Giotto – Họa sĩ vĩ đại đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật Công giáo

Giotto, (tên đầy đủ: Giotto di Bondone, 1267-1337) là hoạ sĩ vĩ đại đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật Công Giáo. Hơn thế, ông còn được xem là hoạ sĩ vĩ đại đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật Tây phương, nói chung.

Tầm vóc vĩ đại này của Giotto được đo bởi:

Thứ nhất, và quan trọng nhất, là ông đã mở đầu cho một lối vẽ khác – khép lại mười mấy thế kỷ nghệ thuật Trung cổ, mở đầu cho thời đại Phục Hưng, và dẫn nghệ thuật phương Tây vào kỷ nguyên hiện đại.

Bằng tác phẩm của mình, ông đã tách khỏi sự cách điệu hoá của nghệ thuật Byzantium, hướng nghệ thuật đến những tư tưởng mới của chủ nghĩa tự nhiên, sáng tạo cảm thức vững chắc về không gian – như mắt thường nhìn thấy trước thế giới kinh nghiệm – trong hội hoạ. Khác hẳn với nghệ thuật Byzantium vốn chỉ là những ước lệ tượng trưng mang tính minh hoạ trãi rộng trên mặt phẳng hai chiều và hầu như không hề hay biết gì về phép phối cảnh, hình diện trong tranh ông đã mang dáng dấp của hình ảnh cuộc sống thực tế. Qua tranh ông, lần đầu tiên người ta nhận thấy có sự nhận thức mới về tính ba chiều và tính vật chất của thế giới sự vật, và trong khi thể hiện những sự kiện thiêng liêng ông tạo cảm giác có sức nặng tinh thần thay vì hào quang thần thánh.

Có vẻ như Giotto đã thể hiện trên cơ sở kinh nghiệm cá nhân. Không có nghệ sĩ nào có khả năng đi thẳng vào trọng tâm câu chuyện và thể hiện tinh thần của nó với cử chỉ và vẻ mặt của nhân vật với sự vững tâm chính xác như ông… Với cách nhìn và cách vẽ như vậy, Giotto đã khẳng định tư cách chủ thể sáng tạo nơi con người nghệ sĩ. Đây là điều rất mới. Chúng ta đã biết, hầu hết các nghệ sĩ Byzantium đều là những kẻ ẩn danh. Để lại dấu ấn trong tranh, bao trùm, vẫn là các qui phạm thần học hết sức nghiêm ngặt được uỷ thác từ Giáo Hội và tầng lớp tu sĩ…

Khi nói về cái mới trong cách nhìn, cách thể hiện nghệ thuật của Giotto, trong “Câu chuyện nghệ thuật”, sử gia nghệ thuật E.H Gombrich, đã đưa ra so sánh tác phẩm “Cuộc an táng Chúa Giêsu” của ông (bích hoạ ở nhà thờ Arena trong khoảng thời từ 1304-1306) với một tác phẩm tiểu hoạ cùng tên minh họa sách Thánh Vịnh chép tay được vẽ ở khoảng giữa năm 1250-1300.

Trước hết, hãy xem tác phẩm.

“Cuộc an táng Chúa Giêsu” của Giotto (1304-1306)

“Cuộc an táng Chúa Giêsu” – minh hoạ sách Thánh Vịnh (1250-1300)

Và dưới đây là ý kiến diễn giải của E. H. Gombrich:

“Cả hai cùng tả cảnh than khóc bên xác Chúa Giêsu, với Đức Mẹ Đồng Trinh đang ôm Con lần cuối. Trong bức tiểu hoạ, nhà hoạ sĩ không quan tâm diễn tả y thật cảnh đã xảy ra. Anh ta thay đổi kích thước các nhân vật cho vừa vặn với khuôn khổ của trang sách và nếu ta cố hình dung khoảng không gian giữa các nhân vật ở tiền cảnh và Thánh Gioan ở hậu cảnh – với Chúa Giêsu và Đức mẹ ở giữa – ta sẽ thấy mọi thứ bị ép sát vào nhau, và nhà hoạ sĩ chẳng mấy để ý tới không gian của cảnh vật. Phương pháp của Giotto hoàn toàn khác. Với ông, hội hoạ không chỉ là một thay thế cho chữ viết. Ta dường như thực sự chứng kiến biến cố ấy như thể nó được diễn trên một sân khấu. Hãy so sánh cử chỉ ước lệ của Thánh Gioan đang than khóc trong bức tiểu hoạ, với động tác mãnh liệt của Gioan trong bức hoạ của Giotto, khi ông cúi mình về phía trước, đôi tay giang rộng. Nếu hình dung khoảng cách giữa các nhân vật đang phủ phục ở tiền cảnh và Thánh Gioan, lập tức ta cảm thấy có không khí và không gian giữa họ, và họ có thể chuyển động. Các nhân vật ở tiền cảnh cho thấy nghệ thuật của Giotto hoàn toàn mới mẻ như thế nào về mọi mặt. Ta còn nhớ nghệ thuật Công giáo buổi đầu – đã trở về với quan niệm của Đông Phương – muốn diễn tả một câu chuyện cho rõ ràng, thì phải trình bày toàn diện mọi nhân vật – gần giống như nghệ thuật Ai Cập đã làm. Giotto đã loại bỏ những ý tưởng này. Không cần đến những kỹ thuật đơn giản ấy, ông cho ta thấy, cách mỗi nhân vật biểu lộ vẻ đau buồn trước cảnh tang tóc, quá thuyết phục đến nỗi ta có thể cảm nhận được cũng một nỗi buồn đau đó nơi các nhân vật đang phủ phục hay cúi mình mà ta không thấy mặt…”

Trước khi đưa ra so sánh như vậy, để dễ hiểu, E.H.Gombrich đã cẩn thận giới thiệu một tác phẩm khác của Giotto, có lẽ cũng nên nhắc lại ở đây.

Hãy xem tác phẩm:

“Chân dung Đức tin”, tranh tường trong nhà nguyện Arena của Giotto, 1306

Ngày nay, xem bức tranh này, ta thấy, nó hết sức bình thường, nhưng đương thời, nó là cả “một cuộc cách mạng”. E.H Gombrich đã viết:

“Thật dễ nhận ra sự giống nhau giữa hình ảnh quí phái này và những tác phẩm điêu khắc Gothic. Nhưng đây không phải tượng mà là một bức hoạ, cho ta cái ảo giác như một bức tượng chạm nổi. Ta thấy lối vẽ thâu ngắn nơi cánh tay, cách tạo hình khuôn mặt và cổ, bóng đậm của những nếp y phục đổ xuôi. Không có chi giống thế suốt một ngàn năm qua. Giotto đã tái khám phá nghệ thuật tạo cảnh ảo về chiều sâu trên một mặt phẳng”

Và, cuối cùng, E.H. Gombrich nhận định:

“Với Giotto, phát hiện này không chỉ là một kỹ xảo được trình bày để biểu diễn chính nó. Nó cho ông năng lực để thay đổi toàn bộ quan niệm về hội hoạ. Thay vì sử dụng các phương pháp của tranh minh hoạ, ông có thể tạo ảo cảnh để câu chuyện như đang xảy ra trước mắt ta. Sẽ không đủ để đạt được điều này nếu chỉ quan sát những diễn tả cùng một chủ đề trước đây và thích ứng với những kiểu mẫu cổ kính này vào một lợi ích mới. Ông đã theo lời khuyên của các thầy dòng, những kẻ luôn thúc giục người ta rằng: khi đọc Kinh Thánh hay truyện các Thánh hãy cố hình dung trong trí sự thể hẳn đã xảy ra, khi gia đình một bác thợ mộc bôn đào qua Ai Cập, hay khi Chúa bị đóng đinh vào thập tự. Ông không nghĩ ngợi cho tới khi tìm ra một hướng mới: một con người sẽ đi, đứng, và hành động ra sao trong một hoàn cảnh như thế? Và một cử chỉ hay chuyển động như vậy sẽ xuất hiện như thế nào trước mắt ta?”

Thứ hai, không chỉ là người mở đầu cho một lối vẽ khác, ông còn là đỉnh cao chói lọi nhất trong nền nghệ thuật đương thời với lối vẽ mới mẻ đó của mình.

Những bích hoạ vẽ trên tường nhà thờ San Francesco ở Assisi (1228), nhà nguyện Arena ở Padua (1303-1306), và nhà thờ Santa Croce ở Florence (1320-1325) của Giotto là những tác phẩm thực sự vĩ đại, đã làm choáng ngợp tâm trí người đương thời, và theo các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, đã là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho rất nhiều hoạ sĩ vĩ đại về sau như Masaccio (1401 – 1428) và cả với Michelangelo (1475 – 1564)…

Trong một thiên nổi tiếng của “Thần Khúc”, Dante đã ca ngợi ông, nói rằng ông đã giỏi hơn cả thầy là Cimabue. Và khoảng năm 1400, Cennino Cennini đã viết “Giotto đã cải biến nghệ thuật hội hoạ từ hình thức Hy Lạp sang hình thức La Tinh”…

Trong phần viết về Giotto, ở sách đã dẫn, E.H Gombrich đã kết luận về ông: “Danh tiếng Giotto vang khắp xa gần. Người thành Florence tự hào về ông. Họ quan tâm đến cuộc sống của ông, loan truyền những giai thoại về trí thông minh và tài năng của ông. Đây cũng là điều khá mới lạ và chưa từng xảy ra. Dĩ nhiên cũng có những bậc thầy được mến mộ, và được giới thiệu từ tu viện này sang tu viện khác, từ giám mục này đến giám mục kia. Nhưng nói chung người ta không thấy cần phải lưu giữ tên tuổi của họ cho thế hệ mai sau. Người ta nghĩ về họ như nghĩ về một thợ mộc hay thợ may giỏi. Ngay các nghệ sĩ cũng không để tâm tìm kiếm danh vọng. Chẳng bao giờ họ ký tên vào tác phẩm. Ta không hề biết tên các bậc thầy đã tạc những bức tượng ở Chartres, Strasbourg hay Naumburg. Chắc chắn họ cũng nổi tiếng ở thời đại của mình, nhưng họ cống hiến danh dự đó cho ngôi đại giáo đường vì nó họ đã làm việc. Về phương diện này cũng thế, Giotto thành Florence đã bắt đầu một chương hoàn toàn mới trong lịch sử nghệ thuật. Từ đây trở đi, lịch sử nghệ thuật, trước tiên ở Ý và rồi ở các nước khác, là lịch sử của những nghệ sĩ vĩ đại…”
*
Trong hầu hết sách sử mỹ thuật phương Tây, chúng ta đều thấy có khái niệm Giottesques (tiếng Ý: Giotteschi). Đây là khái niệm, dùng để chỉ phong cách nghệ thuật phổ biến nhất ở châu Âu trong thế kỷ 14. Qua đây, cũng đủ thấy tầm ảnh hưởng của Giotto rộng lớn như thế nào.

Nguyên Hưng

Dưới đây là ảnh một số tác phẩm tiêu biểu của Giotto:

[mudslide:picasa,1,tranhoanchinh,5632415568981338961]

http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110713/11546

Kiểm tra tương tự

Câu chuyện đằng sau bức tượng hình nón thông cao gần 4 mét tại Vatican

Bức tượng hình nón thông có từ thế kỷ thứ 2 được Dante Alighieri nhắc …

Người Công giáo và sự tự vấn: Chìa khóa để vượt qua sự khác biệt

Vào ngày Giáng sinh năm 1914, tại tiền tuyến của chiến hào giữa lực lượng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *