Hội họa: Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết

Gioan Tẩy giả, có lẽ, là vị Thánh Công giáo đi vào hội họa nhiều nhất. Có vô số tranh vẽ về ông với đề tài khá đa dạng, hướng đến những giá trị tư tưởng khác nhau . Gần như hầu hết các họa sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật Công giáo – từ Leonardo da Vinci, Titian, Caravaggio đến Rubens, v.v…- đều tìm thấy trong cuộc đời của ông một chi tiết nào đó làm nguồn cảm hứng sáng tác cho mình. Riêng Caravaggio, đã vẽ đến hàng chục tác phẩm về Gioan Tẩy giả…

Không chỉ nhiều, Gioan Tẩy giả có lẽ cũng là vị Thánh đi vào hội họa sớm nhất.

Icon thể hiện hình ảnh Thánh lâu đời nhất được tìm thấy, là icon về Gioan Tẩy giả, được vẽ vào khoảng cuối thế kỷ thứ V đầu thế kỷ thứ VI, có nguồn gốc Palestine. Dưới đây là ảnh tác phẩm.

Bức tranh đã bị hư hại nhiều, không thể nhận biết hai hàng chữ viết hai bên chuyển tải thông điệp gì. Ở trên cùng, dễ nhận biết, bên trái, là hình ảnh Chúa Giêsu, và bên phải, là hình ảnh Đức Mẹ Maria.

*

Giữa vô số tranh vẽ Thánh Gioan tẩy giả, chiếm số lượng nhiều nhất, và có nhiều tác phẩm xuất sắc nhất, là ở mảng chủ đề: “Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết”(*).

Dưới đây là icon thể hiện chủ đề “Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết” được cho là lâu đời nhất-được vẽ vào khoảng đầu thế kỷ thứ VII, thuộc truyền thống Byzantium.

Đứng chính giữa, là Thánh Gioan Tẩy giả. Ông đang nói: “Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng”.

Phía sau là dòng sông, nơi ông thực hiện phép Rửa cho Chúa Giêsu.

Bên trái, là đầu của ông, đã bị chặt lìa, nhưng vẫn như đang hướng nhìn về phía chúng ta.

Bên phải: ở dưới là con chiên tượng trưng cho Dân Chúa như đang suy ngẫm về những gì Thánh Gioan Tẩy giả nói trong sự tôn kính, và bên trên là cây tượng trưng cho sự sống.

Bức tranh như vậy, theo một số học giả, là sự khái quát trọn vẹn cuộc đời và sứ mệnh của Thánh Gioan Tẩy giả: “là nhà tiên tri cuối cùng, là người dọn đường cho sự ra đời của Chúa”.

*

Chủ đề “Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết” trong hội họa, kể từ thời Phục hưng, với sự lên ngôi của các khuynh hướng tự sự, đã được “cụ thể hóa” xoay quanh sự kiện: “Salome với cái đầu của Thánh Gioan Tẩy giả”

Dưới đây là vài tác phẩm được biết đến nhiều nhất:


Của Andrea Solario, vẽ năm 1507

 

Của Titian, vẽ năm 1515, hiện đang được lưu giữ tại Galleria Doria Pamphilj, Rôma

 

Của Guido Reni, vẽ trong khoảng thời gian từ 1639-1640
Của Caravaggio, vẽ năm 1607, hiện đang được lưu giữ tại National Gallery, London
Trong bốn tác phẩm có hình ở trên, thu hút sự chú ý của các nhà phê bình nhiều nhất, là tác phẩm dưới cùng-của Caravaggio. Hầu hết, chú ý vì tính hiện thực sống động của nó. Người ta có thể nhận thấy nơi bức tranh này, sự ngu muội nơi gương mặt tên đao phủ, sự sợ hãi nơi Salome, và sự thâm hiểm, hèn hạ nơi Hêrôđia – mẹ của Salome – kẻ chủ mưu giết hại Thánh Gioan…

Đặc điểm chung, dễ nhận thấy nơi bốn tác phẩm ở trên, chính là gương mặt thanh thản, như đã sẳn sàng đón nhận cái chết của vị Thánh.

Hai tác phẩm dưới đây, một cũng của Caravaggio, một của Rubens, thì lại nhấn mạnh đến khía cạnh tàn bạo, dã man của cuộc hành quyết – như một lời tố cáo.

 Tranh của Caravaggio, vẽ năm 1608

 

Tranh của Rubens, vẽ năm 1910

Ở bức tranh thứ nhất (của Caravaggio) chúng ta có thể nhận thấy sự vô cảm, lạnh lùng đáng sợ nơi những kẻ giết người. Còn ở bức tranh thứ hai (của Rubens) thì lại đầy vẻ man rợ…

*

Để kết thúc bài này, tôi xin lưu ý, câu chuyện “Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết” là một câu chuyện có rất nhiều ý nghĩa biểu tượng, mà trong đó, có những ý nghĩa vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo. Bởi vậy, không có gì đáng phải ngạc nhiên, khi trước vài tác phẩm “Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết” tôi đưa ra ở trên, đã có không ít bài viết phê bình diễn dịch theo hướng chính trị, xã hội. Sự thực, đây cũng là điều hết sức bình thường…

Nguyên Hưng

 

(*) Với người Công giáo, có lẽ ai cũng biết rõ câu chuyện trong tranh. Ở đây, tôi mượn lời trong Phúc Âm để tóm tắt.

Phúc Âm: Mc 6, 17-29

Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây? ” Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110828/12296

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Tàn sát trẻ thơ vô tội

Guido Reni vẽ vào năm 1611. Hiện được trưng bày trong Pinacoteca Nazionale di Bologna. …

Câu chuyện đằng sau bức tượng hình nón thông cao gần 4 mét tại Vatican

Bức tượng hình nón thông có từ thế kỷ thứ 2 được Dante Alighieri nhắc …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *