Đường lối của thiên nhiên

Hãy khôn như rắn và ngoan như chim câu” (Mt 10,16).

Hãy xem sự nơi chim câu, nơi bông hoa, nơi cây cỏ và nơi thiên nhiên.

Cũng sự khôn ngoan ấy đang làm nên mọi sự nơi chúng ta, những điều mà trí óc chúng ta không bao giờ làm được: từ lưu thông máu, tiêu hoá thức ăn, bơm máu vào tim, mở rộng lá phổi cho đến việc làm cho thân thể chúng ta kháng nhiễm và tự chữa lành các vết thương, trong lúc đầu óc chúng ta tham gia vào các việc khác.

Thứ khôn ngoan tự nhiên này, đến bây giờ chúng ta mới để ý thấy nơi những dân tộc được cho là bán khai, những con người hết sức đơn sơ nhưng cũng rất khôn ngoan như chim câu.

Chúng ta tự cho mình là người tiến bộ vì đã làm ra một hình thức khôn ngoan khác, là sự khôn ngoan của đầu óc tinh xảo, và chúng ta tự cho rằng mình có thể cải thiện thiên nhiên, làm cho mình được an toàn, được che chở và được trường thọ, được sống có tốc độ và được tiện nghi sung sướng, những điều mà các dân tộc bán khai không hề biết. Có được tất cả những điều ấy đều nhờ đầu óc của chúng ta được mở mang trọn vẹn. Cái khó là làm sao lấy lại được sự đơn sơ và khôn ngoan của chim câu, mà vẫn không đánh mất sự tinh xảo của bộ óc quỉ quái như con rắn.

Làm sao được như vậy? Nếu cho rằng chống lại thiên nhiên được ngày nào là cải thiện được thiên nhiên ngày ấy, là bạn đã tự huỷ hoại chính mình vì thiên nhiên chính là con người sâu xa của bạn.

Làm như thế chẳng khác nào lấy tay phải đánh tay trái, lấy chân phải dẵm lên chân trái. Cả hai đều thua. Thay vì sống có sáng tạo và sinh động, bạn đã tự nhốt mình vào cuộc sống dai dẳng ấy. Đây là tình trạng của rất nhiều người trên thế giới. Hãy nhìn xem: họ chết cứng, thiếu sáng tạo, bị bế tắc chỉ vì họ tự nhốt mình trong cuộc chiến chống thiên nhiên, tìm hết cách hoàn thiện mình bằng cách đi ngược lại những gì thiên nhiên đòi hỏi.

Trong cuộc chiến giữa thiên nhiên và bộ óc con người, bạn nên đứng về phía thiên nhiên. Nếu bạn đánh vào  thiên nhiên, thiên nhiên sẽ huỷ hoại con người bạn.

Thế nên, bí quyết là tìm cách cải thiện thiên nhiên cho hợp với thiên nhiên. Làm sao có thể tạo được sự hoà hợp này?

1. Trước hết, hãy thử nghĩ tới một sự thay đổi nào đó bạn muốn thấy trong cuộc sống hay trong con người bạn. Bạn có tìm cách ép bản tính tự nhiên của bạn thay đổi như ra sức nỗ lực và khao khát trở thành một điều gì đó mà đầu óc của bạn đã hoạch định? Làm như thế là lấy rắn đánh chim câu.

Hay bạn chấp nhận tìm hiểu, quan sát, thấu hiểu, ý thức tình trạng và vấn đề hiện tại của mình, không thúc đẩy, không cưỡng ép cho có những gì mình ao ước, để thực tại tạo ra những đổi thay theo kế hoạch của thiên nhiên, chứ không theo kế hoạch của bạn? Làm như thế là hoà hợp rắn với chim câu.

Thử xem một số vấn đề của bạn, một số thay đổi mà mình mong muốn, và thử quan sát xem bạn xử lý việc ấy thế nào.Hãy xem bạn đang tìm cách tạo ra thay đổi cả nơi mình lẫn nơi người khác, bằng cách xử dụng biện pháp thưởng phạt, kỉ luật và kiểm soát, lên lớp và buộc tội, kích thích tự ái và tham vọng, thay vì đón nhận và kiên nhẫn, vất vả tìm cách thấu hiểu và tỉnh táo ý thức.

2. Thứ hai, hãy nhớ tới thân thể của mình, so sánh với cơ thể của một con vật đang sống trong môi trường tự nhiên. Bạn sẽ thấy con vật ấy không bao giờ tăng cân quá đáng, cũng chẳng bao giờ căng thẳng quá đáng trừ khi chuẩn bị ra trận hay chuẩn bị cao chạy xa bay.

Con vật ấy sẽ không bao giờ ăn hay uống bất cứ thứ gì không tốt cho những việc ấy. Nó nghỉ ngơi và tập luyện đúng như nó cần. Nó giãi dầu mưa nắng, nóng lạnh đúng mức.

Nó làm như thế hoàn toàn theo cơ thể của mình và để cho sự khôn ngoan tự nhiên ấy hướng dẫn mình. Bây giờ hãy thử so sánh với sự ma mãnh dại dột của chính bạn. Nếu thân thể bạn có thể lên  tiếng, nó sẽ nói gì với bạn đây?

Hãy xem lại sự tham lam, tham vọng, háo danh, muốn ra vẻ ta đây và chiều lòng người khác, tìm cách bỏ qua tiếng nói của thân thể mình, mải mê chạy theo những mục tiêu do mình đặt ra. Bạn sẽ thấy mình không còn sự đơn sơ của chim câu nữa.

3. Thứ ba, hãy tự hỏi xem mình tiếp xúc với thiên nhiên nhiều tới mức nào, tiếp xúc với cây cỏ, trời đất, gió mưa, hoa lá, muông chim…Bạn phơi mình cho thiên nhiên được bao nhiêu? Bạn thân mật với   thiên nhiên, quan sát thiên nhiên, chiêm ngưỡng thiên nhiên, đồng hoá với thiên nhiên tới mức nào?

Khi thân thể bạn xa cách thiên nhiên quá lâu, nó sẽ trở nên nhợt nhạt, suy nhược và mảnh mai vì đã  bị cô lập khỏi nguồn sống.

Khi bạn cách li với thiên nhiên quá lâu, tinh thần bạn sẽ cằn cỗi và suy kiệt vì đã bị bứng ra khỏi gốc rễ của nó.

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Trích sách:Tiếng gọi yêu thương

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *