Corrado Confalonieri sinh năm 1290 trong một gia đình giầu có ở Piacenza thuộc miền bắc nước Ý. Conrad kết hôn với Euphrosyne, con gái của một người quý phái.
Một ngày kia, trong khi đi săn Conrad ra lệnh đốt một số bụi rậm để lùa thú ra ngoài. Lửa cháy lan ra cánh đồng kế cận và thiêu hủy cả một cánh rừng. Một nông dân vô tội bị cầm tù, bị đánh đập ép phải nhận tội và bị kết án tử hình. Tuy nhiên Conrad đã ra thú tội, cứu mạng người nông dân ấy và ông phải bồi thường thiệt hại.
Sau biến cố ấy không lâu, Conrad và vợ đồng ý ly thân: bà gia nhập tu viện Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn và ông đến với một nhóm người sống ẩn dật theo quy luật Dòng Ba Phanxicô. Tuy nhiên, không bao lâu, sự thánh thiện nổi tiếng của thầy Corrado Confalonieri lan tràn. Vì sự cô quạnh bị khuấy động bởi khách thăm viếng, thầy Corrado di chuyển đến một nơi hoang vắng ở Sicily và thầy sống ẩn dật ở đây trong 36 năm, cầu nguyện cho chính mình cũng như cho thế gian.
Sự cầu nguyện và ăn năn đền tội là cách thầy đáp trả với những cám dỗ cản trở thầy nên thánh. Thầy từ trần ngày 19 tháng 2 năm 1351 tại Noto, Syracusa khi còn quỳ gối trước tượng thánh giá. Thầy Corrado Confalonieri được Đức Giáo Hoàng Leo X tôn phong Chân Phước năm 1515 và Đức Giáo Hoàng Urbanus VIII tôn phong hiển thánh cho thầy Corrado Confalonieri ở Piacenza năm 1625.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô Assisi vừa quý trọng sự chiêm niệm vừa yêu quý đời sống rao giảng; giai đoạn cầu nguyện mãnh liệt là để nuôi dưỡng sức mạnh rao giảng. Tuy nhiên, một số môn đệ đầu tiên của ngài cảm thấy được mời gọi đến đời sống chiêm niệm, và ngài chấp nhận điều đó. Mặc dù đời sống Thánh Conrad ở Piacenza không phải là một quy tắc trong Giáo Hội, nhưng ngài và các vị chiêm niệm khác nhắc nhở chúng ta về sự vĩ đại của Thiên Chúa và niềm vui của thiên đàng.
Lời Trích
Trong Huấn Thị về Ðời Sống Chiêm Niệm, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI có viết như sau: “Rút lui vào nơi vắng vẻ là để người Kitô kết hợp chính mình một cách mật thiết với sự thống khổ của Ðức Kitô, và trong một phương cách đặc biệt, giúp họ chia sẻ mầu nhiệm vượt qua và hành trình của Ðức Kitô từ trần thế đến quê trời” (#1).
Kiểm tra tương tự
Có Chúa luôn bên ta – Lời nhắc nhở mỗi ngày
Có cám dỗ cho rằng Thiên Chúa không ở gần ta, hoặc làm ta …