Góp phần tìm hiểu sử học triều Nguyễn

GÓP PHẦN TÌM HIỂU SỬ HỌC TRIỀU NGUYỄN

PGS. TS. Trần Kim Đỉnh*           

1. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về tư tưởng sử học, thành tựu sử học của  triều Nguyễn, phân tích đánh giá về Quốc sử quán, về từng tác giả, tác phẩm sử học  triều Nguyễn.

Về tình hình tư liệu, hầu hết các tác phẩm sử học lớn được biên soạn dưới triều  Nguyễn đều đã được khắc in và được dịch như: Khâm định Việt sử thông giám cương  mục, Đại Nam thực lục,Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Đại  Nam Hội điển sự lệ, Lịch triều hiến chương loại chí …Về châu bản triều Nguyễn trên  Tạp chí Xưa & Nay số 58 (tháng12/1998) tác giả Hải Đường trong bài  Sự chuyển dịch  của châu bản triều Nguyễn từ 1942 đến 1992 đã viết: “Theo quy định của triều Minh  Mệnh (1820-1840) và Thiệu Trị (1841-1847) thì tài liệu châu bản chỉ được lưu giữ ở  những nơi sau đây: Đông các điện, Tả vu Cần chánh điện, Lục bộ và Tàng thư lâu. Thế  nhưng căn cứ vào các bằng chứng đáng tin cậy của năm 1942 cho thấy đa phần tài liệu Châu bản lại được lưu giữ tại Quốc sử quán”.

Năm 2003, Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn – Đại học Quốc gia Hà  Nội triển khai đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước Tổ chức bảo vệ và phát huy văn  hóa Hán – Nôm Huế  do PGS TS Nguyễn Văn Thịnh chủ trì. Đề tài đã phối hợp với  Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Bảo tồn và  phát huy di sản Hán – Nôm Huế. Tác giả Nguyễn Văn Thịnh và Phan Thị Thu Hiền đã  cung cấp những thông tin về nguồn thư tịch Hán – Nôm Huế đang lưu giữ tại một số thư  viện lớn tại Hà Nội, tác giả Đỗ Bang đã phân tích giá trị sử liệu của thư mục Hán – Nôm  triều Nguyễn, tác giả Nguyễn Hồng Trân nêu lên tính cấp thiết phải bảo tồn và phát huy  tác dụng của châu bản triều Nguyễn… Kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp một  bức tranh toàn cảnh cũng như hiện trạng của Di sản Hán – Nôm Huế, đồng thời bổ sung  nhiều nguồn sử liệu quý để tiếp tục nghiên cứu về sử học triều Nguyễn và văn hóa  Nguyễn.

2. Quốc sử quán là cơ quan do triều đình phong kiến lập ra, có nhiệm vụ lưu giữ  và biên soạn lịch sử dân tộc. Ở nước ta, từ thế kỷ XIII triều Trần đã thành lập Viện  Quốc sử. Vua Gia Long – vị vua sáng lập triều Nguyễn mặc dù còn phải đương đầu với  nhiều khó khăn nhưng xuất phát từ nhu cầu “trị nước’’, để khẳng định sự chính thống  của vương triều, để chứng tỏ sự kế tục xứng đáng dòng chảy của lịch sử và sự nghiệp vẻ  vang của dòng họ Nguyễn (nhất là từ khi Nguyễn Hoàng tiến vào vùng đất phía Nam  lập nghiệp), đã thành lập cơ quan quốc gia lưu giữ và biên soạn lịch sử  gọi là Sử Cục.  Tháng 8 năm 1811, vua Gia Long đã triệu các viên quan: Thị Trung học sĩ Phạm Thích,  Đốc học Sơn Nam Thượng Nguyễn Đường, Đốc học Hoài Đức Trần Toản về Kinh sung chức biên tu ở Sử Cục. Người đứng đầu cơ quan này là Nguyễn Văn Thành vừa là Tổng  tài của bộ sử Quốc triều thực lục vừa  kiêm nhiệm chức Tổng biên soạn bộ Luật Gia  Long .

Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), Quốc Sử quán triều Nguyễn thành lập và bắt  đầu biên soạn bộ Đại Namthực lục – bộ lịch sử vương triều Nguyễn. Đến năm Thiệu  Trị thứ nhất (1841), Sử Quán tiếp tục được củng cố. Năm ấy, vua Thiệu Trị ra lệnh:  “Nay chuẩn cho lấy Quốc sử quán làm nơi soạn sử. Về số nhân viên từ Chánh, Phó  Tổng tài, cho đến các chức Toàn tu, Biên tu, Khảo hiệu, Đăng lục, chuẩn giao cho đình  thần hội đồng kén chọn sung vào để làm. Các nhân viên định lấy vào, không cứ là quan  trong kinh hay ngoài các tỉnh, người nào thực có tài năng về sử học, có thể làm nổi việc  biên chép sử ấy, chuẩn cho được tiến cử”[1] . Cơ cấu nhân viên sử quán do Thiệu Trị lập ra  năm 1841 gồm có:

2 Tổng tài

2 Phó Tổng tài

4 Toản tu

4 Khảo hiệu

6 Đăng lục

4 Thu trưởng kiêm Biên sự

Trong đó: Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn là Tổng tài, Nguyễn Trung Mậu và  Phan Bá Đạt là Phó Tổng tài.

Sử quán thời Thiệu Trị chủ yếu soạn tiếp bộ Đại Nam thực lục và khắc in từ năm 1844, đồng thời biên soạn bộ Đại Nam liệt truyện (bắt đầu soạn từ 1841).

Dưới thời Tự Đức (làm vua từ 1848 đến 1883), sử quán nhận nhiệm vụ quan  trọng hơn là biên soạn lại một bộ quốc sử. Ngày 15 tháng 12 năm Tự Đức thứ 8 (22/1/1886), Tự Đức ra chỉ dụ như sau:

“Đời nào khởi nghiệp tất phải có sử đời ấy. Nước Việt ta từ thời Hồng Bàng trở về sau, đời Trần, đời Lê trở về trước, trong khoảng hơn mấy ngàn năm, chính trị hay  dở, nhân vật giỏi hay không giỏi, bờ cõi trong nước vẫn nguyên như cũ hay đổi khác, chế độ chấn chỉnh hay đổ nát, sử cũ chép lại vẫn còn nhiều thiếu sót… 

Gần đây việc học quốc sử chưa ra mệnh lệnh bắt phải gia công nên học trò đọc  sách hoặc làm văn chỉ biết sử Trung Quốc, ít người đoái hoài đến sử nước nhà. Việc đời  cổ đã lờ mờ lấy gì làm kinh nghiệm cho việc đời nay ?”.

Bộ quốc sử  Khâm định Việt sử thông giám cương mục được Sử  quán triều  Nguyễn bắt đầu biên soạn năm 1856 và năm 1884 hoàn thành. Lúc bắt đầu biên soạn, Tổng tài Quốc sử quán là Phan Thanh Giản và Phó Tổng tài là Phạm Huy. Tổng số người tham gia biên soạn bộ sách này là hơn 30 người (không kể 12 người chuyên làm  nhiệm vụ chép lại).

Sử quán triều Tự Đức tiếp tục soạn bộ Đại Nam thực lục và còn soạn bộ sách địa  lý lịch sử Đại Nam nhất thống chí. Sách này soạn xong năm 1882.

Về chế độ làm việc, lương bổng của nhân viên sử quán đời Tự Đức cũng được  quy định rõ. Sách ĐạiNamthực lục chép:

“Viên Chánh Tổng tài thỉnh thoảng đi lại xem xét, Phó Tổng tài mỗi ngày đến  một lần, đốc làm, từ Toản tu trở xuống mỗi ngày hội làm. Buổi sáng từ giờ Mão đến giờ  Tị, buổi chiều từ giờ Mùi đến giờ Dậu, buổi tối chia phiên ứng trực. Châm chước cấp  giấy mực bút của công tuỳ tiện đủ dùng, tối đến dầu đốt đèn 8 đĩa, chiếu vuông chiếu  dài mỗi thứ đều 6 đôi, mỗi năm hai lần đổi, tủ hòm bàn ghế đóng cho đủ dùng. Phái 10  tên lính canh giữ. Lấy nhà Quốc sử quán làm nơi chép bài. Do toà khâm thiên giám  chọn ngày tốt bắt đầu làm việc”[2] .

Về Quốc sử quán, sách Đại Namnhất thống chí chép rằng “Quốc sử quán ở  địa phận phường Phú Văn, trong kinh thành… Năm Thiệu Trị thứ hai (1842) dựng thêm  4 dãy nhà tả, hữu, ngăn bằng tường gạch, để làm chỗ ở cho các viên tu thư tại quán.  Năm Tự Đức thứ hai (1849) lại dựng nhà để ván in ở sau quán. Phía trước hữu sân  quán có giếng nước rất trong, ngọt, tương truyền là giếng cổ của xã Diên Phái”[3].

Đầu thế kỷ XX, sử quán các đời vua Thành Thái, Duy Tân… tiếp tục soạn và  cho in các tập tiếp theo của bộ ĐạiNamthực lục và ĐạiNamliệt truyện. Sử quán thời  kỳ này cũng soạn thêm một số bộ sách khác:

Minh Mệnh chính yếu. Sách này được sử quán các đời Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức biên soạn, xong chưa in. Sử quán đời Thành Thái soạn lại và khắc in năm 1907.  Những người tham gia biên soạn lần cuối: Nguyễn Trọng Hiệp, Trương Quang Đản, Nguyễn Thuật, Hoàng Hữu Bình, Nguyễn Quán, Nguyễn Huệ Liên, Nguyễn Liễn…

Quốc triều sử toát yếu, viết xong và in năm 1908. Với sự tham gia của: Cao  Xuân Dục, Trần Đình Phong, Đặng Văn Thuỵ, v.v…

Đại Nam nhất thống chí in năm 1910 dưới triều vua Duy Tân.

Như vậy, Quốc sử quán triều Nguyễn đã biên soạn được nhiều bộ sử có giá trị. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tóm tắt nội dung và những nhận định tổng  quát để bước đầu nghiên cứu về Quốc sử quán triều Nguyễn.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục  là bộ quốc sử cuối cùng được biên  soạn dười thời phong kiến, ghi chép lịch sử dân tộc ta từ thời Hùng Vương đến triều Lê  Mẫn Đế (1787 – 1789). Bộ Đại Việt sử ký toàn thư in cuối thế kỷ XVII, chép lịch sử dân  tộc ta đến đời Lê Gia Tông (1672 – 1675). Bộ Cương mục chép thêm được 114 năm.  Cương mục  làm sau các bộ sử lớn của dân tộc ta, do vậy đã tập đại thành được nhiều tinh hoa của các sử gia đi trước và có một tập thể soạn giả đông đảo nên có điều kiện  tham khảo, bổ sung thêm nhiều nguồn tư liệu mới.

Đại Nam thực lục là bộ sử về vương triều Nguyễn (kể cả thời các chúa Nguyễn  từ thế kỷ XVI). Nó được biên soạn trong suốt thời gian tồn tại của Quốc sử quán triều  Nguyễn từ 1821 đến những năm đầu thế kỷ XX. Trong lịch sử sử học ViệtNam, đây là  bộ sử thực lục về vương triều lớn nhất và với số người tham gia biên soạn đông đảo  nhất.

Đại Nam nhất thống chí (do sử quán đời Tự Đức soạn). Sách ghi chép các tỉnh  của cả nước từ Lạng Sơn đến Hà Tiên. Mỗi tỉnh được khảo sát với nhiều nội dung cụ thể  về địa lý, khí hậu, nhân vật, phong tục, v.v… ở thời kỳ này còn có một số sách địa lý  khác do nhiều tác gia soạn thảo, nhưng sách này là bộ địa lý học lịch sử đầy đủ nhất  trong hệ thống các sách đã biên soạn trong thời kỳ phong kiến Việt Nam[4].

Đại Nam liệt truyện: Thể loại biên khảo về từng nhân vật ở mỗi đời vua (hậu,  phi, hoàng tử, công chúa, chư hầu, chư thần…). Sách bắt đầu soạn từ năm 1841 và được  sử quán các triều tiếp tục cho đến những năm đầu thế kỷ XX.

Minh Mệnh chính yếu Quốc triều sử toát yếu là những bộ sách biên soạn lại từ  tư liệu của ĐạiNam thực lục. Quốc triều sử toát yếu là sách lược sử về triều Nguyễn,  dùng cho học trò. Có thể coi đây là cuốn giáo trình lịch sử về vương triều Nguyễn, do  quốc sử quán biên soạn.

Kiểm tra tương tự

“Tết Con Kể Mẹ Nghe” – Trở về với Tình Thương

Tết này, bạn đã có một nơi để trở về, nơi mà có người vẫn …

Khóa học: “Cầu nguyện bằng Lời Chúa”

  Bạn thân mến!   Thư Chung năm 2022 của Hội Đồng Giám Mục Việt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *