Hội nhập văn hóa (tt) Phần III. Vài ba yếu tố từ các thành phần nền tảng văn hóa Việt.

 

Xây dựng một gia đình Việt công giáo.

Đức Nhân bao trùm tất cả, nhưng hiện thể của nó thì nhạt đậm khác nhau tuỳ tương quan thân sơ. Vì tương quan thứ nhất và sâu nhất là ở sinh thành, nên biểu hiện tối trọng của Nhân phải là Hiếu. Hiếu đúng là con đầu đàn trong đàn con của Nhân.

Xây dựng yêu thương phải bắt đầu với cha mẹ (lập ái tự thân thỉ) (Lễ ký, ch.XXIV).

Cho nên, bậc quân tử có đối xử chí tình với mẹ cha, thì dân mới hứng khởi mà làm nhân được (Luận ngữ XVIII).

Gốc của Nhân là Thành, Kính, Ái. Nên có hiếu khí thì phải kính yêu cha mẹ. Kính yêu trong thâm tâm, rồi biểu lộ ở việc làm là nuôi dưỡng, ở thái độ là trọng nể. Để nhấn vào Kính, Khổng tử đã mỉa mai bằng một câu thật độc địa:

Nuôi mà không kính, thì khác gì nuôi chó, nuôi mèo. (Luận ngữ II)

Nuôi mà kính rồi, còn phải làm vui cho cha mẹ nữa (Lễ Ký, Đàn cung hạ).

Đừng tưởng Nho giáo thờ cha mẹ như thờ Thiên Chúa, do đó nhắm mắt mà thờ. Theo Khổng tử, nếu cha mẹ lầm lỗi thì phải can gián. Can không được thì đành vậy, chứ không thể lên án và tố cáo song thân mình (Luận ngữ IV, XIII); Khổn gtử gia ngữ, IX; Hiếu kính, XV).

Để biểu hiện đức Hiếu, bao giờ cũng phải có cung, có lễ: “Khi sống lấy lễ mà đãi, khi chết lấy lễ mà chôn, khi tế lấy lễ mà thờ”.

Trước Khổng tử, Trung Quốc đã có nghi thức chôn và tang rất tỉ mỉ, mà Khổng tử đã thu tập và hoàn chỉnh trong bộ Lễ ký vĩ đại. Đối với Khổng tử, việc thờ song thân và tiên tổ là quan trọng bậc nhất. Nếu Khổng giáo có gì đáng gọi là tôn giáo thì đó là Gia tiên giáo vậy.

Tuy thờ cúng phải có lễ, nhưng khi lễ, lại phải ý thức và tâm thành.

Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí giả (Trung Dung).

Do đó, dù cha mẹ đã khuất đi, người con chí hiếu vẫn tưởng như nghe cha mẹ nói, nhìn thấy bóng hình cha mẹ như phiêu phưởng đâu đây:

Thính ư vô thanh, thị ư vô hình (Lễ ký I).

Táng và giỗ, kẻ có của thường thích làm to vì huênh hoang. Khổng tử chống lại sự huênh hoang đó. Ngài chỉ cần tâm thành nên khuyến khích kiệm ước:

Lễ mà xa xỉ thì Ninh kiệm (thà tiết kiệm); tang mà cầu kỳ thì Ninh thích (thà buôn thương).

Nên Khổng tử đề nghị một hình thức vừa phải, vừa túi tiền của cả ngừơi giàu lẫn người nghèo, mà không gây so sánh chi cả:

Xứng gia hữu vô (vừa sức cho cả nhà có lẫn nhà không có của) (Lễ ký: Đàn cung thương).

Tương quan gia đình, hướng lên là Hiếu, mà mở sang hai bên là Để (tốt với anh chị em). Hiếu Để là nền tảng đạo đức để xây dựng một gia đình êm vui và bền chặt. Để gia đình bền chặt, Nho giáo đã sử dụng một chất keo thiêng liêng: việc thờ cúng cha mẹ. Để gia đình mở rộng, việc thờ cúng ấy vượt xa hơn về phía gia tiên.

Trong nhà thì có bàn thờ cha mẹ, ông bà. Trong họ thì có nhà thờ tổ. Sự có mặt trong hương khói của tổ tiên sẽ thiêng liêng hóa tương quan, sẽ nối kết bền chặt trong cùng một ý thức dòng họ, cùng một niềm sùng kính đối với cội nguồn.

Đứng trước một thế giới trong đó con người ngày càng đơn độc, mà gia đình, tổ ấm duy nhất của con người đơn độc ấy giữa cuộc đời bon chen, lại đang tan rã, chúng ta cần đến những nét chính của sơ đồ gia đình Nho giáo để cứu vãn ngay cả gia đình Công giáo chúng ta, và ngay tại đất nước này.

Gia đình Kitô hữu, được tập hợp nhân danh Chúa Kitô, đã là và phải thành Giáo hội (ekklêsia: tập hợp), huyền thần (corps mystique) của Chúa. Để gia đình ấy thực sự tập hợp nhân danh Chúa, nghĩa là thành Giáo hội, nó phải thể hiện trong đời sống mầu nhiệm của sự kết hiệp giữa Chúa Kitô với Hội thánh ấy (Ep 5,32) bằng niềm âu yếm thiêng liêng giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em, họ hàng với nhau. Nghĩa là phải thiêng liêng hóa mối giây liên hệ này bằng ý nghĩa (và sống ý nghĩa) hôn nhân Kitô giáo.

Đây là mầu nhiệm sự kết hiệp thiêng liêng giữa Chúa Kitô với Giáo hội. Nhưng nó thể hiện trong sự hiệp nhất thiêng liêng chuyên loại (spécifique) của gia đình, và gia đình ấy mở sang ngang: trong họ; lên trên: gia tiên. Huyền tích hôn nhân đã tới để thánh hóa một tương quan tự nhiên sẵn có, và tương quan này đúng là “hai chiều”. Như vậy, việc thờ cúng tổ tiên, nhờ huyền tích hôn nhân, đã được thánh hóa rồi. Được thánh hóa rồi, nó có chức năng nối kết tất cả bằng một liên hệ Kitô tính, để bằng liên hệ thiêng liêng Kitô tính này, nó Giáo hội hóa gia đình và Giáo hội hóa toàn dòng họ trong cùng một niềm sùng kính đối với cội nguồn chung.

Để được như thế, phải thành lập và khuyến khích thành lập bàn thờ gia tiên, phải đưa ít là một phần của hôn lễ, tang lễ và lễ giỗ Công giáo trở lại môi trường gia đình. Đồng thời phải Việt hóa những nghi lễ ấy bằng cử chỉ và biểu hiệu truyền thống. Dĩ nhiên cũng cần đơn giản hóa, hợp thời hóa và Kitô hóa cả bàn thờ gia tiên lẫn các nghi thức nói trên.

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *