Ngay khi tấm rèm được kéo lên, quảng trường thánh Phê-rô đã nổ tung trong tiếng vỗ tay reo hò. Ngày 2 tháng 5 năm 2011, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã được phong chân phước.
Sáu năm trước, vào ngày 8 tháng 4 năm 2005, hơn 1.5 triệu người đã tập trung về Rô-ma để tiễn đưa Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đến nơi an nghỉ cuối cùng. Khi ấy, gió thổi bay từng trang sách Tin Mừng được đặt trên quan tài của Ngài. Đức Thánh Cha đã qua đời sáu ngày trước đó. Khi ấy, toàn thế giới đã thương khóc Ngài và kêu lớn “santo subito,” nghĩa là ‘hãy phong thánh ngay đi!’
Bệnh tật đã ăn mòn sự sống của Đức Thánh Cha từng chút một, nhưng nó chẳng bao giờ là trở ngại cho việc liên tục rao giảng Lời Chúa của Ngài, thậm chí ngay cả khi Ngài nói không còn ra hơi vào những giây phút cuối đời.
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tại nhiệm 26 năm 5 tháng, một trong những triều đại giáo hoàng lâu nhất. Nếu trải dài số dặm đường Ngài đã đi trong các chuyến công du khắp thế giới thì Ngài đã có thể thực hiện 3 chuyến đi đến mặt trăng. Với mỗi cuộc thăm viếng như vậy, Ngài có thể chạm đến con tim của mọi người.
Vào năm 1978, sau cuộc họp kéo dài 3 ngày của Cơ Mật Viện, các Hồng y đã bầu Hồng y Karol Wojtyla làm người kế vị thánh Phê-rô. Người ta kể rằng Ngài là vị Hồng y đến Rô-ma trễ nhất vì bị hư xe và thậm chí phải đi nhờ xe để đến nơi cho kịp.
Vị Hồng y người Ba Lan này đến từ Krakow, thành phố mà Ngài đã trải qua hơn bốn thập niên đời mình ở đó. Ngài làm Tổng Giám mục năm 1962 và được lãnh tước Hồng y năm 1967. Ngài bắt đầu như một chủng sinh, rồi là một linh mục, sau đó là một Giám mục phụ tá, rồi cuối cùnglaf một Tổng Giám mục. Thời gian khi còn là một chủng sinh, Ngài gặp rất nhiều khó khan. Thầy Wojtyla lúc đó hoàn tất chương trình học của mình trong một chủng viện ngầm do Đức Hồng y của Krakow lúc bấy giờ lập nên. Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II sau này nhắc lại thời gian ấy kéo dài đến khi Ngài chịu chức linh mục vào năm 1946.
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II chia sẻ:
“Kinh nghiệm là một anh công nhân và đồng thời là một chủng sinh ngầm luôn sống động trong cuộc đời tôi. Trong nhà máy, trải qua ca làm 8 giờ đồng hồ bất kể ngày hay đêm, tôi đều mang theo vài cuốn sách. Đồng nghiệp của tôi bị bối rối một chút về chuyện này nhưng đã không gây rắc rối nào cho tôi cả.”
Vào năm 1943, suốt ngày làm ca tám tiếng tại một mỏ đá, ban đêm thì Ngài học để trở thành linh mục. Trong thời gian này, chế độ nhà nước Cộng sản ở Ba Lan đã lấy đi toàn bộ quyền tự do vốn có của người dân. Đó là chính phủ độc tài thứ hai xuất hiện ở đất nước này.
Trước đó 4 năm, Đức Quốc Xã đã xâm chiếm Ba Lan. Khi ấy, Karol Woityla còn là một sinh viên tại đại học Krakow Jagiellonian. Trong môi trường như vậy, cùng với nhiều người bạn Do-thái khác, chàng sinh viên này đã tham gia vào một nhà hát, một trong những đam mê của anh. Việc Hitler tiến đến Ba Lan đã cắt ngắn thời sinh viên của Karol Woityla.
Bởi vì sau đó, Karol chỉ còn lại một mình. Cha của anh qua đời năm 1941. Anh và cha đã sống cùng nhau từ sau cái chết của người anh trai là Edmund và của mẹ năm 1932, khi Karol lên tám.
Sau sự ra đi của mẹ Karol là bà Emilia, cha anh đã đưa Karol và người anh trai đến viếng thăm đài Đức Mẹ Marian. Khi chỉ lên tượng Đức Mẹ, người cha nói với hai anh em rằng đó chính là mẹ của họ. Chính thời khắc ấy đã ghi dấu ấn sâu đậm để rồi sau này Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II cho thấy Ngài đã dâng hiến chính mình cách mạnh mẽ cho Đức Mẹ. Lúc mọi việc ấy xảy ra , gia đình Ngài vẫn còn sống tại Wadowice, nơi Lolek, tên mà mọi người trong gia đình gọi Ngài cách trìu mến, chào đời ngày 18 tháng 5 năm 1920.
Chí Thành, S.J.
Nguồn: http://www.romereports.com/pg156557-john-paul-ii-a-look-back-at-the-life-of-a-saint-en