Giọt nước mắt …

nhung-hinh-anh-dep-ve-tinh-yeu-buon-va-mua-so-3Người ta thường gán giọt nước mắt cho những ai yếu đuối, phận con nít, đàn bà. Con nít thường hay khóc, bất cứ lúc nào chúng muốn, khi té đau, hay khi vòi vĩnh. Còn đàn bà thì cứ hễ có chuyện gì đụng chạm đến con tim thì đôi mi chẳng thể kiềm nỗi dòng lệ. Xem một cảnh phim tình cảm, họ cũng khóc, dù cảnh phim ấy chẳng dính dáng gì đến mình. Bởi thế, bỗng từ đâu hình thành một quy luật bất thành văn rằng hãy cứng cáp lên, hãy can đảm lên, thà đổ máu, đổ mồ hôi, chứ đừng bao giờ nhỏ nước mắt; nước mắt không có chỗ đứng trong thế giới của người mạnh mẽ. Vâng, đúng thế, một người quá uỷ mị, gặp chuyện gì cũng chỉ biết khóc mà thôi thì thật là yếu đuối. Nhưng bảo rằng “đừng khóc”, liệu có ai có thể làm được không? Trời đã ban cho con người có giọt nước mắt. Giọt nước mắt không phải là một giọt nước bình thường. Khi bụi bám vào mắt, cơ thể sẽ tiết ra nước để cuốn trôi hạt bụi bẩn ấy đi. Nhưng không ai gọi đó là giọt lệ. Thế giới này vốn như một nồi canh, có đầy đủ mọi gia vị mặn đắng chua ngọt. Giọt nước mắt cũng có một chiều sâu ý nghĩa của nó, mà có khi nó làm cho ta trở thành người còn hơn là những nụ cười.

Ta có thể trao gửi một nụ cười đến bất cứ ai, nhưng giọt nước mắt thật sự không bao giờ được nhỏ ra một cách dễ dàng như thế. Ta thường cười với nhiều người, nhưng người nào có thể khiến ta khóc phải là một người rất đặc biệt với ta. Một người dưng xa lạ có thể làm ta cười trong thoáng chốc, nhưng để làm cho ta khóc, tương quan với người ấy phải trở thành chẳng-còn-xa-lạ nữa. Người lấy được nước mắt của ta, một giọt nước mắt đúng nghĩa, là người cực kỳ quan trọng với ta, người đó chiếm một vị trí rất cao trong khối óc ta và rất sâu trong cõi lòng ta. Giọt nước mắt hệt như một sự trào tràn của cảm xúc khi người ấy ra đi, hoặc người ấy phản bội ta, đánh mất niềm tin của ta và phụ lòng mong mỏi của ta, hoặc là khi chính ta đã làm cho người ấy buồn. Bởi vì đau quá mà ta khóc, vì mất đi một cái gì đó vô cùng quý giá nên ta mới khóc, vì thấy mình đã phụ tình thương người yêu dấu dành cho mình mà ta khóc. Giọt nước mắt này, dù là người mạnh mẽ nhất, cũng không thể tránh khỏi. Và nó chẳng có gì buồn cười hay đáng chê trách cả. Giọt nước mắt chảy thành dòng không kiềm được lúc đó hệt như một liều thuốc tốt giúp chữa lành vết thương đang rỉ máu, cuốn phăng đi những bức bối bực bội trong lòng. Bởi thế, cứ khóc đi, khi lòng thấy muốn khóc, đừng kiềm chế làm gì khi cảm xúc muốn trào dâng. Khóc xong, ta sẽ thấy khá hơn rất nhiều, dù vấn đề có khi vẫn chưa được giải quyết.

Đôi khi hơi ngược ngạo nhưng cũng có khi ta khóc vì quá hạnh phúc chứ không phải vì quá buồn sầu. Một tiếng cười bình thường không đủ để diễn tả một niềm vui vượt sức chờ đợi. Tận cùng của nước mắt là nụ cười, và đỉnh cao của tiếng cười là giọt nước mắt. Niềm vui khi thành công, khi được người khác đón nhận, khi trải qua bao trăm ngàn đau khổ, khi gặp lại người dấu yêu… thường được kết thúc bằng những giọt nước mắt rất tình. Cũng là giọt nước mắt nhưng nó không phải là kiểu “bù lu bù loa”. Nó là sự diễn tả cho những gì cần nói, là biểu hiện của sự viên mãn trong lòng. Nó cũng nói lên sự yếu đuối của con người, rằng con người là một hữu thể khao khát được đón nhận, được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Và khi nhu cầu này được thoả đáp thì giọt nước mắt tự khắc nhỏ ra như dấu chỉ của sự mãn nguyện, hài lòng không còn mong mỏi gì hơn.

Còn có một loại nước mắt khác nữa, vừa đẹp vừa thanh, vừa đậm tình người. Đó là giọt nước mắt nhỏ ra khi thấy người ta rơi nước mắt. Có thể là giọt nước mắt chia vui, nhưng cũng có thể là giọt nước mắt chia buồn. Giọt nước mắt lúc đó nói lên sự liên đới mà ta có với mọi người, rằng giữa ta và họ không phải là những hòn đảo riêng lẻ giữa biển đời, chẳng có chút liên hệ gì với nhau. Ta gọi đó là sự đồng cảm: có thể vui với người vui và cũng khóc với người khóc. Thấy người khác vui vì thành công, ta không nên buồn và hậm hực; thấy người khác buồn vì thất bại, gặp chuyện không hay, ta không được vui và hài lòng. Con người chúng ta không được dựng nên để đối nghịch nhau như thế, nhưng là để gắn kết và chia sẻ với nhau mọi nỗi vui buồn. Đặc biệt, giọt nước mắt tuôn ra khi chứng kiến người khác hạnh phúc nhờ những hy sinh của mình mới đẹp làm sao. Đó là nước mắt của các bậc cha mẹ khi thấy con mình thành công trên đường đời, của một tấm lòng vàng nào đó khi thấy các em cơ nhỡ hạnh phúc với chiếc áo, chiếc kẹo mà họ sẻ chia. Chẳng nơi đâu, và chẳng khi nào, tình người lại trở nên hiển lộ tuyệt vời như lúc ấy.

Khi ta khóc, ta biết mình thật sự rất yếu đuối, ta đang sống sự yếu đuối của phận người. Nước mắt cho ta biết rằng mình không toàn năng như mình nghĩ, không mạnh mẽ như mình tưởng. Chính giây phút ấy, ta thấy mình là một con người đúng nghĩa hơn bao giờ hết. Nỗi niềm của người ta được lan truyền đến mình và ngược lại. Nó nối kết người với người bằng một sợi dây thiêng liêng nào đó. Một thế giới mà nơi đó người ta không biết khóc là một thế giới chết chóc, vì nó đã cạn nguồn suối tình thương. Còn biết khóc là còn biết thương, biết hy sinh, biết chia sẻ. Nếu có một ngày nào đó, khi người ta trở nên quá lý trí và lạnh lùng, người ta không thực sự là con người nữa, nhưng đã trở nên những cỗ máy vô tri rồi. Con người trở nên cao cả cũng là vì con người có những loại nước mắt đó: nước mắt vì đau, vì hạnh phúc và vì thấy người khác hạnh phúc.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *