Góc khuất – một huyền nhiệm

Một trẻ em và một cụ già khi cầu nguyện có gì khác nhau? Một câu hỏi đã từng được triết gia Hegel dùng để diễn tả con đường biện chứng lịch sử khi diễn tả sức mạnh yếu tố lịch sử trong đời người. Trẻ em và cụ già khác nhau thật nhiều nhưng nổi bật là yếu tố kinh nghiệm. Lịch sử kinh nghiệm của một con người được diễn tả không chỉ những mảng sáng, nhưng bởi cả những góc khuất. Điều gì đó âm ỉ trong tâm hồn, thi thoảng làm ta đau nhói và ưu tư, thi thoảng gợi lên một nỗi nhớ đắng cay; có lúc hy vọng, sa lầy trong niềm vui quá khứ, và có cả những góc khuất gặm nhấm cả đời ta, biến ta thành một người chẳng thể cắt đứt ngọn cây quá khứ.

Ôm ấp những góc khuất trong vô vọng, trong sợ hãi, trong nỗi giằng co là biểu hiện khi ta sợ phải chịu những xét đoán, những gạch đá, và những định kiến vĩnh hằng khả thể từ những người biết được góc khuất của ta. Vì thế, góc khuất trở thành một kẻ ở ngay gần ta mà ta muốn chối bỏ, ta muốn từ chối lịch sử đời ta.

Góc khuất là một lầm lỗi, một kinh nghiệm đau đớn, chua xót mà ta không muốn chia sẻ; là một điều gì đó trong quá khứ đã ghì chặt ta tiến tới tương lai với sự tươi mới, sáng tạo với cặp mặt hướng về phía trước. Góc khuất như một mùi hương dụ dỗ khứu giác ta ngửi lấy những khét lẹt trong dĩ vãng, như một mùi vị chạm đến môi ta với cả đắng, ngọt và cay. Góc khuất như một gông cùm trói buộc ta tự do tiến tới tương lai, nó là chiếc xà lim dành cho ta với bản án chung thân. Ta muốn ra mà đâu có được.

Có kẻ xem góc khuất là một vấn đề, một mảng tối cần được đưa ra ánh sáng. Những nhà tâm lý thích làm điều đó, và những phương pháp thực sự đã giúp nhiều người đối mặt với nó một cách bình thản hơn. Đó là điều tốt, và cũng là cách tốt nhất mà con người có thể làm cho nhau.

Nhưng đâu đó, ta có thể nhìn góc khuất dưới góc nhìn của một cụ già, một người trải nghiệm thực sự dưới con mắt huyền nhiệm. Chuyển hướng cách nhìn, thay vì đó như một vấn đề, ta có thể ngắm góc khuất là một huyền nhiệm. Một huyền nhiệm vì ta không thể giải thích nó xảy ra cho riêng ta mà không phải cho người khác. Hơn thế, huyền nhiệm vì nó gắn chặt với lịch sử cứu độ của riêng ta, với sự thánh thiêng, mà nếu không có những góc khuất, ta đã chẳng cần đến Ánh Sáng. Biết đâu, ta chẳng bật khóc vì sức mạnh mà huyền nhiệm ấy đã gieo vào trong ta.

Góc khuất, không thể phủ nhận, đã có lúc làm ta khép mình với cuộc sống hơn, bớt tin tưởng những người xung quanh hơn, bi quan hơn. Nhưng nếu nhìn dưới con mắt huyền nhiệm, ta thực sự phải khiêm tốn hơn để đặt lại tất cả những khả thể trên con đường ấy, rằng: Ta sẽ là ai nếu như mọi sự đều như ta ước muốn? Ta có cần Thiên Chúa nếu ta chẳng có một kinh nghiệm đổ vỡ nào? Ta có đủ tin tưởng vào một Họa Sĩ tài ba có thể vẽ một bức tranh đẹp khi đã cho phép một vài giọt mực rơi vào khung nền?

Oái oăm thay với những người muốn vươn lên một huyền nhiệm như thế, con người thì không sống một mình. Sở dĩ góc khuất vẫn còn một nơi sống trong bùn lầy và tối tăm vì nó đã sử dụng một lối giải thích quy kỷ: Ai sẽ chấp nhận mày với một góc tối như vậy trong đời, nếu mày từ bỏ tao, hoặc để tao trên trời? Và nếu ta bảo, có Chúa đã chấp nhận, thì ta cũng không thể sống trên khung trời ấy mà không nghe văng vẳng bên tai những đồn thổi của con người dưới mặt đất dữ dội, ngày qua ngày.

Chỉ còn khả dĩ duy nhất, dưới đất này, góc khuất nên là bạn, một người bạn thánh thiêng không của riêng ai. Tất cả chúng ta đều có chung người bạn này, người thân thiết, kẻ thờ ơ. Ta vẫn phải đối diện với cuộc đời, mà giây phút hiện tại có thể trở thành một góc khuất trong tương lai, âu chỉ vì ta có tự do. Ôm lấy nó trong Ánh Sáng và Ánh Sáng sẽ trả lời cho ta hiểu về huyền nhiệm góc khuất!

Cụ già sẽ cầu nguyện thế này:

“Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì những đổ vỡ, những đau khổ, những khó khăn, cay đắng con đã trải nghiệm trong đời con.

Nhờ thế, con đã mạnh mẽ hơn, con đã hy vọng hơn, đã khiêm tốn hơn.

Đã hiểu rằng, những điều đó là huyền nhiệm, là ơn ban.

Con nhìn tới những em bé ở hàng ghế đầu, con thực sự muốn.

Chúng cũng nhìn những góc khuất mà đời sẽ ban cho nó như một huyền nhiệm.

Để chúng không chối bỏ, cũng chẳng ôm lấy trong đau đớn, tuyệt vọng.

Mà để chúng khám phá ra vẻ đẹp của đời sống và những trải nghiệm huyền nhiệm.

Ôi! góc khuất, Chúa ơi, huyền nhiệm ! Con vẫn chưa hiểu”.

The Light

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Tìm lại ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng

  Đôi khi, chúng ta nỗ lực hoàn thành danh sách những việc phải làm …

Một bình luận

  1. Tạ ơn Chúa!
    Cám ơn Tác giả đã viết ra những cảm nhận Chúa đã soi sáng. Vâng, khi hiểu được phận người với lịch sử mang đi theo mình những được- mất, hay-dở, trong sáng-góc tối, thánh thiện-lỗi lầm thì người ta dễ thương mình hơn, bao dung với mình hơn. Và đồng thời mình có thể bao dung, thông cảm với người khác hơn. Nhưng có phải mọi người có lịch sử lâu đời đều hiểu và sống như vật không? Viễn tượng xa hơn, ước gì không chỉ người già, những người có lịch sử thăng trầm mới hiểu điều đó (sự cần thiết của góc khuất để thấy giá trj của Ánh Sáng), mà cả những người trẻ, những người đang phụ lái con thuyền của đại gia đình, đất nước, Giáo Hội, và cả thế giới. Huấn luyện thế nào, bằng cách nào để họ hiểu dù có thể họ chưa trải nghiệm? Tuy nhiên trải nghiệm vẫn là phương pháp hữu hiệu hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *