Hãy hiểu cho con…  

“Có con cái ư? Hãy giáo dục và uốn nắn chúng

ngay từ thuở còn thơ.” (Hc 7,23)

 

Cuộc đàm thoại 1:

Con: “Tôi muốn kiện bố mẹ tôi”.

Tòa thẩm vấn: Cháu muốn kiện bố mẹ chuyện gì?”

Con: “Vì đã sinh ra tôi!”

Tòa thẩm vấn: “Vì sao?”

Con: “Tôi muốn nói với bố mẹ tôi rằng nếu đã biết trước sinh tôi ra mà không có khả năng nuôi nấng, dạy dỗ và yêu thương tôi, thì thà đừng sinh tôi ra thì hơn.”

Cuộc đàm thoại 2:

MC: “Anh có điều gì muốn nhắn với cha mẹ mình?”

Người được phỏng vấn: “Tôi muốn nói rằng con không trách gì cha mẹ, con vẫn yêu thương cha mẹ. Nhưng nếu có kiếp sau, thì… (hơi ngập ngừng) con xin… không làm con của cha mẹ nữa.”

……………………………..

Tôi cứ nghĩ những cuộc đàm thoại ấy chỉ có trong phim ảnh hoặc trong trí tưởng tượng của con người, nhưng… thật bất ngờ vì… chúng có thật. Những điều ấy đã ám ảnh nhiều người khi chứng kiến những đứa con muốn lìa xa chính cha mẹ của mình.

Lâu nay, người ta vẫn hay ca ngợi tình thương của cha mẹ. Vâng! Đó là điều tốt đẹp và là món quà đáng quý mà Thượng Đế đã ban cho mỗi con người. Người làm con thì có phúc vì là kết quả từ tình yêu của cha mẹ, được ủ ấp, sinh ra, nuôi dưỡng và giáo dục để trở nên người tốt. Con cái không cha mẹ quả là điều đáng buồn vì: “Có cha có mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn đứt dây”, “Còn cha gót đỏ như son, đến khi cha mất gót con lấm bùn.” Chỉ nghe qua vài câu ca dao mà đã phần nào cảm nhận được sự thiếu thốn của những đứa con không có cha mẹ bên mình. Tuy nhiên, hai cuộc đàm thoại trên lại cho tôi cái nhìn vấn đề ngược lại, vì… đâu đó trong xã hội ngày nay vẫn còn những người làm cha mẹ chưa sống trọn vẹn vai trò và trách nhiệm được trao cho họ.

Khi đặt nên vai trò người cha và người mẹ trong gia đình, Thiên Chúa đã trao cho họ những vai trò và trách nhiệm cụ thể. Sách Huấn Ca khi khuyên người làm con: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7,27-28), thì đồng thời cũng có dạy bậc làm cha mẹ rằng: “Có con cái ư? Hãy giáo dục và uốn nắn chúng ngay từ thuở còn thơ.” (Hc 7,23). Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô nhắc nhở: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.” (Ep 6, 4). Thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, cũng có nhắc: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (Cl 3, 20-21) Thánh Công Đồng Vatican II cũng nhấn mạnh: “Vợ chồng đã lãnh nhận phẩm giá và chức vụ làm cha mẹ, sẽ chăm lo chu toàn bổn phận giáo dục, nhất là về phương diện tôn giáo, vì bổn phận này liên hệ đến họ trước.” (GS 48) Cha ông chúng ta cũng dạy: “Uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn đương thơ.”

Chắc chắn những câu phát biểu của những ai muốn chối bỏ cha mẹ sẽ khiến nhiều người đau lòng và thậm chí kết án cách vội vã khi cho rằng chúng là những đứa con bất hiếu. Nhưng không thể nhìn vấn đề theo một chiều. Cần nghĩ và hiểu cho những hoàn cảnh khi phải phơi bày những thực trạng đau lòng này. Đa phần những người con nói lên điều này đều bị gán cho là: “không mong muốn”, “vỡ kế hoạch”, “phá gia chi tử”, “con cừu đen” (black sheep), “ngôi sao xấu”… hay những đứa trẻ được sinh ra vì mục đích mưu ích cho cuộc sống cha mẹ của chúng nhiều hơn là cha mẹ lo cho chúng. Những đứa con vốn “bất đắc dĩ” được sinh ra trong những gia đình có thói quen bạo lực, tệ nạn xã hội, hoặc cha mẹ hờ hững và thiếu trách nhiệm với con cái, hoặc chăm chú nghiêm khắc và kỷ luật thép thay vì đối xử bằng tình yêu mến. Cần một sự hiểu biết và đồng hành với những đứa trẻ xuất thân từ những bối cảnh kém may mắn như thế, vì chính từ nơi gia đình đáng ra phải cho chúng những giáo dục nền tảng và sơ khởi tốt đẹp, nhưng đàng này lại để lại trong ký ức của chúng những vết thương khó lành và… có thể không bao giờ chữa lành được. Tàn nhẫn hơn nữa là những vết thương ấy lại đi với chúng cho đến lúc chúng xuôi tay nhắm mắt.

Đồng ý rằng việc giáo dục con cái trong thời đại ngày hôm nay không là chuyện dễ dàng, cũng có nghĩa là chuyện giáo dục con cái trong mọi thời cũng không dễ dàng. Mỗi bối cảnh văn hóa, mỗi giai đoạn và mỗi tầng lớp có những đòi hỏi giáo dục khác nhau. Trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa, con người bị cuốn vào những vòng xoáy công việc và ai cũng vất vả để lo cho cuộc sống. Nhất là bậc làm cha mẹ phải lo đủ mọi chi phí sinh hoạt cho con cái là điều không dễ dàng. Thậm chí, những cãi vã trong gia đình, những xung đột trong tương quan vợ – chồng, cha mẹ – con cái khiến khoảng cách thân tình mỗi lúc một xa hơn. Đó là chưa kể đến những trường hợp con cái thiếu thốn tình cảm của người cha hoặc người mẹ vì phải chịu cảnh cha mẹ ly thân hoặc ly dị. Từ đó, chúng phải tự tìm cho mình cách bù đắp vào khoảng trống tình cảm ấy bằng bao nhiêu thứ khác, trong đó có cả những tệ nạn xã hội.

Vì thế, điều đầu tiên mà người ta cần kể đến là tình thương mà cha mẹ dành cho con cái mình. Một đứa con nhà nghèo tuy không đầy đủ vật chất, nhưng với tình thương cha mẹ dành cho mình, nó có thể lớn lên cách trọn vẹn. Tuy nhiên, một đứa trẻ được sinh ra thiếu tình thương dù gia cảnh có giàu có đủ đầy thì chúng vẫn còn thiếu thốn, mà đôi lúc cái thiếu thốn ấy dần trở nên vết hằn vĩnh viễn nơi tâm thức một con người. So sánh trên chỉ mang tính loại suy chứ không áp dụng đại trà cho mọi hoàn cảnh, nhưng điều chúng ta cần nhấn mạnh ở đây là chính tình thương yêu mà mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau là cực kỳ quan trọng. Hành trang ấy đủ sức khơi dậy những sức mạnh tiềm tàng nơi mỗi con người, như nắm men nhỏ vùi trong bột để làm cho cả khối bột dậy men.

Thứ đến, thay vì nghiêng chiều về bổn phận con cái đối với cha mẹ và lên án những hành vi đi ngược lại với chữ hiếu, cần có những phản tỉnh ngược lại để hiểu được tâm lý và nhu cầu của con cái mình. Điều căn bản nhất là xin hãy hiểu và đồng hành với những trăn trở và thao thức của chúng. Xin bậc làm cha mẹ đừng chỉ cho con cái mình những lời mắng nhiếc, roi đòn, kỷ luật,… hay tệ hơn là bỏ rơi chúng tự mình lớn lên và tự do “bơi lội” trong cuộc sống này. Đúng! Hoàn toàn con người tự bản năng có thể tự sinh tồn, nhưng những tương quan vốn là món quà Thiên Chúa ban cho còn có ý nghĩa lớn hơn nhu cầu sinh tồn ấy. Điều đó hướng tới một sự trưởng thành thực sự nơi mỗi con người cả về ý thức lẫn hành vi. Giáo dục cách thông minh, ứng trực là điều mà mỗi phụ huynh cần thủ đắc để giúp con cái mình thành nhân cách thực sự. Vấn nạn thời đại đặt ra là khoản chi phí đầu tư cho con cái kể từ khi mang thai cho đến lúc chúng có thể tự lập là quá nhiều. Tuy nhiên, mỗi con người là một nhân vị, mà để đảm bảo tính tròn vẹn của nhân vị ấy, thì những đầu tư tốn kém kể trên xem ra chính đáng biết nhường nào.

Xin hãy luôn nhớ rằng những thực trạng được phơi bày trong hai cuộc đàm thoại trên không là nguyên nhân, mà chúng là kết quả của nhiều yếu tố (môi trường ngoại cảnh, gia đình, học đường, xã hội…), mà phần lớn trong cái nhìn của một con người, nhất là một đứa con, thì yếu tố gia đình là quan trọng hơn hết. Một con người không thể tự khỏa lấp trọn vẹn mà không có những tương quan hỗ tương cần thiết như cha mẹ, bạn bè… Đồng thời, những khẳng định trên cũng cho thấy thực trạng đau đớn về sự tha hóa của mối tương quan cao quý – cha mẹ và con cái – trong xã hội ngày nay. Vì thế, một ngày nào đó… để không phải nghe những lời trách móc nặng nề, để không đón nhận những kết quả xấu cho con cái mình, để đào tạo nên những con người tốt lành và có ích, thiết nghĩ ngay từ bây giờ, bậc làm cha mẹ cần bắt tay làm điều gì đó thiết thực và nhỏ bé thôi.

Xin kết thúc chút suy nghĩ bằng những câu nói hay nghe từ những đứa con trong gia đình: “Ba mẹ ơi! Bỏ điện thoại (máy tính) ăn cơm chung với con được không?”, “cuối tuần này gia đình mình đi chơi được không ba mẹ?”, “Ba mẹ đừng cãi nhau nữa!”, “Ba/mẹ ở lại với con, đừng bỏ con ở lại một mình”… Vâng! Những câu nói nhỏ và giản dị thôi, nhưng… đáng ngẫm lắm!

 

Little Stream

 

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *