Giáng Sinh trên núi

“Cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa…”. Từng tiếng của bài hát đã rót thẳng vào lòng tôi. Sáng ngày chính lễ Giáng Sinh, bước trên con đường mòn từ ngọn đồi bên này sang ngôi nhà nguyện ở đồi bên kia để dâng Thánh Lễ, tôi cảm nhận một sức sống kỳ lạ khi nghe bài hát vang xa và nhìn thấy một đám người rất đông chuẩn bị Thánh Lễ.

Từ hai ngày trước, sáng 23, tôi cùng một số sinh viên xuất phát từ Hà Nội lên Sơn La bằng xe máy, đến một bản làng người H’Mông này để cùng họ đón mừng Chúa Giáng Sinh. Đoạn đường chỉ 200km, nhưng chúng tôi phải mất hơn 10 tiếng mới đến nơi. Ở những đoạn đường khó đi nhất, một số xe đã phải “đo đường” bởi phải leo lên những con dốc dựng đứng. Không biết dốc bao nhiêu độ, chỉ biết nếu thả xe ngã, thì nó có thể tự nằm trượt xuống lại tận chân dốc; hoặc ở đoạn dốc xuống, nếu ai vẫn còn liều lĩnh ngồi phía sau để được chở xuống thì phải khép thật chặt đầu gối vào thân xe, kẻo những mỏm đá bên đường có thể va vào gối bất cứ lúc nào. Đoạn đường ấy, một bên là triền núi, bên kia là vực kéo xuống tận chân núi. Cứ vậy, chúng tôi men theo những lối mòn này để lên và xuống. Nhưng thật ra, với những người H’Mông ở đây, con đường này chẳng quá xa lạ. Họ đã quá quen với việc băng qua những đoạn đường khó khăn một cách bình thản, cũng giống cuộc sống của họ vậy!

Giáng Sinh là dịp đặc biệt, chúng tôi lên bản để cùng dân làng sống lại giây phút Con Thiên Chúa bước vào thế giới nghèo! Tôi cảm động về niềm tin của những người nghèo. Và cũng qua họ, tôi khám phá ra hình ảnh của một Thiên Chúa “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9). Ngay cả chính nơi tận cùng này, Thiên Chúa cũng chẳng ngại đến và cư ngụ. Chính vì khả năng trở nên nghèo của Thiên Chúa mà tôi khám phá ra sự vĩ đại của Ngài. Trong cầu nguyện, tôi đã ngây ngất trước uy quyền của Thiên Chúa qua sự kỳ diệu của công trình sáng tạo; và lúc này, trước mắt tôi, tôi phải cúi đầu trước sự vĩ đại của Thiên Chúa khi Ngài tự ý trở nên nghèo và ở với những con người nghèo nhất này.

Cả ngày 24, chúng tôi chia nhau thành nhiều nhóm cùng với bà con H’Mông chuẩn bị cho những giây phút trọng đại vào buổi tối: canh thức và Thánh Lễ đêm. Không khí nhộn nhịp đã bắt đầu từ sáng sớm: người lo trang trí nhà nguyện, kẻ hoàn thành hang đá, nhóm lo tập diễn nguyện, người lo nấu ăn, và có cả việc sinh hoạt với các em nhỏ nữa. Trong bầu khí vui như ngày hội này mà người ta hiểu nhau, mặc cho khoảng cách về ngôn ngữ. Vì phần đông bà con không hiểu được tiếng Việt, nên tôi nhờ mấy anh em H’Mông cùng với tôi dịch bài diễn nguyện từ tiếng Việt sang tiếng H’Mông, và họ dạy tôi một vài câu tiếng H’Mông thông dụng để nói và dùng trong Thánh Lễ. Cùng ngồi với họ, dịch với họ và nghe họ, tôi hiểu hơn chút ít về văn hoá và cách diễn tả của họ qua ngôn ngữ. Tôi không có khiếu về ngôn ngữ, và họ cũng chỉ trở thành những nhà dịch thuật bất đắt dĩ hôm nay, nên chỉ bốn trang giấy chúng tôi phải mất cả buổi sáng và chiếm thêm nửa buổi chiều. Họ vui vì có một kịch bản diễn nguyện bằng tiếng của họ. Những người tham dự vui vì họ hiểu những gì diễn ra trong hoạt cảnh Giáng Sinh. Còn chúng tôi vui vì cách nào đó, chúng tôi có thể “nhập thể” trong lòng họ.

Thánh Lễ đêm diễn ra đơn sơ như chính những người tham dự. Chắc chẳng mấy ai hiểu được những ý niệm thần học cao siêu của Thánh Lễ, nhưng tôi tin rằng, những con người đơn sơ này hiểu trọn Mầu Nhiệm trọng đại đang diễn ra và cảm được Đấng làm nên Mầu Nhiệm ấy đang hiện diện ở giữa họ. Tôi đã nhiều lần cùng những người đơn sơ trong Thánh Lễ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi hiện diện giữa họ như một mục tử giữa đàn chiên. Trong lúc này, tôi cảm nhận rõ ràng nơi mình một ơn mà Giáo Hội nói đến khi đương sự biết mình chẳng là gì trước những đòi hỏi quá lớn của nhu cầu thực tế – ơn theo chức vụ. Tôi có thể cảm được sức sống của một đàn chiên được chính Thiên Chúa nuôi dưỡng, và thấy lòng mình được lấp đầy khi ở giữa một đoàn dân Thiên Chúa – một đoàn dân nghèo được Chúa chọn!

Sau Thánh Lễ và tàn lửa trại, chỉ còn lại chúng tôi, cả nhóm ngồi lại bên nhau quanh tàn lửa để làm phút hồi tâm và chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm của một ngày đầy ắp những công việc và cảm xúc. Đây là giây phút linh thiêng của những con người được sai đi. Đến lúc này, nhìn thẳng vào sự thật những gì đang diễn ra, mỗi người chỉ có thể lặng mình để cảm nhận ân sủng của Thiên Chúa đang bao trọn cả chúng tôi. Chính lúc này, khi trời lặng và lòng lắng, nhìn vào hang đá tồi tàn, tôi được thuyết phục từ tận đáy lòng bởi lời tuyên xưng “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế” (Kinh Tin Kính). Chính vì điều này mà Ngài đang hiện diện ở đây và lúc này, giữa những con người đơn sơ.

Sáng sớm ngày 25, khi chúng tôi vẫn còn đang ngon giấc thì tại nhà nguyện ở bên kia ngọn đồi, mọi người trong bản đã đến. Họ cùng nhau hát hoặc nghe những bài hát Giáng Sinh. Tôi một mình ra khỏi nhà để qua đồi bên kia. Bầu khí xung quanh bản làng vẫn còn trong vắt, trừ tiếng nhạc và những âm thanh trong trẻo phát ra từ phía nhà nguyện. Khoảng cách từ nhà đến nhà nguyện không xa, chỉ cần xuống con dốc và lên lại dốc bên kia là đến nơi. Tôi chậm rãi bước đi để cảm nhận bầu khí thanh bình đáng mơ ước này. Tôi chợt nhận ra rằng, bài giảng tôi đã chuẩn bị trước cho Thánh Lễ bây giờ không thích hợp nữa. Tôi cần đổi một bài giảng có chất sống hơn. Và trong quảng đường ngắn ấy, chính Đấng đã lôi cuốn tôi đến đây đã cho tôi biết phải nói gì với những người đơn sơ khó nghèo như chính Ngài trong máng cỏ ngày xưa.

Thánh Lễ bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng H’Mông bất cứ đoạn nào có thể. Có một điều kỳ diệu mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được, đó là dù Thánh Lễ diễn ra tại một ngôi thánh đường nguy nga hay tại nơi thô sơ này, thì mầu nhiệm hiến tế của Con Thiên Chúa vẫn không hề thay đổi. Ngài vẫn tiếp tục hiến tế vì mỗi người và cho mỗi người. Trong nghi thức phong chức linh mục, vị giám mục đã xức dầu vào hai lòng bàn tay tôi với lời nhắn nhủ: “con hãy hiến dâng hy lễ lên Thiên Chúa”. Tại nơi đây trong lúc này, tôi cảm nhận sâu xa sự linh thánh của hành động tôi đang cử hành, tôi đang dâng lên Thiên Chúa hy lễ là chính mình tôi và cuộc sống của những người không thể đơn sơ hơn này. Và tôi tin, đây là một hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa!

Kết thúc Thánh Lễ, nhà nguyện nhỏ bé này lại trở nên không gian để mở tiệc ăn mừng –mừng sự sum họp của cả bản làng từ trẻ con đến người già, mừng tình thân ái giữa những người mới chỉ lần đầu gặp nhau, và đặc biệt hơn cả, mừng sự hiện diện của một Emmanuel – “Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta”. Nếu thêm một chút thiêng liêng vào đôi mắt và con tim, ắt hẳn người ta sẽ liên tưởng buổi tiệc này với hình ảnh được tiên tri I-sai-a loan báo: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc và sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người” (x. Is 25,6-9). Bữa tiệc này không thịnh soạn và lý tưởng như những gì tiên tri I-sai-a nói đến, nhưng trong lòng người, như vậy cũng đã đủ để nếm trước hương vị hạnh phúc khi mọi người được tề tựu bên Đấng là “tất cả trong mọi sự” (1Cr 15,28). Ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh các trẻ nhỏ ngồi dọc hai dãy bàn dài. Chúng được ăn một bữa tiệc và nét hớn hở hiện rõ lên khuôn mặt như thể cuộc sống của chúng chẳng bao giờ cái khổ chạm đến được. Ước gì tuổi thơ của chúng được đong đầy những niềm vui và phấn khởi như hôm nay!

Sau bữa trưa, chúng tôi lại chuẩn bị xuống núi. Khi dấn thân trên con đường sứ mạng, việc đến và đi là điều rất đỗi bình thường đối với một tu sĩ Dòng Tên, nhưng những lần chia tay thì thật không lần nào giống lần nào. Nếu sự lưu luyến của tôi một thì của những người ở đây gấp nhiều lần. Thật dễ nhìn thấy điều đó qua cách họ diễn tả với từng người chúng tôi. Một em gái đã khóc nức nở khi chúng tôi chuẩn bị lên xe. Tôi hiểu em xúc động thế nào trong lúc này. Đây là cơ hội tốt nhất để tôi ôm em vào lòng và lặp lại lời động viên em cố lên, đừng bỏ học. Em đã lặn lội đi bộ xuống bản dưới để học bán trú, nhưng vừa thôi học từ mùa hè vừa qua. Em học đến lớp 8 nên thuộc nhóm người trí thức nhất của bản làng. Hy vọng, qua cuộc gặp gỡ với chúng tôi lần này, em có thêm động lực và nghị lực để tiếp tục thâu lượm thêm những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của em và cho cả bản làng.

Khi đồng hành với nhóm sinh viên cùng đi, tôi luôn lặp lại: “khoan để ý đến mình đã làm được gì, nhưng cảm nhận điều gì còn đọng lại nơi mình sau chuyến đi”. Ước gì mỗi người đều khám phá ra điều thật kỳ lạ: khi đến với người nghèo, mình luôn nhận được nhiều hơn những gì mình cho đi. Chúng tôi xuống núi, lòng hân hoan và đầy lửa vì hồng ân chứa chan được lãnh nhận chỉ vỏn vẹn trong chưa đầy hai ngày. Còn những người dân bản thì hạnh phúc vì một Giáng Sinh ân tình, trào tràn tình Chúa và tình người! Phần tôi, Thầy đã hứa và Thầy vẫn luôn giữ lời cách trọn vẹn: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Văn Yên, SJ

Kiểm tra tương tự

Ơn Toàn Xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư

Nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư – 28/7/2024, …

Tầm quan trọng của nền Giáo dục Công giáo trong thế giới hiện đại

Vai trò độc nhất  Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nền …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *