Hội nhập văn hóa…(tt). Phần II: B. Những thành tố của tầng nền tâm hệ Việt

III. ĐI SÂU VÀO GIỮA VÙNG ẤN HÓA

Giữa vùng đna, Việt Nam là nước duy nhất không bị trực tiếp Ấn hóa. Nhưng lọt vào giữa vùng này, ngoài ảnh hưởng Ấn qua Phật giáo, Việt Nam sao khỏi thấm nhiễm một ảnh hưởng Ấn khác do thẩm thấu tự nhiên. Nhất là khi từ lưu vực sông Hồng, Việt Nam dù tiến xuống miền Trung của Chăm, rồi miền Nam của Khơme và Chăm.

Tại miền Trung từ thế kỷ XIV, Việt nam đã sống lẫn với người Chăm và những dân tộc chịu ảnh hưởng Chăm trước đó.

Tại miền Nam, ít là từ đầu thế kỷ XVII, Việt Nam đã đi vào giữa vùng Khơme. Theo sử liệu thì, năm 1623, chúa Sãi cử phái đoàn đến xin vua Miên nhường cho một địa điểm tại thành phố Khơme Prei Nokor (nay là Sài Gòn phía Chợ Lớn) để đặt trụ sở thu thuế quan và vua Miên đã chấp nhận ngay. Tại vùng Sài Gòn này, các nhà khảo cổ Pháp đã tìm thấy một số di tích, nhất là về vùng Cây Mai. Đây là những nền đền chùa, những tảng gạch nung và tượng cổ thuộc văn minh Tiền- Angkor (thế kỷ VII, VIII trở về trước). Sài Gòn hay Prei Nokor này có lẽ đã được xây trên nền của một thành phố tối cổ, thành phố Kattigara được Ptolemaios (Ptolémée) thế kỷ II nói tới trong cuốn Địa lý của ông. Xung quanh Sài Gòn: Biên Hòa, Vũng Tàu, Tây Ninh, Tân An, dọc hai sông Vàm cỏ, đâu đâu cũng tìm thấy di tích thuộc văn minh Tiền-Angkor. Và cũng thế đối với các vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá.

Quan trọng nhất ở vùng này có thành phố Óc eo, một hải khẩu quan trọng thuộc đầu công nguyên. Óc eo nằm trong địa phận Rạch Giá, phía Tây sông Hậu, cách bờ biển (vịnh Thái Lan) 25km (11km thời ấy theo ước tính của học giả Malleret). Đây là một khu dân cư lớn, trải dài trên 3 km và chiều rộng 1km500, có thể được hình dung như một Venise nổi lềnh bềnh trên nước của một hệ thống sông đào chằng chịt. Óc eo đúng là một hải khẩu tầm cỡ quốc tế, giao dịch với cả Ấn Độ, Trung Quốc, La Mã. Những đồng tiền và hiện vật tố cáo những xuất xứ này. Thí dụ: những đồng tiền mang hình Antonin le Pieux (138-161), Marc Aurèle (161-180). Óc eo tố giác một nền văn minh Ấn Độ phát triển mạnh trong khoảng thế kỷ II-III, đạt tới tột đỉnh vào khoảng thế kỷ III-V và tàn lụi có lẽ vào khoảng thếkỷ VII-VIII. Mức sáng chói của văn minh này được biểu lộ rõ nhất nơi những đồ trang sức như nhẫn, vòng tay bằng ngọc, bằng đá hiếm, bằng thuỷ tinh tự nhiên, bằng thiếc, bằng vàng, cùng với kỹ thuật điêu khắc rất điêu luyện. Trong số những tác phẩm này, có hình người Ấn hoặc Ấn-Iran với chòm tóc cao, mũ chỏm, mũ thùng, kiểu ngồi bắt chân chữ ngũ hoặc chân bỏ thõng với tay nưng hoa ngang mặt. Đồ trang sức cũng có thứ đưa từ ngoài đến, nhưng nhiều cái lại làm dở dang, chứng tỏ làm tại chỗ. Tại chân núi Ba Thê gần đó, người ta tìm thấy nhiều khuôn đúc nữ trang và các dụng cụ lặt vặt kể cả những đồ luyện kim nữa.

Xem như thế, miền Nam (và cả miền Trung) đã có một nền văm minh lâu đời lúc người Việt đặt chân tới. Đây là văn minh Ấn Độ ở đỉnh khá cao của nó, nhất là về mặt tôn giáo. Giữa một nền văn minh như thế, tránh sao khỏi hiện tượng thẩm thấu đối với người Việt. Có điều những thẩm thấu chậm chạp, kèm với sự đồng hóa (assimilation) dài lâu ấy, sẽ phân tán nhỏ ảnh hưởng Ấn-Khơme (và Ấn-Chăm) trên toàn cuộc sống, khiến ảnh hưởng thì vẫn sâu đậm đấy, mà không dễ dàng nhận ra.

Để làm chứng cho ảnh hưởng nói trên, xin đan cử ở đây một thí dụ, thí dụ tuy “vật chất” một tí, vì nó dễ nhận ra hơn, nhưng nó bắc cầu cho chúng ta hiểu sang những ảnh hưởng có tính “tinh thần”. Tôi có ý nói về những kiểu ngồi của người Việt từ Bắc chí Nam. Những kiểu ngồi này, trên phản hoặc trên đất, khác hẳn với kiểu ngồi trên ghế của Tàu.

Thật thế, ngoài kiểu ngồi thòng hai chân trên ghế hoặc trường kỳ mới học được của Tàu và Tây ra, người Việt có ba kiểu ngồi truyền thống sau đây:

a. ngồi sắp bằng tròn và

b. bắt chân chữ ngũ của miền Bắc;

c. ngồi chân thõng chân chống, với khuỷu tay mặt trên gối, bàn tay tì cằm, của miền Nam.

Kiểu ngồi sắp bằng tròn là của chung xứ Ấn, hoàn toàn phổ biến, ngày xưa cũng như ngày nay. Ngày nay dân Ấn, dù công chức, bác sĩ hay kỹ sư, cứ ở sở thì mặc Tây ngồi ghế, nhưng về nhà lại áo cánh, dhoti (khăn quấn giống như quần) và sắp bằng tròn dưới đất. Người tu hành Ấn, hễ ngồi thường thì thế, mà khi tham thiền, lặi vắt chân ngược chuyển sang tư thế hoa sẽ một cách dễ dàng.

Người Bắc khi nghiêm cẩn, luôn ngồi sắp bằng tròn. Lúc khác, họ có thể co một chân lên thành hình chữ ngũ. Kiểu ngồi bắt chân chữ ngũ cũng là kiểu ngồi Ấn không phổ thông. Theo Ernest E.Wood, người lính Ấn ở miền Rajput xưa, thay vì sắp bằng tròn, cũng co một chân lên để đứng dậy mau hơn lúc cần.

Bên Ấn, các vua và các thần ngồi một chân bằng, một chân bỏ thõng. Các vua Phù Nam và Lâm Ấp cũng ngồi theo như thế. Chắc khi Chăm còn vua, dân không dám làm như vậy, nhưng khi hết vua rồi, dân cũng ưa ngồi cùng kiểu.

Tại Óc eo, các ông lớn ngồi theo kiểu Ấn-Kusâna, chân trái bỏ thõng, gối kia co lên, khuỷu tay phải chống trên gối và bàn tay nưng bông hoa ngang mặt. Chắc nhiều vua chúa Phù Nam và Chân Lạp, tiếp theo người Nguyệt chi đã có thời cai trị vùng này, cũng bắt chước kiểu ngồi ấy. Từ lâu nay, người dân Khơme đã ngồi như vậy, nhưng thay vì nưng hoa lại chống cằm. Và người Việt Nam cũng làm theo.

IV. KẾT LUẬN

Văn minh đna, thiên về mẫu hệ, suốt từ thời đồ đá, đã mài giũa và đúc luyện nên cái tầng nền tâm hệ mà Việt Nam có chung với các dân tộc lân bang. Đây là bước đầu của phát triển tinh thần, một phát triển phôi thai, chưa tròn sự phát triển. Nhưng nó lại làm nên cái nền móng cần thiết, không thể đổi thay nữa, cho mọi phát triển tiếp theo. Sánh với tâm hệ cá nhân, nó tương đương với tầng lớp ấu nguyên của tâm hệ này. Biểu hiệu của nó phải là Trẻ thơ, nguyên tiêu Trẻ thơ.

Tầng nền ấy sẽ là nền tảng để tiếp nhận ảnh hưởng của các văn hóa đến sau: Trung Quốc đối với Việt Nam, Ấn Độ đối với những dân còn lại. Riêng đối với Việt Nam, nếu ảnh hưởng Trung Quốc đi từ thượng tầng xuống, thì cũng có một ảnh hưởng khác từ hạ tầng (base) đi lên, tôi có ý nói đến ảnh hưởng Ấn Độ qua Phật giáo và qua sự thẩm thấu từ Chăm, Khơme và Lào.

Hai ảnh hưởng này đã được tầng nền đna gạn lọc, biến đổi để hấp thụ nên một thứ tâm thức tổng hợp, xây đắp trên tầng nền ấu nguyên đna nói trên. Mọi tiến bộ về sau, mãi mãi về sau, để khỏi thành bấp bênh và lợi dụng được những nguồn năng lượng tâm linh vô tận của tầng nền, vốn liên kết với các nguyên tiêu, những tiến bộ ấy không thể không đếm xỉa đến cái quá khứ đã làm thành bằng đứa trẻ đna, bằng cậu thiếu niên Trung Quốc và Ấn Độ.

(Còn tiếp)

Kiểm tra tương tự

Thánh Danh Chúa Giêsu: Trái Tim và Sứ Mạng của Dòng Tên

  Ngày 3 tháng 1, Dòng Tên hân hoan mừng lễ kính Thánh Danh Chúa …

Dòng Tên Việt Nam có thêm 4 Tu Sĩ Tuyên Khấn Trọng Thể

  Vào ngày 05 tháng 12 năm 2024, tại Nhà nguyện Học viện thánh Giuse, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *