Lc 14,25-33
Anh chị em thân mến,
Đức Giêsu đòi hỏi những ai muốn làm môn đệ Ngài phải từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình. Nghe qua, chúng ta có cảm tưởng đòi hỏi của Chúa có vẻ phi nhân bản. Bởi lẽ xem ra đòi hỏi ấy ngược lại với cả giới răn thứ tư của Thiên Chúa: thảo kính cha mẹ! Thực ra, làm môn đệ Đức Giêsu là đi theo Ngài để được đào luyện, được Ngài thông chia cho phẩm tính thần linh của Ngài và để sống giới luật của Ngài. Vì lẽ Ngài là Con Một Thiên Chúa. Giới luật ấy là giới luật yêu thương vốn mang tính ‘’từ bỏ chính mình’’. Như vậy việc từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em… tuy mối tương quan của việc từ bỏ đụng chạm đến tận máu huyết, nhưng vẫn còn dừng lại ở việc từ bỏ cái “cái có” (Lc 14,26a). Giới luật yêu thương có tính thần linh của Chúa đòi hỏi một sự từ bỏ tận “cái là” nghĩa là từ bỏ chính bản thân mình. Chính vì thế Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải từ bỏ “cả mạng sống mình nữa” (Lc 14,26b). Và như sứ điệp Tin mừng Chúa nhật tuần trước, chúng ta biết rằng khi từ bỏ chính mình chúng ta lại tìm được mình (xem chia sẻ Chúa nhật XXII QNC). Như vậy nguyên lý của lối sống đi theo làm môn đệ Đức Giêsu và sống giới luật của Ngài là sự “từ bỏ”.
Thế nhưng Đức Giêsu lại nói: “Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi, thì không thể làm môn đệ của Tôi” (Lc 14,27). Thập giá ở đâu? Thưa, ở chính điều mình từ bỏ. Bởi lẽ, những mối tương quan mà mình từ bỏ và ngay cả bản thân mình khi từ bỏ luôn là một sự nuối tiếc, một sự trả giá gây nên cớ vấp phạm đối với người môn đệ. Kinh nghiệm cho thấy điều mình từ bỏ luôn chỗi dậy đòi quyền sống theo qui tắc giao hoán của suy luận loài người. Thế nên ai không có kinh nghiệm vác thập giá này trong việc từ bỏ thì chưa thực sự sống việc từ bỏ.
Khi đưa ra hai dụ ngôn về việc xây tháp và về cuộc giao chiến, Đức Giêsu đòi hỏi người ta phải ngối xuống tính toán xem có đủ khả năng hoàn tất hay không, có đủ lực lượng đối đầu với địch quân hay không. Nếu không sẽ bị chê cười hay bị bại trận! Việc xây tháp đòi hỏi một sự lượng định về khả năng và việc giao chiến đòi hỏi sự lượng định về tương quan lực lượng còn việc xây dựng “đền thờ tâm hồn” đòi hỏi một sự lượng định về việc từ bỏ và việc vác thập giá đòi hỏi một sự lượng định về sức mạnh trong cuộc chiến nội tâm – sự lượng định trong việc xây tháp dừng lại ở khả năng nhân bản và việc giao chiến dừng lại ở sức lực loài người còn việc xây dựng đền thờ đòi hỏi ơn sủng và việc vác thập giá đòi hỏi sức mạnh của Thiên Chúa. Như thế qua hai dụ ngôn trên, Đức Giêsu vạch cho ta thấy rằng phải dựa vào ơn sủng và sức mạnh của Thiên Chúa, người ta mới có thể sống việc từ bỏ mà đi theo làm môn đệ Ngài.
Chính trong viễn tượng này mà trong câu chuyện người thanh niên giầu có, khi Chúa tuyên bố rằng con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa, các môn đệ sững sờ và nói: ”Thế thì ai có thể được cứu?” Ngài trả lời: “Đối với loài người thì không thể nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể” (Mc 10,27). Khi đề cập về số phận bị bách hại của người môn đệ, Đức Giêsu mời gọi các ông gắn bó với Ngài để sinh hoa trái, và Ngài tuyên bố: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Ga 15,5).
Chúng ta cầu nguyện cho nhau để mỗi người trong chúng ta tập sống sự từ bỏ từ “cái có” đến “cái là” trong cuộc chiến với chính mình bằng sức mạnh của ơn sủng để được trở nên môn đệ Đức Giêsu và được sống kinh nghiệm về phẩm giá mới của mình trong giới luật tình yêu của Ngài. Chính nhờ đó mà chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Amen.
Giuse Lê Quang Chủng, SJ