Ngày Bố tôi mất đúng vào Lễ Đức Mẹ Mân Côi, tôi không khóc, không la hét nhiều. Bố tôi đọc kinh suốt đêm trước giờ lâm chung và đến lúc sinh thì vẫn còn hôn chân Thánh giá Chúa, và cầu nguyện.
Bố tôi phải có người vuốt mắt mới ra đi được, căn bản là do bố tôi còn sự lo toan cho gia đình chưa hoàn thành xong. Hai anh em tôi thì chưa bước vào cánh cửa Đại học, và Bố muốn nhìn thấy hơn nữa là sự thành đạt của anh em tôi khi chụp ảnh kỷ yếu ra trường.
Ngày bố tôi mất, tôi thấy Bố tôi nằm đó, như đang ngủ. Bình thường, ông vốn khó tính và nóng tính, đặc biệt là khi ngủ mà có ai đánh thức. Cho nên mỗi lần Bố đang ngủ, trong nhà chẳng ai dám làm gì ồn ào. Hồi nhỏ, tôi luôn dặn mình nói bé, không đùa nghịch, vì tôi rất sợ Bố thức giấc. Bố đánh đòn rất đau. Thói quen ấy đi theo tôi khi lớn lên. Tôi vẫn cố giữ yên lặng lúc ông đangngủ, vì tôi thương ông cả ngày đi làm vất vả …
Tôi đã chuẩn bị tâm lý cho việc Bố ra đi. Thế mà, khi nó đến, trong tôi chẳng có gì là “đã chuẩn bị”. Chẳng có gì!
Bố tôi ốm đến nỗi họ hàng không ai biết rằng Bố tôi bị ung thư. Mẹ tôi tự lo lắng một mình, Mẹ không dám nói điều đó với hai anh em tôi. Mặc dù sống trong gia đình khá giả có tiền để chạy chữa cho Bố tôi, nhưng tiền không thể thắng được sức khỏe mà Ông trời ban cho. Nhưng tạ ơn Chúa vì Ngài đã dẫn dắt Bố con về một cách êm ái mà không phải đau đớn như những người bị ung thư khác.
Bố tôi đọc kinh suốt ngày khi nằm trên giường bệnh,mặc dù đau đớn thể xác, nhưng Ông không dám kêu ca với mẹ con tôi rằng Bố đau. Ông chỉ lẩm bẩm những câu kinh “Giêsu, Maria, Giuse con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn!” Bố tôi sống đức tin mạnh đến nỗi gần sinh thì rồi, mà còn biết lo cho linh hồn người khác, còn chúng tôi đang sống mà còn chẳng biết quan tâm tới nhau, quan tâm tới những người xung quanh.
Tôi thương Bố. Thật sự rất thương. Cuộc đời Bố tôi là vất vả. Là lo toan. Là chưa một ngày nào đó trong cuộc đời này Bố được thanh thản, không phải suy nghĩ, không lo âu. Bố Mẹ có hai đứa con. Cả đời ông vất vả vì 2 đứa con này.
Tôi rất giận Bố. Ông đã chẳng thèm đợi đến khi tôi về để nhìn tôi, nói với tôi một điều gì đó, hay chỉ là để tôi nắm tay ông thôi cũng được … Bố đã chẳng đợi tôi … Mặc dù tôi luôn tự nhủ với bản thân là, bây giờ, Bố thương tôi nhất, cái gì ông cũng dành cho tôi, cũng ưu tiên tôi. Bố rất lười nghe điện thoại, nhưng nếu tôi gọi Bố chắc chắn sẽ nghe, nếu không nghe được thì sẽ gọi lại liền. Tôi đã tự tin một điều như thế, để cuối cùng hẫng hụt đau đớn, chơ vơ… Ông cũng đã chẳng đợi đến ngày tôi bước vào trường Đại học, cầm giấy Báo Nhập học, biết suy nghĩ hơn, nên người hơn. Chẳng đợi một điều gì cả, cứ thế ra đi …
Tôi rất giận bản thân mình. Tôi đã mong rằng tôi có thể làm điều gì đó tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn, để Bố tôi vui. Tôi chưa từng biết cách làm cho Bố vui hay đơn giản chỉ là mua cho Ông một chiếc áo mới. Nhiều lần tôi còn có cảm giác ghét Ông vì nhiều khi Ông đánh đòn oan mình, nhưng bây giờ suy nghĩ chín chắn hơn, tôi mới thấy dù gì thì xác thịt con người mỏng giòn yếu đuối nên khi mệt mỏi sau những giờ làm, thì có sự “giận cá chém thớt.” Âu đó cũng là chuyện bình thường. Bố tôi nóng tính nhưng tôi không biết cách nào để cho Ông vui. Có lẽ, khi ở trên Thiên Đàng, Bố rất vui khi tôi được vào Ngôi trường Đại học, điều mà ông hằng ao ước.
Nỗi đau mất đi người thân, tôi nghĩ, là nỗi đau lớn nhất cuộc đời. Mọi người bảo, theo thời gian, mọi thứ sẽ nguôi ngoai. Nhưng tôi biết, chỉ cần khẽ chạm vào thôi, nó sẽ lại tấy lên đau nhức, đau như như khi nó xuất hiện.
Những ngày qua, tôi cố gắng vui vẻ hơn, nghĩ thoáng hơn.
Điều còn lại duy nhất khiến tôi đau đớn nhiều như thế, là vì tôi đã chẳng thể làm cho Bố tôi cười nhiều hơn, vui vẻ hơn khi ông còn sống. Đó là điều làm tôi đau từng giây từng phút… Mong là, những ai còn cha, còn mẹ, hãy cố gắng làm tất cả những gì có thể để các ngài vui, hay đơn giản chỉ là an lòng, từng ngày. Thời gian chẳng đợi chúng ta thực hiện điều gì. Người thân cũng chẳng có đủ thời gian để đợi chúng ta thực hiện xong những điều đó đâu. Khi điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống của tôi mất đi, tôi mới thấm, thấm đến từng tế bào …
Khi nhận giấy báo nhập học, tôi sung sướng và nói: “Bố Mẹ ơi! Con vào Đại học rồi,con được các anh chị trong nhóm Sinh Viên Công Giáo Hải Hà và Nhóm SVCG Nam Định tiếp sức đấy. Đại hội giới trẻ năm nay ở Ninh Bình, con sẽ đi thăm quan nhà thờ Đá Phát Diệm nơi Bố từng muốn đặt chân tới.”
Xa nhà lên thủ đô học Đại học,không có Mẹ bên cạnh, bố thi mất rồi. Tôi ước gì tết năm nay, tôi về khoe bố trước nấm mồ đầy cỏ hoang: “Năm nay sinh nhật con, Chúa Cứu Thế làm Người, con hạnh phúc lắm, khi được đón giáng sinh cùng anh chị SVCG Hải Hà, và những lời chia sẻ của các anh chị với đời sống đạo đức và sự khôn ngoan ủa họ trong cuộc sống sẽ hướng dẫn con Bố à.”
Năm nay con có quà Giáng Sinh cho Bố đấy! Con sẽ nhờ các anh chị trong Thanh Xuân Team nói riêng, và SVCG Hải Hà nói chung, cầu nguyện cho Bố để bù đắp những gì mà con chưa có quà cho Bố ngay khi Bố còn ở với anh em chúng con.
Cho riêng em gái của tôi. Sau giờ Bố mất, Bác Tơ (chị họ của Bố) nói thế này. “Em ra đi sớm thế, để lại hai đứa nhỏ dại dột lại còn chưa thi vào Đại học” . Anh nén cảm xúc trong lòng. Tủi thân vô cùng. Nhưng mà em đừng lo. Từ khi Bố ốm, anh đã quyết định sẽ chấp nhận một số hy sinh nhỏ để em và mẹ sẽ sống tốt hơn. Lễ Truyền Thống của Hội SVCG TGP Hà Nội ở giáo xứ Nỗ Lực, anh sẽ ghi lên bức tường cầu nguyện những điều tốt nhất cho b mẹ con mình và tất cả mọi người nữa. Như vậy Mẹ sẽ vui và Bố ở trên nước Thiên Đàng cùng Chúa và Đức Mẹ sẽ hạnh phúc biết bao khi anh em mình thành đạt, cả về tri thức và đức tin, đúng không em?
P.M Vân Anh, SVCG Hải Hà