Vấn đề thiên tính của Đức Giêsu khởi đi từ nguồn dữ liệu. Nguồn dữ liệu ở đây là bốn Tin Mừng, chúng thông tri cho chúng ta những sự thật mà Ngài công bố về chính mình và những điều người ta khẳng định về Ngài. Trong cả bốn Tin Mừng, lời khẳng định cực kỳ mạnh mẽ.
Đức Giêsu gọi chính mình là “Con Thiên Chúa” – nghĩa là, cùng bản tính với Thiên Chúa. Một người con thì có cùng bản tính, cùng một giống loài, cùng một yếu tính như cha của mình. Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha mình: “Cha tôi và Tôi là một” (Ga 10:30) và “Bất cứ ai thấy tôi là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9).
Ngài cũng tự nhận mình vô tội: “Ai trong các ông chứng minh là tôi có tội?” (Ga 8:46). Ngài cũng tuyên bố tha thứ tội lỗi – mọi tội lỗi, chống lại mọi người. Người Do Thái phản đối: “Ai có thể tha tội ngoại trừ một mình Thiên Chúa?” (Lc 5:21). Người có quyền tha mọi tội lỗi chính là người bị xúc phạm bởi tội lỗi, nghĩa là chính Thiên Chúa. Tôi có quyền tha cho anh về những tội mà anh đã gây ra cho tôi, nhưng không thể tha những tội mà anh đã gây ra cho người khác.
Đức Giêsu tuyên bố cứu chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Ngài nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta thì dẫu có chết cũng sẽ sống” (Ga 11:25). Ngài nói Ngài đến từ trời chứ không phải từ đất, và sẽ trở lại vào ngày sau hết để phán xét thế gian (Mt 25: 31-46). Đồng thời, Ngài trao ban cho chúng ta thịt máu Ngài để ăn và nói rằng chính thịt máu ấy sẽ mang lại cho chúng ta sự sống đời đời (Ga 6:51).
Đức Giêsu đã đổi tên Simon thành Phêrô (Ga 1:42). Đối với một người Do Thái, đổi tên là điều mà chỉ Thiên Chúa mới có thể làm, vì tên của anh không chỉ là một danh hiệu mang tính nhân loại, tùy ý, nhưng là căn tính thật của anh, là cái mà chính Thiên Chúa đã trao ban cho anh. Trong Cựu Ước, duy chỉ Thiên Chúa mới thay đổi tên và vận mạng của một số người: Abram trở thành Abraham, Sarai trở thành Sara, Giacóp trở thành Ít-ra-en. Một người Do Thái chính thống mà đổi tên một cách hợp pháp sẽ bị tuyệt giao.
Đức Giêsu không ngừng hướng người ta về với mình khi nói: “Hãy đến với tôi” (Mt 11:28). Đức Phật nói: “Đừng nhìn vào tôi, nhưng nhìn vào con đường tôi đi (giáo lý của tôi).” Đức Phật cũng nói: “Anh em hãy thắp sáng chính mình” Đức Giêsu đã nói: “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 8:12). Lão Tử cũng dạy về con đường; Đức Giêsu đã nói: “Ta là đường” (Ga 14:6).
Đức Phật, Khổng Tử, Môhamed, và những nhà sáng lập tôn giáo khác đã chẳng hề hoàn tất một lời tiên tri nào, chẳng hề làm một phép lạ nào, và không sống lại từ cõi chết. Đức Giêsu đã thực hiện những điều ấy.
Rõ ràng và mạnh mẽ nhất chính là việc, Ngài tự chuốc lấy khổ hình thập giá (hay ném đá) khi dám nói: “Thật tôi bảo cho các ông hay, [i.e., ở đây tôi không nói quá hay nói một cách biểu trưng, hãy hiểu nó trong nguyên nghĩa], trước khi có Abraham thì Tôi, Tôi Hiện Hữu” (Ga 8: 58). Ngài đã nói và công bố danh thánh mà chính Thiên Chúa đã mặc khải cho Môsê, là danh mà Thiên Chúa đã sử dụng để gọi chính mình (Xh, 3:14). Nếu ngài không là Thiên Chúa, thì trong lịch sử chưa từng ai lại dám nói lộng ngôn như thế, theo luật Do Thái, không ai lại đáng bị đóng đinh hơn Đức Giêsu.
Tầm quan trọng của vấn đề
Vấn đề trở nên đặc biệt quan trọng ít nhất vì hai lý do.
1. Thiên tính của Đức Giêsu là một học thuyết trổi vượt hơn tất cả học thuyết Kitô giáo. Một cách chính yếu, một người Kitô hữu được định nghĩa như là người tin vào học thuyết này.
2. Học thuyết này có tác dụng như chiếc chìa khóa chủ chốt, mở ra mọi cánh cửa giáo thuyết khác của Kitô giáo. Người tín hữu tin từng điều trong số nhiều những giáo điều của họ không vì suy luận theo cách thức riêng của mình về chúng như là kết luận của một quá trình chất vấn thần học hay là kết quả của một số những kinh nghiệm thần bí, nhưng họ tin nhờ vào thẩm quyền thần thiêng của Đấng đã dạy họ, như đã được ghi lại trong Kinh Thánh và lưu truyền bởi Giáo Hội. Nếu Đức Giêsu chỉ là một con người, có lẽ ngài đã có nhiều sai lỗi. Thật vậy, bất cứ ai muốn có ý từ chối bất cứ những lời giảng dạy đặc thù nào về Đức Giêsu sẽ có ý chối bỏ thiên tính của ngài. Có những điều trong những giáo huấn của Ngài mà mỗi chúng ta sẽ thấy rất khó chịu khi chúng ta nhìn đến tổng thể những lời dạy ấy hơn là gian mình trong những điều dễ chịu và quen thuộc
Người Kitô hữu phải nhận ra rằng đối với người ngoại, học thuyết về thiên tính của Đức Kitô thật sự là khó hiểu, nhiều tai tiếng, chướng tai, khó tin và mù mờ đến độ nào. Họ phải nhận ra điều này vì hai lý do: vì mục tiêu hộ giáo để hiểu não trạng của những người sẽ được cải đạo trong tương lai, và cũng vì mục đích trân trọng niềm tin của riêng họ trong mọi đặc tính đáng ngạc nhiên của niềm tin ấy – là những điều có vẻ ngờ nghệch, đần độn so với những gì mà ta thấy đã quá thân quen.
Lập luận của chúng ta về tính chân xác của học thuyết này hệ ở hai bước. Bước đầu tiên là một sự dẫn nhập bao gồm sáu manh mối. Những manh mối này đơn thuần thể hiện khả thể về việc Thiên Chúa trở nên con người. Bước thứ hai nỗ lực để biểu đạt rằng điều này đã thực sự xảy ra nơi Chúa Giêsu.
Một số manh mối cho tính khả thi của Học thuyết
1. C.S. Lewis gọi nhập thể là “thần thoại lại trở nên điều có thực.” Xuất hiện lác đác trên diện rộng qua những thần thoại của thế giới cổ xưa là câu chuyện lạ lùng về một vị thần đã xuống thế. Một số người kể về một vị thần đã chết và phục sinh vì sự sống của con người (ví dụ, những vị thần ngũ cốc của các dân Odin, Osiris, và Mesopotamia). Cũng vậy, câu chuyện về vườn Eden và nạn hồng thủy cũng xuất hiện trong nhiều nền văn hóa khác nhau, có gì đó cũng giống câu chuyện của Chúa Giêsu.
Vì lý do lạ thường nào đó, nhiều người nghĩ rằng sự kiện này có nhiều điểm tương đồng và lời tiên báo mang tính thần thoại của trình thuật Công Giáo – nhắm đến những sai lầm trong trình thuật của người Công Giáo. Thật ra, càng nhiều chứng nhân kể về một câu chuyện tương tự thì câu chuyện ấy càng có khả năng đúng. Chúng ta càng tìm thấy nhiều lời tiên báo cho một sự kiện thì sự kiện ấy càng có khả năng xảy ra.
2. Có một sự loại suy trong nghệ thuật về khả thể của Nhập Thể, có một câu trả lời trước những chống đối cho rằng Nhập Thể là điều không thể và đó chỉ là một sự tự mâu thuẫn. Giả định rằng một tác giả tự vào vai một trong những nhân vật trong tiểu thuyết, vở kịch hay bộ phim của anh ta . Nhân vật này cũng có một bản tính kép và cũng “đến từ trời”, phải nói rằng – trời trong tâm trí tác giả – tuy nhiên anh ta cũng hoàn toàn có tính cách con người tương tác với các nhân vật khác trong câu chuyện. Alred Hitchcock thường làm điều này, cài chính mình vào trong phim như một nhân vật trong một khoảnh khắc nhất thời nào đó. Nếu anh ta có thể làm như vậy, tại sao Thiên Chúa lại không thể?
3. Điều đưa chúng ta đến luận điểm hết sức đơn giản và đầy tính luận lý là: làm thế nào các bạn, những nhà phê bình có quan điểm rằng cuộc Nhập Thể là không khả thi, biết nhiều đến độ có thể nói với Thiên Chúa điều Ngài có thể hay không thể làm? Những kẻ theo chủ thuyết hoài nghi nên nghi ngờ về chính mình nhiều hơn và hãy ít nghi ngờ về Thiên Chúa hơn.
4. Một cách tích cực hơn, điểm tương tự cũng có thể được đưa ra. Nếu một hữu thể tồn tại xứng với danh xưng “Thiên Chúa”, hữu thể ấy phải toàn năng, nghĩa là hữu thể ấy có thể làm bất cứ điều gì thực chất khả thi, đầy ý nghĩa, và không gồm chứa một sự tự mâu thuẫn (giống như một khối đá mà không phải là một khối đá, hoặc một khối đá quá nặng đến nỗi một sức mạnh vô cùng cũng không thể nhấc nổi). Tuy mang tính chất kỳ bí, Nhập Thể không phải là một sự tự mâu thuẫn. Do đó, việc Nhập Thể là khả thi.
5. Không chỉ khả thi từ phía Đấng Tạo Hóa nhưng cũng khả thi về phía thụ tạo. Trong một mức độ nào đấy, một người có thể được biến đổi, được lôi kéo vào trong Thiên Chúa như thể thức ăn bên ngoài được chuyển đổi vào trong cơ thể con người, các giao động vật lý được chuyển đổi thành âm nhạc tinh thần, các hình thái và màu sắc trở thành nghệ thuật, tình cảm tự nhiên trở thành đức ái hoặc ý thức bản ngã trở thành kinh nghiệm thần bí. Nguyên tắc chuyển đổi này vận hành khắp nơi trên thế giới. Sự tiến hóa, nếu nó thực sự xảy ra, là một ví dụ về sự chuyển đổi này. Người ta hầu như có thể xem Đức Giêsu như một nấc thang kế tiếp trong quá trình tiến hóa. (Dĩ nhiên, điều khác nhau là nếu nó xảy ra, sự tiến hóa chỉ xảy ra trong tự nhiên, trong khi sự Nhập Thể lại xảy ra nhờ vào ân sủng siêu nhiên. Điểm chú ý ở đây là cả hai đều khả thi.)
6. Cuối cùng, việc một người có thể có hai bản tính trái ngược nhau có thể được nhìn thấy (như chúng ta đã xem xét ở trên) trong điều thân quen nhất của tất cả mọi thứ: trong chính bạn. Bạn là một ngôi vị, tuy nhiên bạn thuộc về lẫn không thuộc về phạm vi không gian này. Khoảng cách giữa bản tính thể lý và tinh thần của chúng ta, khoảng cách giữa một vài triệu electron chuyển động ngang qua kỳ tiếp hợp trong quá trình phân bào của bộ não Einstein và khám phá của nhà bác học này về E= MC2 cũng không kém ngạc nhiên hơn khoảng cách giữa hai bản tính của Đức Giêsu (Lưu ý: điều này không hàm ý rằng thiên tính và nhân tính của Đức Giêsu được đồng nhất với linh hồn và thể xác, hoặc cho rằng chúng liên quan với nhau trong cùng một cách thức như linh hồn và thể xác của chúng ta).
Những luận điểm về thiên tính của Đức Giêsu
Bây giờ, chúng ta tiến đến những luận điểm mạnh mẽ hơn: những luận điểm hiện thực, chứ không chỉ có thể, về thiên tính của Đức Giêsu.
Tính đáng tin cậy của Đức Giêsu. Những ai đọc các Tin Mừng đều đồng ý với nhau rằng Đức Giêsu là một người thánh thiện và khôn ngoan, một thầy dạy cao cả và lỗi lạc. Hầu hết những người không tôn giáo, thậm chí nhiều người thuộc các tôn giáo khác, như Gandhi, nhìn nhận Ngài như là một thầy dạy luân lý vĩ đại nhất trong lịch sử. Tóm lại, Ngài hoàn toàn đáng tin cậy.
Nhưng liệu những gì mà một người thầy đáng tin cậy dạy có thể tin được không. Nếu Ngài đáng tin, thì chúng ta nên tin Ngài vì lẽ đó, nhất là về chính căn tính của Ngài. Nếu chúng ta không tin chính căn tính của người thầy ấy, thì chúng ta không thể nói Ngài đáng tin, nghĩa là cho rằng Ngài khôn ngoan và thánh thiện.
Tính bất khả thi của sự thay thế. Đâu là sự thay thế cho kết luận rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa? Người vô tín nói gì về luận điểm này? Đức Giêsu khẳng định mình là Thiên Chúa, và Ngài đáng tin, vậy Ngài là Thiên Chúa. Kết luận theo sau các tiền đề. Vậy tiền đề nào có thể bị bác bỏ?
Bàn về tiền đề thứ nhất – tiền đề nói rằng Đức Giêsu khẳng định mình là Thiên Chúa – có lẽ các các bản văn Tân Ước nói sai. Có lẽ giáo lý Công Giáo truyền thống là một thần thoại, một câu chuyện bịa đặt, một sự tưởng tượng. Nhưng điều này lại đưa đến những câu hỏi thậm chí còn khó trả lời hơn cả vấn nạn làm thế nào mà một con người lại có thể là một Thiên Chúa. Và đây là năm câu hỏi như thế.
1.Nếu các Tin Mừng nói sai sự thật, thì ai là người đã sáng chế ra sự dối trá ấy, và vì mục đích gì? Có phải do các môn đệ của Đức Giêsu không? Họ đưa ra những lời chứng dối để làm gì? Tử đạo – khó có thể là một cám dỗ đầy hấp dẫn. Vì một kẻ nói dối thì luôn có một vài động cơ tư lợi nào đó.
2. Tại sao hàng ngàn người đã chịu tra tấn đến cùng cực và chịu chết vì lời chứng dối này nếu họ biết đó là một lời chứng dối? Sức mạnh nào đã đưa người tín hữu đến hang sư tử với những bài thánh ca trên môi? Có lời dối trá nào lại đã từng thay đổi thế giới đến như thế không?
3. Nếu đó không là một lời dối trá cố ý nhưng là một ảo giác hoặc là nhầm lẫn một câu chuyện thần thoại với câu chuyện có thật, thì ai là những kẻ ngớ ngẩn đầu tiên tin vào đó? Chẳng có một ý tưởng nào khác khiến một người Do Thái lại ít tin như ý tưởng này. Hãy tưởng tượng điều này: vị Thiên Chúa siêu vượt Đấng đã có từ muôn đời lại đã cấm ngặt dân riêng của mình nhầm lẫn mình với một thụ tạo khác như những người dân ngoại đã nhầm lẫn, Đấng Tạo Hóa này – Thiên Chúa đã trở nên một thụ tạo, một con người – một tên tội phạm bị đóng đinh. Thật khó để một thần thoại như thế lại nảy sinh cách tự nhiên trong đầu óc người Do Thái.
4. Và nêu không phải là người Do Thái nhưng là chính những người Dân Ngoại đã đã khởi xướng câu chuyện thần thoại này, thì trong Tân Ước, câu chuyện thần thoại này đến từ đâu? Trong số hai mươi bảy sách Tân Ước thì hai mươi lăm quyển đã được người Do Thái viết.
5. Cho dẫu là những người Do Thái hay dân ngoại đã khởi xướng câu chuyện thần thoại, có lẽ họ đã không làm như thế trong thời đại của những người biết Đức Giêsu bằng xương bằng thịt, vì nó sẽ bị bài bác công khai bởi những nhân chứng – những người biết sự thật.
Thánh Tôma Aquinô lập luận rằng nếu cuộc nhập thể đã thực sự không xảy ra, thì một phép lạ khác thậm chí còn khó tin hơn đã xảy ra: sự hoán cải của nhân loại nhờ vào lời chứng dối lớn nhất trong lịch sử và sự thay đổi về mặt luân lý trong đời sống để trở nên vị tha, bình tâm trước những lạc thú thế gian và tầm cao mới của tất cả sự thánh thiện chỉ nhờ vào một câu chuyện thần thoại.
Đức Chúa, kẻ nói dối hay người điên? Song luận này cũng xưa như những nhà hộ giáo Kito giáo tiên khởi: “hoặc là Thiên Chúa hoặc là một kẻ tồi.” Đây là một luận điểm cổ điển được đưa ra, nó như thế này:
1. Đức Giêsu hoặc là một Thiên Chúa (nếu Ngài không nói dối Ngài là ai) hoặc là một kẻ tồi (nếu Ngài đã nói dối).
2. Nhưng Đức Giêsu không là một kẻ tồi.
3. Do thế, Đức Giêsu là Thiên Chúa.
Vài người sẽ chất vấn tiền đề thứ hai. Nhưng nếu tiền đề thứ nhất được thêm vào, kết luận tất phải theo như vậy. Do đó, những người không phải là Kitô hữu phải chất vấn tiền đề thứ nhất. Vậy, điều gì bảo hộ cho tiền đề này?
Quan điểm chung. Ai khẳng định mình là Thiên Chúa mà không là Thiên Chúa thì không phải là một người tốt nhưng là một kẻ tồi.
Chỉ là một người tốt thôi là một điều gì đó mà có lẽ Giê-su không thể là. Bằng cách tuyên bố mình là Thiên Chúa, Ngài đã loại bỏ khả thể này. Vì một kẻ dối láo thì không là một người tốt, và ai lại nói dối về chính yếu tính của mình là một kẻ nói dối, và một người bình thường mà tự cho mình là Thiên Chúa, thì nói dối về chính căn tính đích thực của mình.
Thật hấp dẫn và lý thú khi nói rằng Đức Giêsu chẳng phải là một kẻ tồi cũng chẳng phải là Thiên Chúa, nhưng là một người tốt. Nói rằng Ngài là một người xấu thì xúc phạm đến người Kitô hữu, và nói Ngài là Thiên Chúa thì nghịch ý những ai không là Kitô hữu. Chẳng nói điều nào thì không nghịch ý ai. Do thế, những người không tin không muốn nói đến điều nào cả.
Nhưng luận điểm ấy lại nghịch với luận lý.
Hoặc Đức Giêsu tin chính lời công bố của Ngài rằng mình là Thiên Chúa hoặc Ngài không tin. Nếu Ngài tin, Ngài là một người mất trí (điên). Nếu Ngài không tin, Ngài là một kẻ nói dối. Trừ phi chắc chắn Ngài là Thiên Chúa.
Tại sao Ngài không thể là một kẻ nói dối hay là một người điên? Vì đặc tính của Ngài. Có hai điều mà mọi người đều thừa nhận về đặc tính của Đức Giêsu. Ngài khôn ngoan và tốt lành. Một người điên thì không thể khôn ngoan, và một người nói dối thì không thể tốt lành.
Có những người điên trong những nhà thương điên, họ ngây ngô tin rằng mình là Thiên Chúa. “Nỗi ám ảnh về thiên tính” là một dạng thức được nhận thấy của bệnh tâm thần. Các đặc điểm nổi bật của căn bệnh này được nhận thấy là: tự cao, tự kỷ, khó uốn nắn, đần độn, có thể biết trước họ sẽ làm gì, mất khả năng hiểu biết và yêu mến người khác như bản chất thực của họ, và cũng không thể có tương quan sáng tạo với người khác. Nói cách khác, đây là một cực trái ngược đối với nhân cách của Đức Giêsu. Vượt trên bất cứ con người nào trong lịch sử, Đức Giêsu có ba nhân đức thiết yếu mà mọi người đều cần và muốn: khôn ngoan, yêu mến và sáng tạo. Mặt khác, nếu Đức Giêsu là một người nói dối, thì Ngài hẳn phải là một kẻ dối láo thông minh, khéo léo, xảo quyệt, xấu xa hồ đồ, tệ hại nhất mà nhân loại từng biết đến, kẻ ấy đã quyến dụ thành công hàng tỉ người trao linh hồn vĩnh cửu của mình vào tay hắn. Nếu giáo lý Kitô giáo chính thống là một sự lừa gạt thì đó là một lời dối lừa lớn và tệ hại nhất từng được nói, và Đức Giêsu là kẻ nói dối vĩ đại và tệ hại nhất. Nhưng trong mọi cách thức, Đức Giêsu là một người hoàn hảo về mặt luân lý. Ngài có mọi nhân đức, cả mềm dẻo lẫn cứng rắn, tế nhị và mạnh mẽ. Hơn thế, Ngài đã chết cho “sự dối lừa” của mình. Điều gì khiến cho một kẻ dối lừa đầy ích kỷ và nham hiểm lại làm như thế?
Giả như không phải Đức Giêsu nhưng là chính các môn đệ của Ngài đã phát minh ra “sự dối lừa này”? Các luận điểm tương tự cũng áp dụng cho các môn đệ, hoặc cho bất cứ ai trước nhất đã phát minh ra “sự dối lừa ấy”.
1. Họ không thể hiện những đặc điểm tâm lý của kẻ nói dối.
2. Chẳng có động lực nào để làm như vậy: Tất cả họ nhận từ đó cùng một điều Chúa Giê-su đã nhận: chịu đau khổ và chịu chết. Họ minh chứng sự chân thực của mình ngang qua việc tử đạo.
3. Họ có thể đã không tin rằng nó sẽ thành công vì họ phải biết mọi người Do Thái sẽ kinh ngạc và ghê tởm vì sự báng bổ này.
Chuyện gì xảy ra nếu các môn đệ là những người điên hay đơn giản họ chỉ là những kẻ bị lừa gạt? Biết đâu thiên tính của Đức Giêsu là ý tưởng của họ mà họ gán cho Ngài, sau đó viết lại trong các bản văn Tin Mừng? Các lập luận tương tự cũng áp dụng cho bất cứ ai “phát minh” ra Kitô giáo, cho dù đó là Đức Giêsu, các môn đệ của Ngài hay giáo hội sơ khai.
1. Tác giả của các sách Tin Mừng chắc hẳn không phải là những người điên. Nếu họ phát minh ra Đức Giêsu, họ đã tạo ra một nhân vật tiểu thuyết hấp dẫn nhất trong lịch sử. Không một người điên nào lại có thể viết nên, ít hay nhiều, dù chỉ một chương trong các sách Tin Mừng.
2. Cũng chẳng có sự điên rồ nào lại đem đến nhiều thay đổi khiến biết bao người sống tốt hơn qua nhiều thế kỷ. Suy xét sự nguy hại của những suy nghĩ điên rồ về việc lẫn lộn một con người với một Thiên Chúa, tiếp đến, suy xét sự nguy hại về việc thay đổi được thực hiện nơi hàng triệu người nhờ vào “sự điên rồ này” (ví dụ, đọc Tự Thú của thánh Augustinô), và bạn sẽ thấy rất khó để tránh khỏi phải tin.
3. Điều giải thích cho sự dối trá của bất cứ ai trước hết là do bị “gạt”? Giải thích nguồn gốc của sự điên rồ thì cũng khó khăn như việc giải thích nguồn gốc và động lực của “sự dối trá”.
Những nguyên cớ cho sự vô tín
Thế thì tại sao nhiều người không được thúc đẩy để tin?
1. Không vì những lý do duy lý. Không một lý do nào đã từng đưa đến sự chống đối Kitô giáo mà đã không bị bác bẻ (xem chương 2). Tuyệt đại đa số những ai không tin vào thiên tính của Đức Giêsu thì không tin vì những lý do khác, chứ không vì đối mặt với các luận điểm này.
2. Thường thì điều bị ghét bỏ và chối từ không phải là Đức Giêsu nhưng là các Kitô hữu. Chesterton nói rằng: “Luận điểm tốt duy nhất chống lại Kitô giáo chính là các Kitô hữu.”
3. Thường thì chính nỗi sợ Giáo Hội, giáo huấn cùng thẩm quyền của Giáo Hội mà làm cho người ta sợ hãi xa lánh đi. Giáo Hội là một thể chế cụ thể, hữu hình, và hiện thời, nó đưa ra những đòi hỏi đối với trí tuệ khiến chúng ta tin và trên ý chí khiến chúng ta thực hành toàn bộ cách sống ngược với các khuynh hướng tự nhiên của chúng ta. Chính xác như Đức Giêsu, Đấng đã làm mọi sự trong cùng một cách thế. Giáo Hội không vận hành một câu lạc bộ nhưng giương cao một cây thập giá.
4. Sự lưỡng lự thường thì nằm ở phương diện luân lý. Thừa nhận rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa chính là thừa nhận thẩm quyền tuyệt đối của Ngài trên cuộc đời bạn, gồm cả đời sống cá nhân và tình dục của bạn. Liệu một người nghiện ma túy có thể nghĩ một cách rõ ràng và khách quan những sự thật luân lý khi anh ta sử dụng chất ma túy không? Tại sao một người nghiện tình dục phải nên khác biệt?
Tất cả chúng ta đều nghiện một cái gì đó – ít nhất là sự ích kỷ. Đó là ý nghĩa của tội, là chính thứ dịch bệnh mà Đức Giêsu đến để cứu chữa. Chắc chắn, căn bệnh ung thư đã làm cho các nhà phẫu thuật phải sợ hãi. Đây chính xác là những gì mà bạn mong đợi. Đây không phải là nguyên do để không tin vào tuyên bố của nhà phẫu thuật rằng anh ta là chuyên gia. Đó chỉ là sự đối nghịch.
Cái tôi cũ trong chúng ta không xuẩn ngốc. Nó thấy rằng Đức Giêsu đến để hủy diệt nó. Nó biết Công giáo không phải là một thứ lý thuyết vô hại nhưng là một cái gì đó sống động và nguy hiểm đối với nó.
5. Một số người e sợ những điều thần bí và không kiểm soát được. Nếu Thiên Chúa đã làm một điều lạ lùng như thế khi trở nên một con người, thì thực tại cố thoát khỏi những chiếc hộp nho nhỏ ngăn nắp và thoải mái trong khi một số trong chúng ta lại thích nhét thực tai ấy vào lại bên trong.
6. Có lẽ cũng có một sự tự hào nho nhỏ, không muốn nới lỏng những điều thiết yếu nhất trong cuộc sống của bạn.
7. Thật là cũng không hợp thời tí nào cả để Tin Đức Giêsu như bất cứ thứ gì hơn là một người thầy nhân loại.
8. Cuối cùng, niềm tin tôn giáo sâu xa nhất của người Mỹ thường là bình đẳng. Quan niệm cho rằng chỉ mình Đức Giêsu là Thiên Chúa và tất cả các tôn giáo khác là không ngang tầm đã xúc phạm đến niềm tin về sự bình đẳng thực sự của chúng ta, là điều không hề đòi hỏi chúng ta phân biệt và chọn lựa ai và để biện minh cho sự chọn lựa ấy (xem chương 14).
Không điều nào trong số tám nguyên nhân trên là lý do cho sự vô tín, chỉ có một động cơ thôi; nghĩa là, chúng mang tính chủ quan chứ không khách quan, mang tính tâm lý chứ không mang tính luận lý.
Nguyên tác: Pocket Handbook of Christian Apologetics
Tác giả: Peter Kreeft, Ronald K. Tacelli
Còn tiếp