Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Đường xuôi diễn tả một hành trình xuôi chảy, thẳng tiến, dù có biết bao trở ngại đi nữa.
Đường ngược diễn tả một hành trình bị ngắt đoạn, người lữ hành phải trở ngược lại. Đó là một kiểu “giữa đường gãy cánh”. Trong hành trình đời người, ai ai cũng mong muốn đường đời của mình xuôi chảy và trong đời sống tâm linh cũng thế, dù là kẻ tội lỗi hay người thánh đức, khởi sự từ đâu cũng đều mong muốn đường tâm linh xuôi chảy và đạt được đích đến là chính Thiên Chúa.
Đường xuôi khởi đi từ trái tim thật.
Tin Mừng Mát-thêu có dụ ngôn kể về một người cha có hai con (x.Mt 21,28-32). Lần nọ người cha đến nói với người con thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. Lời người cha nói diễn tả ý muốn của cha. Người cha là hình ảnh của Thiên Chúa. Lời của người cha nói với con được ví như lời của Thiên Chúa nói với mỗi người chúng ta. Lời đó chính là thánh ý của Chúa.
Người con đáp lời cha thế nào đây? Nếu là người con, chúng ta đáp lời Thiên Chúa ra sao, khi Ngài ngỏ lời với chúng ta?
Nó đáp: “Con không muốn đâu!”
Lời đáp sao mà nghe quen quá!
Đời sống gia đình biết bao lần cha mẹ đã phải nghe lời tương tự từ con cái mình.
“Con ơi, dậy đi lễ nhé, hôm nay Chúa Nhật đó!”
Từ trong phòng của đứa con vọng ra:
“Mẹ đi đi, con không đi đâu, hôm nay con bận!”
Bận gì? Bận ngủ, bận làm bài và bận với bệnh lười!
Truyện kể tiếp rằng: “Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi”.
Có lần ghé thăm một gia đình vào cuối tuần. Cả gia đình đều sẵn sàng cùng đi dâng Thánh Lễ Chúa Nhật. Người con cả là một sinh viên siêng năng và đang cần phải lo xong bài vở ở trường. Lúc đầu anh nói với ba mẹ: “Hôm nay, con phải ở nhà làm cho xong bài, nên con không đi lễ nhé!” Ba mẹ đón nhận ý của con. Nhưng sau đó vài tiếng, tại bàn cơm trưa, anh sinh viên lại nói: “Con sắp xếp và đi lễ cùng ba mẹ và mọi người trong gia đình chiều nay”. Bà mẹ vui ra mặt, ông bố vui trong lòng, niềm vui không cần diễn tả, nhưng vẫn là niềm vui trọn vẹn của cả gia đình đi dâng Thánh Lễ Chúa Nhật.
“Hối hận, nên lại đi” làm vườn nho, lại cùng đi dâng Thánh Lễ ngày Chúa Nhật với gia đình. Tuyệt! Hối hận đến từ đâu vậy? Từ trái tim. Trái tim rung động lên vì tình yêu của con dành cho cha, tình yêu của mỗi người chúng ta dành cho Thiên Chúa làm cho hồn chúng ta không “nghỉ yên”, và kéo chúng ta ra khỏi mọi trở ngại để rồi lên đường vào vườn nho, vào nhà thờ để cùng dâng Thánh Lễ.
“Hối hận, nên lại đi” làm vườn nho cũng là thái độ của ăn năn hối cải mà hình ảnh các người tội lỗi và gái điếm diễn tả cách sống động, và được Chúa biểu dương: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31).
Người tội lỗi là Da-kêu với nghề thu thuế gian lận và ăn chận biết bao người, đã được Chúa chạm vào lòng của ông, để rồi ở tại bàn tiệc trong chính ngôi nhà mình, ông đã đứng thẳng thắn trước Chúa và thưa câu truyện tâm hồn của ông với Chúa. Đứng thẳng thắn cũng diễn tả thái độ tuyệt vời của trái tim thật. Không còn mắc cỡ, không còn đeo mặt nạ. “Tội tôi làm tôi xứng đáng phải chịu phạt. Tuỳ Chúa quyết định”.
Bước đầu tiên cần làm là hối lỗi và ăn năn. Ăn năn bằng tư thế đứng thẳng thắn cùng trái tim rất thật của mình. Luca viết: “Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Lời từ trái tim thật phát xuất từ cuộc gặp gỡ giữa Da-kêu với Chúa Giê-su, Đấng là sự thật, là con đường xuôi chảy mà Da-kêu mong muốn chọn cho hành trình cuộc sống mới của mình.
Đáp lời Da-kêu, Chúa nói: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,9-10). Ôi lời thật đẹp mang lại sự giải thoát. Lời của Chúa đã đưa Da-kêu bước vào con đường mới. Ông quay lưng từ chối con đường cũ của gian lận và tội lỗi. Giờ đây ông bước đi trên con đường xuôi chảy hướng về Thiên Chúa.
Thánh sử Luca cũng thuật lại một câu truyện khác về người tội lỗi, nhưng lần này lại là thân phận một gái điếm: “Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm (Lc 7,36-37). Cô gái tội lỗi được nhắc đến, nhưng tội cô là gì, không ai biết chính xác. Tuy nhiên, nhiều học giả đã cho rằng cô ta chính là gái điếm. Cô đến với ai? Đến với Chúa, khi Người đang dùng bữa ở nhà một người Pha-ri-sêu.
Cô đến và tiến gần tới Chúa: “Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7,38). Giống như Da-kêu, cô chọn thế đứng bên Chúa, đứng đằng sau Chúa, để rồi với thế đứng thẳng thắn cùng trái tim rất thật, cô bắt đầu “con đường xuôi” của mình. Con đường xuôi cùng “song bước” với dòng nước mắt xuôi chảy từ trái tim rất thật của cô. Chảy và chảy, từng giọt nước mắt rơi xuống nhưng không vô vọng, mà ngược lại giọt nước mắt đã chạm tới nguồn hy vọng là chính bàn chân của Chúa Giê-su. Chân hy vọng từ trời cao và bao giọt nước của đất thấp hoà quyện vào nhau, đến nỗi Chân hy vọng được tưới ướt lòng sám hối ăn năn của trái tim khát vọng ơn cứu rỗi.
Con đường tiếp tục xuôi. Chân ướt thì cần phải lau. Chẳng mắc cỡ và cũng không hãi sợ, mà mắc cỡ xấu hổ chi nữa cũng như sợ hãi gì ai, khi trái tim rất thật bắt đầu “lên tiếng”. Tháo cởi mặt nạ, cô gái điếm cúi xuống Chân hy vọng, và trong âm thầm của trái tim đang “rung động” với tần số cao nhất, bằng chính mái tóc dài của mình cô lau đôi Chân hy vọng ướt đẫm những giọt nước mắt của trái tim rất thật và đang sám hối.
Con đường tiếp tục xuôi, Chân hy vọng khô rồi và giờ đây trái tim rung lên tần số mới. Nụ hôn trào dâng trên Chân hy vọng trong âm thầm và đầy trìu mến.
Ôi một hình ảnh quá tuyệt, quá đẹp của cuộc gặp gỡ giữa đôi môi trần thế và Chân hy vọng của trời cao. Xin thinh lặng, chiêm ngắm và cùng rung lên với cung đàn của tri ân cảm tạ:
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo.
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu” (Hàn Mặc Tử, Đà Lạt trăng mờ).
Con đường tiếp tục xuôi, nụ hôn trìu mến được xuôi chảy với những giọt dầu thơm dành cho Chân hy vọng. Dầu thơm bình thường thì để xức nhẹ vài giọt thôi, còn ở đây dầu thơm đổ lên Chân hy vọng. Con đường xuôi và chảy mạnh mẽ, vì tần số rung của trái tim quá lớn đã phá đổ mọi chuẩn mực của cuộc đời.
Cuộc gặp gỡ trên thật là một bức tranh tuyệt vời. Tuyệt vời hơn nữa, khi chiêm ngắm dung nhan của Chúa Giê-su với Đôi Chân của Ngài là suối nguồn hy vọng. Cô gái điếm đền gần, Chúa không từ khước chị, Chúa không khinh thường cuộc đời chị. Thật vậy, Chúa đã yêu thương và nói lời “xin vâng” với chị, cho chị bước vào cuộc đời, và Ngài vẫn tiếp tục yêu thương cùng giữ lời “xin vâng” đó với chị, dù đời chị ra sao đi nữa. Đứng cạnh sát bên Chúa là nguồn của tình yêu và hy vọng, cô gái điếm khóc và khóc. Ôi những giọt nước mắt tốt lành và hữu ích chảy ra từ tâm hồn thành thật, khiêm tốn và tràn đầy sự sám hối rơi xuống Đôi Chân của Chúa. Dù bị ướt và chắc chắn bị nhột và khó chịu chứ, nhưng Chúa không rút chân lại. Lau khô đôi chân không bằng tấm vải, mà bằng mái tóc. Chúa không cản chị, dù cho cảm giác lạ lùng của mái tóc đang chạm vào Đôi Chân mình, Chúa vẫn để yên cho chị làm. Rồi nụ hôn được trao dâng từ trái tim rất thật, Chúa vẫn để “con đường xuôi” của chị ta được tiếp tục xuôi và cuối cùng Chúa đón nhận biết bao dầu thơm “đổ chứ không xức” trên Chân Hy vọng của Chúa.
Câu truyện kết thúc với lời thật đẹp Chúa nói với chị:
“Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (Lc 7,50).
Đường xuôi của cô gái điếm, đường xuôi của Da-kêu tội lỗi tìm gặp được Chúa và ơn cứu rỗi là lời giải thích hay nhất lời của tiên tri Ê-dê-ki-en: “Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết” (Ed 18,27-28).
Đường xuôi của cô gái điếm, đường xuôi của Da-kêu tội lỗi tìm gặp được Chúa và ơn cứu rỗi cũng là lời cầu nguyện mà Thánh Vịnh Gia mời gọi chúng ta, những kẻ tội lỗi biết sống theo gương của Da-kêu và của người phụ nữ tội lỗi, liên lỷ dâng lên Chúa mỗi ngày:
“Lạy Chúa, đường nẻo Ngài,
xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài,
bởi vì Ngài nhân ái” (Tv 24,4-5).
Đường xuôi đường ngược đều hiện diện trên “xa lộ cuộc đời”, vì con người thì muôn màu muôn vẻ và lòng người thì yếu đuối và dễ dàng đánh mất chính lộ ngàn đời, để rồi từ đường xuôi lại lạc vào đường ngược.
Đường ngược với lời đẹp nhưng dối lòng.
Trở về với dụ ngôn kể về một người cha có hai con. Lúc đầu cha gặp và nói với người con đầu đi làm vườn nho. Thái độ của anh ta thì đã rõ rồi: Anh ta miệng thì nói không, nhưng lòng thì “rung động” vì tình yêu, nên sau đó lên đường đi vào vườn nho. Đến lượt người con thứ hai. Người cha cũng nói với anh ta đi vào làm vườn nho. Người con thứ hai phản ứng ra sao? Anh ta ngoan ngoãn đáp lời: “Thưa ngài, con đây!”
Không chỉ là một lời diễn tả sự ngoan hiền, mà lời đó còn trở thành công thức cho những cuộc lễ khấn hứa và đón nhận sứ vụ Chúa trao.
Lời đẹp và ngoan hiền này có chất lượng thế nào?
Nói đẹp xong, nhưng rồi anh ta lại không đi. Sáo ngữ!
Sáo ngữ thì luôn có âm thanh vang lên rất quyến rũ với vẻ đẹp bên ngoài, dễ dàng lôi cuốn và làm mát lòng người khác. Nhưng coi chừng, vì “mật ngọt thì chết ruồi”. Vâng, sáo ngữ là kiểu “nói phét đẹp” mà thôi, chẳng đáng giá “đồng xu” nào cả.
Sáo ngữ đẹp, quyến rũ, lôi cuốn và dễ làm mát lòng người khác, nhưng lại khởi đi từ trái tim không thật. Một kiểu dối lòng trong chính lời nói trống rỗng tương phản hoàn toàn với trái tim chân thật, lời nói cho xong và rồi quay bước về lại với ý riêng của mình, mà chẳng màng tới ý cha, chẳng thiết tới ý Chúa.
Trong suốt chiều dài của Lời Chúa, kiểu sáo ngữ và giả dối này bị lên án thường xuyên.
Trong một Thánh Vịnh có lời:
“Miệng họ phỉnh phờ Chúa,
lưỡi họ lừa dối Người;
còn lòng dạ chẳng chút gì gắn bó,
chẳng trung thành giữ giao ước của Người” (Tv 78,36).
Thánh Mát-thêu viết trong đoạn nói về cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su với các kinh sư và Pharisêu. Chúa đã lên án mạnh mẽ lời cầu nguyện chỉ bằng môi miệng và giả tạo: “Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15,7-8).
Con đường từ trái tim đến môi miệng và đến tay chân là một con đường rất xa. Thật tiếc cho ai bắt đầu con đường của mình từ môi miệng với những lời đẹp nhưng rồi xa cách lòng, chẳng tương hợp với trái tim, một kiểu dối lòng và dẫn đến con đường ngược, nghĩa là càng ngày càng “đi ngược” và xa cách hoàn toàn với Thiên Chúa.
Nhìn vào cuộc đời, không ít những bóng người tỏ ra đạo đức thánh thiện, và đi đâu cũng mở miệng nói mình là “đạo gốc”, chỗ nào có hành hương cũng “sẵn sàng” lên đường để đi, để cầu nguyện với những lời thật đẹp, theo kiểu của người Pha-ri-sêu “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,11).
Nhưng rồi cuộc đời cũ thế nào thì vẫn cũ như vậy. Ra khỏi nhà thờ vẫn là câu chửi thề: “đéo mẹ đéo cha”, “tổ sư mày, coi chừng bà tố mày cho đời mày là nhà tù đó”.
Ra khỏi nhà thờ lại tiếp tục “đi buôn dưa lê”.
Nhà thờ xong là rảo bước tới nhà khác rộng hơn, sôi nổi hơn và hấp dẫn hơn: Casino, tứ đổ tường.
Đường đời đó vẫn ngược chứ chẳng xuôi chảy đến với Chúa. Tiếc thay!
Con đường ngược với lời đẹp nhưng dối lòng là vậy!
Hơn nữa, cũng có những phận người cách này cách khác đã được Chúa chạm vào mình với những phút giây “mê mẩn” của tiếng lạ, của “ngã xuống” trong các cuối tuần tĩnh tâm, hay cả những con người đạo đức và cũng tự cho mình là đạo đức qua các cuộc tĩnh tâm hằng năm, nhưng rồi bỗng chợt lại lạc đường, từ con đường xuôi chảy lạc vào con đường ngược đưa phận người đó càng ngày càng xa Chúa. Nhưng xa Chúa như thế nào?
Một lần nọ sau cuối tuần tĩnh tâm với cả hơn 100 người (nói là tĩnh tâm nhưng tâm làm sao tĩnh được, khi ồn ào náo nhiệt, miệng không ngơi, suốt cả ngày kêu cầu, hát hò…), ngồi trên xe Metro ở Paris để về lại nhà Dòng, chẳng biết trời đất xui khiến thế nào, ngồi đối diện với một chị mới tĩnh tâm xong. Âm thanh trên xe Metro đã nặng rồi, câu truyện với chị còn làm cho lòng nặng thêm.
Cả hai mở lời chào xã giao và truyện qua truyện lại, bỗng chợt chị nói rằng, ngày xưa chị lười lắm và từ ngày đi tĩnh tâm được Chúa chạm, được Chúa cho nói tiếng lạ, được Chúa cho “ngã xuống”, chị bắt đầu thay đổi cuộc sống. Sốt sắng hơn, đạo đức hơn trước. Cảm tạ Chúa biết bao về lúa tốt đang mọc lên trong cánh đồng chị. Nhưng bỗng chợt, cung giọng của chị đổi. Giọng cao hơn tương hợp với sự phê phán nặng nề chị dành cho cha xứ của chị. Đơn giản là chị đi tĩnh tâm về sốt sắng quá và đạo đức ra, chị tự cho rằng mình đã rất ok, chị nhìn cha xứ với cặp mắt của một người Pha-ri-sêu, chị “tách biệt” mình lên trên cả cha xứ của chị, chị bắt đầu phê bình cha xứ thế này thế khác, không được đạo đức như chị, chị bực tức vì cha xứ không theo ý muốn của chị, để tổ chức các khoá tĩnh tâm nói tiếng lạ trong xứ. Chị càng nói giọng càng cao, phê bình càng mạnh, lòng người càng buồn thêm.
Cái buồn ở chỗ, chị giáo dân mới được ơn Chúa giúp quay trở về lại tự cho mình là “thánh thiện” và “khôn ngoan” hơn một cha xứ hiền lành và khiêm nhu, ngài còn là tiến sĩ thần học nữa chứ.
Cái buồn ở chỗ, hoa quả tốt lành Chúa Thánh Thần ban tặng qua cầu nguyện và tĩnh tâm chưa lộ rõ đã bị tàn phai. Đâu rồi bác ái, hoan lạc, bình an,đại lượng, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ?
Cái buồn ở chỗ, một người mới được Chúa cho nếm thử vị ngọt của tình yêu và lòng thương xót, đã rơi vào con đường ngược, con đường của kiêu ngạo và con đường của sự ngớ ngẩn thiếu hiểu biết và thiếu trưởng thành của người Ki-tô hữu. Lời của thánh Tê-rê-sa Avila nhắc nhớ thật thấm thía: “Học thức là một kho tàng quý giá, vì nó khai quang cho những người ít hiểu biết và soi sáng chúng ta, để khi gặp chân lý trong Thánh Kinh, chúng ta phải hành động cho đúng. Nguyện xin Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi những lối đạo đức ngớ ngẩn”.
Sự tự kiêu và hãnh hiện, cách sống hời hợt và giả tạo, con đường ngược bắt đầu với cái lưỡi cùng lời đẹp nhưng dối lòng, sẽ đưa con người từ từ xa cách Chúa.
Xa cách Chúa cũng xảy ra cả với những ai tưởng rằng đã “vững vàng” trên đường tâm linh. Không ít những trường hợp cả giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đã khấn hứa và đã thề thốt với Chúa hết điều này đến điều khác, và họ còn được mọi người coi là người rất đạo đức, rất thiêng liêng, nhưng rồi bỗng chợt ngày nọ nghe tin họ đã xa cách Chúa, đã bỏ con đường xuôi chảy đến với Chúa và chọn lựa con đường ngược đi tìm danh lợi, vật chất và các đam mê trần tục. Tục hoá trong đời tu, tục hoá trong đời sống của người giáo dân đạo đức. Đó là điều rất thật. Lời của Chúa được tiên tri Ê-dê-ki-en viết vẫn còn “nóng hổi”:
“Có lời Đức Chúa phán như sau: Các ngươi nói: ‘Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng.’ Vậy hỡi nhà Ít-ra-en, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng ? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết” (Ed 18,25-28).
Lời của Chúa ở trên thật mạnh mẽ và bắt chúng ta phải đặt lại vấn đề với chính cuộc sống tâm linh của mình. Làm sao để không lạc đường, không rời bỏ con đường xuôi, và khôn ngoan “nói không” với con đường ngược làm xa cách Chúa?
Để tránh lạc đường và luôn bước đi trên đường xuôi chảy về với Chúa.
“Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi,
xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
Chúa là Đấng nhân từ chính trực,
chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người” (Tv 24,6-9).
Lời cầu nguyện của Thánh Vịnh gia cần trở nên lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta.
Một lời cầu nguyện khiêm tốn của một phận người đầy ý thức về sự nhỏ bé yếu hèn của mình.
Một lời cầu nguyện sám hối theo kiểu của Da-kêu, của người phụ nữ tội lỗi gặp Chúa trong nhà người Pha-ri-sêu, để luôn ý thức xin Chúa tha thứ, xin Chúa đừng nhớ đến bao trót dại lỗi lầm, và xin Chúa “chỉ lối cho tội nhân”.
Một lời cầu nguyện xin Chúa trở thành người dẫn đường cho đời mình.
Thật vậy, để tránh lạc đường và luôn bước đi trên con đường xuôi chảy về với Chúa, thì cần chọn Chúa là người hướng dẫn. Ngài chính là “Tour guide” duy nhất của chúng ta trên hành trình cuộc đời này.
Trên hành trình được Chúa dẫn lối, điều quan trọng thêm vào là cần có đôi tai thật thính để nghe được tiếng Chúa và theo bước Ngài luôn mãi. Thánh Gioan diễn tả lời Chúa nói thật đẹp: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng, và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Để nghe, biết và theo Chúa được, con chiên cần phải trót cả tâm tình gắn bó với Chúa, với vị mục tử tốt lành, với chính Lời Chúa là ánh sáng soi chiếu con đường xuôi chảy.
Mặc lấy tâm tình của vị Mục Tử tốt lành trên suốt hành trình đời người.
Cuối cùng để kết vài suy tư này, chúng ta cùng xin Chúa giúp chúng ta sống đúng lời của thánh Phao-lô, một con người đã rời bỏ con đường ngược xa cách Chúa, để tìm về con đường xuôi chảy dẫn đến Chúa và tìm được ơn cứu độ nơi Người, nghĩa là mặc lấy tâm tình của Chúa Giê-su trên suốt hành trình đời người chúng ta:
“Thưa anh em, nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.
Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.
Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.
Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su:
Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự” (Pl 2,1-8).
Nürnberg, cuối hè 2020.