Hành Hương Thánh Đô Rôma Năm Thánh Lòng Thương Xót – phần 01

Hành Hương Thánh Đô Rôma 

Năm Thánh Lòng Thương Xót

(phần 01)

Trong chương trình khoá Thần Học Căn Bản cho Giáo Dân do Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Ngọc Thế, SJ, tổ chức tại Đan Mạch (2015 – 2017), đã dự kiến một cuộc hành hương và học hỏi tại Thánh Đô Roma. Nay thời điểm lại tình cờ trúng vào Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng tôi càng thêm phấn chấn, hỉ hoan, biết ơn và cảm tạ Chúa Quan Phòng, đã khéo léo sắp đặt cho chúng tôi được ân hưởng hồng phúc bất ngờ, từ Thứ Năm ngày 14 đến Thứ Sáu, ngày 22 tháng 4, năm 2016.

Chúng tôi gồm 54 người chia làm hai nhóm xuất phát. Nhóm I chúng tôi gồm 13 người từ Copenhagen, đáp chuyến bay sáng của hãng Norwegian, còn nhóm II do Cha GB hướng dẫn đi từ Billund, Hamburg, Nauy và Paris. Tất cả hai nhóm cùng hẹn gặp nhau tại Foyer Phát Diệm, nơi chúng tôi sẽ ở suốt thời gian cuộc hành trình tại Rome.

Sớm bay đến Rome vào trưa nắng ấm, nhóm chúng tôi bèn rủ nhau tung tăng dạo phố “Kinh Thành Muôn Thuở.” Xe cộ chạy vù vù như mắc cửi, không kém Sàigòn nhộn nhịp, xô bồ, một thuở Hòn Ngọc Viễn Đông. Những tấm bánh Pizza chánh hiệu, vừa vĩ đại vừa ngon lạ, cùng với Coca Cola ngất ngây đã cám dỗ khách hành hương dùng thay bữa cơm trưa. Sau đó kéo nhau đi dạo mãi hơn 18g mới về Foyer Phát Diệm. Rồi Cha Phêrô Nguyễn Hùng Hải ghé đến thăm hỏi trò chuyện, đến khi nhóm Cha GB đến, mọi người lại bận rộn giúp nhóm mới nhận phòng và đưa hành lý lên phòng.

Xong xuôi, chúng tôi cùng họp nhau tại phòng ăn của Foyer. Vì bà con đi suốt cả ngày đường mệt mỏi, nên Cha GB để mọi người nghỉ ngơi và dùng cơm chiều lúc 20g. Sau đó, lúc 21g, Thánh lễ Tạ Ơn mới chính thức khai mạc chuyến hành hương và học hỏi.

Thành phố Roma thuộc vùng Lazario nằm về phía đông của miền Trung nước Ý, với dân số khoảng 3 triệu người. Đây là thành phố với rất nhiều tên gọi như “Kinh Thành Vĩnh Cửu”, “Thành Phố Của 7 Ngọn Đồi,” “Kinh Đô Của Các Bảo Tàng,” “Vùng Đất Của Giới Nghệ Sĩ.” Theo truyền thuyết Roma được khai sinh bởi cặp anh em sinh đôi là Remus và Romolus, vào khoảng năm 700 trước Công Nguyên.

Tại ngọn đồi Palatino thành phố Roma đã được khai sinh và được mệnh danh là “Caput Mundi,” thủ đô của thế giới. Bên dưới ngọn đồi Palatino là diễn đàn La Mã, Foro Romano. Ngày nay trên đống hoang tàn của các tảng đá, người ta vẫn còn thấy rõ dấu tích của những đền thờ, lâu đài, những pho tượng và những khu chợ cổ, vốn là khu trung tâm kinh tế chính trị của toàn đế quốc Roma trong một thời vàng son dĩ vãng. Khi Đế Quốc Roma sụp đổ vào thế kỷ thứ 5, khu trung tâm này đã từng bị bỏ hoang và trở thành nơi chỉ dành cho những chú mục đồng và những đàn gia súc.

Sau những trận động đất và những cuộc tàn phá của con người, đấu trường Colosseo đã bị tàn tạ cho đến ngày nay và trở thành biểu tượng lâu đời nhất của Đế Quốc Roma cổ đại. Đây là võ trường đã đẫm máu hàng ngàn võ sĩ giác đấu, các nô lệ và cả những tín hữu KiTô giáo đầu tiên kéo dài trong suốt 4 thế kỷ. Bên cạnh đấu trường là cửa khải hoàn môn của Hoàng Đế Constantinus với dòng chữ Kẻ Được Gợi Hứng Bởi Thần Linh. Patheon, đền thờ tất cả các thần từ Giuno, nữ thần của sự sống cho đến Marx, thần của chiến tranh. Mái vòm của ngôi đền hình bán nguyệt với đường kính 9 m. Trên đỉnh của mái vòm là một khoảng rỗng được gọi là cặp mắt của ngôi đền, là nơi trực tiếp nhận ánh sáng mặt trời và chiếu sáng cho cả ngôi đền.

Quảng trường Navona, hiện đang là quảng trường rộng nhất của Châu Âu, đã từng là sân vận động cho việc chạy đua đã có từ thời Hoàng Đế Domiciano. Quảng trường này còn mang đậm nét kiến trúc thời Baroc và là đất dụng võ của các nghệ sĩ đường phố. Hành trình tại Roma sẽ thiếu trọn vẹn nếu không ghé đến Fontana Trevi, vòi nước Trevi, để ước nguyện một điều gì đó. Ném một đồng xu xuống nước, nghĩa là bạn ước mong có dịp sẽ quay trở lại Roma, ném 2 đồng xu xuống nước biết đâu bạn có cơ hội yêu một người Roma nào đó.

Roma cũng là thành phố của những chiếc cầu đầy nghệ thuật. Ví dụ như chiếc cầu dẫn vào Lâu Đài Các Thiên Thần, được xây từ thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên, sau đó được Bernini, một điêu khắc nổi tiếng, trang trí bằng bức tượng các thiên thần cầm những khí cụ trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.

Để được đặt chân đến một trong những quảng trường lớn nhất thế giới, quảng trường Thánh Phêrô, khách hành hương phải băng qua chiếc cầu bắt ngang sông Tiber. Ngôi đền thờ lớn nhất thế giới, Vương Cung Thánh Đường Phêrô là nơi hội tụ những công trình nghệ thuật của các nghệ sĩ bậc thầy. Mái vòm của đền thờ được thiết kế bởi kiến trúc sư hàng đầu thời phục hưng, đó là Michelangelo. Từ trên mái vòm nhìn xuống quảng trường Phêrô được giới hạn bởi hai hàng cột, như vòng tay người mẹ mở rộng chào đón bước chân của muôn triệu khách hành hương tiến về Roma, để đón nhận phép lành của Đức Giáo Hoàng.

Nơi lý tưởng để được ngắm hoàng hôn Roma trên sông Tiber là đảo Tibêrina, đảo này được nối liền với hai bờ của dòng sông bằng hai chiếc cầu Cestio và Fabricio.

Vatican: Toà Thánh Vatican là một quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới nằm trong lòng thành phố Roma, với diện tích xấp xỉ 44 hecta được bao kín bởi những bức tường xây. Những khu vườn trong thành Vatican được thành lập từ thời đại Phục Hưng và thời kỳ Baroc, chiếm hơn một nửa diện tích lãnh thổ. Tòa Thánh có tên chính thức là Thành Quốc Vatican – Status Civitatis Vaticanae (tiếng Latinh), Stato della Città del Vaticano (tiếng Ý ). Bài quốc ca Innoe Marcia Pontificale, nghĩa là Quốc ca và hành khúc Giáo Hoàng. Quốc gia này được thành lập năm 1929 theo Hiệp Ước Latêranô với tư cách là hậu thân của Quốc gia Giáo Hoàng, tồn tại từ năm 756 tới 1870 sau Công Nguyên. Đứng đầu điều hành là Giám Mục Roma, tức Đức Giáo Hoàng. Các quan chức cấp cao nhất của quốc gia đều là giáo sĩ của Giáo Hội Công Giáo Roma. Đây cũng là lãnh thổ có chủ quyền của Tòa Thánh và là nơi có Điện Tông Tòa (nơi ở của Giáo Hoàng) và Giáo Triều Roma. Theo nguyên tắc trụ sở Giáo Hội Công Giáo là Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô (nhà thờ mẹ của các nhà thờ ) nằm ở Roma, ngoài biên giới của quốc gia, nhưng Vatican vẫn được cho là trung tâm giáo quyền của Giáo Hội Công Giáo Roma.

Lãnh thổ Vatican là một phần của Mons Vaticanus, đồi Vatican, sát kề cánh đồng Vatican là đền thờ Thánh Phêrô, điện Giáo Hoàng, nhà nguyện Sistine, nhiều bảo tàng và nhiều công trình kiến trúc khác. Năm 1929 vùng này tách biệt khỏi thành phố và nằm trên bờ phía tây sông Tiber, đây là vùng mở rộng về sau của thành phố và được bảo vệ khi Giáo Hoàng Leo IV cho gộp vào trong bức tường bao quanh thành phố, sau này được mở rộng thành những bức tường kiểu pháo đài như hiện nay, bởi các Giáo Hoàng Phaolô III, Piô IV và Urbanô VIII. Đa phần lãnh thổ thuộc về Vatican đều nằm bên trong vòng tường, nên khiến các bức tường này được dùng để định nghĩa làm ranh giới. Ở những nơi không có tường xây thì những dãy nhà ở đó trở thành một phần biên giới và một phần nhỏ biên giới được xây dựng mới ở thời hiện đại. Những bức tường đá bao quanh khu vực ở phía Bắc, Nam và Tây. Lãnh thổ bao gồm quảng trường Thánh Phêrô, không thể tách rời với phần còn lại của Roma, vì thế mà có một đường biên giới ảo với Ý quốc được quy định chạy dọc, giới hạn bên ngoài của quảng trường, giáp với Piazza Pio XII và Via Paolo VI.

Con đường Hòa Giải, Via Della Conciliazione, nối quảng trường Thánh Phêrô với Roma qua chiếc cầu Thiên Thần (Ponte Sant Angelo). Con đường lớn này được Mussolini xây dựng sau khi hiệp ước Latêranô được ký kết. Theo hiệp ước Latêranô, một số tài sản của Tòa Thánh nằm rải rác trên lãnh thổ Ý, nơi đóng trụ sở và làm việc của các định chế cần thiết cho tính chất và nhiệm vụ truyền đạo của Tòa Thánh, mà nổi tiếng là Castel Gandolfo và nhà thờ Thánh Phêrô. Tháp kỷ niệm Vatican được Caligula sáng tạo để trang hoàng trường đấu Colosseo và cũng là vật còn sót lại đến ngày nay. Khu vực này là nơi tử đạo của nhiều Kitô hữu hồi năm 64 sau Công Nguyên. Truyền thuyết kể rằng Thánh Phêrô đã bị đóng đinh treo ngược vào thập giá tại nơi này. Đối diện đấu trường là một nghĩa trang tách rời với Via Cormelia. Những hầm mộ, lăng tẩm và mồ mả nhỏ cũng như bàn thờ thần ngoại của những tôn giáo khác được xây dựng kiên cố trước khi công trình quảng trường Constantinian Thánh Phêrô được xây dựng một nửa hồi thế kỷ IV sau Công Nguyên. Nơi ở của Giáo Hoàng nằm gần quảng trường, được xây dựng ngay từ thế kỷ V trong thời giáo hoàng Symmachus (qua đời ngày 19.6.514, triều đại từ 498 -514).

Các giáo hoàng trong vai trò không thuộc tôn giáo, đã đến cầm quyền các khu vực lân cận, lập ra Quốc gia Giáo Hoàng, có quyền lực trên phần lớn bán đảo Ý hơn một ngàn năm cho đến giữa thế kỷ XIX, khi lãnh thổ của quốc gia Giáo Hoàng bị tịch thu bởi sự thành lập của Vương Quốc Ý. Trong thời gian ấy Vatican không phải là nơi ở thường xuyên của Giáo Hoàng mà là ở Avignon (Pháp quốc). Giáo Hoàng không được vua Ý công nhận khi ra luật ở Roma, họ từ chối cấp phép cho vùng đất Vatican cho đến khi sự bất hòa của đôi bên được giải quyết vào năm 1929. Ý không có ý định can thiệp vào Tòa Thánh trong thành Vatican, tuy nhiên họ đã tịch thu tài sản của Giáo Hội ở nhiều nơi, đặc biệt bao gồm lâu đài chính phủ Ý, nơi ở chính thức trước kia của Giáo Hoàng. Ngày 11.02.1929 Tòa Thánh và Vương Quốc Ý đã ký kết hiệp ước thành lập quốc gia Vatican, đồng thời công nhận Công Giáo có vai trò quan trọng tại Ý. (Têrêsa Ngô Hà Bảo Trâm,Vài nét về Roma và Vatican)

Ngày Thứ Sáu 15/4/2016, chúng tôi khởi hành đến thăm viếng Đền Thánh Phêrô và bước qua cánh Cửa Thánh của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mỗi người đều có thể được nhận một giấy chứng nhận đã đi qua cánh cửa của Năm Thánh này.

Vào 7g45 sáng chúng tôi cùng dâng thánh lễ tại nhà nguyện Foyer. Trong bài giảng, Cha GB chuẩn bị tâm hồn cho mọi người về ý nghĩa bước vào cửa Thánh Lòng Thương Xót (LTX), và viếng thăm Đền thờ Thánh Phêrô, con thuyền của Giáo hội. Hành hương đến Roma hay bước vào Đền Thánh Phêrô không phải để tham quan, cũng không phải để  thưởng thức nghệ thuật những bức tranh, bức tựợng, mà đến để củng cố Đức Tin của chính chúng ta. Ngôi Vương Cung Thánh đường được xây trên nền tảng của tảng đá vững vàng là Thánh Phêrô, trải qua 266 đời các Đức Giáo Hoàng, trải qua bao nhiêu sóng gió, con thuyền Giáo Hội vẫn vững vàng tiến bước. Vì vậy chúng ta bước qua Cửa Thánh LTX hôm nay, mọi người cần chuẩn bị hành trang cho mình một Đức Tin vững mạnh, một Tình Yêu Giáo Hội sâu sắc, một niềm Cậy Trông bền vững vào LTX. Cũng như ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa dành cho dân Người.

Sau thánh lễ, bất ngờ trong bữa điểm tâm, Cha Giám Đốc của Foyer PD, Gioan Trần Mạnh Duyệt, vui vẻ đến gặp gỡ đoàn hành hương. Ngài  chúc mừng đoàn tổ chức khá chu đáo và đầy đủ, như được Linh mục hướng dẫn, cũng như đủ thành phần, già trẻ, có cả em bé nữa. Cha GB đáp lời, chân thành cảm ơn Cha GĐ và quý nữ tu đã ân cần tiếp đón đoàn.

Chuẩn bị đến viếng Đền Thánh và bước vào Cửa Thánh LTX, Cha GB và Ban Tổ Chức (BTC) chia đoàn chúng tôi thành bốn nhóm, để dễ dàng giúp nhau an toàn và trật tự giữa quảng trường đông đảo cả biển người. Vừa đến nơi, Thầy Giuse Nguyễn Tiến Khải, SJ, đã sẵn sàng đón tiếp và hướng dẫn.

Để mọi người có thể nghe được những lời giải thích, Thầy đã chuẩn bị sẵn cho mỗi người tham dự một máy Audio (thu thanh) và dụng cụ nghe (earphone). Cha GB đã nhờ bà Maria Bùi Thị Kim mô tả cho đoàn nghe về những kiến trúc độc đáo của Đền Thánh Phêrô.

Năm 1308 quân Pháp đánh Italia và bắt ĐGH về Avignon. Các Giáo Hoàng sống tại Avignon cho tới năm 1377, khi thánh nữ Catarina thành Siena viết thư cho ĐGH nói rằng chỗ của ĐGH là tại Roma. Trong thời gian này đền thờ thánh Phêrô đã hầu như bị bỏ hoang nên hư hại rất nhiều. Đức Giáo Hoàng Nicolo V (1447-1455) quyết định xây dựng Đền Thờ Mới. Đền thờ này được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 16, trong khoảng 120 năm, do 12 kiến trúc sư danh tiếng điều khiển. Nổi bật nhất là Michelangelo, Bramante, Carlo Maderno, Giuseppe Valadier, Bernini.

Ngày 18-11-1626, Đức Giáo Hoàng Urbano VIII thánh hiến đền thờ mới. Đặc Tính Đền Thờ Mới. Đền thờ thánh Phêrô có diện tích 15.160 mét vuông, trong khi nhà thờ chính toà Milano chỉ có 11.700 mét vuông, Saint Paul ở Luân Đôn 7.875 mét vuông, Nhà thờ Đức Bà Paris 5.966 mét vuông. Tất cả các nhà thờ khác lọt thẳm trong đền thờ thánh Phêrô.

Nhờ đã ghi danh trước, BTC tại Roma trao cho đoàn một cây Thánh Giá, kèm theo cuốn lời nguyện. Nhưng rất tiếc không có bản tiếng Việt. Cha GB liền đề nghị lần chuỗi Mân Côi thay thế. Xen kẽ những bài thánh ca ngợi khen Lòng Thương Xót, tâm tình ăn năn, sám hối, cùng nhau tiến về Cửa Thánh, đang rộng mở, sẵn sàng chờ đón những con chiên lạc bước trở về. Thay phiên nhau, cứ hai người một lượt, cùng vác cây Thánh Giá.

BTC hành hương long trọng dành đường rộng rãi cho đoàn chúng tôi nghiêm trang tiến vào Cửa Thánh rộng mở đón chờ. Trong số năm cửa vào Đền Thờ Thánh Phêrô, có một cửa chỉ mở ra vào Năm Thánh, đó chính là Cửa Thánh (Porta Sancta). Cửa gồm hai cánh làm bằng đồng, còn được gọi là “Cửa của sự tha thứ vô biên”. Có tất cả 16 tấm phù điêu được khắc trên cửa, diễn tả lịch sử ơn cứu chuộc: Từ biến cố Adam và Eva bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, đến việc Truyền tin cho Đức Maria, biến cố Chúa chịu phép rửa và Chúa chịu chết trên cây Thánh Giá. Khi bước qua Cửa Thánh, là người tín hữu bước qua chính Đức Ki-tô và được cứu chuộc: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.” (Ga 10, 9)

Nước mắt tôi bỗng dưng dâng lên tràn mi, lã chã tuôn rơi, không sao cầm giữ nổi, khi tôi đến gần, chuẩn bị bước qua ngưỡng Cửa Thánh hồng phúc. Thổn thức, tôi chợt được thức tỉnh, sâu sắc cảm nghiệm Lòng Thương Xót vô bến bờ của Chúa Chiên Lành. Tâm tình sám hối ngập tràn trong tâm trí và lòng dạ.

Hồng ân nối tiếp hồng ân, vừa bước qua Cửa Thánh, chúng tôi vào đúng giữa Vương Cung Thánh Đường mênh mông biển người bao quanh. Cùng chung lời cất lên một bài thánh ca cảm tạ, ngợi khen và tôn vinh Thiên Chúa, chúng tôi thật bàng hoàng trước diễm phúc có một không hai trong đời. Tạ Ơn Chúa.

Sau những nghi thức trang nghiêm, cung kính và long trọng tiến vào Cửa Thánh được hưởng biết bao hồng ân Lòng Thương Xót, Thầy Giuse Nguyễn Tiến Khải hướng dẫn đoàn chúng tôi xuống thăm mộ các Đức Giáo Hoàng dưới hầm Đền Thờ Thánh Phêrô.

Tầng hầm Đền Thờ này chính là nền Đến Thờ nguyên thuỷ thời Hoàng đế Constantino. Năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII cho đào khảo cổ nghĩa trang bên dưới và người ta đã tìm thấy xương của thánh Phêrô được gói trong một miếng nhung đỏ viền chỉ vàng đặt trong một hộc có bảng viết“Petros Eni” Phêrô ở đây. Xương thánh nhân hiện được đặt trong một hòm ở hầm đền thờ, thẳng bên dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin. Chung quanh mộ Thánh Phêrô nhiều nhà nguyện với nhiều bàn thờ để Linh mục cử hành thánh lễ. Có tất cả 147 trong số 264 phần mộ ĐGH chôn cất tại đây.

Buổi chiều Thứ Sáu 15/4, Cha Phaxicô Xaviê Nguyễn Mai Kha hướng dẫn chúng tôi thăm viếng đấu trường Colosseo.

Đấu trường là công trình kiến trúc vĩ đại nhất của thành phố Roma cổ trong thời các hoàng đế nổi tiếng. Đấu trường này được hoàng đế Vespasiano khởi công năm 72 trên các hồ thuộc vườn thượng uyển của hoàng đế Nero và hoàn tất năm 80 do hoàng đế Tito. Nơi đây diễn ra các trò chơi giải trí như đấu gươm săn bắn giả thú, thủy chiến giả…

Đấu trường hình bầu dục bằng đá vôi bên ngoài và gạch nung cùng với đá ong ở bên trong. Chu vi rộng 527 thước, dài 188 thước cao 52 thước, gồm 4 tầng. Ba tầng dưới có các cửa vòng cung trang hoàng với các cột kiểu Corinto, Ionieno và Dorico. Các tượng được trưng bày giữa hai tầng 2 và 3.

Hoàng đế, khanh tướng, hoàng gia vào cửa đặc biệt dẫn thẳng vào phòng tiếp tân. Dân chúng đi vào qua 80 cửa vòng cung có đánh số thứ tự. Ghế ngồi chia làm 3 hạng: kỵ binh, trung lưu và dân chúng. Ở trên cao dành cho những người đứng coi với giá rẻ hơn. Đấu trường có thể ngồi được trên 50 ngàn người. Đấu trường có mái che bằng vải dùng khi trời mưa. Ở dưới bãi đấu (76 x 46) còn có các hành lang, các phòng nhốt thú dữ, các cột dùng để kéo mọi dụng cụ cho các trò chơi giải trí.

Đấu trường mang tên Colosseo, nghĩa là Khổng Lồ do kiến trúc vĩ đại của nó cũng như bên cạnh có bức tượng khổng lồ cao 30 thước của hoàng đế Nero. Đấu trường bị hư hại do hai lần động đất vào những năm 1231 và 1255. Hoàng đế Enrico 7 trao lại cho Thượng Viện và dân chúng Roma. Vào thế kỷ 15, đấu trường trở thành mỏ đá để xây cất các dinh thự trong thành phố như Dinh Venezia, Famese, Barberini và đền thờ thánh Phêrô. Theo truyền thuyết Kitô, nhiều tín hữu chịu tử đạo tại đấu trường nên vào thế kỷ 18 ĐGH Beneđicto 14 cho tu sửa lại và dâng đấu trường để tôn kính các vị thánh tử đạo. Các ĐGH Pio 7, Leo 12, Gregorio 16 và Pio 9 cũng tu sửa nhiều lần. Năm 1957 người ta dựng lên một cây thánh giá. Từ thời ĐGH Phaolô 6, Đức Thánh Cha chủ tọa những Chặng Đàng Thánh Giá vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu cũng như du khách hành hương. (Cha GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ, Một vài nơi cổ kính ở Roma)

 

(Còn tiếp)

Thérèse Huỳnh Thị Thúy Hằng

 

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *