ĐƯỜNG THIÊN LÝ DƯỚI THỜI NGUYỄN
Nguyễn Thanh Lợi[1]
1. Lịch sử hình thành
Dưới thời Lý Thái Tông (1028 – 1054), đường quan lộ đã được chia ra từng cung, đặt nhà trạm để chạy giấy tờ công văn. Mỗi cung thuộc quyền cai trị hành chính của một giới chức do triều đình bổ nhiệm, nắm quyền cai trị hành chính, có trách nhiệm tu bổ hệ thống quan lộ nằm trong cung của mình. Dọc theo đường quan lộ từ cung này đến cung khác, các nhà trạm được thiết lập để làm nơi vận chuyển văn thư, công hoá của triều đình đến các địa phương trong cả nước. Đây còn là nơi nghỉ chân của các quan lại triều đình trên đường công cán. Các trạm đặt cách nhau khoảng 15 – 20 km, đứng đầu mỗi trạm là một trạm trưởng chỉ huy một số phu trạm chạy công văn, giấy tờ. Công văn được đựng trong ống tre, được chuyển đi bằng chạy bộ, ngựa, thuyền. Trên các đường giao thông chính đều có các nhà trạm và các ụ đất cắm biển gỗ để chỉ phương hướng.
Đến đời Hồ Quý Ly (1400 – 1407) với những cải cách trong công tác quản lý đất nước, trong đó chú ý mở rộng đường cái quan (quan lộ, đường thiên lý), để tiện việc giao thông và liên lạc. Năm 1402, thiên lý cù nối tiếp từ Hoan Châu đến Hoá Châu (Huế).
Sau chiến thắng Trà Bàn của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471, đạo thừa tuyên thứ 13 của quốc gia Đại Việt được thành lập – đạo thừa tuyên Quảng Nam. Nhà vua đã cho tổ chức lại hệ thống giao thông liên lạc thông suốt từ Thăng Long cho đến phủ Hoài Nhơn (Bình Định) bằng đường bộ.
2. Thời chúa Nguyễn Năm 1600, khi Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận Quảng, chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, để phục vụ cho chiến tranh, đường sá hai miền được sửa sang, mở rộng. Trước năm 1653, người Chăm đã tổ chức được hệ thống đường mòn cho voi đi suốt cả vùng duyên hải miền Trung. Ngoài ra, hệ thống đường ngang cũng được phát triển để khai thác tài nguyên rừng và biển. Các chúa Nguyễn khi làm chủ được vùng này đã kế thừa mạng đường sẵn có để tạo nên đường thiên lý và phát triển hệ thống đường ngang dài hơn, dày hơn[2] .
Ở Đàng Ngoài, chúa Trịnh cho đắp đường thiên lý, đường đủ rộng để voi, ngựa đi được từ Thăng Long qua Thanh Hoá vào đến đồn Hà Trung, huyện Kỳ Hoa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vượt đèo Ngang vào sông Gianh. Năm 1788, Nguyễn Huệ đã đưa quân từ Phú Xuân (Huế) ra đến Ninh Bình. Đoạn đường từ Nghệ An đến Tam Điệp dài 800 km, với 8 vạn quân, 200 voi chiến, nhiều ngựa mà chỉ đi trong 7 ngày, chứng tỏ ngoài tài hành quân thần tốc của Quang Trung, một yếu tố đã góp phần làm nên chiến thắng của quân Tây Sơn là hệ thống đường bộ lúc bấy giờ đã phát triển[3].
2. Thời vua Nguyễn
Tháng 7 năm Tân Dậu (1801), đoạn đường Phú Xuân (Huế) – Đồng Hới (Quảng Bình) được đắp lại. Năm 1809, đắp đường quan ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận[4].
Nhưng con đường thiên lý – huyết mạch kinh tế và hệ thần kinh quản trị quốc gia – chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ nhất là dưới triều Nguyễn. Trên con đường này, cứ cách khoảng 25 – 30 dặm (15 – 20 km) đặt một nhà trạm để canh phòng và vận chuyển văn thư, tài vật từ kinh đô đi khắp nơi và ngược lại. Đầu thế kỷ 19, từ Hà Tiên đến Hà Nội có 97 trạm, năm 1831 đặt thêm 27 trạm, năm sau mở thêm 9 trạm. Tổng cộng 133 trạm vào giữa thế kỷ 19. Từ Huế đến Hà Tiên dài 1.832 km. Từ Huế đến ải Nam Quan (Lạng Sơn) đường dài 848 km. Từ Huế ra Hà Nội khoảng 672 km[5] .
Mỗi trạm có biên chế khoảng 50 người, tổng số phu trạm trong cả nước gồm 6.000 người. Mỗi nhà trạm đều được xây bằng gạch hay bằng tre, nứa, lá, ba gian hai chái theo cùng một kiểu do Bộ Công quy định. Trên cửa ra vào có treo biển sơn son thiếp vàng dài ba thước hai tấc, rộng một thước năm tấc, biển khắc ba chữ tên trạm. Ở sân trạm trồng cột treo cờ vải vàng, hình cuông, dài rộng đều ba thước, tên trạm được viết bằng chữ to. Thời gian quy định cho chạy trạm cho quãng đường Phú Xuân – Hà Nội là 4 – 5 ngày. Nếu rút ngắn thời gian hơn thì được thưởng 5 quan tiền trở lên. Còn nếu chậm phải chịu hình phạt từ 10 roi đến xử tử. Triều đình tạo điều kiện cho phu trạm hoàn thành nhiệm vụ như ưu tiên sang đò, ngựa dẫm phải người khi chạy hoả tốc không phải lỗi… Đến ngày lễ, ngày sinh các hoàng tử, công chúa… các phu trạm đều được ban thưởng[6].
Đến năm 1810 thì: “Đặt thêm lính trạm từ Quảng Bình đến Bình Thuận, mỗi trạm trên 100 tên, tha khỏi đi lính giản, khỏi làm việc quan và tha thuế thân cũng như quan hạng”[7] .
Quản lý và điều hành sự vụ các dịch trạm trên đường thiên lý là chức năng của ty Bưu chính, còn đưa lệnh của triều đình và thu nhận báo cáo của địa phương là nhiệm vụ của ty Thông chính sứ. Hai cơ quan này phải túc trực hoạt động ngày đêm trên hệ thống đường thiên lý để việc quản trị xứ sở về các mặt quốc phòng, hành chính, xã hội, kinh tế, văn hóa luôn được thông suốt và nhịp nhàng.
Năm 1812, De la Bissachere trong “Etat actuel du Tonkin de la Cochinchine et les royaumes de Cambodge, Laos et Lac Tho” xuất bản ở Paris (Hiện trạng Bắc Kỳ, Nam Kỳ, các vương quốc Lào, Campuchia và Lạc Thổ) đã mô tả về con đường này như sau: “… có một con đường lớn nối Phú Xuân và Đông Kinh (Hà Nội). Con đường này đẹp như đường châu Âu… đường tuy không lát gạch đá, nhưng chỗ nào không vững chắc thì người ta đổ gạch, đá vụn và đóng cọc để củng cố; đường làm hơi vồng lên ở giữa để thoát nước ra hai vệ đường. Hai bên đường có rãnh thoát nước và trồng cây…”[8] .
Trên con đường thiên lý có những cây cầu bền chắc mà tên gọi còn tồn tại đến ngày nay như cầu Lim (Ninh Bình). Năm 1826, một số cầu gỗ được chạm trổ, trang trí, lợp ngói, có hàng quán nhỏ bán bên hành lang cầu như ở Sơn Tây, Hà Bắc, Ninh Bình. Đặc sắc là các cầu có mái: cầu Tây Đằng (Quảng Oai, Hà Nội), Gia Hòa (Thạch Thất, Hà Tây), Yên Lợi (Vĩnh Phú)… Đại Nam nhất thống chí có ghi chép về số lượng các cầu gạch đá ở một số tỉnh: Quảng Ngãi 59 cầu (trong đó có 3 cầu gồm 2 nhịp, 56 cầu 1 nhịp), Phú Yên 29 cầu, Bình Định 20 cầu…[9]
Trước năm 1831, ở 11 trấn thuộc Bắc thành chỉ có một đường cái quan từ kinh đô ra đến ải Nam Quan. Triều đình Huế đã cho đắp thêm nhiều đường to: “Đường lấy mặt đất làm mực. Mặt rộng một trượng, thân rộng 5 trượng 5 thước, giữa cao 2 trượng, hai bên đường đều cao 1 thước”, do đó các trấn có thể nối liền nhau và từ các trấn có thể chạy ngựa trạm đến thẳng kinh đô. Năm 1811, triều đình cấp cho trạm ở kinh và 6 trạm ở Quảng Đức, mỗi trạm 2 ngựa công. Năm 1825 trở đi, các trạm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam… đều được cấp ngựa. Năm 1828, triều đình cấp đồng loạt cho các trạm từ Bắc vào Nam, mỗi trạm thêm 1 ngựa nữa[10].
Các vua triều Nguyễn rất quan tâm đến việc tu bổ con đường huyết mạch của quốc gia này. Năm 1832, vua Minh Mạng dụ cho Bộ Công: “…đường cái quan có nhiều chỗ núi cao, lính trạm leo trèo, nhân dân đi lại, có nhiều khó khăn trở ngại. Vậy truyền lệnh cho các quan địa phương xem xét địa phận hạt mình, chỗ nào có đá lớn ngăn trở, thì đốt cho nát phá bỏ đi, cốt rộng từ 4 – 5 thước trở lên, đủ đi lại được; chỗ nào vì nước mưa lụt chảy xói, lâu ngày thành trũng sâu, thì đá lấp đầy, hoặc xây thành bậc, cho được bằng phẳng, rồi ủy cho phủ huyện thuê dân làm, trả công ưu hậu bằng tiền và gạo, rộng cho thời hạn, cốt được thành công để lợi ích lâu dài”[11].
Từ 4/9 đến 3/10/1804, đường thiên lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên, triều Nguyễn cho đặt 6 trạm, nhà trạm lợp ngói, xung quanh xây tường bằng đá. Mỗi trạm đặt 1 cai đội, 1 phó đội. Phu trạm từ Thừa Thiên đến Quảng Bình mỗi trạm 80 người, từ Quảng Nam đến Gia Định mỗi trạm 50 người, từ Nghệ An đến Bắc thành đều 100 người; miễn cho thuế thân và tạp dịch. Thời Minh Mạng đổi đặt chức dịch thừa và dịch mục. Mỗi trạm được cấp 3 ngựa trạm[12].
Việc di chuyển bằng đi bộ trên đường thiên lý ngày xưa hết vất vả, hành trình đi từ Huế vào đến Phú Yên đã mất đến hơn 14 ngày đường: “Đường sá từ trấn Thuận Hóa vào đến Quảng Nam, nhật trình đi bộ từ quán Lồn Voi đến quán Trà nửa ngày. Quán Trà đi tối đến quán Tuần ải. Tuần ải đi đến quán Sảng nửa ngày; quán Sảng đi tối đến quán Thanh Khê. Quán Thanh Khê đi đến quán Cẩm Sa nửa ngày; quán Cẩm Sa đi tối đến dinh Quảng Nam. Dinh Quảng Nam đi đến Hà Lam nửa ngày, lại đi tối đến quán Bà Dầu. Quán Bà Dầu đến quán Thọ Khang nửa ngày, lại đi tối đến quán Ông Bộ, quán Ông Bộ đến quán Bến Ván nửa ngày, lại đi tối đến Trì Bình… Lại đi đến quá chân đèo truông Ninh giáp địa giới phủ Phú Yên, cộng 14 ngày rưỡi”[13].
Từ kinh đô Huế, đi về phía Nam, con đường thiên lý đi qua các trạm Thừa Nông, Thừa Hoá, Thừa Lưu, Thừa Hải thuộc địa phận kinh sư, đến đèo Hải Vân, ranh giới giữa kinh đô Huế và tỉnh Quảng Nam. Bắt đầu từ Hải Vân quan, uốn cong hình cánh cung về hướng tây nam đến trạm Nam Chính – quán trạm cực bắc của tỉnh. Vượt sông Cu Đê, con đường lại tiếp tục đi qua trạm Nam ổ để đến lỵ sở huyện Hoà Vang nằm sát thành Điện Hải, án ngữ tấn Đà Nẵng. Sau khi men theo chân núi Cẩm Lệ, vượt sông Cẩm Lệ, con đường đi đến trạm Nam Giảng. Đường thiên lý chạy ngang mặt tây của tỉnh thành Quảng Nam, qua lỵ sở huyện Duy Xuyên, đến trạm Nam Phúc, sang huyện Lễ Dương. Tiếp tục hành trình về phía Nam, con đường thiên lý đi qua trạm Nam Ngọc, đến huyện lỵ Hà Đông, gần sát trạm Nam Kỳ. Từ đây, vượt nhánh sông Kế Xuyên đến trạm Nam Vân, rồi trạm Ngãi Bình – quán trạm cực bắc của tỉnh Quảng Ngãi. Đường thiên lý đi qua Quảng Nam dài khoảng 170 dặm, 7 trạm, vượt gần 22 sông và nhánh sông. Về đại thể nó được thiết lập trên vùng đồng bằng, ở những nơi địa hình thuận lợi và gần bờ biển[14].