Giỡn chơi trên cơ thể

  Hoành Sơn, S.J.

Kể từ thế kỷ XVII trở đi, sau khi Francis Bacon đưa phương pháp thực nghiệm vào, thì khoa học đã phát triển như vũ bão, với ngành vật lý đạt tới nền tảng của vật chất nơi nămg lượng và hạt cơ bản, với ngành sinh học đi sâu vào cấu trúc và hoạt động bên trong của các tế bào, các mô, các cơ quan, nhờ đó y khoa tìm ra nguồn gốc của nhiều thứ bệnh và phương cách chữa trị tại căn.

 Có điều, đưa ra ánh sáng cách vận hành bên trong của những yếu tố ấy, sinh học cũng mở đường cho người ta có thể thủ biến (manipuler) thân xác, cũng là giỡn chơi trên đó : Con người không còn là cứu cánh (fin), mà chỉ là phương tiện (moyen) thôi! Nghĩa là “đi tong” cái gọi là Phẩm giá Người : Con người không được tôn trọng như một CON NGƯỜI nữa!

Nhất là khi sinh học phát hiện cặp nhiễm sắc thể (chromosome) nó chứa toàn bộ di truyền, từ đó người ta có khả năng tác động vô để biến đổi dòng giống một sinh vật, dù đây là con người chúng ta.

Bắt đầu cho sự lạc đường đạo đức sinh học ấy là việc nhân bản (clonage, cloning), việc chế tạo não, việc ghép đầu, rồi việc giỡn chơi trên gen.

Việc nhân bản con người

Ngày xưa, người ta chỉ cần cất giữ trong ngân hàng băng lạnh những tinh trùng và trứng dư của nhiều người, sau đó chọn lấy ra một số cho thụ tinh và nuôi trong ống nghiệm (ngoại môi, in vitro) một thời gian, kế đó đưa vào tử cung một đàn bà, thế là chế tạo xong một đứa nhỏ.

Nay thì đơn giản hơn, người ta nạo vét một noãn bào (tế bào trứng), rồi đưa gen một cậu X thay vào, thế là tạo xong phiên bản của cậu X nói trên, giống như cừu Dolly[1] vậy. Với kỹ thuật ấy, thử tưởng tượng xem, một trùm độc tài như kiểu vua Trụ, Hitler xưa kia, hay một nhóm khủng bố bây giờ, họ có thể sử dụng DNA của một người to khoẻ và gan dạ để tạo nên cả mớ phiên bản người này, hầu sử dụng làm đội lính cảm tử hay kẻ đánh bom liều chết!

Hơn thế, ngày nay một số nhà khoa học còn liên kết với nhau, tìm cách chọn lựa những mẫu gen tốt nhất, rồi nối buộc chúng lại với nhau để chế tác nên một loại người hoàn hảo và siêu quần. Thậm chí nếu cần, có thể biến đổi hay sáng chế ra một số DNA luôn.

Tạo não người và ghép não

Từ đầu thế kỷ XXI, đã có hai dự án chế tạo não người bằng hợp chất của silicium, một dự án được tài trợ bởi bộ Quốc phòng Mỹ, một dự án được tài trợ bởi Liên minh châu Âu.

 Có điều đây là một việc không tưởng, bởi lẽ não nhân tạo chỉ là một robot, hoạt động do chương trình cài đặt từ ngoài. Chứ não thật một người thì tự quyết định cho mình, chứ không bị quyết định từ ngoài mình. Đằng khác, não nhân tạo hoạt động bằng điện năng cung cấp từ ngoài nó, chứ não thật thì hoạt động bằng năng lượng sinh học được chế tạo từ bên trong qua nhiều giai đoạn trao đổi chất (metabolism), cũng là chuyển hoá năng lượng, rồi được mang tới cung cấp cho từng tế bào, tứng mô, từng cơ quan khác nhau…Thực là cả một chuỗi dài những phản ứng sinh-hoá theo đúng trình tự với sự hỗ trợ của nhiều loại enzym, mà mục đích là cung cấp những năng lượng khác nhau cho từng bộ máy khác nhau, cùng lúc tạo sinh những protein và axit nuckeic chúng làm nên những tế bào mới đế thế chân những tế bào cũ liên tiếp chết đi.

Ngoài ra, ở não nhân tạo, phần cứng không hể thay đổi cũng như phần mềm, và phần mềm phải dựa vào phần cứng mà hoạt động, chứ không ngược lại. Trong khi ấy, ở não người thật, ký hiệu chạy trên mạng lưới cũng dệt ngược lại phần cứng ấy, và đây là thay đổi những điểm tiếp hợp (synapse, để chuyển hướng đi qua của xung động thần kinh) cũng như xác định và ổn định từng vùng não một, đúng như J.-P. Changeux nói:

-“Tổng thể di truyền cung cấp một mạng lưới với đường nét cón lờ mờ đã, để rồi hoạt động sau đó sẽ vạch rõ những góc cạnh.”[i]

Chính vì sự tiến hoá ấy cứ tiếp tục mãi như vậy, ở cả phần mềm và phần cứng, nên con người có khả năng  học tập và phát minh đến vô cùng tận để thay đổi mình và phần nào dòng dõi mình.

                                        *

Những dự án chế tạo não người ấy chắc đã chìm vào quên lãng khi người ta nhìn ra tính ngây ngô của chúng.  Thay vào đấy, ngày nay khoa học lại nghĩ đến việc ghép não.

Bắt đầu, người ta chỉ thay thế một phần sọ não. Và đây là lấy một phần hộp sọ, cùng với da đầu và tóc của một người mang cấy vô thân mình của James Boysen. Cuộc giải phẫu khó khăn này diễn ra hôm 22-5-2015 tại Hoa kỳ, với sự cộng tác của mấy chục bác sỹ, và cuộc giải phẫu kéo dài suốti 15 giờ, nhưng thành công được cho là tốt đẹp.

Kế đó diễn ra mấy cuộc ghép thử đầu một con khỉ sang mình một chú khỉ khác. Kết quả là con khỉ mới không sống nổi một ngày, vì cái đầu không điều khiển được cái mình xa lạ. Cũng có khi cái đầu tỏ vẻ giận dữ khi thấy thân mình này là của con khỉ khác, chứ không phải của nó.

Dẫu sao những kết quả chưa hoàn hảo ấy cũng cho phép nhiều nhà giải phẫu nghĩ đến khả năng mượn đầu một người mà trái tim hay gan thận đã rệu rã, để ghép vô thân mình của một ai đó bị tổn thương sọ não do va chạm mạnh. Trước khi thực hiện ý nghĩ táo bạo ấy, người ta dựng nên mấy cuốn phim coi chơi, cũng là để chuẩn bị dư luận luôn, chắc thế. Trong số những phím đó, có phim kể truyện một ông già gặp một thanh niên bị tông xe chấn thương sọ não, ông già ấy, vì trái tim quá yếu rồi, nên hiến cái đầu còn minh mẫn để ghép cho người trẻ kia. Cuộc giải phẫu thành công, và một con người “đầu Ngô mình Sở” xuất viện, không biết mình là ai, là ông già X hay chàng trai Y.

Sự thắc mắc ấy cũng là vấn nạn rất hay mà bộ phim nêu lên, vì đây không phải chỉ là ghép tim hay ghép thận, mà ghép chính cơ quan đầu não là cái đầu, nó nhận thức, tư tưởng, đưa ra những quyết định và làm chủ mọi hành động của con người.

Quả thế, cái nó chỉ huy và làm chủ là cái đầu, cùng với tuỷ sống. Nhưng nếu sọ não (kèm với tuỷ sống) là hệ thần kinh trung ương, thì để nhận thông tin và truyền tín hiệu, não cũng phải dựa vào toàn bộ thần kinh hệ, dựa vào biết bao hạch thần kinh khác. Bởi thế, con người được ghép não, thì não của ai người ấy nhận ra mình là chủ, nhưng không xác quyết được hoàn toàn đâu, chắc thế, y như chú khỉ ghép đầu tỏ ra giận dữ khi thấy thân thể dường như không phải của mình. Thêm vào đấy, từ cổ trở xuống, trong thân thể còn biết bao cơ quan và hoạt dộng của các hệ thần kinh thực vật, hệ thần kinh nội tiết… Làm sao đây để những loại hoạt động ấy phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ với nhau, khi mà nay bộ não lại là của một người khác? Chắc hẳn rồi cũng như chú khỉ ghép đầu, con người được ghép đầu cũng mau chết thôi. Vâng, ghép tim ghép thận thì dễ, chứ ghép đầu đặt ra biết bao nhiêu vấn đề nghiêm trọng! Nhất là khi người ta lấy đầu một nam nhân ghép vô mình  một phụ nữ trưởng thành, khiến cho sinh hoạt liên quan đến tình dục và sinh sản bị náo loạn cả lên. Nhất nữa khi người ta muốn ghép chơi đầu người vô mình heo hay ngược lại!

Cắt-Dán gen quá dễ dàng hôm nay

Như chúng ta biết, nguồn gốc di truyền tập trung ở những cặp chuỗi xoắn nhiễm sắc thể (chromosome), mà khoa học phát hiện ngay từ năm 1953. Khám phá ra căn gốc của di truyền rồi, y khoa liền tìm cách tác động vô dây nhiễm sắc ấy để chữa những bệnh do di truyền mà có.

Nhiễm sắc thể được tạo thành bởi DNA, RNA và protein. DNA (DeoxyriboNucleic Acid) chứa thông tin di truyền. Còn mang chở thông tin ấy đến ribosom và dịch mã để chế tác tế bào mới là công việc của RNA (RiboNucleicAcid). Biết được chức năng của DNA và RNA rồi, vấn đề còn lại chỉ là tìm hiểu chức năng của tùng gen, rồi tìm ra công cụ để chọn cắt bỏ DNA tai hại.

Cách đây mấy chục năm, người ta đã dùng những enzym có ngón tay bằng kẽm (và TALE) để cắt, nhưng chi phí cho mỗi lần lên tới mấy chục ngàn USD, và thời gian chuẩn bị kéo dài cả mấy tháng hay mấy năm.

Chỉ mới đây thôi mới phát hiện một công cụ tuyệt vời, mà việc chế tạo chỉ cần mầy chục đô và mấy ngày. Chẳng những công việc nhanh gọn, lại có thể làm quá dễ ở một xó xỉnh nào đó, chứ không dùng đến cả một phòng thí nghiệm được trang bị quy mô, nhờ thế tha hồ làm kín đáo, không sợ bị phát hiện và truy tố trước pháp luật khi vi phạm đạo đức sinh học.

Vậy công cụ mới, vừa tuyệt vời vừa dễ bị lạm dụng này là gì? Thưa, đó là CRISPR-Cas9!

CRISPR-Cas9[ii]

Người ta bắt đầu tìm thấy công cụ này ở nhiều con vi khuẩn. Cas9 là một protein lớn của nó. Còn CRISPR (Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats) thực ra là những đoạn (trình tự, séquence) DNA ngắn lặp lại y hệt và nối tiếp nhau, toàn bộ làm nên hệ gen (genome) của những con vi khuẩn ấy. Mỗi đoạn ngắn nói trên thực ra mang gen của mấy con virút từng đã xâm nhập vi khuẩn.

Như chúng ta biết, virút không thể tự mình nhân giống, mà phải dựa vào bộ máy bên trong một tế bào sống, của một vi khuẩn chẳng hạn. Xâm nhập tế bào ấy rồi, virút liền giải phóng acid nucleic của mình, và acid nucleic ấy được ribosom dịch mã và sản sinh những enzym cần thiết cho tiến trình hình thành con virút mới.

Vậy những đoạn ngắn nói đến trên kia nơi con vi khuẩn ắt hẳn do virút xâm nhập mà có. Bởi thế khi virút cùng loại tới tấn công, nó sẽ bị nhận dạng dễ dàng. Số là những doạn ngắn nối kết làm nên CRISPR có chứa gen của virút loại ấy đã không được dịch mã thành protein, nhưng thành những phân tử trung gian là RNA, chúng được thả lỏng trong con vi khuẩn để làm lính tuần tra, để khi gặp virút đồng dạng với nó, thì Cas9 là một phân tử lớn đi kèm sẽ bám vô (phía giữa hai chuỗi xoắn), cắt đứt và tiêu diệt. CRISPR-Cas9 chính là hệ thống tự vệ mà người ta tìm thấy nơi những con vi khuẩn nói trên kia!

Khám phá ra chức năng của CRISPR-Cas9 nơi sinh vật rồi, người ta thấy có thể sử dụng công cụ này vào biết bao mục đích khác nữa.

Những ứng dụng khả thể của CRISPR-Cas9

Đã có công cụ để cắt một cách quá dễ dàng, khoa học chỉ còn phải tìm hiểu cấu trúc và chức năng của mỗi và mọi gen, rồi tìm hay chế ra RNA tương ứng để nó phát hiện và dẫn đường cho Cas9 đến cắt. Tất cả giống như tạo văn bản (Word) trên máy vi tính, bằng Phát hiện (Find), Cắt (Cut) và Dán (Paste) vậy! Nhờ thế, biết bao ứng dụng có thể mở ra cho khoa giải phẫu.

Như để diệt mầm bệnh di truyền ở hệ gen một người. Như để tiêu diệt một loại côn trùng độc hại. Như để khiến một giống muỗi hết khả năng truyền tải một thứ virút.

Cũng có thể làm tái sinh một loài đã tuyệt chủng, như voi Mammouth chẳng hạn, bằng cách tìm ra DNA của nó được bảo quản còn tốt trong băng lạnh, rồi mang cấy vô noãn bào của voi bây giờ. Hoặc cứu một loài đang trên đà tuyệt chủng do khí hậu hay một căn bệnh, bằng cách biến đổi hệ gen của nó, khiến từ nay nó có thể đương đầu với cái lạnh hay căn bệnh đó.

Dẫu sao, kỹ thuật Tìm-Cắt-Dán ấy rất nguy hiểm khi mà người ta chưa nắm vững chức năng của mọi gen (và RNA), khiến một sai lầm hay rủi ro có thể gây ung thư hay vô hiệu hoá những gen quan trọng chẳng hạn.

Nhất là vì kỹ thuật ấy quá dễ, không đòi chuyên môn cao và máy móc cầu kỳ, nên các nhóm khủng bố có thể lợi dụng để gieo kinh hoàng cho thế giới. Mà thật sự đã có người dùng một virút để đưa CRISPR-Cas9 vô con chuột,  nhằm phát triển một ung thư người; lại có người khác biến đổi gen một loại nấm để chế tạo ma tuý. Mai ngày biết đâu rồi họ sẽ chế tạo và làm phát tán những côn trùng độc hại đối với ngũ cốc hay trực tiếp đối với giống người chúng ta.

 Vậy, trước khi reo vui vì những phát minh như thế, hãy ngồi lại để suy tính và trao đổi với nhau, xem xét những hậu quả tốt xấu gì có thể xảy ra,  xem hành động thế nào mới hợp đạo đức sinh học, và làm thế nào để pháp luật có thể ngăn ngừa những hành động sai trái, chúng  xúc phạm phẩm giá con người hay phá hoại môi sinh.

Nhìn từ Đạo đức sinh học (Bio-ethics)

Ngày xưa trong các văn minh và tôn giáo, chỉ có luân lý tổng quát đối với mọi hành động nhân linh. Sau đó bên Tây phương khi ngành y được tổ chức có quy củ, được chính thức giảng dạy ở đại học, thì bắt buộc y sĩ trước khi hành nghề phải đọc Lời thề Hippocrate, cam kết sẽ chữa bệnh vì sức khoẻ bệnh nhân, một cách trung thực và ngay thẳng, chứ không vì tư lợi, đồng thời giữ sự kín đáo (discrétion) nghề nghiệp.

Càng ngày trong ngành y, người ta càng nhấn mạnh vào nhân quyền và phẩm giá con người, từ đó hình thành những tổ chức quốc tế như AMM (Association Médicale Mondiale, Hiệp hội Y tế thế giới, WMA), hay OMS (Organisation Mondiale de la Santé, Tổ chức Quốc tế về Sức khoẻ, WHO), nhất là sau khi thấy chính phủ Đức Quốc xã đã dùng con người làm vật thí nghiệm.

Kể từ 1960-1970 trở đi, những tiến bộ mới trong ngành sinh học mở ra khả năng biến đổi cơ thể một cách sâu xa, thì luân lý ở đây chuyển thành Đạo đức sinh học (Bio-ethics, Bio-éthique) nhằm giới hạn việc can thiệp quá sâu vào cấu trúc cơ thể, nhất là khi có xúc phạm đến phẩm giá con người. Trong hoàn cảnh đó, một Trung tâm Đạo đức sinh học đã được thành lập năm 1971.

Nhìn từ Đạo đức sinh học, người ta sẽ tranh luận xem có quyền phá thai hay không? Có thể ngừa thai bằng cách nào? Có thể  chọn con trai hay con gái từ trong lòng mẹ? Có thể chế tạo con người bằng phương pháp nhân bản? Có thể tàng trữ tinh trùng và trứng rồi chọn mang ra cho thụ tinh và nuôi ngoại môi trước khi đưa vô bụng một “vú nuôi” nào đó? Có thể trao đổi giữa cơ quan của người và súc vật hay không?

Người ta cũng bàn về vấn đề ưu sinh và an tử, và làm thí nghiệm trên con người. Trong khi ấy, luật pháp nhiều nước cũng cấm buôn bán gan, thận… của người.

Đạo đức sinh học, tuy tập trung vào thủ biến con người, nhưng phần nào cũng bàn đến việc lạm dụng cơ thể thú vật.

                                  *

Ngày nay, khi mà việc thủ biến con người trở nên quá dễ, và với  khả năng cắt-dán gen để thay đổi luôn cả dòng dõi một người, thay đổi cả một chủng loại động vật, nhất là vì việc ấy ở trong tầm tay những kẻ xấu, thì Đạo đức sinh học càng trở nên một vấn đề lớn và quan trọng.

Trong Đạo đức sinh học, trước hết phải nhìn con người như một Phẩm giá, mà không ai có quyền xúc phạm. Đây cũng là coi con người là muc đích, cứu cánh, chứ không phải phương tiện. Và con người ấy là cả xác hồn một lượt, chứ không phải chỉ là hồn, và cái hồn ấy sử dụng thân xác như một công cụ thôi.

 Chính vì thế, khoa học không có quyền giỡn chơi trên cơ thể con người bằng cách thay đổi cấu trúc cơ thể một cách sâu xa hay dùng cơ thể ấy làm vật thí nghiệm. Nói chi đến tạo ra một người, tạo ra những phiên bản và dòng dõi người theo đơn đặt hàng.

Còn đối với các sinh vật khác? Tuy chúng được sáng tạo một phần vì lợi ích của giống người, nhưng con người không phải là chủ tuyệt đối của chúng, như Đức Phanxicô nói trong Laudato Si, nên con người có thể sử dụng con chuột làm vật thí nghiệm thuốc vì sức khoẻ của loài người, chứ không phải vì cái khoái của mình. Nói chi đến việc chế tạo hay tái tạo những côn trùng độc  hại đối với giống người chúng ta!

 

 

 

[1] Cừu Dolly được cloning thành công năm 1996 ở Scotland.

[i] Id., Etudes d’anthropologie philosophique, tr.13.

[ii] Dựa vào Science et Vie, th. 1/2016, tr.45-64, với loạt bài về Bricoleurs du vivant..

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Tìm lại ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng

  Đôi khi, chúng ta nỗ lực hoàn thành danh sách những việc phải làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *