Gia Đình Công Giáo (1/2)

Gia dinh

Một Thượng Hội đồng Giám mục bất thường về Gia đình công giáo được Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập tại Roma, từ ngày 5 đến 19, tháng Mười, năm 2014, với chủ đề: ”Những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh tin mừng hóa”. Việc đào sâu chủ đề này còn được kéo dài đến Thượng Hội Đồng Giám Mục 2015. Để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng sắp tới, các giáo xứ trên toàn thế giới được tham khảo ý kiến về những biến chuyển của mô hình gia đình, qua việc trả lời 39 câu hỏi liên quan đến hôn nhân, ngừa thai, đồng tính, sống chung ngoài hôn nhân, việc rước lễ của những người tái hôn sau ly dị…Tất cả tiến trình chuẩn bị cho thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề gia đinh trong chương trình mục vụ của Hội Thánh hiện nay.

Tưởng cũng nên nhắc lại là dưới thời ĐGH Gioan-Phaolô II, một Thượng Hội Đồng Giám mục (16-25.10.1980) đã thảo luận chủ đề: “Nhiệm vụ của gia đình công giáo trong thế giới hiện nay”. Và sau đó ĐGH Gioan-Phaolô II ban hành Tông Huấn Familiaris Consortio (22.11.1981), một văn kiện đồ sộ tổng hợp giáo huấn của Hội Thánh về gia đình vào cuối thế kỷ XX. Trong Tông Huấn về gia đình ĐGH Gioan-Phaolô II, ba đường nét chính yếu được nhấn mạnh:

1) Con người đi vào đời bởi tình yêu, được mời gọi sống cho tình yêu. Nói cách khác, tình yêu là ơn gọi cơ bản và bẩm sinh của con người.

2) Chính trong kinh nghiệm đời sống gia đình mà con người thể hiện ơn gọi tình yêu cách tốt nhất.

3) Viễn tượng về con người và gia đình công giáo được xây dựng trên đức tin Kitô về một Thiên Chúa dựng nên con người – có nam có nữ- giống hình ảnh TC.

Sự kiện có hai Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình trong khoảng thời gian 34 năm cho thấy tầm quan trọng của gia đình trong giáo huấn Hội Thánh, đồng thời cũng là dấu chỉ của những biến đổi mau chóng -và cả những khủng hoảng -trong đời sống gia đình vào thời đại chúng ta.

Con người thời hậu tân đại (post-modern), -trước tiên tại Âu Mỹ, dần dà trên toàn thế giới,- có đặc tính là khước từ những giá trị truyền thống, chối bỏ những luật lệ khách quan, và phủ nhận các định chế xã hội đã có từ lâu đời. Con người thời nay tỏ ra đặc biệt “dị ứng” với những giá trị tổng quát, những thực tại trường tồn, những nguyên tắc tuyệt đối. Họ không quan tâm đến những đòi hỏi phổ cập và bất biến. Không có tiêu chuẩn khách quan để phê phán. Chỉ có chủ thể, và lợi ích bản thân. Tiêu chuẩn hành động là lợi ích bản thân, bất kể quyền lợi của kẻ khác. Điều gì phù hợp với bản thân mỗi người là tốt. Cả khi điều đó chỉ là tương đối. Không cần nghĩ đến tuyệt đối. Vắn tắt, con người ngày nay chủ trương tương đối thuyết (relativisme) trên nguyên tắc và cá nhân chủ nghĩa trong hành động. Trong bối cảnh này, định chế hôn nhân như bất khả phân ly, và tổ chức gia đình như nơi mỗi người học sống với và sống cho kẻ khác trong tình yêu, bị đe dọa cách trầm trọng.

Gia đình tế bào của xã hội
Bất cứ ai nghĩ đến sự tồn vong của nhân loại, và sư hưng thịnh của xã hội, đều tìm cách xây dựng gia đình. Cách chung, gia đình được nhà xã hội học gọi là tế bào của xã hội. Bởi lẽ gia đình, qua định chế hôn nhân, là một dữ kiện cấu thành xã hội. Tầm quan trọng của gia đình được mọi người công nhận. Không chỉ các nước được coi là văn minh, mà cả những dân tộc bị coi là ít tiến bộ, cũng có những quy định chặt chẽ về gia đình, về thân tộc…Các nhà dân tộc học nổi tiếng một thời, như Claude Lévi-Strauss, đã từng chứng minh là nơi những dân tộc thô sơ không có chữ viết đã thành hình những quy luật khắt khe về thân tộc để ngăn ngừa tình trạng loạn luân, bằng một cấu trúc tinh thần rất tinh vi, sắc sảo, làm đau đầu những nhà Lô-gích giỏi nhất. Nhà dân tộc học muốn nói rằng đã là con người sống trong một tập thể, một cộng đồng, thì biết đến luật cấm loạn luân, luật không có văn tự, nhưng được khắc ghi trong trí não, lương tâm con người, dù ở bất cứ chân trời nào. Điều này giả thiết thực tại gia đình là một cơ chế tự nhiên cho con người, hữu thể có lương tâm và lý trí, khác với những con vật không có lý trí.

Nhà xã hội học định nghĩa: “Gia đình là nhóm xã hội, quy tụ dưới một mái nhà, vợ chồng và con cái vị thành nhiên của họ, nhắm đến việc bảo đảm cho các thành viên một sự an ninh tâm cảm nào đó và một sự hòa nhập tốt nhất vào xã hội.”

Thực tai xã hội của gia đình được diễn tả bằng việc thể hiện các chức năng khác nhau:
-trong lãnh vực sinh học, gia đình là nơi thông thường để truyền sinh và chăm sóc con cái;
-trong lãnh vực tâm lý: gia đình là nơi đặc tuyển của hiệp thông và trao đổi; bảo đảm sự an ninh tâm cảm cho các thành viên;
-trong lãnh vực văn hóa xã hội: cho phép thành viên hòa nhập xã hội nhờ một cái tên mà cha mẹ đặt cho, kế đến là việc giáo dục cho nên người qua chuyển trao các giá trị và quy phạm,
-trong lãnh vực kinh tế: bảo đảm sự tồn tại cho các thành viên, chia sẻ tài nguyên, liên đới giữa các thế hệ.
Những chức năng xã hội khác nhau của gia đình hội tụ vào một chức năng chính yếu: gia đình là nơi con người được đồng hóa, nhân bản hóa, nhân vị hóa. Tuy nhiên việc thi hành các chức năng này được thay đổi tùy nơi chốn và thời đại. (Còn tiếp)

(Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ)

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 18-09-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 18/09/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Đón nhận yêu …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 17-09-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 17/09/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Lối sống của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *