Gia đình bạn đang gặp khó khăn gì, quan sát và cầu nguyện!

  1. Được việc, được tiền, nhưng gia đình rất khó sống

Trên chuyến bay từ Roma sang Paris, tôi ngồi cạnh một anh người Ý. Có lẽ anh 40 tuổi. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Ý rất vui vẻ. Câu chuyện chuyển một cách tự nhiên từ chủ đề này qua chủ đề khác, nhưng có hai điều nổi bật.

Về chính trị, chúng tôi cười huề với nhau. Hiện tại, nước Ý có quá nhiều đảng phái, chẳng đảng nào nghe đảng nào, chẳng đảng nào có chương trình hoạt động hiệu quả. Rồi cùng một người, chuyển hết từ đảng này sang đảng khác, mà chẳng có gì đổi thay. Bởi thế mà tình hình nước Ý ảm đạm nhiều năm nay. Còn Việt Nam, thì có mỗi một đảng, chẳng ai biết đảng nghĩ gì, làm gì, xử lý ai. Đảng ấy một mực chỉ cho phép một mình tồn tại. Thế nên, cứ nói về tham nhũng này nọ, mà chẳng đi đến đâu. Cứ nói đến tự do, mà chẳng hiểu tự do ấy có bao nhiêu cái khuôn phép gò lại.

Về gia đình, tôi hỏi thăm, anh chia sẻ: Tạm được nhưng cũng khó. Công ăn việc làm tại Ý không dễ dàng gì. Anh đã chuyển công việc nhiều lần. Công việc hiện tại khá tốt, anh làm việc cho một công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, khi thì anh làm việc tại Roma nước Ý, lúc thì lại làm việc tại văn phòng bên Paris nước Pháp. Khi thì anh phải đi các nước khác của châu Âu. Chuyến bay này cũng là chuyến anh đi làm việc. Anh nói tiếp: Trước đây, có thể chúng ta thích khi nghe đến một công việc như thế. Tuy nhiên, công việc kiểu này gây rất nhiều khó khăn cho đời sống gia đình với vợ với con. Đi làm nhiều kiểu này, tình cảm gia đình trở nên nhạt nhẽo, đôi khi căng thẳng, và ngay cả ảnh hưởng đến sự chung thủy vợ chồng…

Có lẽ anh là một trong số những người đang phải vật lộn với công việc bận rộn thời hiện đại, và phải hy sinh rất nhiều đời sống gia đình. Quả là thời nào có cái khổ của thời ấy!

  1. Được làm, được chơi, nhưng đời khá vô vị

Trên chuyến bay từ Paris về Sài Gòn, tôi ngồi cạnh một chú người Pháp. Có lẽ chú khoảng 50 tuổi. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh rất vui. Lòng vòng một hồi, câu chuyện cũng trở về những chủ đề chính trị xã hội.

Về chính trị, chú là người khá dễ tính và không quan tâm lắm. Chú thích đi nhiều nơi, vòng quanh thế giới. Chú đã đến Việt Nam chơi nhiều lần, và lần này cũng là đi chơi. Nhìn cách chú ăn mặc và hành lý thì là người “đi bụi” rất chuyên nghiệp. Chú còn khoe đã lên chương trình đi thăm hàng loạt điểm quan trọng và thú vị tại Việt Nam. Chú còn in ra một tệp giấy, trên đó có viết song ngữ Pháp-Việt những câu nói thông dụng. Chú cười: Tôi đọc nhiều và tập nhiều rồi, nhưng tiếng Việt khó quá! Tôi trêu chọc: Thế lần này, chú có tới Điện Biên Phủ chơi không? Chú cười: Cậu lại cứ chọc ghẹo người Pháp tụi tôi, thôi cái đó thuộc quá khứ rồi!

Tôi đổi đề tài, hỏi chú về chuyện gia đình, chú nói chưa có vợ. Tôi hỏi kỹ hơn: Chú chưa muốn lấy vợ, thế thì bao giờ chú sẽ lấy? Chú cười: Chắc là không đâu. Tôi “thúc ép” thêm: Cháu thấy các cô gái Pháp vừa đẹp, vừa giỏi, vừa rất lịch thiệp, sao chú không chọn lấy một cô. Chú nheo mắt: Thấy thế thôi, thực tế không phải vậy đâu. Rồi chú quay sang khen phụ nữ Việt Nam: nào là vừa có cái đẹp của người châu Á, vừa có nét đẹp của người châu Âu. Không biết là chú có “nịnh” phụ nữ Việt không, nhưng chú nói là: ở châu Á, chú thích nhất phụ nữ tại Việt Nam.

Chú còn chỉ cho tôi trên bản đồ thế giới về những nơi chú đã đi qua: hầu như là khắp nơi vòng quanh trái đất. Chú có vẻ là người không tìm được một niềm vui sâu nặng trong cuộc sống. Chú chỉ đi làm, rồi có tiền đi du lịch, thế thôi! Chú còn khoe là tìm được một nơi dừng chân rất an toàn và an nhàn trên một hòn đảo của Mỹ. Nếu chính trị xã hội bất ổn quá, chú có thể chuyển đến đó ở luôn cho sướng hết phần đời còn lại. Tôi hỏi thêm: Thế chú có đạo không? Chú cười: Tôi có đạo Công Giáo, nhưng đã từ lâu lắm rồi không tới nhà thờ.

Có lẽ chú là một trong số những người “sợ đời sống gia đình” đến độ làm ngơ và không muốn bước vào đời hôn nhân. Chú cũng “sợ đời sống chính trị xã hội” đến độ chọn một lối sống an nhàn. Chú cũng không muốn bước vào chiều sâu đời sống tâm linh…

  1. Dù xa cách nhưng lên đường viếng thăm

Trên chuyến bay từ Sài Gòn về Hà Nội, tôi ngồi cạnh một em gái cùng với bà nội của em. Nói chuyện, em cho biết: Gia đình em chuyển vô nam làm ăn lâu rồi, và định cư ở đây luôn. Em sinh ra lớn lên ở Sài Gòn và đang học đại học. Bà nội từ bắc vào nam thăm và chơi với con cháu, giờ trở lại quê bắc, vì bà ở với các bác các cô ngoài đó. Em được bố mẹ giao nhiệm vụ dẫn bà về lại quê, rồi ở chơi ngoài bắc chỉ vài bữa, sau đó trở lại Sài Gòn ngay.

Câu chuyện cứ thế tự nhiên diễn ra. Bà chỉ lặng thinh chăm chú lắng nghe. Em cũng hỏi lại, tôi chân tình chia sẻ: Anh trước học sư phạm toán ở Hà Nội, rồi học triết ở Sài Gòn, có biết tiếng Anh, sau đó làm nhà báo ở Ý hai năm, giờ về quê thăm gia đình. Em nói ngay: May mà anh làm nhà báo ở Ý, chứ nếu làm ở Việt Nam thì khó sống lắm đấy! Em nói tiếp: Chắc là nhà anh giàu có lắm nhỉ? Tôi tỉnh queo: À không, nhà anh bình thường lắm, còn nghèo là đàng khác. Em hồn nhiên hỏi tiếp: Có lẽ gia đình anh cũng có thế giá lắm, hoặc con ông cháu cha gì đó! Tôi cười tươi: Làm gì có, gia đình anh bình thường thôi, anh đi học và đi làm thôi, chẳng có gì đặc biệt cả.

Thời gian cứ thế trôi, và chuyến bay cũng kết thúc. Tôi chào bà, chào em. Em chào lại rất lễ phép. Bóng dáng của người cháu gái dắt bà nội lưng đã còng cứ thế xa dần. Dù gì chăng nữa, giữa quê hương, trong tâm người Việt, tôi luôn cảm thấy sự gắn kết hết sức thân thương của tình gia đình!

Roma – Paris – Sài Gòn – Hà Nội, tháng 06 năm 2018

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Mười hai vị thánh đã kết hôn

  Không phải tất cả các thánh đều là các linh mục hoặc nữ tu; …

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *