Cả Nhân của Khổng và Ái của Mặc đều mở rộng đến hết mọi người. Có điều, một cách cụ thể, chúng có mở đển kẻ thù không? Mặc tử thì hình như không xác định, Khổng tử chủ trương “Dĩ đức báo oán”, nhưng “dĩ trực báo oán” (lấy sự ngay thẳng mà đối đãi với kẻ thù). Chỉ một mình Lão giáo đã nói ngược hẳn: Dĩ đức báo oán (Đạo đức kinh, ch.63)
Có điều “báo oán dĩ đức” của Lão phải được hiểu trong đường hướng “vi vô vi” và “bất tương tranh”, mà đích nhắm cho Trời là Nhất, cho Đất là Ninh (an), cho Vật là Sinh, cho người là Hòa, cho mình là An thịnh. Chứ đích nhắm không phải chính bản vị con người mà chúng ta muốn bồi đắp cho bằng chính sự hy sinh của mình như Chúa Kitô trên thập giá.
Như đã nói, Trung Quốc là một dân rất thực tiễn. Họ không đưa ra một lý thuyết mà không nhắm những mục đích thực dụng. Khổng tử hay Mặc tử đều mong muốn một xã hội hoàn chỉnh. Họ đã nghĩ đến xã hội ấy khi tìm cách giải thích bằng siêu hình học các đường hướng và nguyên tắc tổ chức của nó.
Để mang đạo đức đến cho con người và xã hội, Khổng tử nghĩ đến Hóa dân. Để giáo hóa dân, một dân tộc hầu hết còn quê mùa, ít học, Khổng tử phải nghĩ đến Lễ. Nếu đối với quân tử, Lễ chỉ giúp hàm dưỡng tính tình, thì đối với dân, Lễ cần dùng để giáo hóa. Giáo hóa bằng cách vun đắp những tương quan tốt: giữa vợ với chồng, giữa con với cha mẹ, giữa học trò với thầy, giữa dân với đức vua, giữa con người với trời đất. Giáo hóa bằng cách tăng cường những tình cảm bất cập, và tiết chế những cảm xúc thái quá: “Trị nhân chi tình” mà! Phải, Lễ là thước đo để giữ đúng mức mỗi loại tương quan, nhờ đó đắp xây trật tự từ trong nhà ra đến ngoài ngõ, đến toàn xã hội.
Thật ra, thì nguyên tắc của Tình là Trung, mà cách giữ được Trung trong tương giao là Lễ. Không phải thứ Trung cứng nhắc nên gò bó. Trung phải uyển chuyển tuỳ cảnh, tuỳ người, tuỳ thời. Những cấp độ khác nhau trong Trung phải được biểu lộ khác nhau trong Lễ. Lễ không phải là mục đích; Lễ chỉ là đường đưa tới đích là tâm tình:
Phù tề giả, phi vật tự ngoại chi giả dã; tự trung xuất, sinh ư tâm dã (Tế không phải vật gì từ ngoài đến, mà từ trong ra, do tâm sinh ra) (Lễ ký, XXV).
Do đó, đúng Lễ phải có tâm thành.
Có điều, xác thịt là vật chất, mà vật chất thì quán tĩnh, muốn trì lại ở những gì đã thành nếp thành quen. Nên người sau dễ dàng lễ vì thói quen, quen đến chấp lễ. Tuy chấp lễ không phải là đường Nho chân chính, nhưng đã thành đường của mọi người trong cửa Khổng sân Trình, của mọi dân theo đạo Nho, tất cả thành hủ Nho.
May thay, thứ hủ nho giáo này được Vô chấp của Lão giáo đến hóa giải để tái lập quân bình. Lão tử vốn chống Lễ: “Thất nghĩa nhi hậu Lễ” (mất Nghĩa rồi mới có Lễ). Và cũng thế đối với những gì cao hơn:
Thất Đạo chi hậu Đức
Thất Đức chi hậu Nhân
Thất Nhân chi hậu Nghĩa
Thất Nghĩa chi hậu Lễ.
Lão tử đề nghị sự phá chấp, cho chuyển động được trơn lưu của Ý từ trong ra đến ngoài, mà không vướng mắc một khuôn thước nào cả. Cái tự nhiên ấy phải đạt tới mức tột cùng của nó ở thuần phác: vô danh chi phác, mà biểu hiệu là “Con đỏ”.
Lão tử giải thích thái độ vô chấp bằng sự vô vi của trời đất: Đạo lớn của trời đất là chẳng làm chi, mà cái gì cũng thành cả (vô vi nhi bất vi của ch.37).
Lễ của Nho giáo hay Vô chấp của Lão giáo (và cả của Phật giáo Thiền tông), thử hỏi cái gì hợp hơn với Kitô giáo chúng ta?
Với Kitô giáo, Thiên Chúa đã thành hữu hình nơi Đức Kitô lại thoái hình khi chịu chết và về cùng Cha bằng mầu nhiệm Phục sinh Thăng vinh. Nhập thể, Ngài đã khiến ân sủng được sờ mó thấy nơi Ngài, và kế đó nơi huyền tích (sacrements). Huyền tích tuy là dấu hiệu khả giác, nhưng nó chỉ thành ân sủng khi biểu thị sự sống vô hình, sức sống siêu nhiên.
Vả nữa, khi Đức Kitô thiết lập dấu hiệu hữu hình của huyền tích, nhưng chính Ngài lại đả phá cái chấp hình của Biệt phái. Cho nên với Đạo Thầy, trong Lễ phải có thái độ Vô chấp, nghĩa là Lễ mà không vụ vào Lễ, không chai cứng ở hình thức của Lễ, để luôn luôn có thể vươn tới cái vô hình (ân sủng) mà Lễ phải sinh ra. Do khuynh hướng phá chấp này của Đức Kitô, chúng ta nên (nếu không là phải) dành một chỗ đứng trong Đạo cho một số người trí thức, không phải vì lười mà vì yêu con đường Vô chấp của Phật Lão, nên thích tu luyện và nhập định hơn là đọc kinh và đi nhà thờ. Đối với những người này, phải giúp họ hiểu sâu về Đạo, hiểu dưới khía cạnh huyền nhiệm hơn là lý luận suông. Chỉ cần nhắc nhỏ họ là đôi khi phải cầu nguyện chung với người khác để dễ sống sự Hiệp thông Giáo hội. Và thỉnh thoảng đi dự lễ để hiệp thông với Chúa chịu đóng đinh.
Lại cũng trong tinh thần Nhập thể, thay vì hệ thống Tứ trụ đức của Hy Lạp, chúng ta hãy mang các đức trụ Khổng giáo vào xây nền cho tòa nhà đạo đức học.