Giuse – người cha của thinh lặng

Trong cuộc sống ngày hôm nay, dường như sự thinh lặng dần biến mất trong xã hội. Con người sợ hãi khi phải đối diện với chính mình trong thinh lặng. Họ chạy theo sự ồn ào, náo nhiệt của những cuộc vui chơi thâu đêm suốt sáng. Giờ đây xã hội lại còn xuất hiện những âm thanh gây cho con người sợ hãi. Tiếng còi cứu thương chưa chấm dứt đã tới tiếng bom đạn diễn ra. Sự ồn ào đánh lừa cảm giác, nó cho chúng ta vui thích bên ngoài nhưng sâu bên trong nó mang lại nỗi sợ hãi và bất an. Thật khó để có thể lẩn tránh nó trong thời đại hôm nay. Chúng ta hãy cùng nhìn đến mẫu gương của sự thinh lặng trong Thánh Kinh là Thánh Cả Giuse. Nơi Ngài có sự thinh lặng sâu thẳm trong tâm hồn.

Trong Tin mừng theo thánh Mátthêu, trước khi nhận Maria về làm vợ Giuse đã định tâm rời bỏ Maria cách kín đáo. Tuy Tin mừng không nói rõ việc Giuse có biết nguyên nhân Đức Maria mang thay không, nhưng dù thế nào đi nữa cũng khiến Giuse phải đau khổ và đưa ra chọn lựa cách khó khăn. Có lẽ rời bỏ Maria là cách tốt nhất cho Maria mà ông đã nghĩ ra. Lìa bỏ Maria cũng đồng nghĩa với việc ông chấp nhận mang tiếng xấu cho mình. Giuse chấp nhận im lặng trước nổi đau khổ và cả tiếng xấu bỏ vợ đã có thai. Hai từ công chính ông đã sống giờ đây sẽ tan biến với quyết định im lặng này. Ông thinh lặng để cứu lấy Maria và hài nhi. Trong đời sống hằng ngày, thật ít ai có thể giữ được thinh lặng trước những đau khổ oan ức của chính mình. Con người ngày nay lên tiếng đòi quyền lợi cho chính mình đến nỗi quên đi quyền lời người khác. Họ gây ra biết bao xáo trộn trong xã hội. Giáo hội cũng đang phải đối mặt với bao thách đố từ những người không biết thinh lặng này. Những người mang danh là nhà hoạt động nhân quyền, họ đòi quyền lợi cho những người đồng tính được kết hôn, linh mục được lấy vợ hay việc phá thai, thật ra chỉ là những người đó đang đòi quyền lợi hưởng lạc thú cho chính mình. Giuse đã hi sinh trong thầm lặng, sự hi sinh thầm lặng của ngài đã cứu lấy Đấng Cứu Thế và Mẹ Ngài. Vậy tại sao ta không thinh lặng trước những đau khổ và tiếng oan để học lấy sự khiêm nhường như Thánh Cả?

Trong đêm tối tĩnh lặng, Giuse đã nhận ra Thánh ý Thiên Chúa qua lời của sứ thần. Chắc hẳn Giuse phải có một đời sống nội tâm sâu thẳm, một đời sống luôn kết hợp với Thiên Chúa trong cầu nguyện. Vì vậy, trong lúc tĩnh mịch Giuse đã nhận ra tiếng Chúa mời gọi đón Maria về. Thiên Chúa hiện diện trong thinh lặng nơi chính tâm hồn mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu thường tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện. Tâm hồn là căn phòng tĩnh lặng nhất để ta có thể tìm gặp Chúa. Nhưng thế giới ngày hôm nay đầy dẫy những tiếng ồn. Những ồn ào đó đã lấn át tiếng nói của Thiên Chúa. Khi cầu nguyện, ta hãy giữ cho tâm hồn bình lặng loại bỏ những dục vọng, xáo trộn, ồn ào và lo lắng để tiến vào sự thinh lặng. Nơi đó ta sẽ gặp Chúa và gặp chính mình. Đôi khi lời nói không thể diễn tả được tình yêu của Chúa với ta và của ta với Chúa. Tình yêu đó chỉ có thể cảm nhận qua thinh lặng và bằng con tim. Ai có một đời sống thinh lặng tốt sẽ là người kết hợp với Chúa trong từng giây phút.

Nhận ra Thánh ý Thiên Chúa là điều tiên quyết nhưng đó là chưa đủ. Người môn đệ Chúa phải là người nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Sau khi tỉnh giấc, Giuse đã làm như sứ thần truyền là đón Maria về nhà. Để vâng theo Thánh ý Chúa Giuse đã từ bỏ ý riêng của mình. Sự từ bỏ này có khi rất đau đớn. Giuse đã đón nhận thánh ý Chúa mà không một chút than vãn, lý luận, đòi hỏi hay nghi ngờ nào. Ngài đơn giản là hành động trong thinh lặng. Trong Tông huấn “Trái tim người cha”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã diễn tả: “nẽo đường Giuse vạch ra cho chúng ta không phải là nẻo được giải thích mà là nẻo đường đón nhận”. Mỗi người trong chúng ta thường tìm lý do để biện minh cho sự sai trái của mình. Ta thường đổ lỗi cho người này, người kia, cho hoàn cảnh hay những yếu tố bên ngoài mà không nhận ra sai lỗi của mình. Hay chúng ta thường giải thích Ý Chúa theo ý ta. Những điều đó làm Lời Chúa bị chết nghẹt không thể kết trái trên cuộc đời của ta. Ta điều khiển cuộc đời mình thay vì để Chúa điều khiển. Nhưng Trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối của Chúa cao hơn đường lối của ta, Ý Chúa cao hơn ý ta bấy nhiêu (x. Is 55:9). Nếu ta không tự hủy chính mình để đón nhận ý Chúa cuộc đời ta sẽ bất an và lao đao. Giuse đã đón nhận Ý Chúa và thi hành, từ đó Ngài bình an và để Chúa quan phòng mọi sự.

Chẳng ai có thể chối bỏ công lao của Thánh Cả Giuse, Cha nuôi Đấng Cứu Thế, bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria. Ngài đã góp phần nuôi dưỡng, dạy dỗ và bảo vệ Chúa Giêsu. Ngài đã đưa Đức Maria và Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập để tránh “cáo già” Hêrôđê. Cuộc sống chưa ổn định ở đất khách, Thánh Cả lại đưa gia đình về Nadaret. Công lao là vậy nhưng ngài vẫn im lặng chẳng nói một lời nào về công trạng của mình. Cuộc đời của ngài là sự hi sinh, phục vụ trong âm thầm. Tôi thiết nghĩ, trong bốn sách Phúc âm ta không tìm thấy lời nào của Thánh Cả, cũng là ý định của ngài. Ngài muốn mình trở nên nhỏ bé và thầm lặng. Chúa đã nói “Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18, 4). Vì vậy, tôi tin chắc rằng, trên trời Thánh Giuse có uy thế rất lớn trước mặt Thiên Chúa. Trên thế giới này có rất nhiều người hi sinh vật chất để giúp đỡ người khác nhưng họ cũng đòi buộc được xướng tên để vinh danh chính mình. Nếu ta làm như họ thì phần thưởng của ta chẳng còn gì. Noi gương Thánh Cả ta hãy làm mọi hi sinh trong thầm lặng.

Thánh Cả Giuse là cha của sự thinh lặng. Ngài đã thinh lặng khi gặp những oan trái, thiệt thòi. Ngài tìm và nhận ra ý Chúa trong thinh lặng. Ngài thực hành Thánh ý Chúa trong thinh lặng. Ngài cũng giữ thinh lặng trong những hi sinh vì gia đình Thánh Gia và cho cả mỗi người chúng ta. Vì vậy ta hãy noi gương ngài tìm kiếm sự thinh lặng trong mọi việc.

Cánh Én

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Cùng Chúa chăm sóc và thăng tiến Đời Ta

Sinh ra làm người là hồng ân lớn lao; sống làm người trong ân sủng …

Nên một với vợ mình

“Vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *