- Lời Chúa
“Ðức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân” (Is 61,1)
“Ðối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ.” (Tobia 4,7)
“Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Kitô Giêsu.” (Pl 2,5)
“Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1,41)
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.” (Lc 4,18)
“Chiêm niệm xem Ba Ngôi Thiên Chúa đang nhìn xem mọi mặt khắp cả địa cầu […]; Lần lượt nhìn xem các nhân vật; trước tiên là những người trên mặt đất, với bao sự khác biệt, trong y phục và cử chỉ, người trắng kẻ đen, người hòa bình kẻ chiến tranh, kẻ khóc người cười, kẻ khỏe mạnh người ốm yếu, kẻ sinh ra người chết đi v.v. (Thánh I-nhã, Linh Thao, 102).
- Suy Niệm
Thiên Chúa Cha, Cha của Chúa Giê-su và cũng là Cha của chúng ta, Ngài hằng mong muốn tình thương của Ngài thể hiện nơi trần gian này và qua chúng ta, những môn đệ của Ngài. Chúng ta được mời gọi mang ánh nhìn yêu thương của Chúa Cha đến cho nhân loại và hành động cùng với Thánh Tâm Chúa Giê-su. Cùng với Chúa Giê-su, mỗi người chúng ta được sai đến với những con người, những hoàn cảnh xã hội khác nhau. Chúng ta được sai đến những nơi con người chịu cảnh bất công, để giúp chữa lành và động viên những cõi lòng tan nát. Cho dù chúng ta bị hạn chế về mặt thể lý hay bệnh tật, cho dù chúng ta có cảm thấy bất lực trong việc thay đổi cấu trúc xã hội bất công này, chúng ta vẫn tham dự vào sứ mệnh này bằng việc mang ánh nhìn yêu thương của Chúa Cha nhân từ đến với anh chị em quanh ta. Chúng ta có thể thực hiện điều này, vì chính chúng ta đã được lãnh nhận ân sủng từ lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Đấy chính là cách chúng ta đáp lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta (sự bồi thường). Chúng ta không chỉ hoạt động trong Hội Thánh mà thôi, vì Chúa Thánh Thần hoạt động nơi nào có tình yêu thương. Qua lời cầu nguyện và hành động cụ thể, chúng ta có thể kết nối mọi người từ các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, giúp nhau đón nhận, mở rộng tinh thần này, và hành động để giảm bớt đau khổ cho những ai khổ đau.
- Suy Sâu Hơn – Going Deeper
Trong Linh Thao, Thánh I-nha-xi-ô mời gọi con chiêm ngắm Ba Ngôi Thiên Chúa nhìn thế giới này, và, để giải cứu nhân loại, Ngài quyết định sai Ngôi Hai nhập thể. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Quyết định của Thiên Chúa, phát xuất từ tình yêu sâu thẳm của Ngài dành cho nhân loại, đang chờ đợi quyết định của mỗi người chúng con. Như ĐGH Phan-xi-cô nói: “Dòng thác vĩ đại của Lòng Thương Xót bắt nguồn và tuôn trào ra một cách không ngừng từ tận cõi lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi, từ tận nội tâm thẳm sâu nhất của mầu nhiệm Thiên Chúa. Nguồn mạch này không bao giờ có thể bị khô cạn, ngay cả khi có rất nhiều người đến với nó. Bất cứ khi nào một ai đó cảm thấy có nhu cầu, người ấy đều có thể tiến đến nguồn mạch ấy, vì Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thì không cùng. Sự thẳm sâu của mầu nhiệm bao quanh Lòng Thương Xót thì rất vĩ đại và không thể giải thích, và sự phong phú bắt nguồn từ Lòng Thương Xót cũng rất vĩ đại và thật thẳm sâu.” (Tông sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót, câu 25) Những từ ngữ “lòng nhân ái” “cảm thương” và “thương xót”, được tìm thấy trong Kinh Thánh, là bản dịch của gốc từ Hy Lạp, rằng chúng ta cảm nhận được đau khổ của tha nhân và được thôi thúc từ nội tâm, bởi tình yêu, hành động vì ơn ích của họ. Đây là một chuyển động phát xuất từ bên trong, từ “nơi sâu thẳm nhất trong nội tâm,” từ “bào thai của người mẹ,” từ “trái tim”. Đó là điều con thấy ở Chúa Giêsu. Ngài hay bảo rằng Ngài chạnh lòng thương đám đông, cho người bệnh, cho kẻ mù và người què, cho người bị quỷ ám ở miền Ghê-ra-sa, hay góa phụ ở Nain bị mất đi đứa con duy nhất. Chúa Giêsu có khả năng phi thường là bị đánh động sâu sắc bởi tha nhân, và những cảm xúc của Ngài biến thành quyết định, thúc đẩy Ngài và cuối cùng là dẫn đưa Ngài hành động. Điều Ngài sống cũng là điều Ngài giảng dạy, dụ ngôn người Samari nhân hậu nổi bật ở điểm này: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7). Trong Mạng lưới Cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng, con được mời gọi tham gia vào sứ vụ của lòng thương xót cho thế giới, bằng việc cầu nguyện cũng như thúc đẩy bản thân hành động trước những thách đố mà nhân loại đang phải đối diện và cho sứ mạng của Giáo hội. Điều này đòi hỏi chấp nhận một số tổn thương, để bản thân con được đánh động sâu sắc bởi cuộc sống của anh chị em trên toàn thế giới. Điều này có nghĩa là buông bỏ “lá chắn” của con và đập vỡ “những bức tường,” bỏ lại phía sau sự thờ ơ, để bước vào “nền văn hóa gặp gỡ.” Đây là cách con hiệp thông trọn vẹn với Thánh Tâm Chúa Giêsu, để con có thể, cùng Ngài, mở lòng mình ra với sự can đảm. Đó là vì con có kinh nghiệm được yêu và tha thứ, vì con trải nghiệm được lòng thương xót sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho mình, rằng nhờ đó con có thể trở nên những nhà loan báo lòng thương xót, là chứng nhân cho Tin Mừng của Niềm Vui.