Hội nhập văn hóa…(tt). Phần II: B. Những thành tố của tầng nền tâm hệ Việt

Một số phong tục tiêu biểu

Những tập tục chung có tới mấy mươi thứ và rất lâu đời, trước cả công nguyên. Ở đây, chỉ xin lựa ba yếu tố vốn liên hệ mật thiết với nhau, đồng thời tố giác một nhân sinh quan riêng, tố giác một đời sống tình cảm đậm đà: tục nhuộm răng đen kết hợp với tục ăn trầu, tục ăn trầu liên đới với quan hệ nam nữ, và tương quan này xây trên nền tảng mẫu hệ.

a. Nhuộm răng đen

Hàm răng đen bóng lên suốt từ dãy núi Nam Lĩnh, qua Đông Dương, xuống tận Inđônêdi, Phi luật tân, Salomon, Mariannes. Hàm răng ấy còn thấy ló ra tại Nhật và tại bên Telugu ở Hindustan nữa.

Về tính cổ kính của nó, niên sử nhà Chu (1050-249 tr.cn) và một số bản văn được gán cho Tư Mã Thiên đã nói về tục này ở đất Giao Chỉ cách đây hai mươi mấy thế kỷ. Riêng tại Nhật thói quen trên chỉ được biên ghi từ năm 920.

Nên nhớ, nhuộm răng đen không phải chỉ để tránh cho răng khỏi thành “răng cải mả” do ăn trầu mà thành, mà răng đen còn thuộc thẩm mỹ quan của cả một văn minh nữa. Bằng chứng là các vũ nữ trong hoàng cung Campuchia xưa, tuy không dám ra nắng để giữ nước da “trứng gà bóc”, nhưng lại để ý trau chuốt hàm răng đen, cũng như tiếp tục ăn trầu cho vành môi luôn”cắn chỉ”. Lối nhìn cái đẹp như vậy khiến cho người ta thấy gớm hàm răng trắng: người Shan Miến Điện thì bảo có trâu mới răng trắng, còn người Việt thì cho răng trắng như răng chó.

Riêng tại Việt Nam, hàm răng đen loang khắp nước, trừ nơi người Chăm và người Thượng vốn Chăm hóa rồi. Mãi đầu thế kỷ XX, tiếp xúc với Tây phương đã lâu, mà răng vẫn chưa mấy ai để trắng. Ngay đến thanh niên cũng vậy. năm 1936, trong số 1430 chàng bị Pháp bắt lính, có tới 1037 chàng đen răng.

b. Tục ăn trầu

Tục ăn trầu và nhuộm răng đen gần như có chung một địa bàn, nhưng ăn trầu phổ biến hơn và loang rộng hơn. Xưa kia quýt trầu nhuộm đỏ khắp vùng Nam và Đông Nam Trung Quốc. Qua Việt Nam, Lào, Campuchia, nó tràn khắp Thái Lan, Mã Lai á, Miến Điện, Inđônêdi, Sri Lanka, Ấn Độ, Phi luật tân, Micronésie và phần lớn của Mélanésie. Sau này do du thương, nó còn tiến xa hơn về phía Bắc và phía Tây nữa. Bên Ấn cũng thế, địa bàn nguyên thuỷ của tục ăn trầu chỉ bao quát phía Nam và Assam (vùng cực đông), nhưng sau thì cả Bắc cũng ăn tuốt. Thế mà tại phía Bắc, minh văn Gupta số 18 (năm 473) đã nói đến tục này rồi. Vậy có thể ước lượng rằng tục ăn trầu bắt đầu trên thế giới từ lâu trước công nguyên giống tục nhuộm răng đen, và có lẽ còn sớm hơn cả tục nhuộm răng đen nữa. Thế mà ăn trầu đối với đna là một nếp sống tối văn hóa, có mặt trong mọi lãnh vực giao tế và lễ nghi. Nên sự có mặt rộng rãi suốt mấy ngàn năm của nó không khỏi hun đúc nên một mẫu người tinh thần cho toàn vùng. Solange Thierry và nhiều học giả khác cũng nghĩ vậy khi cho rằng tục ăn trầu là một trong những nét đặc trưng của một “tầng nền văn hóa” (un subtrat de civilisation).

Trước hết, miếng trầu có mặt trong mọi giao tế xã hội, kể cả nghi lễ ngoại giao. Sách Văn hiến thông khảo tả việc Lê Hoàan lấy trầu mời sứ Trung Quốc lúc tiễn họ về nước năm Thuận Hóa thứ nhất (990). Còn tại Sumatra, trước khi đến thăm một làng, ông lớn nào đó sẽ gửi hộp trầu đến tin trước. Hẳn ngày nay người ta đã có thuốc lá để thay trầu, nhưng thuốc lá thì không phải mọi người đều hút, nhất là không phải mọi người đều ưa, chứ trầu thì vua cũng thèm, mà dân cũng nghiện. Hơn thế, trầu là một hình thức trịnh trọng và bắt buộc của lễ nghi, chứ thuốc lá thì chỉ là một cái thú tiêu khiển thôi.

Nếu phải có cơi trầu để cầu ơn với người trần, thì cũng phải có khay trầu để cầu ơn với thần thánh. Người Việt Kinh và người Việt Chăm đều nghĩ thế. Còn Mã Lai á thì dùng trầu thăm dò tương lai đứa bé sắp sinh. Nhiều dân tộc khác lại dùng trầu trong đồng bóng và phù phép, xua đuổi ác quỷ và tà ma…

Nhưng quan trọng đặc biệt là vai trò của trầu trong hôn lễ. Trầu là biểu hiệu cho hôn ước ở hầu khắp các dân ăn trầu. Nhận trầu cau là nhận gả con và thế là hôn ước đã thành. Dân Việt cũng vậy, mà bên Campuchia, Mã Lai á cũng thế luôn. Khi đi đón dâu, lắm nơi cũng quả trầu đi trước. Và trong hôn lễ, cô dâu Campuchia trao cho chàng rể miếng trầu để cắn, cô dâu Maharashtra (Ấn) cắn chung với chàng rể một miếng trầu, còn cô dâu Chăm trong chốn động phòng cùng ăn với chàng mỗi người một miếng trầu têm từ một lá trầu, một trái cau.

c. Khuynh hướng mẫu hệ

Ngay từ trước công nguyên, đna đã bị xâm lăng bởi những dân theo chế độ phụ hệ: người Ârya (Aryen) và người Hán. Nhưng dù trải qua hàng ngàn năm gò bó trong cơ cấu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nặng mùi phụ hệ như thế, tại vùng này vẫn sống tiềm tàng nhiều yếu tố mẫu hệ, trong khi chính chế độ này còn đủ sức tồn tại ở một số dân.

Những dân tộc đna còn giữ chế độ mẫu hệ, đó là Chăm tại Việt Nam, Khassi ở Assam, Minangkabau ở Sumatra và Negri Sembilan ở Mã Lai á. Gần họ, một số dân tộc khác cũng mang một bản sắc lai mẫu hệ, như người Rhađê chẳng hạn do ảnh hưởng của Chăm.

Đặc điểm nơi những dân tộc này thể hiện ở tục gửi rể nơi gia đình đằng gái, quyền cai quản và làm chủ ruộng vườn của người vợ, uy thế của mẹ với các con và của cậu đối với các cháu v.v Lắm khi phụ nữ còn chia sẻ trách nhiệm và quyền hành với đàn ông ngoài xã hội nữa.

Nơi các dân tộc còn lại, dù ngoài xã hội, phụ nữ thường vẫn có mặt đông đảo, nhất là trong các địa hạt kinh tế. Ngay cả ở hai nước Mã Lai á và Inđônêdi đã ngàn năm theo Hồi giáo rồi cũng vậy. Tại Mã Lai á, người con tuy phải lấy họ bố, nhưng con trai và con gái có quyền thừa kế như nhau. Bên Inđônêdi, phụ nữ không phải che mặt và cấm cung theo luật Hồi. Hơn thế, phụ nữ Java còn đảm đương phần lớn các công việc buôn bán, chăn nuôi, cày cấy, công nghệ nhỏ và dạy học, trong khi người chồng thường ở nhà vợ, vợ chết lại trở về với bố mẹ mình như người Chăm. Quả thật, trên toàn quốc Inđônêdi, người đàn bà không bao giờ bị coi là thấp kém hơn đàn ông cả.

Ở các nước không Hồi giáo, người đàn bà càng được tôn kính hơn nữa. Thái Lan tuy là một nước Phật giáo, nhưng hôn lễ không làm ở chùa mà ở nhà cha mẹ vợ. Người ta phải lễ lạy đút lót cho thổ công đàng nhà vợ để ông này chấp thuận cho chàng rể đến ngủ trong nhà. Lấy nhau thì nàng chiếm ưu thế, mà bỏ nhau thì bình quyền. Nghĩa là sáng kiến do chàng hay nàng cũng được cả, miễn là bên kia thuận là ly dị được.

Bên Lào xưa, thách cưới khá nặng, nhưng chịu gửi rể ít năm thì tiền thách giảm đi. Còn chia gia tài thì nam nữ đồng đều, thương nam thắng về ruộng đất và nữ hơn về nhà cửa. Riêng con gái út, dù có chồng vẫn ở với cha mẹ mình, và khi cha mẹ chết, nhà và vườn thuộc cả về cô.

Việt Nam cũng vang bóng một thời khuynh hướng mẫu hệ ấy. Số là trước đây không lâu, Việt Nam cũng còn tục gởi rể. Và bộ luật Hồng Đức Quốc triều hình luật, khoản 388, 314, 375, 376, 391; Hồng Đức thiện chính thư, khoản 84 và các khoản 1, 2, 6, 127, 320) phản ánh rõ tập tục dân gian ở những gì còn cưỡng lại được sức ép của văn minh Hán, đã phân chia tài sản rất bình đẳng giữa con gái với con trai, kể cả con riêng của hai bên nữa. Thêm vào đấy, nếu trưởng nam không có, được quyền chọn trưởng nữ giữ hương hỏa.

Xem như thếm, từ trong nền tảng, Việt Nam vẫn còn thuộc khu vực văn hóa Đông Nam Á mà khuynh hướng mẫu hệ, ăn sâu trong tiềm thức và đời sống tình cảm, được biểu lộ ở một lối nhìn đời rất hòa thái và sinh động: sự tương bằng trong bù trừ của hai yếu tố âm dương, chúng chi phối toàn bộ sinh hoạt của con người và toàn bộ vũ trụ, khác với khuynh hướng nghiêng về bạo lực, sự nghiêm khắc và cứng nhắc của chế độ phụ hệ. Một trong những biểu hiện rõ rệt của sự âm dương tương sinh và tương hợp này là ở tục hát hai bè có ứng có đối như lối hát trống quân, hát quan họ ở Bắc Việt. Cách hát đối xướng như thế, không lâu trước đây còn tìm thấy ở Vân Nam và Lào nữa.

Sự đồng đẳng nam nữ và hòa hợp âm dương còn diễn ra trong tín ngưỡng. Ai cũng biết các dân tộc thái cổ thường thờ sinh thực khí, nhưng nhiều nơi chỉ thờ dương vật chứ âm hộ thì không. Thế nhưng ở Ấn Độ, Chăm và tại những vùng Bắc Việt có tục này, người ta liên kết cả âm dương trong mọi biểu phát của niềm tin. Cố nhiên, do khuôn khổ phụ hệ Ârya ngoại lai, linga (dương vật) luôn chiếm địa vị ưu thắng bên Ấn, Chăm, Khơme; nhưng trong lãnh vực vô thức, yếu tố âm vẫn ngự trị hoàn toàn và biểu hiện rất rõ trong những hình thức sùng bái có tính quần chúng. Cứ xem hội lễ Thần mẫu Durga bên Ấn thì đủ rõ. Sự nhộn nhịp tưng bừng và tầm quan trọng của nó ít là phải so sánh với lễ Giáng Sinh bên Âu Châu và Tết nguyên đán ở Việt Nam. Riêng tại Calcutta, lễ kéo dài suốt 12 ngày vào khoảng tháng 9, 10 dương lịch. Tuy công sở chỉ chính thức nghỉ có một tuần thôi, nhưng trong thực tế thì họ nghỉ suốt thời gian đó. Bên Việt Nam ta, cũng có cái gì giống như thế: người Việt phật giáo thích cầu với Phật bà Quan thế âm trong khi người Công giáo ưa cầu với Đức Mẹ.

Trong thờ bái, người Chăm còn thiên hơn nữa về yếu tố âm. Do ảnh hưởng Chăm, cả người Kinh ở Trung Việt cũng thờ “nõn nường” (lỗ, khe đá nứt, miếng cây hình tam giác có khoét lỗ) thờ “đĩ đàng” (nữ ma), các nữ thần chúa đảo v.v mà một số nơi đã được các vua Việt phong thần, phong nương nương.

Đặc biệt nhất có niềm sợ “ma lai rút ruột”. Niềm tin này từ người Chăm Thuận Hải và Châu Đốc, đã lan rất rộng đến cả người Thượng lẫn ngừơi Kinh miền Trung và miền Nam11. Ma lai độc đáo ở chỗ nó là người, nhất lại là người con gái, đêm đến, đầu bay đi ăn phân hay rút ruột người khác. Đổi tên thành Ma cà rồng, Ma lai xâm nhập miền thượng du Bắc Việt và sang cả Trung Quốc nữa.

Khởi điểm sớm hơn nữa của văn minh đna

Chúng tôi đã trình bày một số yếu tố căn bản thuộc tiền công nguyên của văn hóa đna. Những yếu tố ấy liên quan mật thiết với nhau và đã đi sâu vào nếp sống tâm tình. Nếp sống này, sau hai ngàn năm luyện đúc, hẳn đã làm nên một tầng nền chung vững chắc. Cái tầng nền chung này, phát minh khảo cổ gần đây cho thấy nó còn sâu, còn già hơn là chúng ta tưởng rất nhiều, già hơn cả mấy chục thế kỷ đó. Nhân chứng, đó là những khoản chung khác, như trống đồng, rìu có vai, rìu bôn tứ giác. Chúng ta đã đào tới lớp đất sâu khuất của đồ đá rồi.

Trống đồng, Hegor chia nó thành bốn loại:

– Loại I: lớn nhất, cổ nhất, mà cái nôi là Bắc Việt và Mã Lai á;

– Loại II: cổ hạng nhì, có lẽ gốc tại vùng Nam Trung Quốc và Bắc Việt;

– Loại III: gốc ở Miến Điện;

– Loại IV: nhỏ nhất và cũng trẻ nhất, bên Tàu có nhiều và đôi khi khắc chữ Hán.

Địa bàn trống đồng khá rộng và xuống tới Tân Ghinê.

Cái rìu có vai thì rải rác từ Chota Napur (Bắc Ấn), Assam (Đông Ấn) cho tới Nam Trung Quốc qua Miến Điện, Thái Lan, Phi luật tân, Campuchia, Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản, Cao Ly, các đảo Célèbes và Polynésie. Các vùng khác bên Âu Mỹ cũng có rìu có vai nhưng thuộc loại khác, cổ dài hơn, lưỡi nhọn hơn, vai cũng so hơn.

Gần đây, người ta còn kể đến cái rìu bôn tứ giác như sản phẩm riêng của vùng đna, nhưng địa bàn phát triển của cái rìu này không đồng nhấthẳn với cái rìu có vai.

Kiểm tra tương tự

Thánh Danh Chúa Giêsu: Trái Tim và Sứ Mạng của Dòng Tên

  Ngày 3 tháng 1, Dòng Tên hân hoan mừng lễ kính Thánh Danh Chúa …

Dòng Tên Việt Nam có thêm 4 Tu Sĩ Tuyên Khấn Trọng Thể

  Vào ngày 05 tháng 12 năm 2024, tại Nhà nguyện Học viện thánh Giuse, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *