Hộ giáo – Kitô Giáo và Các Tôn Giáo khác

 

Khi dạy hộ giáo và triết học tôn giáo trong nhiều năm, chúng tôi thấy rằng các sinh viên ngày càng lo lắng và bối rối về các tuyên bố của những người Kitô giáo “không phải người Mỹ” theo chủ nghĩa bài trừ hơn là về bất cứ khía cạnh nào thuộc tôn giáo của họ. Trong thời đại của khoan dung và đa nguyên này, những tranh luận phổ biến nhất chống lại Kitô giáo dường như cho rằng Kitô giáo chỉ là một trong những tôn giáo mà thôi. Thế giới là nơi rộng lớn; “mỗi người một kiểu”; “đừng đặt lên người khác những giá trị của mình”.

Tôn giáo thực chất của hầu hết người Mỹ là sự bình đẳng; đó là giá trị hiển nhiên và tuyệt đối. Thiên Chúa phải là một người Mỹ, một ông chủ công bằng. Tất cả những ngả đường tôn giáo khác, nếu có ai theo cách chân thành, rồi cũng sẽ dẫn đến Thiên Chúa.

Cách nghĩ này rất dễ chấp nhận và có vẻ rất sáng sủa – cho tới khi một ai đó bắt đầu suy nghĩ một cách hợp lý và hỏi những câu hỏi khó, rõ kiểu như: liệu con đường của Jim Jone có dẫn đến thành phố Jonestown không? Hay dẫn đến vương quốc Satan? Vậy thì bạn vạch ra con đường đó ở đâu?

Xác định vấn đề

Chúng ta phải làm rõ ít nhất năm câu hỏi về vị trí của Kitô giáo liên quan đến các tôn giáo khác:

  1. Các tôn giáo khác có chân thực không?
  2. Chúng có tốt không? (Có tính luân lý không?)
  3. Chúng có tính cứu độ không?(Có thể cứu rỗi bạn không?)
  4. Chúng có tính giáo dục không? (Liệu người Kitô hữu có học hỏi được từ đó không?)
  5. Chúng có hữu ích không? (Liệu người Kitô hữu có nên thực hành những điều trong đó không?)

Các tôn giáo có chân thực không? Chúng ta không thể đặt câu hỏi này cho đến khi chúng ta đồng ý về cái gì được coi là “chân thực”. (Xem “Kết luận: Dòng cuối”). Nếu chúng ta sử dụng định nghĩa này theo nghĩa chung ở phương Tây, nghĩa là, ứng với thực tại khách quan, thì câu trả lời đúng dường như là một phần. (Nhưng khi chúng ta xem xét một chút ở các tôn giáo khác, đặc biệt ở các tôn giáo phương Đông, cũng có những định nghĩa khác về chân lý.)

Chúng ta có thể nói, ví dụ, rằng Ấn giáo là chân thực trong thuyết độc thần và sai lầm trong thuyết phiếm thần, hoặc nói rằng những khẳng định của Hồi giáo về cầu nguyện và công bằng là chân thực, nhưng việc từ chối Thiên Chúa có thể có một người Con là sai lầm.

Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực nhất của chân lý thay đổi khi bạn đi sang phương Đông. Vì đối với một người theo thuyết phiếm thần, sự khác nhau giữa sự chân thực và sự sai lầm không thể là sự khác nhau giữa sự tương đồng và sự không tương đồng của ý nghĩ chủ quan với thực tại khách quan. Vì thực tại đối với người theo phiếm thần thuyết là một, không bao giờ là hai; chân lý không là sự tương đồng của ý tưởng nhưng là mức ý nghĩa của nó, có thể nói như vậy. Chỉ ý tưởng của Đấng Duy Nhất hoặc của Brahman hoặc của Nirvana là hoàn toàn “đúng”; tất cả những ý tưởng thấp hơn có phần đúng và có phần sai, chỉ là một phần của cái Toàn Thể.

Điều này làm cho những tranh luận giữa phương Đông (gồm Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo) và phương Tây (Do Thái giáo, Kitô giáo, và Hồi giáo) trở nên hết sức khó khăn. Đối với người phương Tây, họ tuyên bố người phương Đông là sai lầm về một số điểm, và người phương Đông tuyên bố rằng họ chẳng có gì sai trái cả. Một người Ấn giáo có thể tin mọi thứ, kể cả tin vào Kitô giáo, như là một phần của chân lý, hoặc như là một chặng của con đường đi tới chân lý toàn vẹn. Thậm chí những ý tưởng trái ngược có thể được chấp nhận là chân lý; vì thế việc cản trở cho đối thoại Đông-Tây chính là ở điểm này.

Những lập luận của người phương Đông cho rằng định nghĩa của họ về chân lý bao gồm định nghĩa của người phương Tây, nhưng ngược lại thì không được; nghĩa là người phương Đông thì bao hàm, còn người phương Tây thì loại trừ. Có thể đây là lý do chính yếu cho sự lan tràn của các tôn giáo Đông phương ở Tây phương ngày nay, đặc biệt ở mức độ bình dân và không chính thức. Không nhiều người Mỹ theo Ấn giáo, nhưng hầu hết họ đều thích khái niệm chân lý của người Ấn giáo so với khái niệm chân lý của người Tây phương, ít nhất về mặt tôn giáo.

Nhưng hoàn cảnh thực tế là có sự trái ngược: phương Tây truyền thống bao gồm phương Đông, không có ngược lại. Người phương Tây luôn nghĩ trực giác của người phương Đông có một cái gọi là các cấp độ về chân lý (ví dụ như cấp độ của hiểu biết, trực giác, chiều sâu, tương hợp, thông thái). Tuy vậy, người phương Tây thêm rằng cũng có một cấp độ như thế như nguyên lý không mẫu thuẫn. Các mệnh đề trái ngược không thể cùng đúng trong cùng một ý nghĩa tại cùng một thời điểm. Người phương Đông không thừa nhận điều này.

Lấy ví dụ, giả thuyết rằng có nhiều cấp độ chiều sâu về sự hiểu biết ý nghĩa của từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, hoặc Thiên Chúa có một ý muốn và định ra một luật về luân lý, như người phương Tây tin, hoặc không tin, như người phương Đông tin. Không thể cả hai đều tin. Chính người phương Đông không thể thấy trực giác của người phương Tây ở đây, và chân lý thì hơn cấp độ hiểu biết về ý nghĩa của thuật ngữ; cũng vậy, hoặc giả thuyết là đúng hay không đúng, thực tế hay không thực tế.

Khi dùng ý nghĩa về chân lý của phương Tây, câu trả lời của chúng ta cho câu hỏi “Các tôn giáo khác có chân thực hay không?” là “Chắc chắn chân thực một phần nào đó. Thậm chí Satan cũng có thể nói một vài sự thật để tung ra những chiêu lừa bịp của hắn. Satan nói với những kẻ tin hắn một vài sự thật (ví dụ, Satan là có thật và đầy quyền lực, và chúng muốn chúng ta phạm tội như giết trẻ em để hiến tế). Rồi thì chúng ta sẽ tìm thấy nhiều hơn nhiều chân lý nơi những người thầy thông tuệ, nhân đức và khôn ngoan như Đức Phật, Đức Khổng Tử, và Môhamét. Tuy nhiên, điều đáng được xem xét là những chân lý của họ so sánh như thế nào với chân lý của Kitô giáo, và như thế nào khi chúng pha lẫn những điều sai lạc.

Duy chỉ có một tôn giáo “khác” mà người Kitô hữu có thể chấp nhận như là chân lý toàn thể đó là Do Thái giáo theo Kinh Thánh, vì lý do đơn giản rằng đây không phải là một tôn giáo “khác” nhưng là nền tảng của Kitô giáo. Chúa Kitô nói, “Đừng nghĩ rằng Ta đến để bãi bỏ lề luật và lời các ngôn sứ; Ta không đến để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn” ( Mt 5,15). Người Kitô hữu tin mọi điều người Do Thái tin và còn hơn thế nữa; giống như người Công giáo tin mọi điều mà người Tin Lành chính thống tin và còn hơn thế nữa. Những người Do Thái hiện đại chê trách những người Kitô hữu vì họ tin quá nhiều thứ; giống như người Tin Lành chê người Công giáo tin vào quá nhiều thứ.

Các tôn giáo khác liệu có tốt không? Đâu là đạo đức và luân lý của các tôn giáo khác? Không kể Satan giáo, mỗi tôn giáo trên thế giới không chỉ có một vài nhưng có rất nhiều tính luân lý chân thực. Luật luân lý của các tôn giáo lớn trên thế giới không khác mấy trong nền thần học của chúng. Thậm chí bạn có thể tìm ra nhiều giá trị Chúa Giêsu đã dạy trong bài giảng Trên Núi nơi Plato, Lão Tử, hoặc Đức Phật, dù không chung trong một bối cảnh lịch sự về “Nước Trời.”

Tuy nhiên, có một vài khác biệt luân lý căn bản giữa các tôn giáo dựa trên niềm tin thần học khác nhau. Lấy ví dụ, giả thuyết rằng bạn là một người Ấn giáo chính thống. Bạn sẽ tin rằng (a) thân xác rốt cục chỉ là một sự tỏ hiện; (b) tất cả chúng ta phải làm việc vì nghiệp chướng (karma) chúng ta, hay vì định mệnh của chúng ta; và (c) sau khi chết, mỗi người, ngoại trừ những kẻ đã giác ngộ hoàn toàn, phải chịu nhiều kiếp luân hồi nữa. Vì những lý do này, bạn sẽ không phải nhanh tay cứu một đứa bé bị bỏ rơi sắp chết ra khỏi cái cống. Vì (a) một thân xác chết thì không quan trọng gì; (b) bạn có thể can thiệp vào nghiệp chướng của một người, hoặc học hỏi kinh nghiệm ngang qua đau khổ và sắp chết này; và (c) sự chết không phải là một bi kịch thê thảm vì nó không phải là kết thúc – chúng ta đi thêm vòng nữa và có thể có những cơ hội khác nhờ vào sự luân hồi.

Trái lại, nếu bạn là một người Kitô hữu hoặc một người Do Thái giáo hay người Hồi giáo, bạn phải hành động giống như người Samari tốt lành vì bạn tin rắng (a) thân xác là chân thực, tốt lành và quan trọng; (b) chúng ta không bị tất định nhưng được tự do (hoặc cả tất định và tự do); và (c) chúng ta chỉ sống một lần, vì thế, sự sống thì đáng quý vô ngần.

Tuy nhiên, những bất đồng loại này không phổ biến mấy. Thường hơn, không chỉ có những sự giống nhau thôi mà còn là những sự giống nhau đáng ghi nhận. Luật luân lý có thể được phân thành ba cấp độ: luật về sự sống thực tại, luật về công bằng khách quan, và luật về lòng vị tha. Tất cả ba luật này bảo chúng ta đừng đánh vỡ đầu người khác, nhưng với ba lý do khác nhau: để không bị đánh lại; vì điều đó không tốt đẹp gì, và vì chúng ta nên quảng đại như Thượng Đế, hoặc Thực Tại Tối Hậu. Mọi người biết cấp độ một, đa số các dân tộc văn minh biết cấp độ hai, nhưng cấp độ ba thì cao và hiếm. Tuy nhiên, tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều dạy về ba cấp độ này.

Các tôn giáo khác có ơn cứu độ? Các tôn giáo khác có thể cứu rỗi bạn? Xem ra câu trả lời khá thoáng: Có nhiều chân lý và nhiều điều tốt lành luân lý nơi các tôn giáo khác. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét một cách rất cẩn trọng. Kitô giáo không loại bỏ tuyên bố của mình về một đấng cứu độ duy nhất.

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy ở chương mười ba, tín điều về Chúa Kitô là Đấng cứu độ duy nhất không cần bắt phải kết luận rằng chỉ những Kitô hữu chính danh mới là những người được cứu độ. Các bản văn như thư thứ nhất gửi tín hữu Rôma và Gioan 1, 19  nói cho chúng ta biết Thiên Chúa chiếu ánh sáng vào tâm trí mọi người và nói với muôn dân tộc qua lương tâm, tiếng nói bên trong của Thiên Chúa. Kitô hữu không tuyên bố mình biết bao nhiêu người đáp lại sự hiểu biết về Thiên Chúa trong một cách thức như thế để được cứu độ; nhưng họ tuyên bố biết (vì Chúa Giêsu đã bảo họ) rằng nếu và khi và bằng cách nào một người được cứu độ, họ phải được cứu độ nhờ Chúa Giêsu, Đấng cứu độ độc nhất.

Những tuyên bố có tính riêng biệt của Kitô giáo không dành cho Kitô giáo nhưng cho các Kitô hữu của Chúa Kitô, là người tin Chúa Kitô là Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa-trong-xác-phàm. Những tuyên bố của Người không thể bị sửa đổi, làm giảm đi, tương đối hóa, nhân nhượng hoặc biến thái thành một cái gì có thể chấp nhận được.

Nhưng chủ nghĩa loại trừ này không là một chủ nghĩa loại trừ của văn hóa Kitô giáo, của đạo đức Kitô giáo hoặc của những Kitô hữu như là những ứng viên duy nhất cho nước trời. Những tấn công vào chủ nghĩa loại trừ Kitô giáo một cách ngu xuẩn và ác tâm thường làm rối loạn ba chủ nghĩa loại trừ không thể bào chữa được này với một cái thực tế, cái mà hầu như chẳng bao giờ được thẳng thắn đối mặt. (Bạn có thường nghe một người nào đó không phải là Kitô hữu đối mặt với câu hỏi trọng tâm rằng những tuyên bố của Chúa Giêsu về chính mình là thật hay giả không?)

Các tôn giáo khác có tính giáo dục không? Các Kitô hữu có thể học hỏi sự khôn ngoan nào từ các tôn giáo khác không? Chắc chắn như thế! Kinh Thánh của chúng ta dạy rằng Thiên Chúa nói qua nhiều cách khác nhau với các tổ phụ Do Thái của chúng ta (Dt 1,1), Ngài đã không để mặc chính mình mà không có một chứng nhân giữa dân ngoại (Cv 17, 22-28; Rm 1, 19-20).

Có ích nhất ba lý do thuận lợi để các Kitô hữu học hỏi nơi các tôn giáo khác.

1. Để đánh giá tôn giáo của chúng ta tốt hơn bằng cách so sánh.

2. Để củng cố và đào sâu hiểu biết của chúng ta về những khía cạnh giống nhau trong tôn giáo của chúng ta. Lấy ví dụ, Khổng Tử có thể dạy chúng ta rất nhiều về sự hòa hợp thực tiễn xã hội, luân lý và vũ trụ; Lão Tử về sự thinh lặng vô hình của Thiên Chúa, là sức mạnh mềm dẻo trong tự nhiên; Đức Phật về tầm quan trọng của thing lặng và suy niệm; và, trên hết, Môhamét, về sự quy phục (islam) Thiên Chúa và ý muốn của Người. Tuy nhiên, sự cẩn trọng và nhận định luôn là điều cần thiết nhất, đặc biệt khi những giáo huấn này không chỉ được  học hỏi từ bên ngoài vào nhưng phải được hội nhất với chính cuộc sống con người từ bên trong.

3. Để tìm kiếm chân lý bất cứ nơi đâu có thể. Tất cả chân lý là chân lý của Thiên Chúa. Chúng ta không biết chân lý ở đâu cho tới khi chúng ta tìm kiếm. Vì thế, chúng ta nên tìm khắp mọi nơi, nếu chúng ta đánh giá cao chân lý, như cha mẹ kiếm tìm quý tử.

Các tôn giáo khác liệu có hữu ích không? Một Kitô hữu có nên dùng một vài kỹ thuật thiền của Phật giáo hay không? Các Kitô hữu Trung Hoa có nên coi Đức Khổng Tử như là bậc thầy của họ về đạo đức xã hội chăng? Các Kitô hữu theo chủ nghĩa hòa bình có nên học từ những phương pháp của Gandhi không? Các Kitô hữu gốc Do Thái có nên tổ chức những ngày lễ của người Do Thái hay không?

Những câu hỏi như thế nên được đặt ra với một sự quan tâm lớn, vì tôn giáo là sự phục vụ năng động và thực tế cho Thiên Chúa, các thần, thiên thần hay ma quỷ. Trước khi những người Kitô hữu sử dụng một câu thần chú từ một người thầy Chiêm niệm Cao siêu, họ nên chắc rằng nó không phải là tên của ma quỷ, được ngụy trang-vì nó thường như vậy! Trước khi mở lòng ra với việc thiền định, họ nên chắc rằng việc đó hướng mở lên Thiên Chúa, chứ không phải vào hư vô – bởi vì trong Thiền không có sự khác biệt! Việc nhận định là cần thiết, trong những điều căn bản. Sự ôm đồm không phân định hay sự loại trừ không phân định, cả hai luôn là điều thiếu suy xét như nhau.

Mặt khác, chúng ta phải nhớ rằng những phương pháp Đông phương đã được phát triển như là những phương tiện cho mục đích phi Kitô; và có sự kết nối cơ cấu giữa phương tiện và mục đích. Đối với người phương Đông, cùng đích là thần bí; thần tính chỉ là một phương tiện. Đối với người Kitô hữu (và người Do Thái và người Hồi giáo), cùng đích là thần tính; thần bí chỉ là phương tiện để dẫn đến kết quả cao hơn này. Đối với một tín đồ Ấn giáo hay một tín đồ Phật giáo, thần tính chỉ thanh tẩy linh hồn của cá nhân để nó có thể nhìn thấu chính nó như là một ảo giác. Đối với những người Kitô hữu, chủ nghĩa thần bí chỉ như là một phần thưởng của thần tính hoặc như là động cơ cho nhiều thần tính khác.

Chúa Kitô truyền cho chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa; người Ấn giáo bảo chúng ta là Thiên Chúa. Chúa Kitô bảo chúng ta hãy yêu mến láng giềng của mình; Đức Phật bảo chúng ta là láng giềng của chính mình. Đích điểm của người phương Đông là phải nhìn xuyên thấu ảo tưởng của cái tôi, linh hồn, thân xác, bản thân, người khác, vật chất, không gian, thời gian, thế giới, sự lành, sự dữ, sự thật, sai trái, cái đẹp, cái xấu, cái này và cái kia. Đích điểm của người Kitô hữu là biết, yêu mến, làm vui lòng, phụng sự, kết thân và vui thú với Thiên Chúa ở đời này và đời sau.

Ngoài ra, trong khi Kinh Thánh dạy ta rất nhiều về nửa thứ hai của lệnh truyền là “hãy ra sức nhận biết Ta là Đức Chúa”, điều này nói cho chúng ta rất ít về việc làm thế nào để thực hành nửa thứ nhất. Về nguyên tắc, một vài kỹ thuật có tính tự nhiên và não trạng của người phương Đông có thể bị tách khỏi cùng đích của người phương Đông và được gắn nhập vào việc phục vụ cho cùng đích của người Kitô.

Chính các vị thánh, chứ không phải các nhà thần học, là những người hướng dẫn cho chúng ta trong việc nhận định này.

Vấn đề quan trọng nhất trong “các tôn giáo so sánh” không phải là những vấn đề trừu tượng và chung chung nhưng là vấn đề cụ thể và riêng biệt về căn tính của Chúa Giêsu. Lãnh vực “các tôn giáo so sánh” đưa ra cho những ai không muốn chấp nhận tuyên bố của Chúa Giêsu về mình là Thiên Chúa, một con đường vòng khác để tránh dẫn đến Người, số còn lại trốn tránh chừng nào có thể việc lập luận về thiên tính của Người như được giới thiệu ở chương tám. Có lẽ Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa, không là kẻ nói dối cũng không là người mất trí hay nhà thần bí nhưng là một bậc thầy (guru).

Theo lý thuyết này, chúng ta nên giải thích tuyên bố của Người về thiên tính của mình không phải trong ý nghĩa của người Kitô hữu, người Do Thái hay người phương Tây nhưng trong ý nghĩa của người Phật tử, người Ấn giáo và người phương Đông. Vâng, Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Người biết điều đó, tuyên bố điều đó – nhưng tất cả chúng ta là Thiên Chúa. Chúng ta không phải là những nhà thần bí, cũng không được soi sáng để nhận ra điều đó. Chúa Giêsu là nhà thần bí được soi sáng, một bậc thầy, người nhận ra chính thiên tính bên trong của mình. Ngày nay và cũng như trong quá khứ, có hàng ngàn người xưng mình là Thiên Chúa nhưng họ chỉ là những kẻ nói dối hay là những người mất trí. Họ là những bậc thầy, những nhà yoga, thiền định, “những bậc thầy thiêng liêng”, những nhà thần bí “giác ngộ”. Tại sao Chúa Giêsu không thể nào khớp với tầng lớp khá nổi tiếng và vững vàng này?

Vì một lý do hết sức đơn giản: bởi vì Ngài là một người Do Thái. Không một guru nào là một người Do Thái cũng như chưa hề có người Do Thái nào là một guru. Những sự khác biệt, hay xa hơn, là những sự mâu thuẫn-giữa Do Thái giáo của Chúa Giêsu và lời dạy của tất cả các guru, người Ấn giáo, người Phật giáo, Lão giáo hay Kỷ nguyên Mới, thì quá nhiều, quá bao la và quá rõ ràng. Tuyệt nhiên không có tính lịch sử, không có gốc rễ cho thấy Chúa Giêsu như là một người Ấn giáo mà không phải là một người Do Thái; như một kiểu mẫu mang tính phổ quát về “lương tâm được giác ngộ”. Bạn không thể bỏ qua tính Do Thái của Ngài.

Nếu Chúa Giêsu thật sự là một guru hay một nhà thần bí, người siêu vượt và khác với những người dân Do Thái của mình, thì cuối cùng Ngài cũng thất bại  trong việc đưa ra  một trong những lời dạy của các guru nhằm tiếp cận với mọi người, hơn nữa, trong vòng gần hai ngàn năm. Ngài sẽ là vị thầy tồi nhất trong lịch sử  nếu Ngài lừa lọc tất cả những ai theo Ngài về một trong những điểm trọng yếu nơi mà Do Thái giáo và chủ nghĩa thần bí phương Đông mâu thuẫn với nhau.

1. Do Thái giáo là một tôn giáo công khai tuân giữ tất cả những lề luật chung (Torah) và tin vào một cuốn sách chung (Kinh Thánh). Nhưng các guru và các nhà thần bí của tất cả các nền văn hóa dạy về kinh nghiệm bên trong, cá nhân và riêng tư mà không thể nào được thông tri bằng lời.

2. Các nhà thần bí phương Đông và các guru tin vào một Thiên Chúa có tính phiếm thần và ở mọi nơi. Với họ, “sự giác ngộ” hệ ở việc nhận ra rằng chúng ta và mọi thứ khác rốt cục đều là Thiên Chúa. Giáo lý độc đáo của Do Thái giáo tin rằng Thiên Chúa thì khác biệt với thế giới. Người tạo ra thế giới từ hư không. Có một khoảng cách vô biên giữa Đấng Tạo hóa và thụ tạo. Việc nhầm lẫn hay xác định một thụ tạo với Đấng tạo hóa là tội thờ ngẫu tượng, một tội trọng khủng khiếp.

Nếu một người Ấn giáo nói với vị thầy của mình, “Tôi vừa mới khám phá ra mình là Thiên Chúa,” phản ứng lại sẽ là “Xin chúc mừng. Cuối cùng anh cũng đã ngộ ra” Nếu một người Do Thái cũng nói như thế cách đây hai ngàn năm, phản ứng trở lại sẽ là việc ném đá (Jn 8,32-59) hoặc bị đóng đinh (Jn 19,1-7).

3. Với những người Do Thái, Thiên Chúa là một ngôi vị. Mặc khải cao nhất của Thiên Chúa cho Môsê trong bụi gai bốc cháy khi Người nói với Môsê về danh tánh đích thực vĩnh cửu của Người: “TA LÀ”. Với những người  Do Thái, “TA”, là danh của Thực Tại Tối Cao-Thiên Chúa.

Đối với những guru, “TA” là danh của một sự lý tưởng tối hậu. Cá nhân, cá vị, bản thân là những lý tưởng cao nhất, những cái phải được thấu triệt và giải nghĩa để chúng ta đạt đến chân lý tối hậu về sự giác ngộ. Khác với bản chất tự nhiên của thực tại tối hậu trong Thiên Chúa, nó không có thực ở bên trong chúng ta.

4. Đối với các nhà thần bí, thời gian và lịch sử cũng là những điều không có thực chút nào, hoàn toàn hão huyền và là sự phóng chiếu của một trạng thái chưa được sự giác ngộ. Giác ngộ bao gồm sự giải thoát khỏi thời gian. Sự cứu độ được tìm thấy trong phi thời gian. Nhưng đối với người Do Thái, thời gian và vật chất (những cái liên hệ với nhau) là có thực bởi vì Thiên Chúa đã dựng nên chúng. Đối với Do Thái giáo, Thiên Chúa được biết đến, được yêu mến và được phụng sự trong thời gian. Do Thái giáo là một tôn giáo có tính lịch sử

Đối với nhà thần bí, sự cứu rỗi nằm ở kiếp trước khi nhận ra căn tính nguyên thủy của chúng ta với mọi sự. Nhưng đối với người Do Thái, sự cứu rỗi cốt ở việc Thiên Chúa thực hiện công trình của Người (“ngày của Đức Chúa”) trong tương lai, trong thời gian, trong lịch sử, trong thời đại Mêsia. Các nhà thần bí nhìn vượt khỏi thời gian hoặc kiếp sau; người Do Thái nhìn vào thời gian và tương lai.

5. Các nhà thần bí tin rằng Thiên Chúa thì bất khả tri, ngoại trừ bằng kinh nghiệm thần bí phi thế giới. Người Do Thái tin Thiên Chúa đã làm cho Người được biết đến một cách rộng khắp bằng việc làm và bằng lời, qua những bản văn được thần hứng.

6. Đối với người Do Thái, Thiên Chúa là đấng sáng tạo năng động. Đó là lý do tại sao Người luôn được hình dung như là một người đàn ông-như nhà vua, người chồng, chiến binh. (Một lý do khác là sự siêu vượt của Người; xem cuối chương bốn.) Tôn giáo không phải là việc chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa nhưng là việc Thiên Chúa tìm kiếm chúng ta.

7. Thiên Chúa của người Do Thái là một nhà luân lý. Chính Người là luân lý,  công chính, thánh thiện; và lệnh truyền Người đưa ra cho chúng ta là “Hãy nên thánh, như Ta là đấng thánh.” Người đưa ra các giới răn. Người có một ý muốn. Người luôn rạch ròi. Người ghét sự ác và ưa thích sự thiện.

Thiên Chúa phiếm thần của các guru không có ý chí, không có lề luật, không có sở thích. Người hoàn toàn không thể được phân biệt, giống như tính phi luân lý hiện đại của những người phương Tây. Đối với các guru, luân lý là sự chuẩn bị tốt nhất cho việc giác ngộ, là phương tiện để giải phóng tâm trí khỏi những đam mê (và tình yêu); tệ nhất, luân lý là một ảo tưởng có tính nhị nguyên. Đó là phát kiến của chúng ta, không phải của Thiên Chúa. Thiên Chúa của họ thì “vượt xa sự lành và sự dữ.”

8. Một lý do chính khác giải thích tại sao các tôn giáo phương Đông khá phổ biến giữa những người thời nay trước kia là người Do Thái giáo hay người Kitô hữu là chúng không có hỏa ngục. Có thể chỉ có một sự chuộc lỗi tạm thời-ví dụ, đầu thai ở đời này và hóa kiếp ở đời kế tiếp (The Tibetan Book of the Dead)-nhưng rồi cuối cùng mọi người ai cũng tự động đi vào thiên đường. Thiên Chúa của những guru không phán xét hay trừng phạt tội lỗi. Không có tội lỗi, không có sự xa cách Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tất cả.

Do Thái giáo Thánh Kinh và chính thống, như Kitô giáo, dạy về sự công bình và sự phán xét cuối cùng và vĩnh cửu. Không ai có thể tự mình đảm bảo được ơn cứu độ. Sự tồn tại của hỏa ngục là hợp lý, đến từ hai giáo lý rõ ràng của Kitô giáo và Do Thái giáo: sự phân biệt giữa Đấng tạo hóa và thụ tạo, giữa Tạo hóa và ý chí tự do của con người. Những người theo phiếm thần thuyết không thể tin vào hỏa ngục bởi vì chúng ta không có tự do để lựa chọn nó. Những người Do Thái chính thống và những Kitô hữu chính thống tin vào khả năng có hỏa ngục (sự xa cách muôn đời với Thiên Chúa) bởi vì chúng ta không phải là các phần của Thiên Chúa, và chúng ta tự do chối bỏ Người. Còn về Chúa Giêsu thì sao? Chúa Giêsu đã tin mạnh mẽ và rõ ràng vào hỏa ngục, và đã nói nhiều về nó. Vì thế, chúng ta có tám điều hết sức mâu thuẫn với nhau, tất cả rất quan trọng giữa lời dạy của Chúa Giêsu như chúng ta có trong Tân Ước và những lời dạy của các nhà thần bí và guru phương Đông. Nếu xếp Chúa Giêsu như là một guru thì cũng y chang như việc xếp Marx như là một nhà tư bản.

 

Nguyên tác: Pocket Handbook of Christian Apologetics 

Tác giả: Peter Kreeft, Ronald K. Tacelli

Còn tiếp


 

 

 

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *