Hoàng Sa – Trường Sa đích thực là của Việt Nam

(Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)

Bạch thư của Nhà nước Việt Nam và nhiều luận văn chuyên đề đã khẳng định chủ quyền  Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa căn cứ nơi các tài liệu lịch sử, địa lý, đồ bản và pháp lý là không thể phủ nhận. Chúng tôi xin bổ túc thêm mấy tư liệu khác của ngoại quốc và của chính Trung Quốc nhằm củng cố chủ quyền nước ta trên hai quần đảo ấy một cách khách quan và chân thực nhất.

Thái giám Trịnh Hòa vẽ rõ bờ biển  Việt Nam.

“Trong thời gian 1405- 1433, Trịnh Hòa đã bảy lần chỉ huy một hạm đội mạnh … vượt biển xuống Đông Nam Á, sang Ấn Độ Dương, qua Tích Lan (nay là Xri Lanka), Ấn Độ, các nước Ả Rập, vào Biển Đỏ và xuống bờ biển Đông Phi”[1]. Trịnh Hòa đã ghi ký sự và vẽ bản đồ cuộc hành trình vĩ đại này. Trịnh Hòa hàng hải đồ vẽ liên tục cuộc hành trình trên mấy trăm trang giấy bản rất công phu. Chúng tôi xin trích dẫn hai trang vẽ bờ biển và các hải đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, khi ấy ghi là Giao Chỉ quốc và biển Đông ghi là Giao Chỉ dương. Sơ đồ này vẽ khá rõ từ biên giới Việt – Trung qua cửa khẩu sông Hồng, xuôi bờ biển miền Trung tới cửa khẩu Quy Nhơn, Trịnh Hòa ghi là Tân Châu cảng. Trịnh Hòa mặc nhiên thừa nhận Giao Chỉ dương tức là biển Đông và các đảo nằm trong đó đều thuộc chủ quyền Giao Chỉ quốc tức nước Đại Việt ta (có trích bản đồ Trịnh Hòa đính kèm) .

Những bản đồ Bồ Đào Nha đầu tiên vẽ bờ biển Việt Nam về Hoàng Sa – Trường Sa

Nhà hàng hải Bồ Đào Nha Vasco de Gama (1469 – 1524) là người đầu tiên tìm đường sang Á Đông vòng qua mũi Hảo Vọng (Cap Bonne Espérance) ở cực Nam Phi. Đó là năm 1497. Bồ Đào Nha đặt nhiều thương điếm ở Ấn Độ (như Goa và Mã Lai (Malacca). Nhà hàng hải Tomé Pires tiếp nối hành trình, đi từ Malacca năm 1512    ngược lên phía bắc quan sát bờ biển và hải đảo các nước Campuchia, Chăm pa, Giao Chỉ (tức Đại Việt mà biên cương mới tới Quy Nhơn), Trung Quốc, Nhật Bản . . . Ngay từ đó, các nhà hàng hải Bồ Đào Nha đã thấy. “Quần đảo Paracel là một bãi đá ngầm nằm suốt từ nam ra bắc ở bờ biển xứ Đàng Trong dài 92 hải lý (l hải lý dài 5 km 556, cả thảy dài 511 km 152) từ vĩ tuyến 12011 tới vĩ tuyến 16045C từ ngoài khơi Vũng Tàu đến Thừa Thiên – Huế và rộng 20 hải lý tức 111 km 120″[2]. Các bãi đá tập trung ở phía bắc ta gọi là Hoàng Sa, Tây phương gọi là Paracel hay Pracel, nay Trung Quốc gọi là Tây Sa; ở phía nam ta gọi là Trường Sa, Tây phương gọi là Spratly, nay Trung Quốc gọi là Tây Sa. Trên bờ biển từ Thừa Thiên xuống Quy Nhơn, các bản đồ ngoại quốc Tây phương đều ghi là Costa da Pracel (bờ biển Hoàng Sa). Những bản đồ Bồ Đào Nha đó là: Diego Ribeiro 1527, Bartholomeu Velho 1560, Livro da Marinharia 1560, Lazaro Luis 1563, Bartholomeu Lasso 1590, Femão Vaj Dourado 1590, Petrus Plancius 1592, Zoão Teixeira 1630,…[3] Ngoài Bồ Đào Nha còn những bản đồ Tây phương khác cũng ghi về Hoàng Sa – Trường Sa mặc nhiên là của Việt Nam, như: Abraham Ortelius 1567 , Ludovico Georgio 1584, Joan Martines 1591, Linschoten 1595, Jodocus Hondius 1606, Blacu 1635, Thevenot 1664, Dudley 1665, John Seller 1675, Placide 1686, Blaeu Legacy 1672….[4]. Đó là chưa kể : Van Langren 1595, Mercator 1613, Berthelot 1635, Antonio Sanchej 1641, Enda Vontgangh 1646, Giang Blaen 1663…

Chính quyền thuộc địa Pháp đã cho khảo sát, vẽ rõ ràng và chi tiết biển Đông (Quốc tế gọi là Mer de Chine) và tất cả quần đảo và đảo lớn nhỏ nằm trong đó. Đáng kể nhất là bản đồ quần đảo Hoàng Sa (Archipel des Paracels d’après les levés allemands 1881 – 1885 et les travaux anglais et francais les plus récents. Service hydrographique de la Marine. Paris 1885. Mars 1840 (3è édition). Vậy là có cả người Đức và người Anh nghiên cứu Hoàng Sa – Trường Sa trước người Pháp.

Năm 1701, các giáo sĩ Hội thừa sai Paris (MEP) đi trên tàu Amphitrite sang Trung Hoa, đã kể lại: “Chúng tôi gặp quần đảo Paracel là quần đảo thuộc chủ quyền đế quốc An Nam” (Le Paracel est un archipel qui dépend de l’ Empire d’Annam .


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả người Trung Quốc Ngụy Nguyên vẽ rõ hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam

Năm 1842, Ngụy Nguyên cho xuất bản tác phẩm Hải quốc đồ chí. Sách này gồm 60 quyển, mô tả khắp các nước năm châu bốn biển. Trong quyển 9, tờ 4 (2 trang), Ngụy Nguyên ghi bên tay phải Đông Nam Dương các quốc diên cách đồ và vẽ sơ đồ nước Việt Nam chia ra 3 phần: Việt Nam Đông đô (Hà Nội), Việt Nam Tây đô (Thanh Nghệ) và Quảng Nam đàng Trong). Ngoài khơi Việt Nam có ghi rõ Đông Dương đại hải. Bên ngoài Thuận Hóa cảng khẩu, có những chấm nhỏ li ti mang tên Vạn lý Trường Sa (chúng ta nhận diện là quần đảo Hoàng Sa). Bên ngoài bờ biển Việt Nam Tây đô cũng có những chấm li ti nhưng ít hơn mang tên Thiên lý thạch đường (chúng ta nhận diện là quần đảo Trường Sa). Hai quần đảo này hoàn toàn nằm trong Đông Dương Đại Hải tức thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngụy Nguyên không hề biết gì đến Tây Sa hay Nam Sa!

Chính quyền Pháp ở Đông Dương đặt hai đài khí tượng trên Hoàng Sa và Trường Sa

Năm 1927, Pháp đặt một trạm khí tượng hạng nhất (Station météorologique de 1er ordre) tại đảo Paule (Hoàng Sa) và một trạm phong vũ biểu trên đảo Itu Aba (tức đảo Bạ Bình trong quần đảo Trường Sa). Đó là hai đài khí tượng nằm trong hệ thống được quốc tế thừa nhận[5].

Tóm lại, hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa liên tục thuộc chủ quyền Việt Nam từ 500 năm nay, không chỉ do những tư liệu lịch sử Việt Nam mà cả những cứ liệu quốc tế – kể cả Trung Quốc – cũng đều khẳng định.

 


[1] Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb Từ điển Bách Khoa Hà Nội, 2005, tr.596.

[2] PY Manguin, Les Portugais sur 1es côtes du Vètnam. PEFEO, Paris, 1 972, tr.43 – 44.

[3] Như trên, phụ lục cuối sách.

[4] Thomas Suarez, Early mapping of Southeast Asia, Singapore, 1999.

[5] Bruzon, Carton, Romer, Le climat de l’nđochine et 1es typhoons de la Mer de Chine, Ha noi, 1930.

 

Kiểm tra tương tự

10 cách cốt yếu để trưởng thành trong sự khiêm nhường của Mẹ Têrêsa

Lời khuyên của Thánh Têrêsa Calcutta đặc biệt phù hợp trong thời đại kỹ thuật …

Lời cuối cùng của thánh Inhaxiô Loyola trước khi qua đời

Giống như bao con người khác, sau một khoảng thời gian sống tại thế và …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *