Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Vị Thánh của người trẻ

Pope_John_Paul_Youth

Đức Gioan Phaolô II được biết đến như là một Giáo hoàng của giới trẻ ngay từ những năm đầu triều đại Giáo hoàng của ngài. Không chỉ là sự gần gủi, thân thiện với các bạn trẻ mà ngài còn là nguồn cảm hứng và động lực cho người trẻ vững bước trên hành trình đức tin giữa thời đại hôm nay.

Sự ưu tư, lo lắng cho giới trẻ đã được thể hiện rõ khi ngay từ những năm đầu đời linh mục của ngài. Trong tác phẩm “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” (Crossing The Threshold of Hope) của mình, Gioan Phaolô II đã viết: “Giống như người thanh niên trong Phúc Âm, để trả lời cho những vấn nạn nền tảng, điều người trẻ tìm kiếm không chỉ là ý nghĩa đời sống, mà còn là phương thế cụ thể và hiệu nghiệm để sống đời sống ấy… Đây là đặc tính cơ bản nhất của người trẻ… Người trẻ muốn là chính họ… Họ phải yêu mến chính tuổi trẻ của họ. Và điều này, mỗi một người linh mục cần phải biết và hiểu rõ.”

Ngang qua những bài diễn văn sâu sắc, đầy ý nghĩa và ấn tượng mà ngài đã để lại nơi các bạn trẻ, chúng ta có thể dừng lại đôi chút để suy tư về sự tương quan giữa thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II với người trẻ.

Trước hết, Giáo hoàng Gioan Phaolô II được mênh danh là người rất gần gủi và thân thiện với giới trẻ. Là một Thủ lãnh Giáo Hội, trên ngai tòa thánh Phêrô, nhưng ngài luôn ngỏ lời với giới trẻ bằng những ngôn ngữ rất thân mật. Ngài gọi họ là “các bạn”, như những người cùng trang lứa, tri âm tri kỷ. Trong những lúc giảng thuyết trước giới trẻ, ngài luôn dừng lại trong giây lát và nói: “Hỡi các bạn trẻ, Cha yêu chúng con”. Đáp lại là những tràng pháo tay vang dội không ngớt từ phía các bạn trẻ. Tại Paris năm 1980 ngài đã nói: “Cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ luôn là giây phút cao điểm trong các chuyến viếng thăm mục vụ của Cha… Cha ao ước được nắm tay mỗi người và từng người trong chúng con, được trực tiếp nói với mỗi người những lời thân tình bạn hữu. Tuy không thể làm được điều đó, nhưng không gì ngăn cản Cha thể hiện tình hiệp thông sâu xa của Cha với chúng con trong tinh thần và bằng trái tim.”

Ngài thật gần gủi và thân thương là thế. Ngài luôn tỏ ra là một vị Giáo hoàng rất hiểu và cảm thông với giới trẻ. Ngài nói: “Thiên Chúa đã ban cho Cha một hồng ân, như Ngài đã ban cho biết bao giám mục và linh mục, là tha thiết yêu mến chúng con, các bạn trẻ. Dù chúng con khác nhau vì đến từ nhiều quốc gia, nhưng lại hoàn toàn giống nhau về tình thân thiện, về những băn khoăn trăn trở và khát vọng cũng như lòng quảng đại… Những khó khăn và đau khổ của chúng con, Cha đã nắm chắc và biết rõ” (tại Paris, 1980). 

Ngài cũng chính là vị Giáo hoàng đầu tiên có sáng kiến thành lập Ngày Đại hội Giới trẻ thế giới từ năm 1984 và tổ chức hai năm một lần ở nhiều châu lục khác nhau. Trong những dịp đặc biệt này, ngài đích thân hiện diện với giới trẻ, lắng nghe họ và cùng họ cầu nguyện.

Tiếp đến, Giáo hoàng Gioan Phaolô II được biết đến là người truyền lửa nhiệt huyết cho giới trẻ. Với lời tuyên bố mạnh mẽ: “Đừng sợ”, ngay trong bài diễn văn nhậm chức Giáo hoàng, ngài đã nói lên sự luôn tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Chúa trong lịch sử và trong Giáo Hội.

Với xác tín đó, ngài cũng đã mạnh mẽ kêu gọi các bạn trẻ: “Các con đừng sợ, hãy đi đến mọi ngõ phố, mọi nơi công cộng, giống như các tông đồ đầu tiên để loan báo Đức Kitô và Tin Mừng cứu độ cho mọi nơi. Đừng xấu hổ vì Tin Mừng. Đây là lúc phải rao giảng trên mái nhà… chính các con là những người hãy lên đường đến với mọi nơi và mời gọi mọi người đến dự bữa tiệc mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho dân Ngài” (tại Hoa Kỳ, 1993). Hơn thế nữa, tại Roma năm 2011 ngài còn nói với các bạn trẻ: “Chúng ta đừng sợ hãi, vì Đức Kitô có thể thay đổi lòng con người. Người sẽ thực hiện những “mẻ lưới lạ” vào chính lúc chúng ta không ngờ tới”.

Ngài được gọi là vị “Lữ hành không mệt mỏi” khi đi đến nhiều nơi trên thế giới để gặp gỡ, sẽ chia và hiện diện với đoàn chiên của mình. Lòng mến mộ của các bạn trẻ đã được thể hiện một cách bất thường nhưng lại rất “trẻ”, đó là vừa khi được loan tin Đức Gioan Phaolô II từ trần, thì một tràng pháo tay vang dội khắp quảng trường Thánh Phêrô. Có nhiều người vỗ tay mà nước mắt đầm đìa. Và trong thánh lễ an táng của ngài, người ta đã thấy nhiều băng rôn lớn với dòng chữ: “Santo subito”, nghĩa là “thánh ngay lập tức”. Đây được xem như một bằng chứng về những gì ngài đã để lại trong lòng mọi người và Giáo Hội.

Cuối cùng, Giáo hoàng Gioan Phaolô II luôn xem giới trẻ là niềm hy vọng của Giáo Hội và mời gọi họ trở nên chứng tá của Đức Kitô trên cánh đồng truyền giáo. Ngài đã nói với giới trẻ năm 1985 rằng: “Công cuộc loan báo Tin Mừng cho thế giới vào những thập kỷ tương lai tuỳ thuộc vào các bạn. Các bạn hãy làm cho Giáo Hội tươi trẻ nhờ sự hiện diện thân thiện của các bạn”. Với những lời tâm huyết trên đây, Đức Gioan Phaolo II đã phó thác cho các bạn trẻ sứ mạng truyền giáo. Ngài mời gọi họ trở nên quảng đại cộng tác làm cho ánh sáng Tin Mừng được lan tỏa trong cuộc đời.

Trong xã hội hôm nay, giữa nhiều xáo trộn, không ít các bạn trẻ đang khao khát tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, và điều này sẽ đến khi các bạn nhận ra Chúa – là nguồn hạnh phúc thật. Ngài không ngần ngại khẳng định: “Chính các bạn trẻ là tông đồ cho các bạn trẻ”. Thật vậy, các bạn sẽ trở nên tông đồ đích thực khi làm toát lên hình ảnh một Đức Kitô sống động trong cuộc đời các bạn.

Bên cạnh đó, luôn ưu tư về tình trạng thiếu linh mục tu sĩ trong thế kỷ hiện tại, mỗi lần gặp gỡ các bạn trẻ, ngài đều kêu mời họ quảng đại dấn thân trên con đường dâng hiến, trở nên môn đệ Chúa Giêsu trong ơn gọi linh mục và tu sĩ. Những lời mời gọi đó khơi dậy ơn gọi trong các bạn trẻ và đã có không ít bạn đáp lại lời mời gọi đó.

Qua những dòng suy tư trên về Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – vị Thánh của người trẻ, chúng ta cùng ý thức lại vai trò của mình trong Giáo Hội cũng như xã hội. Tương lai thế giới đang đợi chờ các bạn và chính các bạn là niềm hy vọng của Giáo Hội.

Xin mượn lời của Đức Gioan Phaolô II như là lời để mỗi người trẻ chúng ta suy tư: “Để thay đổi thế giới, chúng con phải thay đổi cách sống. Trong cuộc sống hưởng thụ hôm nay, có biết bao cám dỗ đang vây quanh chúng con và làm cho chúng con thành nạn nhân của những truỵ lạc. Chúng con đừng sống một cách hời hợt, chung chung, nhưng hãy có đời sống nội tâm sâu xa. Chúng con hãy dùng thời giờ để cầu nguyện, để suy tư và sống trong sự thật, nhờ đó chúng con có được mối liên hệ thân tình với Chúa và với anh chị em mình” (tại Namur, 1985).

J.B Lê Đình Nam

Kiểm tra tương tự

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

3 lý do chúng ta rất cần Đức Maria là Mẹ chúng ta

  Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *