“Hãy đi!” – Chúa Nhật II mùa Chay A

Ngay những dòng chữ đầu của bài đọc một, chúng ta đã thấy một lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho Abraham: “Hãy đi!”. Lời mời gọi này khơi lên trong chúng ta một cảm tưởng như thể mùa Chay là một mùa của hành trình, của năng động, của một chuyến đi, chứ không chỉ là mùa của không khí ảm đạm, buồn phiền, chán ngắt. Thiên Chúa muốn Abraham lên đường, bỏ lại đằng sau đất đai, thân bằng quyến thuộc, gia sản để “bước đến một vùng đất mà Ngài sẽ chỉ cho ông”. Chỉ mới nghe thấy những lời này thôi, cả một nỗi lắng lo dường như chực nổi lên trong lòng. Bỏ lại tất cả, nhưng đi đến đâu? Vùng đất mà Thiên Chúa sẽ chỉ là vùng đất nào? Có gì đảm bảo, có gì chắc chắn?

Thiên Chúa của Kitô giáo là một Thiên Chúa “trên đường”. Ngài không bao giờ là một Thiên Chúa ngủ yên trong sự tự đủ của mình. Sự sống trong Ngài là một sự sống luôn tuôn trào, luôn mới mẻ. Bởi vậy, ta mới thấy những chuyển vần trong vũ trụ, những thay đổi của vạn vật trong trời đất. Mỗi sáng, mặt trời vẫn lên. Đêm về, vầng trăng khoe bóng. Hoa vẫn nở hàng ngày. Chồi non vẫn đâm chồi từng chút. Với Thiên Chúa, mọi sự đều phải đặt mình vào một năng động tiến tới. Ta thấy rõ hơn một Thiên Chúa “trên đường” nơi hình ảnh Đức Giêsu. Ngay từ tấm bé, Ngài đã phải cùng gia đình tị nạn ở phương xa. Khi lớn lên, dù là một vị thầy nổi tiếng, nhưng chẳng bao giờ Ngài đóng cửa khép mình trong nhà. Ngài không bao giờ đặt mình ở vị thế tách riêng, trốn tránh, an phận. Bàn chân Ngài hằn in trên mọi nẻo đường, kêu gọi các môn đệ, rao giảng Tin Mừng, gặp gỡ người khác, làm các dấu lạ. Ngài chẳng bao giờ tại vị ở một nơi và Ngài cũng đào luyện các môn đệ của mình trở thành những con người mang “dòng máu trên đường” như vậy.

Đã không biết bao nhiêu lần, Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi tất cả các tín hữu hãy dám bung mình ra khỏi vùng an toàn của bản thân, để đến những biên cương xa xôi mà làm chứng cho Chúa. Giáo Hội của một Thiên Chúa “trên đường” phải là Giáo Hội “trên đường”, một Giáo Hội đi ra để gặp gỡ, để chia sẻ, để hiệp thông. Giáo Hội không thể là một toà nhà khép kín, nơi người ta tự an phận với những câu kinh, những lời cầu nguyện rỗng tuếch. Một lối sống tầm thường và chỉ biết chu toàn bổn phận thiêng liêng một cách tối thiểu như một điều cực chẳng đã là một kiểu thuốc mê, làm Giáo Hội ủ rũ và khiến cho đời sống của Giáo Hội trở nên trị trệ, nặng nề. “Hãy đi!” – lời mời gọi này của Thiên Chúa dành cho Abraham, dường như cũng là lời mời gọi dành cho hết thảy chúng ta. Đó là một lời mời, nhưng cũng là một nghĩa vụ dành cho những ai tự nhận mình là “con Thiên Chúa.”

Sắc tím của mùa Chay gợi lên trong chúng ta một nỗi niềm lâng lâng nào đấy. Chúng ta đang chuẩn bị mình để bước vào cuộc Thương Khó với Đức Giêsu, Đấng đã tự hiến dâng bản thân mình vì nhân loại. Dĩ nhiên là không thể vui, không thể háo hức như những thời gian phụng vụ khác. Tuy nhiên, nếu mùa Chay chỉ là như thế thôi, nó chẳng khác nào một mùa của ảm đạm. Sống tinh thần mùa Chay là sống tinh thần của một cuộc khởi hành, theo như lời của Thiên Chúa. Dám quyết liệt bỏ lại đằng sau tất cả những gì quen thuộc của mình, để vươn mình đến nơi mà Thiên Chúa muốn. Điều này đòi hỏi một lòng tin mạnh mẽ, đến nỗi dám đặt mình vào thế chông chênh, không chắc chắn, dám buông tay khỏi những gì lâu nay ta vẫn bám víu, để chỉ ôm ấp trong lòng mình một lời hứa của Đấng Chí Tôn.

Abraham đã nghe lời Thiên Chúa mà cất bước ra đi. Ông bỏ lại đằng sau những thứ thân thuộc với ông bấy lâu nay. Nghe có vẻ tiếc nuối, nhưng chính những điều đó lại là những cái đã không giúp cho “sự triển nở” của chính bản thân ông. Thiên Chúa chỉ cho ông một con đường để tiến tới. Hành trình của Abraham tưởng là “không chắc chắn” nhưng hoá ra lại là con đường đảm bảo nhất, bởi trên hành trình đó, ông có Chúa đi cùng. Nơi mà ông tới sẽ là nơi ngập đầy sữa và mật, nơi của sự phong phiêu, trù phú. Chỉ cần dám buông, Abraham đã được ban lại rất trăm ngàn lần: tên tuổi ông sẽ được ghi vào sổ sách, dòng dõi ông sẽ được chúc phúc đến muôn đời, và từ dòng dõi ấy, Đấng Cứu Thế sẽ được hạ sinh để mang ơn cứu độ từ trời cao đến cho toàn cõi thế. Abraham đã tìm thấy điểm tựa đích thực cho cuộc đời mình, giữa nhưng cái “mong manh, không chắc chắn” của cuộc sống.

Chẳng ai trong chúng ta thích sự “không chắc chắn”. Đó là bản tính rất tự nhiên của con người. Giữa cái chênh vênh của cuộc sống, có một nơi bám víu vẫn thấy an tâm hơn. Buông ra mà không biết mình có được cái gì hay không dường như không phải là châm ngôn sống trong thời đại kinh doanh này. Nhưng rốt cuộc thì Chúa muốn tôi “buông cái gì” và “đi đến đâu”? Hành trình mà Chúa muốn tôi đi “khởi đầu ở đâu” và “kết thúc ở đâu”? Cứ cho là mình phải nghe lời dạy dỗ của Đức Thánh Cha, nhưng “đến vùng biên cương” là đến chỗ nào?… Đây là những câu hỏi mà chỉ cá nhân mỗi người mới có thể trả lời cho mình khi đi vào tận sâu trong nội tâm mà tra khảo. Ta sẽ khởi đi từ việc buông ra khỏi những nơi mà lâu nay mình vẫn cho là chắc chắn của cuộc đời. Đó có thể là tiền bạc, công danh, thế giá, địa vị. Đó cũng có thể là sự tự hào về sắc đẹp, tri thức, tài năng. Đó cũng là những ngạo mạn, những lối suy nghĩ “coi trời bằng vung”, cho rằng mình luôn luôn đúng… Muốn tiến tới, thì phải buông. Dám buông ra, mới được thủ đắc!

Chúng ta hãy cầu xin Chúa chỉ cho chúng ta biết Ngài muốn chúng ta đi đâu trong mùa Chay này, và xin Ngài ban sức mạnh cho chúng ta, để chúng ta dám buông bỏ những gì không giúp ích mà thực hiện lộ trình đức tin này với Chúa.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *