Giáo xứ của lòng thương xót Thiên Chúa

Từ khi còn ngồi trên ghế chủng viện, người  linh mục trẻ tương lai đã ôm ấp những con người khốn khổ nghèo nàn trong trái tim của mình. Vì thế, ngay khi lãnh tác vụ linh mục năm 1974, và được sai về làm phó xứ Bình Thái, quận 8, cha đã nghĩ ngay đến việc mời một số anh chị em trong các hội đoàn cùng cha đi thăm viếng các bạn nghèo, các gia đình ít lui tới nhà thờ, các gia đình chưa nhận được ánh sáng Tin Mừng, và đặc biệt những hoàn cảnh kém may mắn và dễ bị tổn thương như bại liệt, hoặc rơi vào những tệ nạn xã hội như xì ke, ma túy. Cha cũng không quên mở lớp xóa mù chữ để giúp các cháu thất học khỏi rong chơi lêu lổng.

Dĩ nhiên, với vai trò của một cha phó, cha chỉ có thể thực hiện trong giới hạn của mình, coi như những bước khởi đầu làm quen để khi hoàn cảnh cho phép, có thể thực hiện trên qui mô rộng lớn hơn, định rõ mục tiêu cũng như kế hoạch để những bước đi phàm trần mang dấu ấn của tình yêu và sự sống, cho vinh danh Thiên Chúa hơn.

Thông thường khi gặp người lâm cảnh khó khăn, là một Phật tử nếu có điều kiện,  thì đem đồ tới giúp, đơn giản nhiêu đó thôi, đến với lòng thương xót, gọi là làm việc từ thiện, vừa để trả nợ cho oan gia trái chủ nếu có, vừa để tạo phúc cho mình và gia đình.

Thế nhưng đối với người Công giáo, kể từ ngày đứng bên bờ giếng rửa tội cất tiếng gọi Thiên Chúa là Cha, thì từ sâu thẳm của ý thức, biết rằng mọi người là anh em con một Cha. “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa”, vì thế giúp nhau là để chia sẻ, hàng từ thiện được gọi là quà tặng, và phải được trao với con tim của tình bạn.

Đứng trước người nghèo, ai cũng vậy, nhu cầu quá lớn mà đôi tay nhỏ bé, phải bắt đầu từ đâu. Đời linh mục cũng nghèo nàn và trơ trụi, thế nhưng, cũng chính với con tim đơn nghèo mà Thiên Chúa có thể bước vào cùng với những điều luôn luôn mới mẻ của Ngài. Thì ra để bắt tay vào việc, người linh mục trẻ phải học nhiều lắm, phải bước những bước đầu tiên của mầu nhiệm nhập thể – hội nhập – sống kinh nghiệm của Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta, một phận người giữa mọi người qua muôn vạn cảnh đời, cho tới khi có được một con tim biết lắng nghe, mềm mại trong Thánh Thần.

Năm 1992, cha được sai về một giáo xứ thuộc hạt Gò Vấp, một giai đoạn mới của đời linh mục, kết thúc 18 năm làm cha phó, trở thành cha chánh xứ. 18 năm rèn luyện để tái sinh thành người của Thiên Chúa và Hội Thánh, cho mọi người. Đã đến lúc cha phải chèo thuyền ra chỗ nước sâu.

Việc trước mắt là cùng với dân Chúa chung sức chung lòng xây ngôi nhà thờ mới, thay thế ngôi nhà thờ cũ bao năm nay đã ngả nghiêng, rồi phải kiến thiết xây dựng nhà xứ nữa chứ! Tuy nhiên việc chính yếu vẫn là chăm sóc mục vụ, vừa gây dựng, vừa chỉnh đốn lại các hội đoàn, nghĩa là dẫn đưa dân Chúa đi vào chiều sâu của mầu nhiệm Thánh Thể, ngắm nhìn một Giê-su lặng lẽ trong hình hài của một tấm bánh hiền lành, nhưng thấy tất cả, nghe biết tất cả và hiến dâng tất cả, để cuối cùng đem đặt tất cả trong quyền năng của Thiên Chúa Cha, đấng yêu thương nhân thế và muốn ôm trọn nhân trần trong trái tim tình yêu của Người.

Khi công trình xây dựng đã tạm hoàn tất, cha cho mở hội khuyết tật, qui tụ tất cả các anh chị em khuyết tật xa gần, hàng tuần họp nhau để trước tiên hết là nhận rõ phần đất Thiên Chúa đã hứa dành cho những tấm thân nghèo trong vương quốc của Ngài, cùng nhau xây dựng ngay nơi cung lòng Thiên Chúa thành phố của người khuyết tật, từ đó dưới cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa, và trong vòng tay của cha xứ và mọi người, anh chị em cùng nhau chia sẻ, nâng đỡ, và liên đới với nhau,  tùy theo khả năng có thể giúp nhau làm những ngành nghề thích hợp, cũng có người chỉ cần một cái xe lăn với bàn vé số là đủ.

Nhóm thứ hai được qui tụ là những anh chị em vướng vào xì ke ma túy.

Ma men, ma túy là những thứ ma lực nhận chìm con người trong sa đọa. Để dẫn đưa các anh chị em trở về hòa nhịp cuộc sống với mọi người, cha thường xuyên dẫn anh chị em đến gặp gỡ Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, cùng nhau lắng nghe lời Người dạy dỗ qua Tin Mừng.

Ở với Giê-su là đấng chữa lành, anh chị em không bị tra vấn về cuộc sống đã qua, nhưng Chúa đòi anh chị em bước tới bằng một lời cam kết dứt khoát trước câu hỏi của Người: “con có muốn được chữa lành không?” (Ga 5,6-7), bởi lẽ, muốn hay không muốn chính là vấn đề của các anh các chị.

Và mọi chuyện chỉ bắt đầu khi mỗi người có được câu trả lời tận đáy lòng: “Chúa ơi, con muốn, nhưng không có ai, không có ai ngoài một mình Ngài”.

Nhà xứ càng ngày càng mở rộng cửa để tiếp đón những người nghèo lỡ bữa, Cha đã cho qui tụ một nhóm các anh chị em, để vừa phục vụ các bữa ăn trưa cho những người lang thang trên đường, vừa gây dựng thành nhóm bảo vệ sự sống, lo tiếp đón những người mẹ đơn thân, và vì thế nhà xứ lúc nào cũng tấp nập người qua kẻ lại, già trẻ lớn bé đủ cả, đúng là “đất lành chim đậu”, vùng đất của trao hiến, từ cha xứ đến nhóm các anh chị em phụ giúp, một sự trao hiến phát xuất từ con tim, những con tim yêu mến Thiên Chúa và tha nhân (xc. Mt 22,36-40).

Trở nên người phục vụ đòi một tấm lòng thành với những hành động thiết thực, chứ không phải là những lời nói trống không, những con tim đã trở nên tinh tuyền để có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Vì thế, trước khi bắt tay vào việc, anh chị em cần nhận thức rất rõ rằng, phải giữ cho con tim được tinh tuyền trước tất cả những gì làm cho Đức Ái bị vấy bẩn. Đây chính là cánh cửa mở ra lòng thương xót Thiên Chúa, để con tim của lòng thương xót Thiên Chúa ôm trọn tất cả, người trao cũng như người nhận.

Ngày 28 tháng 04 năm nay 2023 , cha mừng 49 năm hống ân thánh chức linh mục, 31 năm coi sóc giáo xứ. Đứng giữa vùng trời của lòng thương xót, trái tim cha chứa đầy những khuôn mặt, và trong nụ cười hiền hòa của cha tràn ngập những cái tên: khuôn mặt của các anh chị em khuyết tật đang dắt nhau tìm về bên cha, rồi những anh chị em nghiện ma túy; những cái tên của những em bé sơ sinh bị bỏ rơi được cha đem về chăm sóc ban đầu, tên của các ông các bà trong giáo xứ trong năm gia đình, chia nhau hàng tháng về dùng cơm với cha và ban hành giáo.

Tuổi đời của cha năm nay đã 78, cha nhớ từng khuôn mặt, còn tên tuổi thì có thể cha đã quên nhiều rồi. Thế nhưng, tên của các chị em nhóm ung thư thì cha nhớ rất rõ, đặc biệt số chị em đã ra đi trước, quên sao được khi cha đã gọi tên từng người trong thánh lễ tiễn đưa cuối cùng. Số còn lại vẫn đang cùng cha lo việc nấu cơm hàng tuần cho các bạn nghèo, đặc biệt mùa dịch năm trước, trong đó phải kể đến một khuôn mặt nhiệt tình giúp cha quán xuyến mọi chuyện, từ việc lo sắp xếp để mọi người chung tay nấu một bữa mấy trăm hộp cơm, cho đến nồi bún to cho các em thuộc mái ấm, rồi sắp xếp những bữa tiệc đón tiếp các anh chị em hội khuyết tật, chăm sóc các chị em cơ nhỡ, cả một vùng đất của lòng thương xót để Thiên Chúa cúi xuống ấp ủ từng khuôn mặt ngay trong trái tim và trong vòng tay của cha già đáng yêu, đơn sơ và hiền hòa.

Có thể nói, hơn đâu hết, giáo xứ của cha đã trở thành nơi để Thiên Chúa giãi bày quyền năng của Lòng Thương Xót và ơn tha thứ. Không cần phải kể ra những chuyện lớn lao, mà chỉ cần chú ý đến những chi tiết nhỏ về tình yêu.

Hình ảnh một cha xứ đã lớn tuổi, lúc nào cũng vui tươi lanh lẹ, nhưng lại tận tụy ngồi tòa hòa giải để các bạn xì ke ma túy cũng như bất cứ ai khao khát ơn tha thứ và lòng thương xót Thiên Chúa tìm đến.

Các chị trong nhóm phục vụ với những khuôn mặt xinh tươi rạng rỡ là thế! Nhưng mấy ai biết có người đã trải qua 3 giai đoạn ung thư, từ ung thư ngực tới tuyến giáp và nay di căn tới xương; rồi “bác Tài” chả biết có làm được gì mà chỉ có ăn là giỏi. Một vùng trời ở đó mọi người chăm sóc cho nhau và tạo ra một không gian  mở để mọi người được Tin Mừng hóa, là nơi Chúa Phục Sinh hiện diện, thánh hóa tất cả theo kế hoạch của Chúa Cha, xứng với tên gọi giáo xứ của lòng thương xót.

Để khắp nơi vang dội tiếng ca tạ ơn và chúc tụng.

Đa-minh Trần Văn Tân, SJ.

Kiểm tra tương tự

Lắng nghe Thiên Chúa qua trí tưởng tượng

Tôi chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên về vô số cách mà Thiên Chúa nói …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …