- Trích Dẫn Lời Chúa
“Ðừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta! Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương.” (Is 43,1.4)
“Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng.” (Mc 3,13-14)
“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15,15)
“Ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Ðức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Ðức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” (Ga 21,20)
“Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20)
“Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.” (Dt 7,25)
“Ai muốn đến với tôi phải biết hài lòng với cùng loại thức ăn mà tôi ăn, nước mà tôi uống, quần áo mà tôi mặc, vân vân. Vì thế mỗi người cũng phải cùng tôi ngày lao động đêm tỉnh thức.” (Thánh I-nhã, Linh Thao, 93)
- Suy Niệm
Chúa Giê-su gọi chúng ta là bạn của Ngài và mời gọi ta dự phần vào một giao ước tình yêu thân mật và riêng tư với Ngài. Ngài vẫn hằng chuyển cầu cho ta, dẫn ta đến với Ngài. Đối với Ngài, ta là một kho báu quý giá trong trái tim Ngài. Tình hữu hảo với Ngài sẽ giúp ta nhìn thế giới này bằng cặp mắt của Ngài, chúng ta sẽ nên một với Ngài trong trong đau khổ cũng như vinh quang. Và rồi chúng ta sẽ tận hiến cả con người ta cùng Ngài phục vụ tha nhân. Ngài luôn luôn ở cùng ta, từ bây giờ và cho tới tận thế.
- Suy sâu hơn
Thiên Chúa không muốn làm gì mà “không có chúng ta”; nhưng luôn là “cùng với chúng ta”. Bởi thế, điều đầu tiên mà Chúa Giêsu làm là kêu gọi các tông đồ đến với Ngài cùng thực thi sứ mạng: “Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: ‘Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.’ Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.” (Mc 1,16-17)
Những kẻ theo Ngài, trở thành môn đệ, cùng đi với Ngài từ thành này đến thành kia, cùng chia sẻ của ăn, lắng nghe Lời Ngài và suy niệm hành động của Ngài, làm việc với Ngài cả ngày và ngắm nhìn màn đêm với Ngài. Với trọn con tim, họ ước ao được biết Ngài cách thâm sâu hơn từng ngày; đồng thời, khao khát được yêu mến và phụng sự Ngài của họ cũng mỗi ngày một lớn lên.
Cam kết bản thân để theo Đức Giêsu Ki-tô
Hãy nhớ rằng: sự việc diễn ra khi thầy trò đang trên đường, miền Bắc Ga-li-lê, trong vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê, nơi mà chẳng bị ai quấy rầy, Chúa Giêsu đã hỏi họ: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16,13) Chúa Giêsu đang đánh giá bầu không khí có liên quan đến Ngài, tất cả những ai đến nghe Ngài, những ai muốn được chữa lành hoặc có của ăn thiêng liêng; tất cả những ai, từ miền Giu-đê và Samaria, từ mọi nơi, dù là người Do Thái hay người Hy Lạp, họ đều đến với Ngài: Họ đang tìm kiếm điều gì? Liệu họ có mắt để thấy và có tai để nghe không? Liệu họ có hiểu Ngài thực sự là một Đấng như thế nào không, hay họ chỉ gán cho Ngài những khát khao, sợ hãi và mơ ước của riêng họ thôi không? Và những người Ngài chọn gọi để thực thi sứ mạng: Liệu họ có thực sự biết Ngài, có nhận ra Ngài là Đấng như thế nào không? Liệu họ có sẵn sàng theo Ngài đến cùng chăng? Chúa Giêsu muốn họ nhận định cho rõ.
Sống theo cách của Chúa Giêsu (Sống theo dấu chân Chúa Giêsu)
Ngày nay, bước theo Chúa Ki-tô có nghĩa là tham dự vào sứ mạng và kế hoạch yêu thương của Ngài dành cho nhân loại qua các quyết định, lời nói và hành động của chúng ta. Bằng cách này, người tông đồ được mời gọi dấn bước vào cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu, vào thái độ sống của Ngài. Một cách sống mà không có sự bất nhất giữa lời nói và việc làm. Chúa Giêsu nói những gì Ngài làm và làm những gì Ngài nói. Lời nói của Ngài hành động, và hành động của Ngài lên tiếng. Khi lời nói và hành động của chúng ta nhất thống với nhau, ấy là một cách để nói lên sự thánh thiện. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước vào thái độ sống của Ngài, một cuộc sống của sự bỏ mình, yêu cho đến cùng, trong sự mở lòng với thế giới, và đặc biệt là với những người đang đau khổ, bị loại trừ và chối bỏ.
“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.” (Mt 13,16) Vấn đề ở đây là nhìn và lắng nghe Chúa Giêsu. Từ xưa đến nay chưa từng có ai tìm kiếm Thiên Chúa mà bị lạc bước. Thiên Chúa chỉ được mặc khải nơi Chúa Giêsu. Ngài là đường, là sự thật và là sự sống.
Đưa ra quyết định
Tình yêu mà Chúa Giêsu mặc khải mở ra cho chúng ta cánh cửa đến sự sống và khiến chúng ta được lớn lên trong tự do. Nhưng kẻ thù luôn muốn chúng ta nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa. Chúng muốn chúng ta tin rằng chúng ta cần phải hoàn hảo, toàn bích thì mới được Thiên Chúa yêu thương, để rồi đến độ khước từ các bí tích, bỏ bê cầu nguyện, và từ chối cả chính Thiên Chúa. Chúng muốn chúng ta tin rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ xứng đáng để được xuất hiện trước Nhan Thánh Chúa; rằng tình yêu của Ngài tuỳ thuộc vào công phúc của ta. Điều này không đúng chút nào; Tin Mừng là Thiên Chúa yêu chúng ta một cách vô điều kiện, không trông mong đáp trả, cũng chẳng phán xét công trạng của ta, mà chỉ có tình yêu, Ngài yêu ta như chính con người của ta. Ơn của Ngài chẳng đòi hỏi điều gì, chẳng phụ thuộc vào công sức của ta. Đây là một từ phải hiểu theo nghĩa trên mặt chữ. Nếu tình yêu của Thiên Chúa tuỳ thuộc vào chúng ta, thì tình yêu đó đã chẳng còn là tình yêu vô vị lợi.
Thiên Chúa còn phải làm đến độ nào nữa để chúng ta có thể thực sự hiểu rằng Ngài yêu thương chúng ta mà chẳng trông mong điều gì từ ta, ngoại trừ một trái tim mở rộng cho Ngài đây? Chẳng phải Ngài đã ban cho ta tất cả mọi thứ cùng với Người Con của Ngài rồi đó sao? Chúng ta đừng để kẻ thù lừa dối, phỉnh gạt mình, chúng không muốn ta bước theo Chúa Giêsu, theo Con Đường của Tình Yêu cho đến cùng đâu.
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết rằng Thiên Chúa thành tín mọi ngày trong quá khứ của tôi, và sẽ tiếp tục trung thành mãi về sau. Điều tôi cần làm bây giờ là dâng hiến trọn con người tôi để bước theo Ngài dẫu ra sao đi chăng nữa, sống theo cách sống của Ngài, và trở nên bạn hữu của Ngài. Bất kỳ quyết định nào cũng đều luôn có sự không chắc chắn. Tuy nhiên, sự sống sẽ không bao giờ tiến triển được nếu không có sự liều lĩnh.
Chúng ta có thể đưa ra quyết định vì trách nhiệm hoặc vâng lời; nhưng một quyết định được gọi là đích thực khi ta tự do đáp lại lời mời gọi được trao cho ta như ân ban. Đối với Thánh I-nhã Loyola, tình yêu là một cuộc trao đổi mật thiết qua lại (x. Lt 231); và trong sự chia sẻ mật thiết qua lại này, người ta đưa ra quyết định. Lời đáp trả đó có thể được đưa ra bằng tình yêu và lòng quảng đại hào hiệp; ngược lại, thì dù là việc nhỏ đến đâu, cũng chỉ là trống rỗng. Tuy nhiên, nếu một quyết định dựa trên tình yêu và lòng quảng đại, thì dù mong manh đến đâu, nó cũng đều có thể lay chuyển toàn bộ thế giới. Đây chính là ý nghĩa của sự Nhập Thể.
Quyết định theo Chúa Ki-tô là quyết định sống Phúc Âm: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mc 8,34)
Chỉ khi chúng ta quyết định theo Chúa đến cùng, khát khao được nên giống Ngài mỗi ngày, thì chính là lúc Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15,15)
Đây chính là hình ảnh đích thực của người “tôi tớ của Đức Ki-tô”, như Tin Mừng mô tả, là “bạn hữu”. Nghĩa là, một người mà Chúa Giêsu đã cho biết “những gì Ngài đã nghe được nơi Thiên Chúa Cha”. Điều này bao gồm sự thân thuộc, gần gũi, mật thiết, tình trạng được gần kề với trái tim Ngài nhất có thể. Để được lớn lên trong sự thân tình với Đức Ki-tô như thế, chúng ta được mời gọi đến “ăn” Lời Ngài và gặp gỡ Ngài nơi các bí tích.
Thực hành
Như thánh I-nhã Loyola đã làm, dưới chân Thánh Giá Chúa, tôi tự hỏi lòng mình và suy ngẫm: “Tôi đã làm được gì cho Đức Ki-tô? Tôi đang làm gì cho Đức Ki-tô? Tôi sẽ phải làm gì cho Đức Ki-tô?”
Lạy Chúa,
xin cất đi và nhận lấy tất cả
tự do, trí nhớ, trí hiểu
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
cũng như mọi sự thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho.
Thì nay con xin dâng lại cho Chúa hết thảy.
Tất cả là của Chúa
xin cứ sử dụng hoàn toàn theo ý Ngài.
Con chỉ mong, ôi chỉ một điều thôi
Là tình yêu và ân sủng Chúa,
Được như thế là đủ cho con rồi. Amen.