Nhất là vô thức tập thể
Cái được hiểu về một người cũng có thể áp dụng có một tập thể người. Tuổi ấu thơ của tập thể, đó là thời nguyên tổ, lúc ông cha ta còn sống như trẻ thơ, trước khi có sự rạn nứt giữa ý thức với vô thức. Khi ấy, vô thức giống như tiền ý thức, để các nội dung tâm linh trơn trượt giữa hai khu một cách tự nhiên, dễ dàng, như qua một cái cửa không cánh cửa. Cửa không cánh cửa, nên chưa có khác biệt lớn lao, chưa có cách biệt. Khi ấy cường độ ý thức và ý muốn chưa mạnh, nên chưa có chọn lựa và tập trung, chưa có phân biệt đối xứ, chưa có con ghét con yêu, chưa có cấm cản và dồn nén.
Tình trạng này giống như tình trạng trẻ thơ, tình trạng người mơ và tâm bệnh ngoại tiếp. Có điều ở hai trường hợp sau, thì nội dung vô thức đã méo mó, chỉ ra mắt sau khi đã cải trang.
Quả thật, con người duy lý duy tâm hôm nay đã lớn to nhưng cà thọt, vì xưa đuổi đứa trẻ thơ, vì phủ nhận nền tảng của mình. Đứa “xích tử” ấy, bật dội vào vô thức, vẫn rình mò để khẳng định mình bằng đường lối quanh co, có khi bằng bộ mắt biến dạng, ma quái.
Phải, quá trọng ý thức và lý trí, con người văn minh hôm nay đã lãng quên vô thức và khinh bỉ những gì ngoại lý (irrationnel). Quá thực nghiệm (positiviste) kiểu duy lý, họ chỉ biết có khoa học và rẻ rúng thiêng liêng. Và duy lý đến duy tâm (idéaliste), họ chỉ biết có ý tưởng sáng sủa, nên đẩy lui vào bóng tối những giá trị cảm tính dù rất sâu xa, cơ bản nhứt. Quá cấp tiến, họ từ chối quá khứ nên bật gốc khỏi chính nền tảng của mình, nền tảng văn hóa và tâm linh. Bởi thế, như Jung mai mỉa, thay vì cứ bay cho sướng theo giấc mơ bay ngàn xưa của mình, họ đã dội bom để tiêu diệt chính mình. Thậm chí bằng cả bom nguyên tử, cao điểm của phát minh.
Theo Jung, khi đem ánh sáng văn minh đến cho một dân bán khai mà không đếm xỉa gì đến di sản văn hóa ngàn đời của họ, thì người ta sẽ làm tan rã các giá trị thiêng liêng và lu mờ ý nghĩa cuộc sống4. Rời bỏ hệ huyền thoại của mình, dân tộc ấy cũng mất luôn hồn sống của mình. Nó không thể tồn tại, vì nó đã mất hướng đi.
Thứ ánh sáng duy lý của văn minh hôm nay đã biến tinh thần thành mớ ý thức trừu tượng khô khan. Tinh thần hết còn là “Khí hạo nhiên chí đại chí cương”, hết còn là vị Chúa tể thần thánh nơi biểu hiệu Ngừơi cha toàn cầu (praja-pâti). Ánh sáng duy lý ấy cũng xóa đi vẻ mặt Người mẹ tối ư huyền sinh của vật chất, khiến vật chất chỉ còn là công cụ cho tham vọng loài người. Bị nô lệ cho tham vọng ấy, vật chất đã biến thành con yêu làm mê mẩn lòng người, thành con yêu hút tinh để huỷ đi những gì còn là người trong chúng ta.
Quả thật, con người ngày nay đã mất liên lạc với cả siêu nhiên lẫn tự nhiên, với cả chính mình ở chỗ là người. Vì con người hôm nay không còn thể hiểu được ý nghĩa thiêng liêng nguyên thuỷ của những biểu hiệu Người cha, Người mẹ, Hài nhi, Trinh nữ v.v. Đây là những tiêu mẫu nguyên sơ, những gì hướng dẫn tâm tư con người xưa, những gì nói lên lối cảm nghiệm thực tại của tiên tổ, những gì làm nên linh hồn cho cuộc sống của họ. Những cái mà Jung gọi là Tiêu mẫu nguyên thuỷ (Arkhê-tupos), tắt là Nguyên tiêu.
Vậy nguyên tiêu là gì, và do đâu mà có?
Theo Jung, nguyên tiêu là những khuynh hướng tác động như bản năng, chúng căng hướng về sự xác định và khẳng định mình. Để hiển hiện ra, chúng phải kiếm lấy cho mình một thân xác bằng hình ảnh vì chúng chưa phải là hình ảnh, bằng ý tưởng vì chúng chưa phải là ý tưởng. Chúng mới chỉ là một thứ mô tượng chung chung (schème général), thứ khuynh hướng và quy luật, khuôn khổ (kiểu Kant) để tạo ra những hình ảnh và ý tưởng phù hợp, khả dĩ diễn tả phần nào cái mà bản chất là không thể tả. Mỗi môi trường văn hóa sẽ cung cấp cho nó những loại hình ảnh, những cách diễn tả mà người bên trong có thể hiểu và cảm ứng tốt nhất.
Tuy rằng nguyên tiêu chẳng bao giờ rõ nét hẳn ở những cách diễn tả ấy, nhưng nó cũng có thể được hiểu một cách chung chung qua những ý tưởng, như Vị anh hùng, Đấng cứu thế chẳng hạn.
Không những là mô tượng, nguyên tiêu còn là một năng lượng tâm linh, một khuynh hướng tác động như bản năng, rất sâu xa và mãnh liệt. Là khuynh hướng, nó đi tìm đối tượng của nó. Đối tượng không rõ hẳn, được xác định một cách chung chung thôi. Gặp đối tượng, nó mới triển khai đúng hướng, mới đạt hết sức mạnh của mình và thỏa mãn.
Nơi người thái cổ hoặc bán khai, nguyên tiêu hiển hiện một cách tự nhiên nơi các huyền thoại để hướng dẫn cuộc sống và cho nó một linh hồn. Nơi người văn minh, nguyên tiêu hay xuất hiện trong các giấc mơ gọi là Đại mộng. Những hình tượng trong đại mộng hoàn toàn khác lạ và quái dị, không thể giải thích được bằng quá khứ và giáo dục riêng của kẻ mơ. Những hình tượng ấy cũng sắc nét, in sâu, khó quên. Hình tượng và chủ đề mơ còn khẳng định mình là quan trọng và thúc bằng được phải kể cho người khác nghe nữa. Bởi lẽ chúng không phải chỉ là của riêng cá nhân. Chúng thụôc vô thức tập thể, nên còn thuộc cả tập thể. Chúng thường mách bảo và tiên báo những gì thuộc lợi ích cơ bản của cá nhân đương sự hoặc của cộng đồng mà đương sự thuộc về. Trong trường hợp sau, nguyên tiêu sẽ là nguồn tạo nên những huyền tượng, những tôn giáo, những trào lưu tư tưởng, những ý thức hệ, mà mục đích là trị tại căn những vế thương thời đại, như chiến tranh, bệnh tật, thoái hóa, suy vi.
Theo Ernest Aeppli5, nguyên tiêu là sự cấn đọng kinh nghiệm của ngàn muôn thế hệ. Chúng nói lên tương quan của con người với các sức mạnh siêu nhiên và trần thế, nói lên cách xử sự mẫu mực đã hình thành trong quá khứ, tức những tiêu mẫu kinh nghiệm. Quá khứ càng xa, kinh nghiệm càng lâu, thì khuôn mẫu càng vững bền, và khuôn mẫu ấy chở mang với mình một năng lượng tâm linh càng lớn. Quá khứ rất xa xôi của một dân tộc (hay của chung giống người) cấn đọng thành cái tầng nền của Vô thức tập thể, tương ứng với tầng nền ấu nguyên của phần vô thức cá nhân.