ý thức việc rước lễ hằng ngày. Cũng như bao người khác, tôi nghĩ rằng đi dự lễ là phải rước lễ, cũng giống như đi dự tiệc là phải ăn tiệc. Mặt khác, tôi cũng cho rằng việc rước lễ là việc chắc ăn nhất cho sự ra đi bất ngờ của mình. Thế nên, tôi cảm thấy đời sống thiêng liêng của mình chẳng có gì khá hơn dù tôi đi dự lễ hằng ngày. Tình cờ hôm ấy, sau khi rước lễ về, dù với thái độ cung kính nhưng đầu tôi đầy những nghi nan: Sao Chúa lại hiện diện trong tấm bánh bé nhỏ này được nhỉ? Ý nghĩ ấy đã quay quắt tôi cả ngày hôm ấy mãi cho đến sáng hôm sau. Tôi đến nhà thờ sớm hơn mọi ngày, tôi quỳ đó, lòng trống rỗng chẳng biết thưa gì với Chúa. Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi: Chúa làm được mọi sự và có quyền trên mọi loài. Khi Ngài làm được mọi sự thì việc Ngài hóa thân trong chiếc bánh bé nhỏ có gì là khó đâu. Ngài có quyền làm điều ấy để biểu lộ tình yêu của Ngài. Tôi nhận ra rằng: Ngài đã chọn cách khiêm hạ nhất để dưỡng nuôi tôi. Đó là cách Tự Hủy Chính Mình. Lòng tôi trào dâng một niềm cảm xúc dạt dào: Sao tôi lại được Chúa yêu thương đến thế? Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi thực sự khao khát Ngài. Và cũng từ lúc ấy, tôi được lớn lên trong tình yêu của Ngài.

Mình Máu Thánh Chúa là lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta. Điều ấy có hiện thực hay không còn tùy thuộc vào sự đón nhận của bạn nữa. Một khi bạn ý thức được tầm quan trọng thì chắc chắn bạn sẽ từng bước cảm nhận được tình yêu của Chúa. Không chỉ dừng lại ở đó, bạn sẽ được nuôi lớn lên trong chính tương quan với Ngài. Tương quan ấy sẽ tạo nên kết quả tuyệt vời là được trở nên đồng hình, đồng dạng với Ngài. Thế nên, việc rước lễ hằng ngày là rất quan trọng. Đó là con đường duy nhất để chúng ta được nên một với Đức Giêsu. Nên một với Ngài rồi thì Ngài ở đâu, chúng ta sẽ ở đó với Ngài.

Chúng ta được mời gọi bước trên hai hành trình này để tiến về quê trời. Có Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ được hướng dẫn. Có Chúa Giêsu, chúng ta luôn được no nê. Như vậy, việc tiến về nhà Cha chẳng còn khó khăn nữa. Quan trọng là chúng ta có thực sự mở lòng để Chúa ở trong ta và ta sẵn sàng vâng theo ý Ngài hay không. Điều đó là quyết định của chúng ta đấy!

Therese Trần Thị Kim Thoa

Kiểm tra tương tự

TỘI và TÔI

  Lặng thầm cầu nguyện trên môi Sấp mình thờ lạy bồi hồi tâm can …

Chúa Giêsu trong vòng dư luận

Đức Giêsu trong vòng dư luận. Ảnh: Pinterest.com Suy niệm Tin Mừng tuần vừa qua …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *