Suy Tư CN 4 MV: Giấc mơ kỳ lạ của thánh Giuse

Cho tới ngày nay, ngành tâm lý và cả phân tâm học cũng chưa hiểu hết về những giấc mơ. Tại sao mơ và giấc mơ có những thông điệp gì liên quan trực tiếp đến cuộc sống hiện tại? Dựa vào những tình tiết của giấc mơ, ít nhiều các nhà chuyên môn có thể phỏng đoán tình trạng của người mơ. Dĩ nhiên phỏng đoán ấy chỉ là tham khảo. Dẫu sao giấc mơ luôn là lãnh vực kỳ thú và vẫn luôn thu hút các nhà chuyên môn. Họ muốn khám phá giấc mơ dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Hy vọng trong tương lai, chúng ta có thể giải mã được những giấc mơ một cách chính xác. Khi đó, không biết là thú vị hay khiến con người thêm hoang mang?[1]

Bài chia sẻ dưới đây liên quan đến một giấc mơ của thánh Giuse. Giấc mơ này không liên quan đến tâm lý hoặc phân tâm học! Đây là thông điệp rất cụ thể mà Thiên Chúa muốn dành cho Giuse. Số là trước khi về chung sống với Maria, thánh Giuse đã đón nhận một tin chẳng mấy tốt lành: Maria đã có thai. Thật khó hiểu khi Maria giải thích rằng thai nhi ấy là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Tuy Giuse là người công chính, nghĩa là hằng tôn thờ và tin tưởng vào Đức Chúa, nhưng làm sao hiểu được lời giải thích này. Giuse như “đứng hình” khi nghe tin ấy.

Nếu bạn xem phim về phân đoạn này, Giuse đã nổi đóa, giận giữ và tỏ ra rất khó chịu với Maria. Đây là phản ứng rất người của Giuse. Vợ mình đang mang thai, nhưng thai ấy lại là của một tác giả khác! Mặc cho Maria giải thích, nhưng Giuse vẫn không hiểu và không thể hiểu. Tin Mừng Chúa Nhật Mùa Vọng 4 hôm nay (Mt 1,18-25) cho thấy Giuse không muốn tố giác Maria, vì nếu làm như thế Maria sẽ bị ném đá cho đến chết, Hài Nhi cũng không có cơ hội chào đời. Giuse chọn giải pháp an toàn hơn: “bỏ Maria cách kín đáo.” Vì ai cũng biết Giuse là chồng của Maria, nếu Maria có thai cũng là chuyện bình thường. Người dân đâu biết nội tình của câu chuyện mà ném đá!

Tin Mừng kể rất vắn tắt: “Giuse đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông.” Nhiều nhà chú giải thánh Kinh cho rằng Giuse đã trải qua một thời gian đủ dài để suy nghĩ, tính toán và cả cầu nguyện nữa. Thời gian ấy đòi Giuse phải đưa ra quyết định. Cũng dễ hiểu bởi trước một biến cố như thế, Giuse cũng cần thời gian để cẩn trọng chọn giải pháp tốt cho cả đôi đàng. Chúng ta cũng thấy Giêsu trăn trở ngày đêm. Trước mặt Giuse là cô thiếu nữ Maria, một người vợ Giuse đã cưới xin hẳn hoi. Nếu nhận mình là tác giả của bào thai ấy, Giuse cũng không dám, vì Giuse là người công chính. Nếu từ chối trước bàn dân thiên hạ, Maria và thai nhi sẽ gặp nguy hiểm. Nếu bỏ đi, Maria sẽ sống ra sao? Nói chung hằng tá câu hỏi cứ đến với Giuse.

Các nhà tâm lý sẽ giải thích rằng: Do Giuse luôn trăn trở về vấn đề này, nên ông mới có giấc mơ ấy. Tuy nhiên ngôn ngữ Kinh Thánh cho thấy giấc mơ là cách Thiên Chúa muốn trao sứ điệp cụ thể cho người mơ. Thực vậy, “giấc mơ là một phương thế Thiên Chúa dùng để viếng thăm và mặc khai cho con người biết thánh ý Ngài, thường là báo trước một sứ mạng trong tương lai. Cựu ước cũng không thiếu những giấc mơ vốn là khung cảnh để Đức Chúa nói với con người (St 28,11-19; Gr 23,25-28; Hc 34,1-8). Hôm nay cũng thế, Thiên Chúa đang nói với Giuse trong bối cảnh một giấc mơ. Giuse đã lắng nghe rất rõ thông điệp của Đức Chúa: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.  Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Khi Giuse đón nhận thông điệp này, mọi bối rối của thánh nhân sẽ tan biến.

Chúng ta thử giải thích về thông điệp trên:

– Giuse là con cháu vua Đavít. Vậy là nhưng lời tiên báo trong Cựu ước đang dần hiện thực. Số là các tiên tri cho rằng Đấng Cứu độ, Mêsia sẽ đến từ dòng tộc vua Đavít. Người dân vẫn đang mong mỏi Đấng ấy đến.

– Đón Maria về: Trong vài trò người chồng, Giuse có thể chăm sóc cho Maria lúc thai kỳ. Từ đây họ nên một gia đình thực sự, một gia đình thánh bởi cả hai đã vâng nghe tiếng Chúa.

– Giuse phải đặt tên cho người con Maria sẽ hạ sinh: Giêsu. Nhờ vậy, Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavít. Cũng từ đó, Giuse trở nên người cha nuôi của Đức Giêsu. Có lần cha Piô Ngô Phúc Hậu kể vui rằng Giêsu hồi còn nhỏ có lần đến gặp bà ngoại để thắc mắc: “Sao con không giống bố con tí nào?” Bà ngoại Anna mới trả lời rằng: “Con chỉ giống mẹ con là Maria thôi. Còn bố của con, sau này lớn lên con sẽ hiểu.” Vậy là càng khôn lớn, Giêsu hiểu rằng mình đến từ Chúa Cha ở trên trời!

– Hài Nhi sau này sẽ cứu độ dân người. Việc cứu độ này do chính đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, thực hiện. Đây là sứ mạng quan trọng của Chúa Giêsu. Nếu được cộng tác vào sứ mạng này, Giuse hẳn nhiên là sẵn lòng và quảng đại chu toàn.

Quý độc giả thân mến,

Vậy là giấc mộng của Giuse đã rõ. Hậu kỳ của câu chuyện cho thấy thánh cả Giuse như là đấng công chính, luôn làm theo ý Chúa: “tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu.” (Mt 1,23-24). Có người nói vui rằng nhờ lời xin vâng của thánh Giuse mà chúng ta có ngày Chúa Giáng Sinh. Hoặc nói đúng hơn, chính Giuse dám đối diện với vấn đề. Ngài đã cầu nguyện rất nhiều, đã tìm cách để cho ý Chúa được thể hiện. Hẳn nhiên là Thiên Chúa đã cho Giuse một câu trả lời thỏa đáng.

Trong những năm tháng đầu đời của Hài Nhi, thánh Giuse còn tiếp nhận vài sứ điệp quan trọng của Thiên Chúa:

Lần ở Bêlem: “Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi !” Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập.” (Mt 2,13-14) .

Khi đang ở bên Ai Cập: “Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” Ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen.” (Mt 2,19-21)

Khi về đến quê nhà, lần nữa tại phía Nam miền Giuđê: “Vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông Giuse sợ, không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét.” (Mt 2,22-23).

Sau những lần báo mộng, hay truyền tin ấy, Thiên Chúa và người đời đều nhận thấy Giuse đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hoa quả ấy hẳn là chuỗi ngày cầu nguyện và hết mực tin yêu Thiên Chúa nơi Giuse. Thời đại nào cũng vậy, ước gì khi chiêm ngắm những lần Sứ Thần truyền tin cho Giuse, chúng ta cũng bắt chước Thánh Giuse mau chóng đón nhận sứ điệp và thực thi với lòng phó thác tin yêu. Được như thế, cùng với Thánh Giuse, chúng ta sẽ nhận được một cuộc đời hạnh phúc bình an của người thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Giêsu vốn là Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người.  

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ 

[1] Hội thánh Công giáo khuyên các tín hữu loại trừ hình thức giải mộng, đoán trước tương lai cách mê tín, do không tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa quan phòng. (GLHTCG 2116).

Kiểm tra tương tự

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …