Giáo xứ Hiển Linh: Chia sẻ Tin Mừng Chúa nhật XX Thường niên Năm C (18.08.2019)

Lc 12,49-53

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu tuyên bố: ”Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và những mong ước phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Với lời tuyên bố đó, Ngài tự mặc khải mình là Êlia mới, Êlia thần linh. Bởi lẽ nếu xưa kia ngôn sứ Êlia đã xin lửa từ trời xuống thiêu đốt các sứ giả vua Ôkôgia cử đi thỉnh cầu thần ngoại cho ông (1 V 1,1-17), thì nay, chính Chúa Giêsu cũng ném lửa xuống, nhưng không phải để tiêu diệt con người mà để cứu sống họ. Vậy lửa ấy cứu sống được hiểu như thế nào?

Trước hết, để có thể ném lửa xuống đất, Chúa Giêsu phải trải qua một phép rửa. Ngài tuyên bố: “Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc ấy hoàn tất” (Lc 12,50). Phép rửa này chính là cái chết có tính cứu độ mà Ngài sẽ thực hiện tại Giêrusalem (Mc 10,38). Vì cái chết hiến tế của Ngài có giá trị tẩy rửa con người khỏi quyền lực thống trị của tội lỗi và sự chết và chỉ khi hoàn tất hiến lễ này, Ngài mới có thể ban Thánh Thần thánh hóa những kẻ tin vào Ngài (Ga 16,7).

Đang khi làm phép rửa sám hối bằng nước, Gioan đã công bố phép rửa của Chúa Giêsu cho dân chúng. Đó là phép rửa bằng Thánh Thần và lửa (Lc 3,16). Như vậy, thánh Luca đã cho ta nhận ra sự khác biệt giữa phép rửa Đức Giêsu chịu và phép rửa người tín hữu lãnh nhận: Phép rửa Chúa Giêsu chịu có tính đến tội và ban Thánh Thần, còn phép rửa người tín hữu lãnh nhận để nhận Thánh Thần và được thanh tẩy khỏi tội lỗi. Sự thanh tẩy này được minh thị qua biểu tượng ngọn lửa. Chính vì thế, vào ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người tề tựu ở Giêrusalem đã nhận được sự thanh tẩy này khi “những hình lưỡi giống như lửa tản ra đậu xuống trên từng người” (Cv 2,3). “Hình lưỡi giống như lửa” chỉ về “những tiếng nói đã được thanh luyện” nhờ cái chết cúa Chúa Giêsu để con người được hiệp nhất với nhau trong khi tại tháp Babel tội lỗi đã phân rẽ con người (St 11,1-9).

Thứ đến, tính thanh luyện của lửa bởi Thánh Thần nơi phép rửa đòi người tín hữu phải đối diện với cuộc chiến giữa cái tốt và cái xấu, giữa sự thiện và sự ác. Vì thế, Chúa Giêsu tuyên bố rằng Ngài đến không phải để ban bình an mà đem sự chia rẽ, một sự chia rẽ không chỉ dừng lại ở bình diện ngoại tại của tương quan máu huyết: người trong một nhà, cha với con trai, mẹ với con gái (Lc 12,51-53)… mà cả ở bình diện nội tại của máu thịt, nghĩa là nơi thâm sâu của tâm hồn mỗi con người. Điều Ngài tuyên bố xem ra mâu thuẫn với lời sứ thần ca hát trong đêm Giáng Sinh: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14), nhưng thực ra không hề có mâu thuẫn. Bởi lẽ Hài Nhi đem bình an đến cho loài người, nhưng đó không phải là sự bình an rẻ tiền hay có tính ma thuật, mà sự bình an của sự trả giá với sức mạnh của Thánh Thần.

Chính khi chúng ta đối diện với cuộc chiến và trả giá cho việc thanh luyện mà Chúa Giêsu muốn tỏ bày cho chúng ta thấy vị trí và tầm quan trọng của sự cộng tác của con người vào ơn cứu độ. Có thể nói rằng Ngài cứu độ chúng ta bằng cách ban Thánh Thần cho chúng ta, nhưng Ngài không làm thay thế chúng ta. Chính trong ý nghĩa này mà thánh Augustinô nói: ”Ơn sủng không phá hủy tự nhiên, ơn sủng giả thiết tự nhiên và hoàn tất tự nhiên”.

Chúng ta xin ơn để nhận thức được giá phải trả của Chúa Giêsu trong phép rửa của Ngài để cứu độ chúng ta và xin ơn để chúng ta biết cộng tác vào công trình ấy nơi bản thân mình bằng cách dấn thân vào cuộc chiến của phép rửa nơi mình mà chống lại sự dữ nhờ đó, với ơn sủng của Chúa, chúng ta tìm được sự bình an đích thực của con cái Thiên Chúa, một sự bình an không như thế gian ban tặng (Ga 14,27). Amen!

Giuse Lê Quang Chủng, SJ

Kiểm tra tương tự

LỄ ĐỨC MẸ FATIMA BỔN MẠNG CA ĐOÀN FATIMA

Câu Lời Chúa trích sách Xôphônia: “Vì ngươi Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng” để …

Thư cám ơn Anh Chị Em tham gia cầu nguyện và sống Linh Thao trong đại dịch Covid-19

THƯ CÁM ƠN ANH CHỊ EM THAM GIA CẦU NGUYỆN VÀ SỐNG LINH THAO TRONG …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *