“Hãy cởi dép ra!”

 

1) Thời xa xưa, ở các nước phương Đông, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ, gia đình càng có của lại càng vất vả lao động cực nhọc, thức khuya dậy sớm như lời tả “nhà giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn”.

Điển hình như Mô-sê là con nuôi của công chúa Pha-ra-ô đã từng “ở rể” cho bố vợ là tư tế Gít-rô và được trao nhiệm vụ chăn cả một đàn chiên khủng, vượt qua sa mạc rộng lớn. Người chăn chiên “ưu tuyển” này luôn mang những vật bất ly thân là cây gậy, bình nước và đặc biệt là đôi dép làm bằng da thú.

Chỉ những ai thuộc hạng cùng đinh trong xã hội, người ta mới dùng đến cụm từ “nông dân chân đất”, để tả độ nghèo đến nỗi bàn chân cũng không có gì bảo vệ, ngoài chính toàn…da của mình. Vì thế, khi Mô-sê nhìn thấy lửa từ trong bụi gai nhưng bụi gai không bị thiêu rụi, ông tò mò lại xem, thì chính lúc đó, Thiên Chúa đã gọi ông và truyền cho ông: “Chớ lại gần ! Hãy cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh” (Xh 3, 5).

“Hãy cởi dép ra !”, đồng nghĩa với việc Mô-sê phải trút vỏ bọc bên ngoài để đối diện với thực hữu của mình, khi đến trước nhan “Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ac, Thiên Chúa của Gia-cóp”.

Khi đó, Mô-sê sẽ thấy được, dù là con của dòng “trâm anh thế phiệt”, nhưng chỉ là vỏ bọc thế gian khoác vào cho ông, không thể so với một dòng dõi trường cửu vĩnh viễn sau này mà Thiên Chúa hứa ban cho ông và những người kế vị ông.

“Hãy cởi dép ra !”, nghĩa là Mô-sê sẽ phải thi hành trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa cho cuộc đời mình, dù không biết Chúa sẽ dẫn mình đến bến bờ nào, vì “con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Is-ra-el ra khỏi Ai cập ?” (Xh. 3, 11). Nhất là “họ sẽ chẳng tin con đâu, họ sẽ không nghe lời con, vì họ sẽ nói : Đức Chúa chẳng có hiện ra với ông” (Xh. 4, 1). Sau cùng, qua dấu chỉ cây gậy, Thiên Chúa trao quyền lãnh đạo cho Mô-sê, ông đã vâng lệnh Chúa thực hiện chương trình dẫn dân riêng tiến về đất hứa.

 

 

2) Nơi Matthêu 10, 7 khi chỉ thị cho các tông đồ, Chúa Giêsu nêu rõ những chi tiết rất cụ thể : “Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy”. Ta tạm dừng ở chi tiết : “Đừng đi dép”.

“Đừng đi dép” thì chắc sẽ đau chân, nhất là trên đường sỏi đá sườn đồi Pa-les-ti-na và lại không thể bước nhanh được. Nhưng đó là những hy sinh cần thiết của sự dứt lìa tiện nghi.

“Đừng đi dép” cũng khiến người rong ruổi đây đó không thể mang vác nhiều hành trang kềnh càng vì dễ trượt ngã và rơi vãi.

“Đừng đi dép” minh chứng người loan báo Tin mừng thể hiện mình thuộc về Đấng đã nói : “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc. 9, 58),

làm cho đời mình thoát khỏi những chằng kéo ràng buộc, để được thênh thang bay bổng cùng trời cuối đất.

“Đừng đi dép”  để khỏi bị “lê dép”, gây ra nhiều phiền toái nhiễu động khiến cho cuộc lên đường theo Thầy Giê-su bị cản ngăn hay đứt gánh bởi ồn ào xung quanh làm vướng bận.

 

 

3) Theo dòng chảy tư tưởng trên, tại một vương quốc huyền thoại kia, sau nhiều tuần vi hành đến những nơi có tầm quan trọng trong đất nước và giao lưu với người dân ở những vùng xa xôi, nhà vua trở về cung điện. Ngài cảm thấy mãn nguyện khi chứng kiến người dân có một cuộc sống sung túc ấm no, nhưng còn lại một điều khiến nhà vua ray rứt trong lòng : đó là ngài bị đau chân không thể chịu được do đường đi đầy sỏi đá. Nhà vua than phiền với các quan cận thần rằng, những người phải đi trên những con đường như thế cũng sẽ gặp rất nhiều đau đớn ! Vì thế, ngài đã ra lệnh cho các quan trong triều đình phải lót da thuộc tất cả con đường trên cả vương quốc để người dân có thể đi lại thoải mái. Các cố vấn và các quan đại thần của nhà vua vô cùng sửng sốt khi nghe lệnh này, vì điều đó cũng đồng thời sẽ phải giết hàng nghìn…hàng nghìn con bò mới có đủ số da thuộc lót đường. Và cũng sẽ tốn một số tiền rất lớn cho ngân quỹ chung.

Sau cùng, một vị quan khôn ngoan can đảm đến xin gặp nhà vua và thưa rằng, ông ta có một ý tưởng khác. Nhà vua hỏi : phương án thay thế của khanh là gì ? Quan đại thần thưa : “Thay vì phủ đường đi bằng da thuộc, tại sao ngài không dùng một miếng da thích hợp để bảo vệ đôi chân mình và đôi chân của người dân ?”

Nhà vua ngạc nhiên trước sáng kiến và tán thưởng sự khôn ngoan của quan đại thần. Kể từ ngày đó, nhà vua đã đặt một đôi giày da cho mình và yêu cầu những người dân cũng phải đi giày.

Đức giáo hoàng Phan-xi-cô cũng nghĩ đến “một giấc mơ vĩ đại và một giấc mơ có chỗ cho tất cả mọi người… Một giấc mơ mang tên Giê-su” (Tông huấn Christus Vivit, số 157), để khi đã gặp được và sống thân tình với Giêsu rồi, mỗi người nói chung và người tông đồ nói riêng, được “ra khỏi chính mình, được nâng lên, được đưa vào tình yêu và vẻ đẹp của Thiên Chúa” (sđd. số 164), để “được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng ở mọi nơi bằng chính đời sống mình. Thánh Alberto Hurtado đã nói rằng “là tông đồ không có nghĩa là đeo một huy hiệu trên ve áo; không có nghĩa là thuyết giảng về chân lý, nhưng là sống chân lý, trở thành hiện thân của chân lý, được biến đổi thành Đức Kitô. Trở thành một tông đồ không có nghĩa là người phải cầm một ngọn đuốc trong tay, sở hữu ánh sáng, nhưng là chính ánh sáng Tin Mừng, là một gương sáng hơn là một bài học. Sứ điệp biến thành sự sống hiện sinh” (sđd. số 175).

Để từ đây, mỗi người được sai vào đời. “Không có ranh giới, không có giới hạn : Chúa sai chúng ta đến với mọi người. Tin Mừng dành cho tất cả mọi người và không chỉ dành cho một số người. Tin Mừng không chỉ dành cho những người có vẻ gần gũi hơn, dễ tiếp thu hơn, dễ đón nhận hơn” (sđd. số 177). Bởi vì “đừng mong sứ vụ này dễ dàng và thoải mái” (sđd. số 178), do vậy, người tông đồ phải luôn quảng đại dâng hiến đời mình mỗi phút giây đến độ tự huỷ tận căn vì Nước Trời, theo gương “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người  lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl. 2, 6-8).

Lm. Bùi Văn Khiết Tâm

 

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

 

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …