Giữa lòng biển cả

Thứ tư sau Lễ Hiển Linh

Mc 6, 45-52

1. Giữa lòng biển cả

Bài TM chúng ta vừa nghe, kể lại một thử thách rất lớn, và chắc chắn sẽ không bao giờ quên của các môn đệ :

  • Các môn đệ ở trên thuyền, thuyền ở giữa Biển Hồ : lúc đó là ban đêm và trên thuyền không có Thầy Giê-su.
  • Một hoàn cảnh như thế đã là một thử thách rồi, vì trong đêm tối và ở giữa biển, nên các môn đệ không còn thấy bở bến, có thể mất hướng đi và bị biển vùi dập và nuốt trửng bất cứ lúc nào. Nhưng, thêm vào đó, con thuyền bị sóng đánh vì gió ngược nữa, khiến các môn đệ phải vất và chèo chống.
  • Vẫn chưa hết thử thách, vì Đức Giê-su biết rõ hoàn cảnh thử thách của các môn đệ, nhưng mãi canh tư Ngài mới đến, nghĩa là mãi đến rạng sáng ; và cách Ngài đến thật lạ lùng, đến độ các môn đệ tưởng là ma, do đó rất hoảng hốt, bởi vì Ngài đi trên mặt biển mà đến với các ông ! Chúng ta hãy cảm thông với các môn đệ : ở giữa biển và trong cảnh « tranh tối tranh sáng », khi không có người lù lù đi tới ! Sau này, các ông cũng sẽ hốt hoảng tưởng là ma, khi Đức Ki-tô từ cõi sống lại, nghĩa là vượt qua biển cả sự chết, tỏ mình ra cho các môn đệ. Và làm sao không hốt hoảng được, khi một người đã được chôn táng cẩn thận rồi, mà này lại trở về !

2. Đức Giê-su lên tiếng

– Trong cả hai trường hợp, ở giữa thử thách của biển cả và sau cuộc Thương Khó, các môn đệ tự mình không thể nhận ra Đức Ki-tô ; nhưng Ngài phải ra dấu cho các môn đệ bằng cách  « lên tiếng ». Thật vậy, với Maria Magdala đang khóc bên mộ, ĐKT đã gọi tên của bà : « Maria » ; với hai môn đệ đang buồn rầu thất vọng trên đường Emmau, ĐKT phục sinh đã âm thầm đồng hành và giải thích thử thách Thương Khó của Ngài dưới ánh sáng của Sách Thánh ; và với các môn đệ đang ở giữa thử thách của biển cả, ĐGS lên tiếng : « Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ ».

– Và trong mọi thử thách của chúng ta, thử thách của thân phận và của số phận, ĐKT vẫn luôn lên tiếng, nói với chúng ta : « Thầy đây đừng sợ », vì Ngài đã trải qua tất cả và đã vượt qua tất cả. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phải ở tận cùng của khó khăn và thử thách, Chúa mới đến và đến cách lạ lùng để cứu giúp và mở đường cho chúng ta đi ; và sau này, Chúa sẽ cứ để chúng ta chết đi, nghĩa là chúng ta phải đi vào trong bóng đêm của biển cả sự chết ; và chỉ sau đó, Chúa phục sinh, là Đấng chiến thắng sự chết, mới đến đón chúng ta ở bở bên kia của sự chết.

3. « Đi trên mặt nước »

– Ngay sau khi ĐGS lên tiếng, ông Phê-rô liền thưa : « Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài. » Lời yêu cầu này của Phê-rô vừa diễn tả sự nghi ngờ, vừa diễn tả cá tính đặc biệt của ông : nhanh nhẹn, can đảm, không sợ hãi và rất gắn bó với Thầy Giê-su.

– Nhưng, một cách sâu xa hơn, điều ông Phê-rô xin, cũng chính là cách thức mà mỗi người môn đệ được mời gọi đến với ĐGS : như Phê-rô, người môn đệ cũng phải « đi trên mặt nước » để đến với ĐGS. Hình ảnh « đi trên mặt nước » thật là ý nghĩa : chẳng dựa vào gì hết, chỉ dựa vào Lời Chúa thôi, đầy hiểm nguy sóng gió và có nguy cơ lún chìm. Chúng ta cũng phải « đi trên mặt nước » để đến với ĐGS, chắc chắc chúng ta sẽ sợ hãi, chúng ta la lên : « Chúa ơn, xin cứu con », và ĐGS liền đưa tay nắm lấy chúng ta.

*  *  *

– Ở giữa lòng thử thách, Đức Giê-su đến cứu giúp, nhưng các môn đệ lại hốt hoảng ; và theo  thánh Mac-cô, lí do là vì : « các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều, lòng trí các ông còn ngu muội ». Lý do được nêu ra ở đây thật là lạ : phép lạ bánh hóa nhiều, được kể lại trong bài TM hôm qua, có liên quan gì đến thử thách các môn đệ vừa trải qua ?

– Câu hỏi này thật đáng cho chúng ta suy gẫm. Thực vậy, nếu các môn đệ và cả chúng ta hôm nay nữa, hiểu và tin vào quyền năng của Chúa, Đấng có thể làm cho no đầy trong cơn đói khát, đấng đã đưa chúng ta từ hư vô vào trong sự sống, thì sẽ không hốt hoảng sợ hãi và dễ dàng nhận ra Chúa vượt qua tất cả để đến gặp gỡ chúng ta ngay trong bóng tối của thử thách, của Sự Dữ, của tội lỗi và của chính sự chết.

Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *