[Mở lòng] Chúa Nhật Phục Sinh

Đức Kitô Phục Sinh – Cánh Cửa cuộc đời

 

“Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,

để Đức Vua vinh hiển ngự vào”(Tv 24, 7).

Phục Sinh – hai tiếng rất thân thương, hai tiếng đem lại niềm vui thật lớn lao.

Nhưng làm sao có thể hiểu được và thấm thía được sứ điệp Phục Sinh sâu xa của Đức Kitô, giữa một thế giới như là ngục tù chỉ có lối vào mà không có lối ra đây?

Làm sao có thể vẫn vui cười và chẳng bao giờ chán sống, khi vẫn thấy bạo chúa của sự chết, của sự dữ vẫn mạnh mẽ, vẫn giương oai trong cuộc đời?

Đức Kitô Phục Sinh có là cánh cửa dẫn chúng ta đến với mảnh đất tự do thực sự hay không?

Dưới đây xin chia sẻ cùng Bạn những suy tư của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger:

Ý nghĩa của lễ Phục Sinh

Sự phục sinh của Đức Kitô làm thay đổi điều gì?

Một cách nào đó sứ điệp Phục Sinh của Đức Kitô vượt khỏi khả năng tưởng tượng của chúng ta. Sứ điệp Phục Sinh không dễ dàng trực tiếp đi vào tâm hồn của chúng ta như sứ điệp Giáng Sinh. Sự sinh ra nằm ở trong kinh nghiệm của con người. Và sự sinh ra luôn mang trong mình niềm hy vọng và niềm vui. Như vậy, câu chuyện của Con Thiên Chúa sinh ra như một hài nhi trong hang lừa dễ dàng đánh động con tim của chúng ta, và cũng có ý nghĩa đối với những người chưa có niềm tin vào Thiên Tính của Hài Nhi. Còn Phục Sinh thì nằm ngoài phạm vi kinh nghiệm của chúng ta. Chúng ta chỉ quen với sự sống, sự sống hướng đến cái chết. Rudolf Bultmann đã diễn tả rất rõ ràng sự bất lực của chúng ta về sứ điệp Phục Sinh. Bultmann đã nói rằng: “Ngay cả khi điều đó xảy ra, thì phép lạ của một thân xác chết sống lại có gì để nói với chúng ta?” Đây là câu hỏi: Phải chăng Phục sinh là một phép lạ rắc rối khó hiểu,  và chẳng thay đổi gì trong suy nghĩ của con người?

Thiên Chúa trong nhà của con người?

Ở đây phụng vụ Giáo Hội muốn tiếp tục giúp chúng ta, bằng cách phụng vụ đã „chuyển ngữ“ điều không thể hiểu được vào trong tranh ảnh và sự tưởng tưởng hợp với chúng ta, hay ít nhất cũng đem lại cho chúng ta những điểm liên hệ. Những điểm đó hướng con tim chúng ta đến với niềm tin Phục Sinh. Phụng vụ đã dùng các biểu tượng như ánh sáng và nước. Phụng vụ đã lấy từ kho tàng lớn lao của sự đau khổ, của việc cầu nguyện, của sự nghi ngờ, của niềm hy vọng mà con người chúng ta có, và cũng chất chứa sẵn trong Cựu Ước. Từ rất nhiều lời Thánh Kinh mà phụng vụ từ lúc đầu tiên đã dùng để làm sáng tỏ mầu nhiệm Phục Sinh, tôi chỉ chọn ra một tâm tình. Tâm tình này kết nối Giáng Sinh và Phục Sinh, và qua đó làm cho sự hiệp nhất của Kitô giáo được rõ ràng hơn. Tâm tình này ở trong thánh vịnh 24,7: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào”.

Bài hát trong mùa vọng của chúng ta: “Macht hoch die Tuer – Hỡi cửa đền hãy cất cao lên” được khởi hứng sáng tác từ lời trong thánh vịnh này. Trong nguồn cội thì thánh vịnh này là một phần trong phụng vụ về Cửa, một phụng vụ tiến vào và phụng vụ của các cánh cửa. Người ta hát bài thánh vịnh này trong dịp long trọng rước hòm bia thánh vào đền thờ. Vâng, người ta muốn mời Thiên Chúa vào ở trong nhà này, hiện diện ở giữa mọi người, và người ta cũng muốn mời Thiên Chúa trở thành hàng xóm láng giềng và người chia sẻ cùng một căn nhà. Thiên Chúa cần đi vào trong ngôi nhà của con người, để biến ngôi nhà này trở thành ngôi nhà Thiên Chúa, và trong đó Chúa sẽ biến thế giới của con người trở thành thế giới của Thiên Chúa. Nhưng ngay lúc đó thì người ta cảm nhận rằng, làm sao có thể xảy ra như vậy được: Không có ngôi nhà nào của con người có thể lớn đủ, để cho Thiên Chúa ngự vào. Ngài vượt cao hơn tầm mức không gian của con người. Vâng, Thiên Chúa sẽ đến ở đâu và đến như thế nào?

Một thế giới không có cửa dành cho Chúa?

Thế giới của con người không có cửa dành cho Chúa. Hình như là như vậy đấy.

Thế giới đã tự khép mình lại. Thế giới là một ngục tù, một ngôi nhà chết. Con người trong thời đại Cựu Ước và của các văn hóa xa xưa khác nhìn ngục tù với hình ảnh của một thế giới chết: Ai chết, thì không bao giờ trở về lại. Người ta đã nhìn cõi chết như là một ngục tù vĩ đại và khủng khiếp, trong đó một bạo chúa dữ tợn cai quản. Đó là một ngôi nhà đóng kín không có đường ra để trở về. Một cảm giác về điều này được rõ ràng hơn, khi tất cả mọi con đường của chúng ta đều dẫn vào ngục tù, nơi chỉ có lối vào mà không có lối ra. Như vậy chúng ta chỉ là những tội nhân. Thế giới của chúng ta chỉ là ngôi nhà chết, một cái phòng ở trước lối vào ngục thất. Trong thực tế: Nếu sự chết là chữ cuối cùng, thì thế giới này là một phòng đợi dẫn đến cái hư không.

Những thi sĩ trong thời đại chúng ta đã diễn tả về viễn cảnh khủng khiếp này. Franz Kafka đã đi vào chỗ thẳm sâu nhất của sự sợ hãi. Trong sự tưởng tượng về một thế giới bị thống trị hoàn toàn, ông ta đã tự giải thích về cuộc sống của mình. Cuộc sống trong lâu đài như là một cuộc đợi chờ viễn vông, một cuộc thử nghiệm không lối thoát, đi qua sự lộn xộn của bàn giấy để tới được người mình cần gặp, để đạt tới sự giải thoát. Trong tiến trình này cuộc sống được diễn tả như là một tiến trình với đích đến và cái chết. Lịch sử chấm dứt với dụ ngôn về một con người, cả một cuộc đời đã chờ đợi trước cánh cửa và không thể bước vào bên trong, mặc dù cửa đó được làm ra để mở đón mời con người. Thật vậy, nếu Đức Kitô không sống lại thì chẳng còn gì để nói ngoài dụ ngôn con người được nhắc ở đây. Tất cả mọi điều khác đều là thuốc mê. Tiếng la hét trong nghi ngờ, sự giải phóng mang tính cách bạo lực mà chúng ta đã chứng kiến và trải qua, chính là kết quả của một thế giới từ chối niềm hy vọng, từ chối Đức Kitô.

Một thế giới không còn là ngục tù.

“Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính”. Câu thánh vịnh này không chỉ để hát chơi chơi, không chỉ thuộc về phụng vụ Cửa của thời xa xưa. Đó là tiếng kêu của con người trong một thế giới vẫn còn chật chội, dù cho người ta có bay ra khỏi vũ trụ, có đặt chân đến mặt trăng hay cất cánh bay xa hơn nữa. Giáng Sinh chỉ là một nửa câu trả lời của Kitô giáo cho tiếng kêu của này. Giáng Sinh nói rằng: Không chỉ có Thần chết, mà còn có Thiên Chúa, Đấng là sự sống, và Thiên Chúa này có thể đến với chúng ta và Ngài cũng muốn đến với chúng ta nữa. Vâng, Ngài đã mở đường rộng thênh thang để đến với chúng ta. Ngài đã tìm thấy cánh cửa đủ cao cho Ngài. Và còn hơn thế nữa: Ngài đã tạo nên cánh cửa này. Nhưng lời đáp trả chỉ được kiện toàn, khi đó không chỉ là lối vào giành cho Chúa để đến với chúng ta, mà còn là lối ra giành cho chúng ta nữa. Vâng, câu trả lời chỉ có thể thỏa mãn, khi sự chết không còn là một ngục tù không lối ra nữa. Đó chính là nội dung của sứ điệp Phục Sinh. Như vậy ngục thất không chỉ có lối vào mà còn có lối ra. Sự chết không còn là ngôi nhà không có lối ra nữa, không còn là mảnh đất không có lối về.

Giáo hội thời xa xưa đã nhìn thấy trong câu thánh vịnh này một sự giải thích cho Đức Tin: “Với giáo hội thì đây là một bài học của ngày thứ bảy tuần thánh – không phải là những lời buồn đau, mà là những lời chiến thắng. Giáo hội đã diễn tả lời này rất thi vị: cái then cửa của ngục tù chết chóc, của ngục thất nhân trần đã bị bẻ gãy, tường lũy chia cắt đã bị phá đổ, và mọi cổng vào đã được giương cao. Giêsu, Đấng đã làm tất cả những điều này, Ngài nắm lấy tay của tất cả những tội nhân đang xếp hàng dài – Ađam và Evà cùng tất cả nhân loại, và Ngài dẫn đưa tất cả vào mảnh đất tự do. Cuộc sống không còn là phòng đợi dẫn đến cái hư không, mà sự sống là sự bắt đầu của vĩnh cửu. Thế giới không còn là trại tập trung bao quát, mà là một ngôi vườn hy vọng. Cuộc sống không còn là một cuộc đi tìm viễn vông về ý nghĩa, với hình ảnh là những bước lạc đường ở bàn giấy. Thiên Chúa không phải là một nhân viên bàn giấy. Ngài không sống trong một lâu đài xa xôi, và Ngài không ẩn mình đàng sau căn phòng chờ không có lối dẫn vào phía trong. Cánh cửa đã mở toang. Cánh cửa đó là: Giêsu Kitô.

Chỉ cho mọi người thấy ánh sáng của cánh cửa này – Đó là ý nghĩa của lễ Phục Sinh. Tiếng kêu mời của Ngài là, không phải phân vân gì nữa, cứ bước theo Ánh Sáng này. Ánh Sáng này không phải là một ảo tưởng viễn vông, mà là Ánh Sáng hướng về chân lý thực có sức cứu rỗi.

(Bài giảng về ý nghĩa Phục Sinh của Joseph Ratzinger, Benedikt XVI, trong Wer hilft uns leben?“, Herder Verlag, 2005, S.132-135).

Đọc những suy tư trên, chúng ta cảm thấy Phục Sinh giờ đây là gì đối với chúng ta vậy?

Cánh cửa được Đức Kitô giương cao, để Ngài vào gặp chúng ta và để chúng ta ra gặp Ngài. Cánh cửa đó nói cho chúng ta điều gì về tương quan của Đức Kitô Phục Sinh giành cho chúng ta? Đức Kitô Phục Sinh có phải là “Cánh Cửa” cuộc đời của chúng ta không?

Bạn có muốn giới thiệu cho anh chị em, đặc biệt những ai “đang ngồi trong ngục thất” cánh cửa tuyệt vời này, Đức Kitô Phục Sinh không? Bạn sẽ phải làm thế nào để có thể giới thiệu?

Mến chúc mọi người niềm vui Phục Sinh, để mọi người thật rạng rỡ khi ra ra vào vào Cánh Cửa là chính Đức Kitô Phục Sinh.

Nguyện xin Ngài là sự sống lại và là sự sống, luôn mở Cánh Cửa là chính Ngài, để chúng ta cùng tất cả mọi người đi vào và tìm thấy sự thật, sự sống và sự sống lại vĩnh cửu.

 

  • Bài tập sống trong tuần lễ Phục Sinh: Sống với niềm vui Phục Sinh.

 

Mỗi ngày sống, khi thức giấc, điều đầu tiên chúng ta làm, là hãy chạy đến với Chúa Giê-su Phục Sinh và chúng ta hãy nở một nụ cười thật tươi với Ngài.

Và trong mỗi ngày sống, chúng ta hãy làm một điều gì đó đem lại niềm vui cho người khác.

 

Đức Kitô sống lại làm cho chúng ta, những con người tội lỗi, trở thành con người mới, con người mang dấu ấn Phục Sinh, mang hơi ấm sự sáng.

 

Halleluia, Halleluia, Halleluia !!!

Phục Sinh đến, mến chúc Anh Chị Em thật nhiều niềm vui, bình an và hạnh phúc.

Kiểm tra tương tự

Thánh Phanxicô Assisi – Tình Nhân của Bí tích Thánh Thể

Thánh Phanxicô Assisi là một trong những vị thánh được yêu mến nhất, ngài có …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 04-10-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 04/10/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Sự hiện diện …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *