Dòng Tên và thần học

At Vatican Council II, Fr. Joseph Ratzinger (right) receiving orientation from his mentor, progressivist theologian Karl Rahner SJ. (Society of Jesus)

Bài viết nhỏ này được đăng bằng nhiều thứ tiếng trong Kỷ Yếu Dòng Tên năm 1980, trong đó Cha Rahner bàn về việc nghiên cứu thần học trong Dòng Tên với tựa là „Zur Frage Gesellschaft Jesu und Theologie“ (Về vấn đề Dòng Tên và thần học). Dịch từ tiếng Đức theo: Karl Rahner, „Eine Seite von Karl Rahner“ in Sämtliche Werke, Bd. 25, Herder, Freiburg, 330-331.                                        

Karl Rahner, S.J.

Có người yêu cầu tôi, dựa vào kinh nghiệm thâm niên của mình, nói về mối liên hệ giữa Dòng Tên Chúa Giêsu và thần học trong bối cảnh hôm nay. Trong khi hoàn toàn ý thức về tính chủ quan và những kinh nghiệm còn giới hạn, tôi vẫn cảm thấy mình có thể đại diện chút nào đó cho các thần học gia Giêsu hữu khác đang nghiên cứu thần học xét như một khoa học. Tôi không thể kể hết tên họ được, và nếu có ghi ra đây vài tên tuổi thì chọn lựa này chỉ là chủ quan và ngẫu nhiên mà thôi. Tuy nhiên, những con người như Henri de Lubac, Henri Bouillard, Juan Alfaro, Alois Grillmeier, Stanislas Lyonnet, Piet Schoonenberg (đây là tên của những vị còn ở với chúng ta) là một số trong biết bao nhà thần học đã góp phần định hình nền thần học hôm nay. Tôi tin là tất cả các vị ấy đón nhận công việc nghiên cứu thần học của họ như một phần trong sứ mạng mà Dòng Tên coi như phục vụ việc loan báo Tin Mừng.

Đối với một nhà thần học Dòng Tên, nghiên cứu thần học không phải là một dạng “nghệ thuật vị nghệ thuật”, cho bằng phục vụ cho việc công bố mặc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, vì phần rỗi loài người. Tuy nhiên, về cơ bản, đặt đích nhắm như trên không có nghĩa là có một mối đe dọa đối với việc tìm kiếm chính chân lý, bởi suy cho cùng, chỉ có việc tìm chân lý mới có thể thực sự phục vụ việc loan báo Tin Mừng. Nhưng chúng ta không thể chối bỏ sự kiện là chúng tôi, những nhà thần học trong Dòng Tên, liên tục bị đe dọa bởi hai mối nguy mà không phải lúc nào chúng tôi cũng thoát khỏi: một đàng là nguy cơ rơi vào một khoa hộ giáo thiển cận, đàng khác là nguy cơ lãng quên con người, ơn cứu độ của họ và những sứ mạng rất cụ thể của Giáo Hội vì chỉ chúi mũi vào khía cạnh khoa học thuần túy.

Khởi đi từ bản chất thiết yếu của khoa thần học mà đích nhắm là phục vụ ơn cứu độ con người, thần học phải thiết lập một một tương quan khả tri giữa mình với Giáo Hội phẩm trật và Huấn Quyền. Thần học của các Giêsu hữu được dùng để phục vụ Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các Đức Giám Mục và coi giáo huấn của Giáo Hội như là chuẩn mực không thể bãi miễn. Nhưng thần học ấy chỉ có thể thực hiện một cách trọn vẹn và chân chính sự phục vụ vừa nói, khi lối suy tư của thần học ấy (mà không gì khác hơn là chính nhiệm vụ tự thân của nó!) được đổ nền trên sự đối thoại sinh động, can đảm, không thành kiến với não trạng và khoa học „đời“ trong thời đại chúng ta.

Nếu thần học của các Giêsu hữu, – nhất là nhằm phục vụ việc rao giảng sự điên rồ của Thập Giá, đang ra sức mang dáng vóc của một thần học hiện đại, bằng một cách nghĩ không vướng tiền kiến, thì điều không thể tránh là đây đó hay trong một mức độ nào đó, nó có thể xung đột với Huấn Quyền của Giáo Hội. Lịch sử thần học của các Giêsu hữu, bắt đầu từ Francisco Suárez  đến nay đã cho thấy điều ấy. Những xung đột như vậy có thể lớn, nhỏ hoặc vô hại. Những xung đột ấy chỉ có thể vượt qua được trong đức vâng phục đối với Huấn Quyền (theo mức độ ràng buộc trong các tuyên bố của Huấn Quyền), trong thái độ nhẫn nại và thành thật. Về điều này, các nhà thần học Dòng Tên hiện nay có một mẫu gương đáng noi là chính Đấng Sáng Lập Dòng của họ.

Tới đây, thật khó lòng đi xa hơn nếu không tự hỏi liệu còn hay không và trong mức độ nào mà thần học của các cha Dòng Tên hiện nay gìn giữ sự liên tục nội tại với thần học của Dòng trong quá khứ. Liệu còn hay không và bằng cách nào mà thần học của Dòng, dù cho phải có những thay đổi cần thiết, tiếp tục có một nét riêng trong toàn cục thần học công giáo nói chung hay không (dẫu rằng ngày nay, chúng ta khó lòng nói đến một “trường phái Dòng Tên” như trong giai đoạn thế kỷ XVI-XVIII). Hay liệu còn hay không và cho đến mức độ nào mà nền thần học ấy thực sự chu toàn sứ mạng hiện nay, hoặc ở nơi này nơi kia, nó đã rút lui khỏi sứ mạng của mình mất rồi. Dù gì đi nữa, chúng tôi, những nhà thần học Dòng Tên, có thể nói rằng : “Chúng tôi chỉ có thể là những nhà thần học giỏi khi chúng tôi là các Giêsu hữu tốt, và chỉ khi chúng tôi thực sự là những nhà thần học giỏi thì chúng tôi mới đóng góp vào việc chu toàn sứ mạng mà Dòng Tên Chúa Giêsu theo đuổi hôm nay.”

Chuyển dịch: Giuse Bùi Quang Minh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *